Diêu Đồng Bân là nguyên huân của hai quả bom nguyên tử của ĐCSTQ. Ngay khi còn đang ở thời kỳ sung mãn nhất và có thể tạo ra nhiều thành quả nghiên cứu khoa học hơn nữa, ông đã bị một nhóm côn đồ đánh chết khi mới 46 tuổi. Ai là kẻ đứng đằng sau vụ giết người này?

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Diêu Đồng Bân là chuyên gia nổi tiếng về vật liệu và kỹ thuật công nghệ tên lửa ở Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đang ở độ tuổi sung mãn nhất và có thể tạo ra nhiều thành quả nghiên cứu khoa học hơn nữa, thì đột nhiên gặp tai họa, bị một nhóm côn đồ đánh đến chết khi mới 46 tuổi. Rốt cuộc thì điều gì đã xảy ra?

Hôm nay, chúng ta dựa trên tiểu sử “Diêu Đồng Bân” và các tài liệu khác, kể về cuộc đời ngắn ngủi của nhà khoa học này.

Cái chết của Diêu Đồng Bân

Tối ngày 20 tháng 3 năm 2003, tại giảng đường tòa nhà Mông Dân Vĩ của Đại học Thanh Hoa, Bành Khiết Thanh, vợ của Diêu Đồng Bân, người từng được ĐCSTQ tặng thưởng “Huân chương Chiến công hai quả bom và một vệ tinh”, đã có bài diễn giảng về sự tích lúc bình sinh của chồng bà cho các giáo sư và học sinh Đại học Thanh Hoa. Bà trước tiên kể về tình huống xảy ra tai nạn vào ngày Diêu Đồng Bân xảy chuyện. Bà nói:

Chiều thứ Bảy ngày 8 tháng 6 năm 1968, như thường lệ, bà bắt xe buýt từ phân hiệu Đại học Ngoại giao ở ngoại ô phía Tây Bắc Kinh về nhà ở ngoại ô phía Nam, mong được đoàn tụ gia đình sau mỗi tuần.

Khi bà đang vui vẻ leo cầu thang lên cửa nhà mình trên tầng ba, thì cánh cửa đột nhiên bật ra, bảo mẫu vừa khóc vừa nói: “Diêu sở trưởng… bị người ta đánh chết rồi!”

Ba cô con gái sợ hãi chạy ra ôm lấy mẹ mà khóc. Bành Khiết Thanh nhìn thấy chồng mình nằm thẳng cẳng trên ghế sofa trong phòng khách: áo sơ mi trắng dính đầy máu, chiếc quần xám cũng dính đầy máu và bùn đất, khuôn mặt bầm tím.

Bảo mẫu kể lại sự tình đã phát sinh: Ngày 8/6, hai tổ chức phe phái đối lập ở Cục Công nghiệp Cơ giới số 7 đã xảy ra cuộc ẩu đả bạo lực lớn với hàng chục nghìn người, Diêu Đồng Bân vẫn đi làm, đến trưa về nhà ăn trưa. Vừa nhấc đũa bát lên, thì bọn côn đồ “phái cách mạng giai cấp vô sản” đá tung cửa lao vào nhà, trước mặt 3 đứa trẻ, chúng nhấc bổng Diêu Đồng Bân lên và đẩy xuống lầu, vừa đẩy vừa đấm.

Đến cổng lớn, vài tên côn đồ đội mũ sắt, đeo băng tay màu đỏ tiến tới, vừa ném kính của Diêu Đồng Bân đi, vừa tát vào mặt ông và chửi bới một cách ác độc: “Đánh chết mày, đồ quyền uy phản động!” Diêu Đồng Bân bị đánh khắp người, mặt đầy máu, một tên đá vào âm hộ ông một cước, tiếp theo lại có hai tên khác dùng thanh sắt đánh vào đầu. Lưu tức thời hộc máu và ngã xuống đất.

Sau khi thấy vậy, một người hàng xóm vội chạy đến thỉnh cầu đưa Diêu Đồng Bân đến bệnh viện để cấp cứu, nhưng câu trả lời là: “Không được!” Người hàng xóm đành bế Diêu Đồng Bân lên nhà, và đặt ông trên ghế sofa trong phòng khách. Diêu Đồng Bân bị thanh sắt đập mạnh nhiều chỗ trên đầu, hôn mê bất tỉnh, máu tuôn không ngừng. Đến 3 giờ chiều, ông ngừng hô hấp và chết thảm tại nhà.

Diêu Đồng Bân lúc đó là sở trưởng Sở 703 của Bộ Công nghiệp Cơ giới số 7. Tại sao bọn côn đồ lại đánh ông đến chết? Thế lực nào yểm hộ chúng ở sau hậu trường? Diêu Đồng Bân là người như thế nào?

Sinh viên ưu tú

Diêu Đồng Bân sinh năm 1922 trong một gia đình bần hàn ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, nhưng từ nhỏ đã thông minh thiên phú, và có thành tích học tập xuất sắc. Sau đó, để tránh chiến loạn, ông chạy đến Cát An, tỉnh Giang Tây và được nhận vào trường trung học phổ thông cấp 13 quốc lập.

Năm 1941, ông đứng nhất tỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học tỉnh Giang Tây. Sau đó, ông tham gia kỳ thi tuyển sinh của nhiều trường đại học, được nhận vào 7 trường đại học, trong đó có Đại học Vũ Hán, Đại học Hồ Nam và Học viện Công nghệ Giao thông Đường Sơn. Cuối cùng ông chọn Học viện Công nghệ Giao thông Đường Sơn thuộc Đại học Giao thông (nay là Đại học Giao thông Tây Nam) để theo học Khoa Khai thác mỏ và Luyện kim.

Bốn năm sau, Diêu Đồng Bân tốt nghiệp với thành tích thứ nhất trong đánh giá tổng thể của trường, và được Viện Khai thác và Luyện kim thuộc Bộ Kinh tế của chính phủ Quốc gia của Trung Hoa Dân Quốc thuê làm trợ lý nghiên cứu.

Tháng 10 năm 1946, ông tham gia kỳ thi du học công đầu tiên do chính phủ tổ chức sau thắng lợi của kháng chiến chống Nhật, và trúng tuyển với thành tích xuất sắc; Tháng 10 năm sau, ông vào khoa Công nghiệp Luyện kim của Đại học Birmingham của Anh để học cao học; Tháng 12 năm 1951, ông nhận học vị tiến sĩ công nghiệp luyện kim học. Sau đó, ông tiếp tục học tại Học viện Royal College of Mines, học viện Imperial College London và xuất bản nhiều bài báo quan trọng.

Hoài bão theo ĐCSTQ

Thời kỳ lưu học ở Anh, Diêu Đồng Bân đã tiếp xúc với sách báo tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và bắt đầu sản sinh hảo cảm về ĐCSTQ, ông cũng tổ chức và tham gia “Hiệp hội Nhà khoa học Trung Quốc chi nhánh Anh quốc” và “Tổng hội lưu học sinh Trung Quốc tại Anh”, từng là chủ tịch Tổng hội lưu học sinh Trung Quốc tại Anh, v.v.

Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, Diêu Hồng Bân vui mừng đến mức lập tức gửi điện chúc mừng tới Mao Trạch Đông, chính quyền ĐCSTQ đã gửi cho Diêu một lượng lớn tài liệu tuyên truyền. Sau khi chiến tranh Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc bùng phát vào năm 1950, quân đội Liên hợp quốc do Mỹ dẫn đầu đổ bộ vào thành phố Incheon, Hàn Quốc để giúp Hàn Quốc chống lại cuộc xâm lược, đánh bại quân đội Triều Tiên, khiến Triều Tiên không thể không cầu viện ĐCSTQ. ĐCSTQ đã phái cái gọi là “quân tình nguyện” vào Triều Tiên, tuyên bố “kháng Mỹ viện Triều”, nhưng trên thực tế là giúp Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc, chiến đấu chống lại lực lượng Liên hợp quốc.

Tuyên truyền của ĐCSTQ hoàn toàn trái ngược với tình hình thực tế, nhưng Diêu Đồng Bân lại tin đó là sự thật. Ông không ngừng làm “đài truyền thanh nối dài” cho ĐCSTQ, thu hút sự chú ý của cảnh sát Anh, cảnh sát Luân Đôn đã đặc biệt mời ông tới “nói chuyện”, và yêu cầu ông rời khỏi Vương quốc Anh trong hạn kỳ.

Năm 1953, dưới chỉ thị của Đại sứ quán ĐCSTQ ở nước ngoài, Diêu Đồng Bân chuyển sang Khoa Luyện kim của Đại học Công nghiệp Jachen ở Tây Đức, đồng thời tiếp tục phục vụ ĐCSTQ. Tháng 9 năm 1956, Diêu tuyên thệ gia nhập ĐCSTQ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Bern, Thụy Sĩ.

Bán mạng cho ĐCSTQ

Tháng 9 năm 1957, Diêu Đồng Bân tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của thủ tướng Chu Ân Lai, tâm hoài báo quốc trở về Trung Quốc.

Trong dịp Tết Nguyên đán năm 1958, nguyên soái Nhiếp Vinh Trân, người lãnh đạo công tác “hai quả bom và một vệ tinh”, đã chỉ định Diêu Đồng Bân đến làm việc tại Viện nghiên cứu tên lửa thuộc Viện nghiên cứu số 5 vừa mới thành lập của Bộ Quốc phòng để công tác, phụ trách thành lập sở nghiên cứu công nghệ kỹ thuật và vật liệu hàng không vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc. Ông đã liên tục giữ chức vụ nghiên cứu viên, chủ nhiệm, sở trưởng. Sở nghiên cứu sau đó được đổi tên thành Sở 703 của Bộ Công nghiệp Cơ giới số 7.

Từ năm 1960 đến năm 1964, Diêu Đồng Bân lãnh đạo các nhân viên nghiên cứu khoa học của Sở 703 thực hiện hơn 500 hạng mục nghiên cứu, đặc biệt là về hợp kim hàn nhiệt độ cao, hợp kim titan, thép không gỉ mới, hợp kim nhôm cường độ cao, kim loại chịu lửa, công nghệ hàn mới, công nghệ cắt gang hóa học, ống kim loại dẻo, kết cấu tổ ong và các phương diện khác, đã đạt được những thành quả trọng đại, có tác dụng then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của vật liệu hàng không vũ trụ của Trung Quốc.

Nghiên cứu về “Vũ khí chiến lược dạng lỏng và hỏa tiễn vận tải” cũng như “Thành lập và phát triển Cơ sở thử nghiệm tính năng vật lý nhiệt độ cao” mà ông chủ trì sau đó đã giành được giải đặc biệt của Giải thưởng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Vào ngày 6 tháng 6 năm 1968, Diêu Đồng Bân và ba trợ thủ đã tham dự hội nghị về phóng vệ tinh có thể quay trở về đầu tiên của Trung Quốc. Tại buổi làm việc, ông tiếp nhận nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về kim loại chịu lửa, lớp phủ chống oxy hóa và vật liệu cách nhiệt ở nhiệt độ cao và các nhiệm vụ khác.

Diêu Đồng Bân không bao giờ có thể ngờ rằng, vào lúc này, chỉ còn hai ngày nữa là cuộc đời của ông sẽ kết thúc.

“Chết vì chấn thương do lực tác động mạnh vào đầu”

Dương Quốc Vũ, thiếu tướng ĐCSTQ, phó tư lệnh Hải quân, phó chủ nhiệm Ủy ban Quân quản thuộc Bộ Công nghiệp Cơ giới số 7, đã ghi lại một số tình huống đương thời trong nhật ký của mình.

Chẳng hạn, ngày 21/5/1968, ông viết: “Trong thời gian gần đây, võ đấu gia tăng, bắt đầu từ ngày 6/4, 19/4, 11/5, 16/5, 18/5 và 20/5, liên tiếp phát sinh võ đấu.”

Vào buổi trưa ngày 8/6/1968, “Một cuộc võ đấu lớn nổ ra giữa phe 915 và 916 ở Nam Uyển vào buổi trưa, có trên vạn người tham gia. Diêu Đồng Bân, sở trưởng Sở 703, bị phe 915 đánh đến chết. Đã đi trước để ngăn chặn, nhưng không cách nào tiếp cận, cũng không cách nào nắm bắt tình huống. Thời tiết nóng bức, đánh tới bốc hỏa, muốn ngăn chặn nó, nhưng không ngăn chặn nổi.”

Sau khi Chu Ân Lai biết tin Diêu Đồng Bân qua đời, ông ta chỉ thị: “Sẽ do ủy ban Quân quản giải quyết vụ việc và chấm dứt võ đấu, thi thể của Diêu sẽ được giải phẫu tử thi.”

Dương Quốc Vũ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện chỉ thị của Chu Ân Lai, cuối cùng ông cũng đã tiến hành giải phẫu tử thi Diêu Đồng Bân tại Bệnh viện Đa khoa Hải quân, và kết luận sơ bộ là nạn nhân chết vì chấn thương do lực tác động mạnh vào đầu.

Kết luận này xác nhận: Diêu Đồng Bân đã bị đánh đến chết.

Kích động quần chúng đấu tranh chống quần chúng

Việc phát sinh thảm kịch như vậy có liên quan mật thiết đến hoàn cảnh ác liệt ở Trung Quốc lúc bấy giờ. Mà sự ác liệt và mức độ rất to lớn này từ đâu mà tới? Có một cá nhân đã có quan sát độc đáo đối với điều này.

Chúng ta biết rằng nhân vật trọng yếu nhất mà Mao Trạch Đông muốn đả đảo khi phát động cuộc “Cách mạng Văn hóa” chính là người kế nhiệm được ông ta lựa chọn, nhân vật đứng thứ hai trong ĐCSTQ: chủ tịch quốc gia Lưu Thiếu Kỳ. Để đả đảo Lưu Thiếu Kỳ, Mao đã nhờ nguyên soái Lâm Bưu “hộ tống” Lưu, và tuyển định Lâm Bưu thay Lưu làm người kế nhiệm.

Sau khi Lưu Thiếu Kỳ bị lật đổ, năm 1971, Mao lại chuẩn bị đả đảo Lâm Bưu. Trước khi Mao hành động, vào ngày 13 tháng 9 năm 1971, Lâm Bưu và vợ Diệp Quần cùng con trai Lâm Lập Quả đã chết trong một vụ tai nạn máy bay phản lực ở Wendurhan, Mông Cổ. Sau đó, người của Mao đã tìm thấy “Kỷ yếu công trình 571” mà Lâm Lập Quả khi còn sống đã viết. Trong cuốn kỷ yếu này, Lâm Lập Quả nhiều lần nói về quan điểm của mình đối với Mao.

Lâm Lập Quả cho rằng Mao là kẻ “bạo chúa phong kiến ​​​​lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc”: “Ông ta lợi dụng quyền lực thống trị của đế vương phong kiến, ​​không chỉ kích động cán bộ đấu cán bộ, quần chúng đấu quần chúng, mà còn xúi giục quân đội đấu quân đội, đảng viên đấu đảng viên, là kẻ xướng đạo tối đại của võ đấu Trung quốc.”

Lâm Lập Quả viết trong kỷ yếu: “(Ông ta) biến bộ máy quốc gia Trung Quốc thành một cái máy xay thịt tàn sát lẫn nhau, bài xích hủy báng lẫn nhau.” Ông còn viết: “Thực chất của chủ nghĩa xã hội do Mao thúc đẩy là chủ nghĩa phát xít xã hội.” Những quan điểm xác đáng này, quả thực hễ châm là thấy máu.

Khi Mao phát động “Cách mạng Văn hóa”, một trong những biện pháp quan trọng nhất là “kích động quần chúng đấu quần chúng” như Lâm Lập Quả đã nói. Đương thời, từ Bắc Kinh đến khắp mọi miền đất nước, người dân ở các đơn vị khác nhau chia thành hai phe đối lập nhau, trong đấu đá mà đánh nhau đến tao sống mày chết.

Dương Quốc Vũ, phó chủ Ủy ban Quân quản của Bộ Cơ giới số 7, viết trong nhật ký của mình: “Trong Cách mạng Văn hóa, Cục Cơ giới số 7 được chia thành hai phe lớn là 915 và 916. Mỗi phe đều tin rằng bản thân mình là đường lối cách mạng của Mao chủ tịch,đều có sự ủng hộ của thủ trưởng Trung ương.”  915 và 916 “là hai phe lớn nổi tiếng khắp cả nước, khó đối phó nhất”.

Dương Quốc Vũ cho rằng cả hai phe đều “có sự ủng hộ của thủ trưởng trung ương”. Nói cách khác, cả phe 915 và phe 916 đều có quyền tiếp cận trực tiếp với Mao Trạch Đông, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Vì chính Mao là người “kích động quần chúng đấu quần chúng” nên cả hai phe đều được đối đãi như là “phe cách mạng”. Khi các thành viên của phe 915 đánh chết Diêu Đồng Bân, họ nghiễm nhiên trở thành một phần trong hành động của “phe cách mạng” lúc bấy giờ.

Sau khi Diêu Đồng Bân bị đánh đến chết, vợ ông, Bành Khiết Thanh đã yêu cầu phá án và trừng phạt hung thủ. Tuy nhiên, trong 10 năm kể từ năm 1968, các lãnh đạo kế tiếp của Bộ Cơ giới số 7, bao gồm bộ trưởng Vương Bỉnh Chương, chủ nhiệm ủy ban Quân quản Diêm Quỹ Yếu, Trương Dực Tường, và Vi Thống Thái, chủ nhiệm Ủy ban Cách mạng kiêm bộ trưởng Uông Dương, đều không giải oan cho Diêu. Mãi đến năm 1978, khi Tống Nhậm Cùng giữ chức bộ trưởng Bộ Cơ giới thứ bảy, mới thụ lý đơn khiếu nại của Bành Khiết Thanh.

Tháng 10 năm 1979, Pháp viện Trung cấp Bắc Kinh đưa ra phán quyết trong vụ Diêu Đồng Bân bị đánh chết: hung thủ sát nhân Vũ mỗ bị kết án 15 năm tù, còn Cao mỗ bị kết án 12 năm tù. Tuy nhiên, Vũ và Cao với Diêu Đồng Bân vô oán vô hận, tại sao họ lại muốn đánh Diêu Đồng Bân đến chết? Đằng sau họ khẳng định có kẻ chủ mưu. Nhưng cho đến nay, không ai trong số những kẻ chủ mưu đứng sau hậu trường này phải chịu bất kỳ kỷ luật đảng, kỷ luật chính trị hay trách nhiệm pháp lý nào. Tại sao? Bởi vì họ đều là những người chấp hành cụ thể chính sách “xúi giục quần chúng đấu quần chúng” của ĐCSTQ.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch