Lý Đại Chiêu là một trong những người sáng khởi ĐCSTQ. Vào ngày 6 tháng 4 năm 1927, chính phủ Bắc Dương đã bắt giữ ông tại Đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh, ngay sau đó treo cổ ông ta vì tội “Thông mưu với Liên Xô, thông đồng với ngoại quốc”

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!

Vào ngày 28 tháng 4 năm 1927, Lý Đại Chiêu, một trong những người sáng khởi ĐCSTQ, đã bị treo cổ với tội danh “thông mưu với Liên Xô, thông đồng với nước ngoài”, sau khi bị tòa án quân sự chính phủ Bắc Dương xét xử, khi đó mới 38 tuổi.

Sau khi tin tức về vụ xử tử Lý Đại Chiêu đến Liên Xô, nó đã gây ra phản ứng dữ dội.

Vào ngày 1 tháng 5 năm 1927, Pravda (Báo Chân lý), tờ báo chính thức của ĐCS Liên Xô, đăng một bài báo gọi Lý là “anh hùng bị sát hại”. Vào ngày 8 tháng 5, Voitinsky, đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Trung Quốc, đăng bài báo “Thương tiếc Lý Đại Chiêu”. Vào ngày 10 tháng 5, Quốc tế Cộng sản đưa ra một lá thư kháng nghị.

Tại sao Lý Đại Chiêu bị bắt và bị chính phủ Bắc Dương trừng phạt nghiêm khắc? Sau khi ông ta bị xử tử, tại sao ĐCS Liên Xô và Quốc tế Cộng sản lại phản ứng mạnh mẽ như vậy? Hôm nay, dựa trên “Vãn Thanh tận đầu là Trung Hoa Dân Quốc” và các tài liệu khác, chúng tôi sẽ kể với quý vị về đại sự này trong lịch sử một thế kỷ của ĐCSTQ.

Lý Đại Chiêu bị bắt ở đâu?

Lý Đại Chiêu bị bắt bên trong đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh.

Theo “Tin tức buổi sáng” Bắc Kinh đương thời, vào khoảng 10:30 sáng ngày 6 tháng 4 năm 1927, rất nhiều phu xe và người qua đường mặc thường phục đột nhiên xuất hiện ở các ngã tư đông, tây, bắc lộ ở ngõ Đông Giao Dân. Người qua đường cảm thấy có gì đó không bình thường. Vào lúc 11 giờ, hơn 150 cảnh sát và hơn 100 quân cảnh trong trang bị đầy đủ rời đồn cảnh sát và đi thẳng đến ngõ Đông Giao Dân. Một số người canh giữ các ngã tư, số còn lại bao vây đại sứ quán Liên Xô.

Con gái của Lý Đại Chiêu, Lý Tinh Hoa, hồi ức lại: Đột nhiên có tiếng hét bên ngoài cửa sổ truyền đến: “Không được để thoát!” Ngay sau đó, các hiến binh mặc đồng phục màu xám và đi ủng, thám tử mặc thường phục và cảnh sát mặc đồng phục đen tràn vào. Ai đó lập tức lao đến Lý Đại Chiêu và giật lấy khẩu súng từ tay ông ta.

Đồng thời còn có 64 người, bao gồm vợ, hai con của Lý Đại Chiêu, những người phụ trách địa khu Bắc Kinh của lưỡng đảng Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản cũng bị bắt giữ.

Lý Đại Chiêu làm gì trong đại sứ quán Liên Xô?

Ông ta đã ẩn náu ở đó hơn một năm, đây là bộ chỉ huy tối cao tham gia các hoạt động chống chính phủ tại Bắc Kinh của ĐCSTQ, và Lý Đại Chiêu chính là tổng chỉ huy.

Khi cảnh sát quân sự đến bắt ông ta, Lý Đại Chiêu không chỉ có một khẩu súng lục trong tay, quân cảnh còn thu giữ bảy xe tải chở nhiều thứ, bao gồm nhiều súng và đạn dược, cũng như các văn kiện, hồ sơ, và lượng lớn chứng cứ về mối liên hệ đặc biệt giữa Liên Xô, Quốc tế Cộng sản và các phe phái chính trị ở Trung Quốc

Để biến án Lý Đại Chiêu thành thiết án, Sở Cảnh sát Kinh Sư đã phiên dịch và phân loại hơn 2.400 trang “Tài liệu văn chứng về âm mưu của Liên Xô” từ các văn kiện và hồ sơ được tìm kiếm, chủ yếu liên quan đến hai hạng mục: “trinh thám bí mật quân sự” và “kinh phí sở dụng của Liên Xô tại Trung Quốc”.

Thông qua những tài liệu này, có thể thấy rõ rằng: thứ nhất, trong thời kỳ chiến tranh Bắc phạt, Lý Đại Chiêu đã tham dự công tác điệp báo quân sự; thứ hai, Lý Đại Chiêu cấu kết với chính phủ Liên Xô tham dự nội chiến Trung Quốc; thứ ba, Lý Đại Chiêu đã có những liên lạc bí mật với Phùng Ngọc Tường, tướng quân của Quốc dân đảng; thứ tư, Lý Đại Chiêu, với tư cách là lãnh đạo phương bắc của Quốc dân đảng và Cộng sản đảng, đã tham gia vào hoạt động lật đổ chính phủ.

Chính phủ Bắc Dương do Trương Tác Lâm đứng đầu tin rằng Lý Đại Chiêu là một “gián điệp Nga” lộ liễu, kẻ đã phạm tội “thông đồng với địch, phản quốc”, không giết không xong.

Thử tưởng tượng xem, nếu hôm nay, tại một đại sứ quán nước ngoài nào đó ở Bắc Kinh, ĐCSTQ bắt giữ một thủ lĩnh chống chính phủ có súng lục, giấu rất nhiều súng đạn và có rất nhiều bằng chứng bằng văn bản chứng minh rằng ông ta tư thông với ngoại quốc, ĐCSTQ sẽ làm thế nào để đối phó? Rất có thể người này sẽ bị kết án tử hình vì tội danh “lật đổ chính quyền quốc gia”.

Tội phạm bị truy nã nhiều lần

Lý Đại Chiêu, rất nhiều người biết vị này, nhưng hầu hết họ đều chỉ nghe tuyên truyền của ĐCSTQ, nói rằng ông ta là một “người yêu nước”, v.v., tô vẽ thành một hình tượng chính diện. Lý Đại Chiêu sinh ra ở huyện Lạc Đình, tỉnh Hà Bắc, năm 1889. Khi còn là một thiếu niên, ông học một trường tư thục. Năm 1907, ông được nhận vào Trường Pháp Luật và Chính trị Bắc Dương. Năm 1913, ông đến Nhật Bản để học tại Đại học Waseda.

Từ năm 1918 đến năm 1927, Lý Đại Chiêu giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh, và cũng từng là chủ nhiệm Thư viện Đại học Bắc Kinh. Trong thời kỳ này, tuy hưởng lương từ Bộ Giáo dục của chính phủ Bắc Dương, nhưng mặt khác, ông ta lại cực lực tuyên dương Cách mạng Nga, chủ nghĩa Mác-Lê, toan tính tổ chức ĐCSTQ, và trở thành lãnh đạo chủ yếu của địa khu phương bắc của ĐCSTQ. 

Chính phủ Bắc Dương đã nhiều lần truy nã ông ta, nói rằng ông ta “giả mượn học thuyết cộng sản, hô hào tụ tập quần chúng, nhiều lần gây rối”, yêu cầu toàn quốc “nghiêm túc tra cứu, lấy đó để bài trừ nguồn gốc gây loạn, đảm bảo an toàn cho địa phương”.

Vào cuối tháng 3 năm 1926, Lý Đại Chiêu trốn trong đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh cùng vợ con, tại đây duy trì liên lạc chặt chẽ với các tổ chức cách mạng ở nhiều vùng phía bắc bằng nhiều biện pháp khác nhau, đồng thời điều khiển họ từ xa để tiến hành các hoạt động chống lại Trương Tác Lâm.

Nguyên nhân sâu xa khiến Lý Đại Chiêu bị giết

Lý Đại Chiêu cuối cùng đã bị xử tử, và nguyên do trực tiếp là “gián điệp Nga” và “thông đồng với địch phản quốc”. Kỳ thực còn có những nguyên do sâu xa hơn: thứ mà ông ta mang lại gây hại cho Trung Quốc lớn hơn nhiều so với một gián điệp. Cho đến hôm nay, cả đất nước Trung Hoa này vẫn đang phải gánh chịu hậu quả. Tại sao nói như vậy?

Thứ nhất, Lý Đại Chiêu tuyên truyền mạnh mẽ chủ nghĩa Mác-Lê ở Trung Quốc.

Lý Đại Chiêu tiếp xúc với chủ nghĩa Mác khi đang học ở Nhật Bản. Khi cuộc “Chính biến tháng Mười” nổ ra ở Nga vào năm 1917, ông rất phấn khích, nghĩ rằng mình đã nhìn thấy bình minh của một thế kỷ mới. Đây trở thành một cơ hội then chốt để ông ta dốc sức tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác-Lê ở Trung Quốc.

Lý Đại Chiêu liên tiếp xuất bản các bài báo như “Cái nhìn so sánh về Cách mạng Pháp và Cách mạng Nga”, “Thắng lợi của thứ dân”, “Chiến thắng của chủ nghĩa Bôn-sê-vích”, cho rằng “Cách mạng Nga năm 1917 là điềm báo trước của cách mạng thế giới trong thế kỷ 20″; “Thử xem hoàn cảnh tương lai, tất là thế giới cờ đỏ”.

Ông chỉ đạo thành lập “Hội nghiên cứu tư tưởng học thuyết Mác” của Đại học Bắc Kinh, hỗ trợ phụ trương “Bưu điện buổi sáng” mở “Chuyên mục nghiên cứu về Mác”, đồng thời đăng “Tuyên ngôn Cộng sản” của Mác trên “Bình luận mỗi tuần” do ông đồng sáng lập.

Vào tháng 7 năm 1919, “Quan điểm của tôi về chủ nghĩa Mác” do Lý Đại Chiêu tuyển viết đã giới thiệu tương đối hệ thống chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học của chủ nghĩa Mác, đương thời có ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ.

Chủ nghĩa Mác-Lê nói về vô thần luận, đấu tranh bạo lực, hoàn toàn xung đột với văn hóa truyền thống Trung Quốc vốn giảng thiện ác hữu báo, kính sợ thiên mệnh. Nó phá hoại hành vi đạo đức của người Trung Quốc trong văn hóa truyền thống.

Thứ hai: Lý Đại Chiêu thành lập ĐCSTQ dưới sự kiểm soát của Quốc tế Cộng sản.

Sau cuộc “Chính biến tháng Mười” năm 1917, để phá vỡ cục diện cô lập và đơn độc trên trường quốc tế, nước Nga Xô viết thông qua việc thành lập Quốc tế Cộng sản, đã xuất khẩu cách mạng ra nước ngoài, thành lập các đảng phái trực thuộc ở các quốc gia khác phụ thuộc ĐCS Liên Xô. 

Đầu tháng 4 năm 1920, Quốc tế Cộng sản phái Voitinsky mang theo kinh phí đến Bắc Kinh gặp gỡ Lý Đại Chiêu, thúc đẩy việc thành lập ĐCSTQ. Sau đó, Lý Đại Chiêu giới thiệu Voitinsky đến Thượng Hải để gặp Trần Độc Tú và thảo luận về việc thành lập đảng.

Với sự giúp đỡ của Voitinsky, Trần Độc Tú đã lên kế hoạch thành lập ĐCSTQ. Ban đầu ông ta đặt tên là “Đảng Cộng sản Xã hội”, sau khi lắng nghe ý kiến ​​của Lý Đại Chiêu, đổi thành “Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Vào tháng 8 năm 1920, ĐCSTQ chính thức được thành lập và Trần Độc Tú được bầu làm bí thư.

Từ ngày 23 đến 31 tháng 7 năm 1921, Đại hội lần thứ nhất của ĐCSTQ được tổ chức tại Thượng Hải. Đại hội đã thông qua cương lĩnh lần thứ nhất của Đảng, mục tiêu phấn đấu chính là đánh đổ giai cấp tư sản, xóa bỏ quyền sở hữu tư bản, thiết lập chính quyền chuyên chính vô sản, thủ tiêu sở hữu tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Rõ ràng, ĐCSTQ do Lý Đại Chiêu tham gia sáng lập ĐCSTQ, đã bị nước Nga Xô Viết thao túng ngay từ đầu, mục đích trực tiếp chính là lật đổ chính quyền hợp pháp Trung Hoa Dân Quốc.

Điều thứ ba khiến Lý Đại Chiêu bị giết là ông ta đã tham gia vào các hoạt động chống Trung Hoa Dân Quốc theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản.

Vào tháng 7 và tháng 9 năm 1919, Nga Xô viết đã ban hành hai tuyên bố với Trung Quốc, nói rằng họ sẽ từ bỏ hiệp ước bất bình đẳng đã ký giữa Nga và Trung Quốc, từ bỏ lãnh thổ Trung Quốc bị Nga chiếm đóng, từ bỏ quyền thuê và quyền tài phán lãnh sự của Nga tại Trung Quốc, từ bỏ khoản bồi thường Canh Tý của Nga, từ bỏ mọi đặc quyền trong Đường sắt Trung Đông, v.v.

Hai bản tuyên ngôn này có lực hấp dẫn rất lớn đối với rất nhiều người Trung Quốc lúc bấy giờ, đặc biệt là giới trí thức trẻ, những người cho rằng nước Nga Xô viết thực sự là quá tốt.

Họ đâu biết rằng đây chỉ là hai miếng mồi lớn do Nga Xô tung ra, họ kỳ thực còn chưa chuẩn bị một chút nào để thực hiện lời hứa của mình.

Không những vậy, Nga Xô còn lợi dụng tình hình chính trị hỗn loạn ở Trung Quốc lúc bấy giờ, một mặt gây áp lực lên chính phủ Bắc Dương, yêu cầu thừa nhận Nga Xô, thiết lập quan hệ ngoại giao với Nga Xô; mặt khác liên lạc với Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu, ủng hộ Tôn Trung Sơn đối kháng chính phủ Bắc Dương, làm kẻ ngồi ở giữa trục lợi.

Một điều kiện quan trọng để nước Nga Xô viết ủng hộ Tôn Trung Sơn là yêu cầu các thành viên của ĐCSTQ lấy thân phận cá nhân gia nhập Quốc dân đảng, làm trò hợp tác Quốc – Cộng nhằm củng cố ĐCSTQ.

Vào tháng 1 năm 1924, tại Đại hội toàn quốc của Quốc dân đảng, Lý Đại Chiêu được bầu làm một trong năm thành viên của đoàn chủ tịch đại hội, và được bầu làm ủy viên Ban chấp hành trung ương của Quốc dân đảng, và sau đó được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ tổ chức Bộ chấp hành Bắc Kinh Quốc dân đảng. Vào ngày 8 tháng 3 cùng năm, Lý Đại Chiêu trở thành ủy viên trưởng Ban Chấp hành ĐCSTQ địa khu Bắc Kinh. Bằng cách này, ông ta đã trở thành nhà lãnh đạo thực tế của cả hai đảng ở miền Bắc.

Sau khi Lý Đại Chiêu từ Quảng Châu trở về Bắc Kinh, một trong những việc chính mà ông ta làm là theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản gây áp lực lên chính phủ Bắc Dương, yêu cầu chính phủ Bắc Dương công nhận Liên Xô và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này.

Vào thời điểm đó, Liên Xô không chỉ kế thừa đầy đủ thành quả xâm lược Trung Quốc của Sa hoàng Nga, mà còn đưa quân đến Ngoại Mông của Trung Quốc, sau khi đánh đuổi quân đồn trú địa phương của Trung Quốc, Liên Xô đã cưỡng bức đóng quân ở Ngoại Mông.

Cho dù những lời trên miệng của nước Nga Xô viết và Quốc tế Cộng sản có dễ nghe đến đâu, thì đối với người dân Trung Quốc, nước Nga Xô viết, cũng giống như nước Nga của Sa hoàng, là một quốc gia thù địch gây nguy hiểm cho chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc.

Trong hoàn cảnh như vậy, Lý Đại Chiêu và các nhà lãnh đạo ĐCSTQ khác đã hoàn toàn đứng về phía Nga Xô viết và gây áp lực lên chính quyền Bắc Dương, đây chẳng phải là thông đồng với địch và phản quốc sao?

Vào giữa tháng 6 năm 1924, Lý Đại Chiêu, người bị chính quyền Bắc Dương truy nã, đã cải trang thành một doanh nhân, lẻn qua biên giới từ Mãn Châu, nhập cảnh vào Liên Xô, sau đó đến Mạc Tư Khoa bằng tàu hỏa để tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản. Sau cuộc họp, ông ta ở lại Mạc Tư Khoa với tư cách là đại diện của ĐCSTQ tại Quốc tế Cộng sản.

Vào tháng 10 năm 1924, Phùng Ngọc Tường phát động một cuộc chính biến ở Bắc Kinh, lật đổ trực hệ, bắt cóc tổng thống Tào Côn và trục xuất Phổ Nghi, cựu hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh khỏi Tử Cấm Thành. Sau đó, Phùng Ngọc Tường, Đoàn Kỳ Thụy, Trương Tác Lâm và những người khác đã gửi một bức điện mời Tôn Trung Sơn từ phía nam đến Bắc Kinh để thảo luận về các vấn đề quốc gia.

Khi tin tức đến Liên Xô, Lý Đại Chiêu đã rất vui mừng. Ông ta lên đường trở về Trung Quốc vào ngày 3 tháng 12 năm 1924, trở thành nhân vật có liên quan trong việc hỗ trợ quân đội Liên Xô và thu phục Phùng Ngọc Tường.

Với sự hỗ trợ của ĐCSTQ, Phùng Ngọc Tường đã liên kết với Liên Xô, quốc gia gây nguy hiểm cho chủ quyền của Trung Quốc, khiến Trương Tác Lâm và Ngô Bội Phu liên hợp với nhau, phát động chiến tranh thảo phạt Phùng Ngọc Tường.

Phùng Ngọc Tường bị đánh bại, và Lý Đại Chiêu cũng không thể tránh khỏi đại họa.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch