Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Lại nói chuyện Mạnh Thường Quân danh tiếng lẫy lừng, uy vọng vang xa lục quốc. Tần Chiêu Tương vương nghe nói nước Tề trọng dụng Mạnh Thường Quân thì rất lo ngại, bèn ngầm sai người sang nước Tề phao tin rằng Mạnh Thường Quân mua chuộc lòng người để nhằm đoạt ngôi vua.
‘Thỏ khôn đào ba hang’
Vua Tề khi ấy là Tề Mẫn vương bị những lời ly gián ấy mê hoặc, cũng bắt đầu nghi ngờ Mạnh Thường Quân. Vì thanh danh của Mạnh Thường Quân quá lớn, có phần lấn lướt cả quốc quân, vua Tề sợ rằng địa vị của mình sẽ bị uy hiếp. Ít lâu sau, Tề Mẫn vương triệu Mạnh Thường Quân vào cung nói: “Quả nhân không thể lấy thần của tiên quân làm thần của mình”, liền quyết định thu hồi tướng ấn của Mạnh Thường Quân. Sau khi Mạnh Thường Quân bị cách chức, ba nghìn môn khách trong nhà cũng lũ lượt bỏ đi, chỉ còn một mình Phùng Hoan ở lại. Mạnh Thường Quân bấy giờ rất cô đơn. Phùng Hoan bèn nói rằng: “Tôi sẽ đưa ngài trở về đất Tiết”. Đất Tiết chính là đất phong của Mạnh Thường Quân vậy.
Thế là Phùng Hoan tự tay đánh xe, chở Mạnh Thường Quân về đất Tiết. Khi xe còn cách xa hàng trăm dặm, dân chúng nghe tin Mạnh Thường Quân trở về, già trẻ dắt díu nhau mang rượu thịt ra đón. Vẻ mặt ai nấy đều lộ rõ sự cảm kích đối với Mạnh Thường Quân. Trông thấy cảnh ấy, Mạnh Thường Quân vô cùng xúc động, quay đầu lại nói với Phùng Hoan: “Ấy chính là nhân nghĩa mà trước kia tiên sinh mua cho ta đó ư!”. Phùng Hoan nói: “Chuyện đó không tính làm gì. Tôi nghe nói thỏ khôn phải đào ba hang. Đất Tiết mới chỉ là một hang mà thôi. Bây giờ tôi lại nguyện vì ngài đào thêm hai cái hang khác nữa”.
Thế là Phùng Hoan lại đánh xe đến Tần quốc. Khi yết kiến Tần Chiêu Tương vương, ông nói: “Tần và Tề, một ở tây, một ở đông, đều là nước lớn. Nước nào có được nhân tài thì nước ấy có thể xưng bá thiên hạ”. Tần vương gặng hỏi: “Vậy tiên sinh có kế gì giúp cho Tần mạnh lên được không?”. Chỉ đợi có thế, Phùng Hoan ôn tồn giảng: “Đại vương đã biết chuyện nước Tề bỏ Mạnh Thường Quân chưa? Tề sở dĩ được thiên hạ xem trọng là vì có Mạnh Thường Quân là người hiền tài, vậy mà vua Tề nghe lời gièm pha, thu lại tướng ấn, lấy công làm tội. Mạnh Thường Quân tất oán Tề lắm. Nay nhân ngay lúc Mạnh Thường Quân đang oán Tề, mà Tần mời sang làm tướng, thì bao nhiêu việc kín của Tề, Tần sẽ biết hết, nhân đó mà lấy cả nước Tề cũng được, há phải là chỉ mạnh hơn Tề mà thôi đâu? Đại vương nên kíp sai sứ đem lễ vật ngầm sang đón Mạnh Thường Quân ở ấp Tiết, chớ nên bỏ lỡ cơ hội. Vạn nhất vua Tề biết, lại hối hận mà dùng Mạnh Thường Quân nữa thì trong hai nước Tề và Tần, mạnh yếu thế nào chưa thể định được!”.
Lý lẽ của Phùng Hoan rất kín kẽ. Nếu dùng Mạnh Thường Quân, nước Tần vừa có được thêm nhân tài, vừa làm suy yếu nước Tề, lại vừa có được nhiều thông tin tình báo quan trọng. Nên nhớ Mạnh Thường Quân đã từng là tướng quốc của nước Tề, trong ngoài các việc đều nắm rõ. Bởi thế mới nghe Phùng Hoan nói, Tần Chiêu Tương vương đã cực kỳ cao hứng, lập tức phái sứ giả đánh xe tứ mã, chở đầy vàng bạc đến nghênh đón Mạnh Thường Quân. Phùng Hoan lại nói với Tần vương: “Tôi xin đi trước để nghênh đón”. Thế là Phùng Hoan lại đánh xe quay lại Tề quốc, khi trước là làm sứ sang Tần, giờ lại làm sứ sang Tề, cứ đi lại như con thoi vậy.
Về đến nước Tề, Phùng Hoan không về gặp Mạnh Thường Quân mà vội vào yết kiến Tề Mẫn vương ngay. Ông nói với vua Tề: “Tần và Tề tranh nhau mạnh yếu hơn thua như thế nào, quốc quân hẳn đã biết. Được người hiền tài thì mạnh, mất người hiền tài thì yếu. Nay thần nghe người ta nói vua Tần thấy Mạnh Thường Quân bị bãi thì lấy làm may lắm, sai sứ sang đón về làm tướng. Nếu Mạnh Thường Quân làm tướng quốc nước Tần thì sẽ đem những điều lợi cho Tề mà làm lợi cho Tần, như vậy thì Tần trở nên mạnh, mà Lâm Tri, Tức Mặc thì nguy đến nơi rồi!”. Nhưng Tề vương khi ấy vẫn còn nghi hoặc, lại sai người đến biên cảnh do thám. Quân thám mã báo về thấy có nhiều xe ngựa hối hả, quả nhiên là sứ nước Tần đến đón Mạnh Thường Quân. Thế là Tề vương liền đổi ý, lại cho gọi Mạnh Thường Quân trở về tiếp tục làm tướng quốc.
Việc này trong “Sử ký” và “Chiến Quốc sách” chép không giống nhau. “Chiến Quốc sách” nói rằng Phùng Hoan đến nước Nguỵ, sau đó mới về nước Tề. Còn “Sử ký” lại chép rằng Phùng Hoan đầu tiên đến nước Tần, sau đó mới về lại nước Tề. Sau khi Mạnh Thường Quân trở lại làm tướng quốc nước Tề, Phùng Hoan nói với ông: “Ba hang đã đào đủ cả rồi, từ nay về sau ngài có thể kê cao gối mà ngủ”.
Lời bạch: Mạnh Thường Quân thu nhận Phùng Hoan làm môn khách, khi Phùng Hoan vẫn còn chưa bộc lộ tài năng gì mà vẫn cung phụng hết thảy yêu cầu. Lúc Phùng Hoan đến đất Tiết thu nợ, đốt hết giấy nợ, nói là mua nhân nghĩa về, dù không thể lý giải được hành vi ấy nhưng Mạnh Thường Quân vẫn đối đãi rộng lượng, hào phóng, không trách mắng, càng không xử phạt. Về sau bị thất sủng, Mạnh Thường Quân đã được Phùng Hoan báo đáp, cuối cùng trở lại được địa vị như xưa, có phần còn vinh hiển hơn. Phùng Hoan trung nghĩa, lúc nguy biến vẫn không bỏ chủ, hết lần này đến lần khác “đào ba hang” vững chãi cho Mạnh Thường Quân là: đất Tiết, nước Tần và nước Tề. Thế còn ba nghìn môn khách khác của Mạnh Thường Quân lúc ấy đang làm gì?
Trong lúc Mạnh Thường Quân gặp nguy nan, ba nghìn môn khách lũ lượt ra đi. Đến khi ông nắm đại quyền trở lại thì họ lại lục tục quay về. Mạnh Thường Quân vô cùng thất vọng, nói với Phùng Hoan: “Điền Văn ta xưa nay đối với tân khách không dám có điều gì thất lễ, mà khi bị bãi chức, khách đều bỏ Văn này mà đi. Nay nhờ tiên sinh mà Văn này lại được phục chức, tân khách còn mặt mũi nào mà kéo đến nữa?”.
Phùng Hoan điềm tĩnh nói: “Chuyện này có gì là khó hiểu đâu. Vinh nhục thịnh suy là lẽ thường ở đời. Ngài không thấy cái chợ ở nơi đô hội lớn đó sao? Sớm ra thì ai nấy chen vai tranh cửa mà vào, đến chiều thì vắng ngắt như bãi tha ma. Đó không phải vì người ta thích buổi sáng hay ghét buổi tối, mà là buổi sáng có lợi còn buổi tối thì không còn. Ngài hà tất phải yêu cầu bọn họ quá cao? Ở đời giàu sang lắm kẻ cầu thân, nghèo hèn chẳng ai buồn hỏi, đó là việc thường ngài còn lạ gì!”. Mạnh Thường Quân nghe vậy, bèn thu nhận lại những môn khách kia và tiếp tục đối tốt với họ như trước.
Chúng ta thấy rằng, Mạnh Thường Quân có hai ưu điểm. Thứ nhất là ông ta rất hào phóng. Phùng Hoan đã đốt sạch giấy nợ ở đất Tiết nhưng Mạnh Thường Quân không trừng phạt cũng không đuổi Phùng Hoan đi. Hai là Mạnh Thường Quân biết lắng nghe.
Chuyện kể rằng, một lần Mạnh Thường Quân đi sứ đến nước Sở, vua Sở vì mến tài ông nên đã hào phóng tặng ông một chiếc giường điêu khắc bằng ngà voi quý ngàn lượng vàng. Mạnh Thường Quân vui vẻ nhận và sai thuộc hạ của mình vận chuyển chiếc giường quý về nước Tề trước. Nhưng người thuộc hạ này trong tâm thực sự không muốn nhận nhiệm vụ này. Chiếc giường rất quý, hơn nữa lại dễ hỏng hóc, xây xát nếu đi đường xa. Chẳng may trên đường có chuyện gì làm hỏng chiếc giường quý thì dẫu có bán cả vợ con đi hắn cũng chẳng đền nổi cho chủ nhân. Nhưng người này lại rất sợ Mạnh Thường Quân, không dám nói trước mặt ông, phải ngầm đến gặp một thủ hạ khác dưới trướng Mạnh Thường Quân là Công Tôn Tuất. Anh ta nài nỉ: “Ông có thể giúp ta làm sao khuyên chủ nhân không để tôi phải đi làm chuyện này được không? Nếu ông có thể thuyết phục được chủ nhân, ta nguyện đem bảo kiếm tổ truyền tặng cho ông”.
Dĩ nhiên là Công Tôn Tuất đồng ý, bèn đến gặp Mạnh Thường Quân mà nói rằng: “Ngài có viết vì sao mình nổi danh khắp các chư hầu chăng? Bởi vì ngài rất liêm khiết, trong sạch. Nay ngài mới đi sứ nước Sở đã vội nhận ngay món lễ vật quý, sau này đến nước khác họ biết phải lấy gì tặng ngài đây? Ngài nhận món quà là chuyện nhỏ nhưng thanh danh lại bị huỷ mất. Người đời đều sẽ bảo rằng Mạnh Thường Quân tham vàng bỏ nghĩa. Các nước chư hầu khác không giàu mạnh như Sở, không biết lấy gì quý giá để tặng ngài, chẳng phải là ngài sẽ làm họ phải mất mặt đó sao?”.
Mạnh Thường Quân im lặng nghĩ ngợi một chút rồi nói: “Tiên sinh đã nói vậy, thôi thì ta hãy mang trả lại chiếc giường ngà này cho Sở vương đi”.
Công Tôn Tuất thuyết phục Mạnh Thường Quân thành công, đương nhiên trong lòng rất vui sướng, cao hứng để lộ ra ngoài. Công Tôn Tuất vừa lui được vài bước, Mạnh Thường Quân thấy nghi hoặc bèn gọi trở lại hỏi cho ra lẽ: “Vì sao ta trả lại giường quý mà tiên sinh lấy làm đắc ý đến thế?”. Công Tôn Tuất thuật lại mọi chuyện với Mạnh Thường Quân và nói: “Nếu ngài không lấy cái giường ngà voi này thì tôi sẽ có được một thanh bảo kiếm”.
Mạnh Thường Quân nghe xong, không những không trách Công Tôn Tuất mà còn lập tức sai người đi bố cáo với các thủ hạ của mình rằng: “Bất luận là ai, chỉ cần có thể giúp khuếch trương thanh danh hoặc chỉ ra khuyết điểm của Điền Văn ta thì cho dù người đó có lén nhận quà tặng từ kẻ khác cũng không thành vấn đề. Xin mọi người chớ ngại ngần gì mà cứ đưa ra ý kiến”.
Tín Lăng Quân nhún mình đãi kẻ sĩ
Vào thời Chiến Quốc, “dưỡng sĩ” (nuôi kẻ sĩ trong nhà) là một trào lưu rất phổ biến. Mạnh Thường Quân là một trong “Tứ đại công tử” nổi danh thời Chiến Quốc, tất cả họ đều dưỡng sĩ trong nhà. Danh tiếng của “Tứ đại công tử” lớn đến nỗi trong tác phẩm “Sử ký” vĩ đại của mình, Tư Mã Thiên đã dành cho mỗi người họ một chương (liệt truyện), gồm có: Mạnh Thường Quân liệt truyện, Bình Nguyên Quân – Ngu Khanh liệt truyện (kể về Bình Nguyên Quân Triệu Thắng của nước Triệu), Nguỵ công tử liệt truyện (kể về Tín Lăng Quân Nguỵ Vô Kỵ của nước Nguỵ), Xuân Thân Quân liệt truyện (kể về Xuân Thân Quân Hoàng Yết của nước Sở).
Trong số “Tứ đại công tử” thời Chiến Quốc, hiểu được thế nào là thuật “dưỡng sĩ” chân chính e rằng chỉ có Tín Lăng Quân Nguỵ Vô Kỵ mà thôi. Những vị công tử còn lại đều thuộc dạng “dưỡng sĩ” giống Mạnh Thường Quân, tức là nuôi trong nhà những hạng “chó sủa gà gáy”, việc gì cũng có thể bất chấp mà làm. Bản thân Tín Lăng Quân cũng là một nhân tài chân chính, cầm quân đánh giặc rất giỏi. Ông nuôi dưới trướng mấy kẻ sĩ đều thuộc hạng nhân tài phi thường.
Trong “Sử ký”, phần “Nguỵ công tử liệt truyện” có kể lại một cố sự. Kể rằng, có một lần Tín Lăng Quân Nguỵ Vô Kỵ chơi cờ với Nguỵ vương. Đang đánh dở ván thì có thám mã tức tốc vào báo tin khẩn: có khói đốt ở phía bắc, nước Triệu tập hợp nhiều quân mã đang áp sát biên giới nước Nguỵ. Nguỵ vương bấy giờ là An Ly Vương, anh cùng cha khác mẹ với Tín Lăng Quân, tỏ ra lo lắng, định bụng bỏ ván cờ để triệu quần thần vào thương nghị kế chống địch. Tín Lăng Quân mặt không đổi sắc, vẫn ngồi chơi cờ điềm tĩnh như không, đoạn nói: “Đại vương chớ lo, không phải có giặc đâu! Ấy là vua Triệu đi săn đó thôi!”.
Nguỵ vương vẫn ngờ vực không tin, chẳng còn bụng dạ nào mà đánh cờ. Được một lúc, lại có thám báo vào tâu: “Quả thực Triệu vương mang quân đi săn, săn xong liền trở về rồi!”. Nguỵ vương lấy làm lạ mới hỏi Tín Lăng Quân: “Làm sao khanh biết được?”. Tín Lăng Quân điềm nhiên trả lời: “Đại vương không biết thần nuôi rất nhiều môn khách sao? Những môn khách này của thần rất nhạy bén tin tức, nước nào phát sinh chuyện gì họ đều biết cả. Vừa rồi là môn khách của thần ở nước Triệu biết được tin tình báo và báo cho thần. Triệu vương đã định liệu đúng ngày này đi săn từ trước”.
Nguỵ vương nghe Tín Lăng Quân nói, trong bụng bắt đầu đề phòng người em của mình. Không những không dám tin tưởng Tín Lăng Quân, Nguỵ vương còn lấy làm lo sợ. Ông ta cảm thấy năng lượng, khí chất của Tín Lăng Quân quá lớn, sợ rằng nhất cử nhất động của mình đều sẽ không thoát khỏi lòng bàn tay Tín Lăng Quân. Bởi vậy, dù Tín Lăng Quân là nhân tài cự phách song Nguỵ vương cũng chưa từng trọng dụng ông. “Sử ký” chép rằng: “Sau đó, Nguỵ vương sợ công tử hiền năng, không dám giao chính sự quốc gia cho công tử”.
Tín Lăng Quân sống ở Đại Lương, kinh đô của nước Nguỵ (nay là thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam). Bấy giờ có một người gác cổng thành Di Môn, tên là Hầu Doanh (còn gọi là Hầu Sinh) tuổi đã bảy mươi, nhà nghèo nhưng rất hiền lương. Tín Lăng Quân biết tiếng, muốn đem lễ hậu đến biếu. Nhưng Hầu Doanh khước từ, nói: “Ta không thể nhận tiền của công tử. Ta tu thân, giữ nết trong sạch mấy chục năm nay, từ lâu đã coi nhẹ tiền bạc. Giờ ta đã già, càng không muốn làm hoen ố thanh danh của mình, quyết không vì phải canh cổng thành khổ sở mà nhận tiền từ công tử”. Bởi thế, Tín Lăng Quân rất tôn trọng Hầu Doanh.
Một lần nọ, Tín Lăng Quân mở tiệc lớn khoản đãi tân khách, có mời rất nhiều nhân vật danh tiếng bao gồm cả sứ thần các nước chư hầu và quý tộc nước Nguỵ. Tiệc chuẩn bị khai, Tín Lăng Quân vẫn để trống một chỗ ngồi cao quý nhất dành cho thượng khách. Ông nói với mọi người rằng phải ra ngoài đón một vị khách quý tới, sau đó mới mở tiệc. Khi ấy Tín Lăng Quân đích thân mang xe ngựa đến cửa Di Môn để đón Hầu Doanh, chỗ ngồi bên trái bỏ trống. Theo lệ xưa, khi ngồi trên xe thì chỗ ngồi bên trái được dành cho người tôn quý, gọi là “Hư tả”.
Hầu Doanh chỉ sửa qua áo mũ rồi bước thẳng lên xe, điềm nhiên ngồi vào phía bên trái, ý muốn để dò ý Nguỵ Vô Kỵ. Vô Kỵ vui vẻ cầm dây cương một cách cung kính, đích thân đánh xe chở ông. Hầu Doanh nói với Vô Kỵ rằng muốn ghé thăm một người bạn làm nghề hàng thịt ở ngoài chợ. Nguỵ Vô Kỵ nghe theo, đánh xe đi đường vòng vào chợ. Hầu Doanh xuống xe, hỏi thăm Chu Hợi, cố ý dùng dằng, nói chuyện rất lâu chừng một canh giờ (tương đương với hai tiếng bây giờ), thi thoảng lại liếc nhìn Vô Kỵ. Khi ấy Vô Kỵ vẫn kiên nhẫn đợi trên xe. Trong khi đó những người đi theo Vô Kỵ bắt đầu mắng nhiếc Hầu Doanh. Nhưng sắc mặt Vô Kỵ trước sau vẫn không đổi. Hầu Doanh nhìn thấy, bèn từ tạ Chu Hợi mà lên xe theo Tín Lăng Quân về phủ.
Hãy thử tưởng tượng, khách quý trong nhà Tín Lăng Quân đều là vương tôn, quý tộc, sứ giả nước ngoài… đang có tâm trạng thế nào? Họ đã đợi hơn hai tiếng đồng hồ, rượu và thức ăn đã nguội lạnh. Họ ngửa cổ đợi Tín Lăng Quân trở về, những tưởng đi đón thượng khách nào hoá ra là một ông lão canh cổng thành ăn mặc rách rưới, không có địa vị gì. Tân khách vô cùng tức giận vì cảm thấy bị làm nhục nhưng Tín Lăng Quân lại tiếp tục cúi mình kính cẩn mời Hầu Doanh ngồi vào ghế thượng khách dù Hầu Doanh không được chào đón từ đầu.
Hoá ra hôm nay là ngày sinh nhật của Hầu Doanh! Tín Lăng Quân tự tay cầm rượu đến trước mặt Hầu Doanh chúc thọ. Hầu Doanh mỉm cười nói: “Công tử, hôm nay Doanh này quả đã làm khó ngài rồi! Nhưng nếu ta không làm như vậy thì ngài cũng không có được tiếng tốt vang xa. Ta cố ý bảo ngài đánh xe một vòng quanh chợ, lại cố tình nói chuyện với Chu Hợi lâu đến thế bởi vì trong chợ có rất nhiều người, ai nhìn thấy cũng đều sẽ chê Hầu Doanh này là kẻ vô học và khen công tử là người đức độ, nhún mình trước kẻ sĩ. Hôm nay Doanh này làm một điều tồi tệ đến vậy chính là đã hy sinh thanh danh của mình để thành toàn danh tiếng cho công tử vậy! Từ nay ai cũng biết Tín Lăng Quân là bậc đại quân tử”.
***
Năm 286 TCN, nhân việc Tống Khang vương lấn đất của cả Nguỵ, Sở và Tề, vua Tề là Tề Mẫn vương kêu gọi Sở và Nguỵ liên minh cùng đánh Tống. Liên quân 3 nước đánh bại Tống Khang vương, chia đất Tống làm ba. Sau khi diệt Tống, Tề Mẫn vương trở nên rất kiêu ngạo. Mạnh Thường Quân nhiều lần can gián, vua Tề không những không nghe mà còn thêm một lần nữa tước tướng ấn của ông. Mạnh Thường Quân cảm thấy không thể nào hoà hợp được với Tề vương nữa, bèn bỏ sang Nguỵ. Chẳng bao lâu sau khi Mạnh Thường Quân rời đi, nước Tề phải đối mặt với hiểm cảnh diệt quốc. Nước Tề liệu có vượt qua được khó khăn này? Mời quý độc giả theo dõi trong các kỳ tiếp theo…
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng / Epoch Times
Tịnh Văn biên dịch