Vào thời nhà Thanh, ở miền Tây Chiết Giang có một thư sinh tên là Thẩm Trúc Lâu. Cha chàng là một viên quan huyện, có hai con trai, Thẩm Trúc Lâu là con trai cả, con trai thứ làm việc trong huyện nha để phụ giúp gia đình. Sau khi Thẩm Trúc Lâu nhập học, chàng dựa vào nghề dạy học để mưu sinh. Vợ chàng Lý thị, cũng là con gái trong một gia đình quan chức nhỏ. Nàng may vá và dệt vải cho người khác để phụ thêm thu nhập cho gia đình.

Thẩm Trúc Lâu thường ngày đã không thể có đồ ăn ngon để cung dưỡng cha mẹ, nhưng vào năm khoa thi, chàng còn phải giúp đỡ bố vợ và em vợ, nên bố mẹ chàng bắt đầu ghét bỏ và coi thường chàng, gọi chàng là kẻ mọt sách, ép vợ chàng phải đi làm kiếm sống. Năm đó, Thẩm Trúc Lâu đã đổ bệnh, tất cả học sinh đều giải tán, khiến cuộc sống càng thêm bấp bênh không cách duy trì.

Sau khi khỏi bệnh, chàng nói với vợ: “Anh thật xấu hổ khi làm một người đàn ông. Anh trên không thể phụng dưỡng cha mẹ, dưới không thể nuôi nấng vợ con, thực sự xấu hổ và bất an. Tuy nhiên, nếu cứ bám chết vào những cuốn sách cũ này, thì làm sao có thể khấm khá lên được? Anh có một người họ hàng làm thư ký ở Hồ Nam, rất được ông chủ tin tưởng, anh dự định đến gặp ông ấy, học lấy một cái nghề, cũng có thể trở nên khấm khá. Em đừng sợ khổ hạnh, hãy ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, đợi anh ba năm, nếu không có tin tức, đó chính là anh sự nghiệp bất thành, lúc đó nên đi về đâu, em có thể tự mình xử trí.”

Lý thị khóc lóc đồng ý. Thẩm Trúc Lâu mượn tiền của họ hàng và bạn bè, gom góp được vài lượng bạc, rồi lang thang đến Hồ Nam thăm người họ hàng. Nhưng thật không may, người thân của chàng đã chết vì bệnh từ trước đó một tháng, Thẩm Trúc Lâu không còn ai để nương tựa. Chàng đã dùng hết tiền, tiến thoái lưỡng nan, nên quyết định tự sát. Vì vậy, chàng bí mật lẻn vào một trạm bưu điện bên ngoài Phòng Thành, cởi thắt lưng và treo cổ tự tử.

Vừa khớp khi đó, có một viên thiên hộ tên là Trương Biền, là quan võ hàm chính ngũ phẩm quản lý các bộ tộc và binh lính ở địa hạt, đến đây tuần tra, nhìn thấy Thẩm treo cổ tự tử, nên cử binh lính đến kiểm tra. Nhận thấy cơ thể vẫn còn ấm, ông bèn cởi quần áo và tiến hành các hoạt động cứu hộ. Thẩm Trúc Lâu được cứu sống, tỉnh lại. Sau khi hỏi đầu đuôi, thiên hộ mới biết được nguyên nhân, nói: “Ngươi là thư sinh, nhất định có thể viết, cho nên ngươi phải chịu trách nhiệm thay ta viết chương biểu văn hịch. Ta có thể cung cấp cho ngươi cơm ăn áo mặc, vậy tại sao phải chết vô ích thế này?” Thẩm Trúc Lâu đã làm theo lời khuyên của ông, nhận việc quản lý viết lách và thư từ cho Trương thiên hộ, hai người tương xử rất hòa hợp.

Vài năm sau, Trương thiên hộ được thăng chức đến thống soái xứ Hoài, những người buôn muối ở Hoài Thượng (khu vực phía bắc sông Hoài thời xưa gọi là Hoài Thượng) muốn gặp Trương soái phải hội diện tiên sinh Thẩm trước tiên. Họ thích Thẩm tiên sinh vì hiền lành và tốt bụng, mọi người đều khen ngợi chàng. Trương soái cũng hết lòng tiến cử chàng, cảm thán rằng chàng không có sự nghiệp. Những người buôn muối nhận ra ý đồ của chủ soái, mọi người đều sẵn sàng quyên góp hàng trăm lượng bạc cho chàng mỗi năm, nên nguồn tài chính của Thẩm Trúc Lâu đã trở nên đầy đủ.

Vài năm sau, Trương soái qua đời. Thẩm Trúc Lâu xử lý tang sự cho ông, hộ tống thân thuộc của ông trở về Hồ Nam, rồi lại trở lại Hoài Thượng. Thương nhân càng tin tưởng vào sự trung hậu thành thực của Thẩm, đã giúp chàng thành lập cơ sở kinh doanh muối của riêng mình. Thẩm Trúc Lâu làm việc không ngại lao khổ, cẩn thận lên kế hoạch, trên dưới hài hòa, công việc kinh doanh của chàng dần dần mở rộng, số tiền được phân phối lên đến cả triệu lượng, đã giống như một doanh nhân lớn. Có hàng trăm người làm việc cho chàng, cũng có người khuyên chàng nên lấy thêm vợ và thê thiếp, Thẩm Trúc Lâu không nỡ phụ bạc vợ hiền, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt, chàng quyết định thu dọn hành lý và quay về quê đón vợ.

Lúc này triều đình đang đối mặt với cuộc nổi dậy của Bạch Liên giáo ở Tứ Xuyên và Sở, rất cần quân lương, nên Thẩm Trúc Lâu đã hiến tặng cho triều đình 10 vạn lượng bạc, và được phong hàm quan tứ phẩm. Sau đó, chàng mua hàng chục bộ y phục mỹ lệ, với nhiều hoa văn và nhiều đồ trang trí quý giá, lộng lẫy để tặng bố mẹ, vợ và em vợ. Sau khi chuẩn bị xong, bảo vật được chất lên một con tàu du lịch trang trí lộng lẫy, theo sau là hàng chục người ra khơi về quê hương ở miền Nam. Mọi người thấy họ đều có cảm giác như đang thấy một nhân vật tai to mặt lớn đang đi tuần du, hai mắt không dám nhìn thẳng, hai chân không dám cử động.

Chẳng bao lâu sau, chàng đã về đến Chiết Giang, đầu tiên chàng cử một nô bộc ăn mặc sang trọng cưỡi ngựa đi báo tin trước, mọi người làng đều kinh ngạc, tranh nhau ra đón. Khi Thẩm Trúc Lâu đến nơi, cha mẹ chàng ra cửa nghênh tiếp, em trai chàng cũng phục xuống đất bái kiến. Thân thích đổ xô đến tâng bốc và chúc rượu chàng không ngừng. Nhìn thấy chàng khí chất ngời ngời, họ đều thốt lên: “Đại trượng phu đích thực phải như thế này!”

Thẩm Trúc Lâu không nhìn thấy vợ, nên đi hỏi cha mẹ. Cha mẹ chàng nói: “Con trai ta đã thành quý nhân rồi, sao lại lo lắng không có được một người vợ tốt? Tại sao lại phải luyến tiếc vợ cũ như vậy?” Thẩm Trúc Lâu có chút nghi hoặc nên đi thăm hỏi cha mẹ vợ. Mẹ của Lý thị nghèo khổ ốm đau, thấy con rể tới, thanh uy khí thế ngời ngời, bà cụ vui mừng khôn xiết, khóc lớn: “Ai nói con rể tôi đã chết? Đều là vì con gái tôi không có phúc khí!”

Thẩm Trúc Lâu vội vàng hỏi có chuyện gì vậy? Bà lão nói: “Con đừng trách ta, đó là lỗi lầm của cha mẹ con. Từ khi con đi xa, không lâu sau liền có tin con đã chết, con gái ta hai lần muốn tự tử tuẫn tiết theo chồng, ta không biết sự thực nên đã ngăn cản con gái. Ai ngờ cha mẹ con ép con dâu phải ăn riêng ở riêng, còn ức hiếp ta già nua ốm yếu, không hề thương lượng với ta mà gả con dâu cho một viên quan lại, đã mấy năm rồi.”

Thẩm Trúc Lâu vô cùng thất vọng, không khỏi thở dài, sau đó nói: “Vợ chồng mười năm chung sống, sao có thể vong tình? Tuy rằng cô ấy đã cải giá với người khác, nhưng đây không phải là bổn ý của cô ấy, có thể cho con gặp lại cô ấy một lần không?” 

Bà lão nói: “Gặp lại con gái ta có trở ngại gì, bảo nó quay về chắc cũng không khó.” Thế là bà bèn gọi một chiếc xe đến đón.

Người vợ nhìn thấy Trúc Lâu, không khỏi tiếc nuối, nói: “Chàng vì sao lại tuyệt tình với em như thế! Chàng đi mà không có một chút hồi âm khiến cho cha mẹ tưởng rằng tin chàng chết là thật, nên em không thể ở lại nhà mình. Hôm nay đã đoạn tuyệt rồi, sao chàng lại đến đây tìm em làm gì?!”

Thẩm Trúc Lâu sau đó đã giải thích toàn bộ câu chuyện cho Lý thị, vô cùng hối hận vì đã không báo cáo với gia đình sớm. Những người tùy tùng tặng vợ chàng quần áo đẹp và đồ trang sức, nhưng nàng đặt chúng sang một bên và phớt lờ. Sau đó nàng nói với mẹ: “Chắc chồng con đói rồi, mẹ ở đây bầu bạn cùng chồng con, con vào bếp chuẩn bị đồ ăn cho anh ấy.” 

Sau đó, bà lão ra ngoài mua rượu, còn Lý thị lại đi thẳng vào bếp rồi treo cổ tự tử. Bà lão quay lại, kêu lên thất thanh hô hoán hàng xóm đến, nhưng không kịp nữa rồi, Lý thị đã chết. Khi một quan chức nghe được chuyện này, nghĩ rằng có người đã uy hiếp Lý thị khiến nàng tự sát, liền đi báo quan. Quan phủ sau đó đã triệu tập Thẩm Trúc Lâu, truy vấn nguyên do, đánh cho một trận rồi thả chàng ra.

Sau khi Thẩm Trúc Lâu chôn cất vợ một cách chu đáo, chàng chuẩn bị trở về, đưa tất cả những món đồ trị giá ngàn vàng tặng cho cha mẹ mình, rồi nói: “Những thứ này là đủ cho cha mẹ dưỡng lão rồi, con trai không có phúc báo đáp ân tình dưỡng dục của cha mẹ, hãy để con tạm thời quay lại Hoài Thượng, ngày sau có cơ hội con sẽ đón cha mẹ lên.” Cha mẹ chàng chỉ biết xấu hổ gật đầu. Thẩm Trúc Lâu quay tàu đi đến chùa Kim Sơn, lấy tiền ra chia cho bộc nhân và những người tùy tùng của mình, tài vật còn dư lại toàn bộ được tặng cho ngôi chùa, dùng nó để hoằng dương Phật sự, còn bản thân cạo tóc làm tăng cho đến cuối đời.

Nguồn: “Khách song nhàn thoại”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch