Theo tin tức ngày 07 tháng 03 năm 2017 của Tân Đường Nhân, có vị tu sĩ rất thông minh, từ trí tuệ được thể hiện qua những câu chuyện có thể thấy ông là một bậc kỳ tài.
Một lần vua Milinda cố ý làm khó vị tu sĩ nên đã buông lời khiển trách:
“Người không cùng thời với Phật, cũng chưa từng gặp Phật, sao lại biết là có Phật trên đời?”
Vị tu sĩ thông minh hỏi lại vua:
“Thưa Đại Vương, vương vị của người là được ai truyền lại?”
Vua trả lời:
“Tất nhiên là phụ thân của ta rồi!”
Vị tu sĩ hỏi tiếp:
“Vậy vương vị của phụ thân ngài lại do ai truyền lại?”
Vua tiếp lời:
“Ông ta”
Vị tu sĩ lại hỏi:
“Ông ngài là do ai truyền vương vị cho?”
Vua trả lời:
“Tổ tông”
Vị tu sĩ lại hỏi:
“Cứ như vậy hết đời này qua đời khác nối truyền cho nhau, vậy thì ngài có tin rằng quốc gia của ngài có một vị quân vương khai quốc hay không?”
Vua Milinda dõng dạc đáp:
“Ta đương nhiên là tin rồi.”
“Ngài từng gặp ông ấy chưa?”
“Chưa gặp”
“Chưa gặp sao lại tin?”
“Quân vương khai quốc cả chúng ta đã định ra những điển chương, chế độ, luật pháp, điều này đều có lịch sử ghi chép lại; cho nên dù ta chưa từng gặp nhưng ta tin sự tồn tại của ông ấy là thật.”
Vị tu sĩ cười điềm đạm:
“Chúng tôi tin vào Đức Phật cũng có cơ sở. Bởi vì chúng tôi có kinh sách, có những sự tích lịch sử và giới luật mà Đức Phật định ra. Nên Đức Phật tôi tin với vị vua lập quốc ngài tin cũng cùng một đạo lí như nhau.”
Vua Milinda không nói được gì, nhưng vẫn chưa từ bỏ ý định làm khó vị tu sĩ, suy nghĩ một lát lại hỏi:
“Những đệ tử Phật giáo các ngươi thường nói: khoái lạc thứ nhất của con người chính là chính ngộ niết bàn, đạt đến cảnh giới bất sinh bất tử bất diệt. Bản thân ngươi đã chính ngộ niết bàn chưa?”
Vị tu sĩ hết sức cung kính đáp:
“Thật hổ thẹn, bần tăng còn chưa đạt đến cảnh giới đó.”
Nhà vua lại đắc ý hỏi tiếp:
“Nếu đã không có gì kiểm chứng, sao ngươi biết được bản thân chưa đạt đến chính ngộ niết bàn?”
Vị tu sĩ không trả lời trực tiếp câu hỏi của nhà vua mà phản vấn lại:
“Đại vương, nếu bây giờ tôi cầm dao chặt đứt cánh tay của ngài, ngài có đau không?”
Vua Milinda mặt biến sắc:
“Cả cánh tay bị chặt, ai mà không đau chứ!”
“Nhưng ngài chưa từng bị chặt tay, làm sao lại biết là rất đau?”
“Ta từng nhìn thấy người khác bị chặt đứt lìa cánh tay, bộ dạng vô cùng đau đớn nên ta phải biết.”
Nghe đến đây, vị tu sĩ mỉm cười đáp:
“Thưa đại vương, tôi cũng từng chứng kiến niềm vui của người đạt đến cảnh giới chính ngộ niết bàn, cho nên tôi biết cái kỳ diệu của cảnh giới ấy.”
Câu hỏi khó đã bị hóa giải nhưng vua Milinda trong lòng vẫn không phục, đưa ra câu hỏi thứ 3:
“Người xuất gia luôn lấy đức tin từ bi làm đầu, ngươi làm sao để tha thứ cho kẻ thù của ngươi?”
Vị tu sĩ mỉm cười:
“Đại vương, nếu trên chân ngài có một vết thương vừa dài vừa sâu đang rỉ máu, ngài có chặt chân mình đi không?”
“Không chặt.”
“Vậy ngài làm thế nào?”
“Rửa thật sạch vết thương, đắp thuốc hàng ngày, lâu dần vết thương sẽ khỏi!”
“Đúng rồi! Kẻ thù, người xấu cũng như vết thương vậy, nếu không điều trị, chăm sóc thì sẽ ngày càng nặng, cho nên phải dùng nước để rửa sạch để họ có thể từ bỏ tà đạo quay về với chính đạo, thay đổi bản thân, việc này với việc đại vương chăm sóc vết thương ở chân cùng một đạo lý vậy.”
Vua Milinda gật đầu tán thành, song vẫn chưa tâm phục khẩu phục, nghĩ một lát lại nói:
“Các ngươi thường khuyên người khác phải biết tu thân tích đức tạo phúc kiếp sau. Nhưng các ngươi chưa từng trải nghiệm cái chết, làm sao biết được người chết rồi sẽ có kiếp sau?”
Vị tu sĩ điềm tĩnh nói:
“Lấy cây cam này làm ví dụ, quả sau khi chín thì rụng xuống đất, thịt tuy thối rữa rồi nhưng hạt giống được chôn vùi trong đất vẫn còn đó, đợi thời cơ thích hợp sẽ nảy mầm, mọc rễ, ra lá, thành cây, cho quả. Cơ thể con người chỉ là phần xác thịt, sau khi chết đi, cơ thể sẽ không còn, nhưng linh hồn sẽ không ngừng tái sinh, nó giống như những cây cam này, trong lục đạo luân hồi, không ngừng tái sinh.”
Vua Milinda không cam tâm, đưa ra câu hỏi thứ 5 khó hơn, nhưng qua mỗi câu hỏi, vị tu sĩ càng cho thấy trí tuệ hơn người của mình và đều vượt qua cửa ải dễ dàng.
Nhà vua hỏi:
“Đại sư có yêu quý thân thể của mình không?”
Vị tu sĩ đáp:
“Người xuất gia chẳng tự yêu mến thân mình.”
Vua Milinda nghe xong thoáng chút ngạc nhiên, hỏi tiếp:
“Ồ, nếu đã chẳng thương mến thân thể của mình, tại sao các người còn mặc quần áo, ăn cơm, ngủ nghỉ, đây chẳng phải là tự chăm sóc bản thân hay sao? Như vậy chẳng phải là quá mâu thuẫn?”
Vị tu sĩ cười hỏi lại nhà vua:
“Nếu trên người ngài mọc một cái mụn, ngài có yêu nó không?”
“Cái mụn vừa bẩn thỉu vừa xấu xí, ai mà thích nó.”
“Nếu đã không thích, sao lại rửa sạch, bôi thuốc, ngày ngày xem nó đỡ hơn chút nào chưa, lo lắng nó trở nặng hơn? Nếu nói không thích mụn mà làm như thế không phải là mâu thuẫn hay sao? ”
“Nhưng ta vì bảo vệ thân thể khỏe mạnh nên mới chăm sóc cái mụn đó.”
“Như vậy đúng rồi! Người xuất gia cũng vì không yêu quý bản thân mà không thể không chăm sóc cơ thể này. ”
Vua Milinda lại tiếp tục chất vấn:
“Đức Phật có biết được nhân quả tam giới quá khứ, hiện tại và tương lai hay không?”
“Đức Phật thần thông quảng đại, tất nhiên người biết hết quá khứ, hiện tại và tương lai.”
“Nếu đã như vậy, tại sao người không dạy cho các ngươi những thứ thần thông của mình, như vậy đệ tử Phật các người chẳng phải là sẽ biết được quá khứ, hiện tại, tương lai, sẽ khai ngộ được mọi sự hay sao? Hà tất bắt các ngươi phải tu hành, rèn luyện nếm trải từng chút từng chút một?”
Vị tu sĩ đơn giản hóa vấn đề, hỏi vua:
“Thưa đại vương, nếu người là một người thầy thuốc, có phải người sẽ biết được mọi bệnh tật và mọi loại thuốc hay không?”
“Đương nhiên. Thuốc gì chữa bệnh gì, thầy thuốc đều biết hết.”
“Nếu đã biết dược tính của bách thảo, vậy người có thể kê mọi thứ thuốc cho một người bệnh uống không?”
Vua Milinda thản nhiên đáp:
“Tất nhiên là không bao giờ. Phải dùng đúng thuốc, chữa đúng bệnh, phải dần dần, từ từ từng chút từng chút thì người bệnh sẽ khỏe lên.”
Vị tu sĩ tiếp tục nói:
“Cùng đạo lí đó, Phật Tổ truyền thụ Phật giáo cũng dựa theo khả năng của các đệ tử, trình độ của các đệ tử khác nhau, nên Đức Phật phải truyền thụ từ từ mới có thể khiến các đệ tử đắc Đạo. Nếu hấp tấp vội vàng, sẽ dễ dàng biến tốt thành xấu.”
Vua Milinda có vẻ hài lòng, vô cùng khâm phục tài trí của vị tu sĩ, nhưng nhà vua vẫn muốn vấn đạo đến cùng:
“Vậy thì, đại sư hãy cho ta biết, Đức Phật ngài ấy có lòng thù hận, có bao giờ nổi giận không?”
“Đức Phật không có lòng thù hận, nên sẽ không bao giờ nổi giận.”
“Nhưng trong kinh Phật có ghi chép: một lần, đại đệ tử của Phật là Xá Lợi Phất và Mục Kiều Liên dẫn 500 đệ tử đến nghe giảng kinh, Đức Phật đã rất tức giận quở trách họ, đuổi họ ra ngoài. Đây không phải là nổi giận hay sao?”
“Đúng là có chuyện này, Xá Lợi Phất và Mục Kiều Liên có dẫn theo 500 đồ đệ đến tham dự pháp hội, nhưng những người này huyên náo ồn ào, không tôn trọng pháp hội trang nghiêm, Phật tổ đuổi họ ra ngoài không phải là vì tức giận mà xuất phát từ lòng từ bi của người. Việc này cũng giống như con người phàm tục chúng ta, ai ai cũng đều bình đẳng, nếu người ngã xuống đất thì đó là do sự bất cẩn của ngài, lúc đó ngài có quay ra trách cứ mặt đất không tốt với ngài, giận dữ với ngài hay không?”
Vua Milinda gật đầu, lần này thì hoàn toàn tâm phục khẩu phục.
Nghe xong cuộc vấn đạo này, chúng ta có thể ngộ ra điều gì từ trí tuệ thông thái của vị tu sĩ hay không?
Quỳnh Chi
Xem thêm: