Đàn ông có thể kiếm nhiều tiền, thành đạt chốn công sở, nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi về nhà tốt nhất là họ nên biết cách… “sợ vợ” để gìn giữ một tổ ấm hạnh phúc dài lâu.
Văn Bình trong nhóm bạn chúng tôi là người nổi tiếng sợ vợ. Chỉ cần vợ sai bảo điều gì, anh đều răm rắp làm theo, mặt mày hớn hở không chút phàn nàn. Những mẩu đối thoại của hai vợ chồng, đại thể là thế này:
“Ông xã ơi, em khát quá, anh làm ơn rót cho em ly nước với!“.
“Có liền“.
“Ông xã ơi, em đổ mồ hôi rồi, anh lấy cho em cái khăn tắm đến đây“.
“Ok bà xã“.
“Bà xã này, hôm nay em vẫn chưa ăn trái cây, để anh lấy cho em quả táo nhé“.
“Tốt quá, anh rửa sạch rồi mang đến cho em nhé. Cảm ơn anh“.
“Chờ anh 3 phút“.
Ở nhà là vậy, ra chốn đông người, tính “sợ vợ” của anh cũng biểu hiện không chút e ngại. Có một lần, tôi cùng Văn Bình và 6 người bạn thân dẫn theo gia đình cùng đi du lịch. Buổi tối, mọi người trong nhóm cùng ghé vào một siêu thị lớn để tham quan, mua sắm. Các chị em đều đang bận bịu đi tới đi lui giữa các gian hàng, còn cánh đàn ông chúng tôi thì chậm rãi theo sau, vừa đi vừa tán chuyện.
Một lúc sau, trong tay các chị em đã thấy kĩu kịt nào là túi lớn túi nhỏ. Trên đường trở về khách sạn, chúng tôi bất chợt gặp Văn Bình đang khệ nệ tay xách nách mang mấy túi hàng của vợ anh. Cái ba lô nữ căng phồng cũng đang vắt vẻo trên vai. Trông anh cứ như một ông Tây ba-lô ngơ ngác đến xứ lạ.
“Vợ này, để anh mang cho”, vừa nói anh vừa cười rạng rỡ. Được phụ giúp, chiều chuộng vợ hình như là hạnh phúc bất tận của đời anh. Điều đó thật khiến cho các bà vợ xung quanh ngưỡng mộ không thôi.
Chị Vân đứng bên cạnh véo lấy tai tôi: “Chú đối với vợ có được tốt như vậy không, ráng mà học tập người ta đi”. Tôi gật gật đầu giống như gà mổ thóc vậy: “Vâng, vâng, vâng”. Bèn bắt chước đi đến bên cạnh vợ, tay chân vụng về định gỡ cái ba lô đang đeo trên vai vợ xuống.
Tôi còn chưa kịp mở miệng, vợ bỗng giật mình quay đầu lại nhìn: “Em còn tưởng là ăn trộm chứ. Không cần, em vẫn không quen lắm”. Tôi tiu nghỉu nói với chị Vân: “Cô ấy cảm thấy không quen”. Chị dùng tay đẩy khẽ đầu tôi một cái: “Chắc là ngày thường không dụng tâm, đến lúc nguy nan mới vội ôm chân Phật chứ gì!”.
Văn Bình thường ngày đều vui vẻ, tươi cười, ai nhìn cũng cảm thấy hạnh phúc tràn đầy trên gương mặt anh, rất hiếm khi thấy anh có tâm sự phiền não. Anh kết hôn đã hơn 20 năm, ngày nào cũng đều sống rất vui vẻ. Anh nhìn vào còn thấy trẻ hơn cả chục tuổi so với thực tế. Không biết đây có phải là bởi “sợ vợ” mà được phúc hay không?
Thật ra, “sợ vợ” vốn không phải là sợ thật, mà là một kiểu tôn trọng và quan tâm, là một loại hiểu biết và bao dung. Thấu hiểu và thông cảm với những vất vả của vợ, làm thêm chút việc lặt vặt giúp vợ, khiến vợ có nhiều niềm vui hơn, đó là quan tâm chia sẻ, là tôn trọng yêu thương.
Không so đo với vợ những chuyện nhỏ nhặt, các vấn đề nhỏ không làm phiền đến vợ, những vấn đề lớn thì trao đổi bàn bạc với nhau. Chớ nên bởi chút chuyện nhỏ nhặt mà tranh cãi với vợ đến tỏ mặt tía tai.
Chỉ cần các đấng mày râu có thể buông bỏ cái gọi là “sĩ diện”, có thể “sợ” vợ hơn một chút, thế thì vợ chồng có thể duy trì tình cảm ân ái ngọt ngào, hạnh phúc.
Trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra điều tương tự. Sau khi nghiên cứu 130 cặp vợ chồng, một tiến sĩ tâm lí tên là John Gottman cho biết, những cặp đôi có chồng nể nang, chiều chuộng vợ thường ít xảy ra xung đột và có cuộc sống hôn nhân êm ái, bền vững hơn.
Ông cũng cho biết rất nhiều mâu thuẫn vợ chồng xảy ra là bởi cùng một nguyên nhân: Không biết lắng nghe. Thay vì ngồi xuống, tĩnh tâm cùng giải quyết mâu thuẫn, họ lại to tiếng, nổi nóng rồi hành động chỉ vì cái tôi ích kỷ của mình. Hôn nhân bởi thế mà ngày càng trở nên ngột ngạt.
Ngày nay, các đức ông chồng thường cho rằng nể nang, nhường nhịn vợ chính là đánh mất đi sĩ khí đại trượng phu. Nhưng một nghiên cứu khác cho thấy có đến hơn 80% khả năng gia đình sẽ tan vỡ nếu chồng không biết nghe lời vợ. Giữa sĩ khí, sĩ diện của mình và tổ ấm gia đình, bạn chọn gì?
Nhiều người đã dưỡng thành một tư duy bảo thủ dựa theo những khái niệm nhầm lẫn đã bị đánh tráo. Họ cho rằng Nho giáo là phân biệt nam nữ, trọng nam khinh nữ. Nhưng kỳ thực nền tảng của Nho gia là sự trung dung, không có bất kỳ sự ưu tiên đến mức cực đoan nào cho nam giới.
Về đạo vợ chồng, người xưa cũng giảng: “Phu thê tương kính như tân” (vợ chồng kính nhau như khách, dùng lễ mà đối đãi với nhau). Đã là coi nhau như khách thì phải vừa biết tôn trọng, nể phục lại vừa phải biết lắng nghe, thấu hiểu nhau.
Một người chồng biết quý vợ như khách, nói vui vẻ là biết cách “sợ vợ” thế nào cho đúng cũng không hề là chuyện dễ dàng. Đó phải là một người đàn ông có chỉ số cảm xúc cao, nhạy cảm, biết quan tâm, bao dung, tha thứ và đôi khi là nhẫn chịu nữa.
Họ sẵn sàng dẹp bỏ cái tôi để nâng vợ lên, lắng nghe, che chở vợ. Người ta chẳng phải vẫn hay nói phụ nữ là phái yếu đó sao? Nhường nhịn người yếu đuối hơn mình thì có gì là bị sỉ nhục? Trái lại, đó là một loại mỹ đức, một sự cao thượng.
Họ cũng sẵn lòng bày tỏ yêu thương với người vợ của mình bất kể là ở nhà hay giữa chốn đông người. Họ không sợ điều tiếng thế gian, không ngại bị chế nhạo là anh “râu quặp”.
Họ hiểu rằng lời thị phi kia rốt cuộc cũng chỉ thoảng qua như làn khói, không chút mảy may đáng phải bận tâm. Điều cốt yếu là yêu vợ, thương con, gìn giữ mái ấm.
Làm được những điều kia, ai còn dám chê những đức ông chồng “sợ vợ” là yếu hèn đây?
Thiện Sinh – Văn Nhược
- Mẹ càng “lười biếng” gia đình sẽ càng hạnh phúc, hóa ra là vì…
- Câu chuyện của người phụ nữ từ ‘cọp cái’ trở thành ‘vợ hiền, mẹ tốt’
- Người ta cả đời kiếm tìm hạnh phúc không thành là vì quên mất 1 điều…