Chu Nguyên Chương, hoàng đế khai quốc của triều Minh, từ một người nghèo khổ đến nỗi phải đi ăn mày, sau này lại trở thành hoàng đế, con đường “cá chép hóa rồng” của Chu Nguyên Chương có thể nói còn mang tính truyền kỳ hơn cả tiểu thuyết. 

Tranh vẽ Chu Nguyên Chương (Wikivand)

Có câu nói, thời thế tạo nên anh hùng, thành công của Chu Nguyên Chương không thể tách rời với thời thế, nhưng yếu tố quan trọng bậc nhất là năng lực và tầm nhìn của bản thân ông, từ một số việc chúng ta có thể nhìn ra tính tất yếu trong sự thành công của ông. 

Sau khi tộc người Mông Cổ bị đánh đuổi khỏi mảnh đất Trung Nguyên trở về thảo nguyên phương bắc, để diệt cỏ tận gốc thế lực Bắc Nguyên và ổn định biên giới phía bắc của nhà Minh, Chu Nguyên Chương đã nhiều lần phát động Bắc phạt. Chu Nguyên Chương trong thời gian trị vì của mình đã phát động tổng cộng hơn mười cuộc Bắc phạt, thắng nhiều hơn bại, trong số đó, trong Trận hồ Buir lần thứ chín, quân Minh trong một trận đánh đã tiêu diệt triều đình Bắc Nguyên.

Triều đại nhà Minh ở thời của Chu Nguyên Chương có rất nhiều danh tướng như Từ Đại, Thường Ngộ Xuân, Thang Hòa, Lam Ngọc, v.v. , còn trong doanh trại Bắc Nguyên cũng có tướng lĩnh khiến Chu Nguyên Chương thấp thỏm không yên, hơn nữa còn không tiếc lời ca ngợi người ấy là “kỳ nam tử” (người đàn ông hiếm thấy), vị tướng lĩnh này chính là Vương Bảo Bảo. 

Vương Bảo Bảo anh dũng thiện chiến, rất giỏi chiến thuật, là một trong số ít những vị tướng có thể đe dọa quân đội của triều Minh. Trước đây, trong trận chiến với quân khởi nghĩa Trung Nguyên, tài chỉ huy xuất sắc của Vương Bảo Bảo đã giúp ông giành chiến thắng trong hầu hết các trận chiến. Ngay cả Chu Nguyên Chương cũng bội phục ông sát đất, ngày đêm muốn có được vị tướng lĩnh kiệt xuất này, nhưng trước sau đều không được toại nguyện. 

Tranh minh họa (Nguồn: Internet)

Năm 1367, Chu Nguyên Chương ra lệnh cho Thường Ngộ Xuân, Từ Đạt và các tướng lĩnh khác dẫn 25 vạn đại quân tiến hành Bắc phạt, và bí mật căn dặn các tướng rằng phàm là gặp được Vương Bảo Bảo nhất định phải bắt sống.

Sau đó, đại quân Bắc phạt của Từ Đạt tiến thẳng về phía bắc, mặc dù Vương Bảo Bảo đã bảo vệ Nguyên Thuận Đế thuận lợi trốn thoát, nhưng em gái của ông là Vương thị đã bị bắt. Bởi Vương thị mang thân phận đặc biệt, bọn người Từ Đạt đã đưa nàng về Nam Kinh để Chu Nguyên Chương xử trí. 

Vương thị từ nhỏ đã hiểu biết chữ nghĩa, bụng đầy kinh luân, Chu Nguyên Chương vừa trông thấy đã rất lấy làm yêu mến, quyết định ban hôn nàng cho con trai của mình là Chu Sảng. Ông làm như vậy cũng có mục đích, thứ nhất có thể bày tỏ thành ý của mình, từ đó trực tiếp lấy được lòng tin của Vương Bảo Bảo; thứ hai, có thể chia rẽ Vương Bảo Bảo và Hoàng đế Nguyên Thuận. 

Nhưng Vương thị này cũng không phải là người không hiểu sự đời, nàng không muốn mang lại phiền phức cho anh trai, cho nên lấy cớ phụ thân mới mất, cần phải để tang ba năm để từ chối cuộc hôn sự này.

Nhìn cô gái nhỏ trước mặt, Chu Nguyên Chương thật là không nỡ giết đi, bèn hỏi nàng một câu: “Nàng cảm thấy trên đời này điều gì lớn nhất?”. Vương thị tư duy vô cùng nhạy bén, nàng lập tức đáp rằng: “Dạ thưa, trên đời này Trung – Hiếu lớn nhất!”.

Chu Nguyên Chương cảm phục Vương thị (Ảnh minh hoạ cắt từ phim)

Chu Nguyên Chương nghe thấy bốn chữ ‘Trung – Hiếu lớn nhất’ này, ngửa mặt lên trời cười to, thầm nghĩ nữ nhân này biết cái đạo trung hiếu, cũng không phải người thô lỗ, phóng túng. Ông nhìn thẳng vào Vương thị, nghiêm nghị nói: “Nếu đã nói vậy, nàng đừng quên rằng trước chữ ‘Hiếu’ còn có một chữ ‘Trung’. Trung quân đứng trước, thủ hiếu đứng sau. Ta là quân vương, ta bắt nàng gả chồng thì nàng phải gả chồng”. 

Vương thị dù không tình nguyện, nhưng cuối cùng cũng chỉ có thể gả cho con trai thứ hai của Chu Nguyên Chương là Chu Sảng, trở thành Tần vương Chánh phi. Đáng tiếc là kết cục của Vương thị lại không được tốt, sau khi Tần Vương Chu Sảng qua đời, Chánh phi Vương thị bị buộc phải tuẫn táng theo chồng.

Theo Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch