Mọi người gọi tôi là “Vàng” từ ngày tôi còn bé xíu chẳng biết gì. Còn nhớ ngày ấy ông chủ mang 5 anh chị em tôi cho một người bạn của mình…
Một ngày, chúng tôi được đưa đến một cái xưởng rất to. Mấy ngày đầu tôi không sao ngủ ngon giấc, cứ nhớ đến cảm giác ấm áp được sà vào lòng mẹ uống dòng sữa ngọt, được mẹ nhằn rận và liếm láp.
Tuổi thơ xa mẹ, anh chị em lần lượt sang thế giới bên kia, chỉ còn mình tôi là bơ vơ giữa dòng đời.
Chuyển qua nhà mới được chừng vài tháng thì 4 anh chị em còn lại của tôi lần lượt qua đời vì một căn bệnh lạ. Chỉ còn mình tôi bơ vơ với mấy cô cậu chó đen ở xưởng. Tôi thu mình lại và nhìn những người bạn của mình với ánh mắt sợ hãi. Đến giờ cơm tôi chỉ dám đứng nhìn từ xa, đợi cô bé “Đen” ăn xong tôi mới dám mon men lại gần. Cô bé ấy tuy còi còi, đen thui nhưng rất hay kiếm chuyện bắt nạt tôi.
Sau này tôi lớn vổng lên trông giống mẹ. Mọi người đều khen tôi cao ráo, xinh đẹp như các nàng chó lai. Tôi có bộ cánh đen pha vàng, hai má vàng, có cái yếm vàng, tứ chi cũng màu vàng, còn có cả hai đốm ở trên mắt mà mọi người hay trêu gọi là bốn mắt. Vậy mà trông thấy cô bé Đen tôi vẫn cứ run lẩy bẩy, chỉ trực tìm kế thứ 36, chuồn là thượng sách. Thi thoảng mấy chị trong văn phòng cũng chạy ra đe nẹt cô bé đừng bắt nạt tôi. Nhưng cô bé ấy vẫn chứng nào tật nấy, giống y ông bố Đen (cùng tên) của mình.
Thi thoảng tôi lại nghe mấy bác bảo vệ kể lại là chú Đen ngày xưa còn sống ghê có tiếng. Tới giờ người ta tan ca đi đầy đường ở khu công nghiệp là chú ấy lại chạy ra ngồi tít tận ngoài cổng. Lúc nào hứng chí lên là chú dọa đuổi người ta chạy hốt hoảng, xong chú ngồi cười khoái chí. Nhiều lần chú bị mấy bác bảo vệ đuổi chạy bán xới nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Tôi biết thân biết phận nên chẳng dám ho he nửa lời với cô bé Đen. Mấy cô nhà bếp thi thoảng lại thì thầm to nhỏ: “Trông thấy con Vàng tội ghê. Người thì cao to mà lại đi sợ cái con chó Đen quắt xà lai ý cơ chứ”.
Tôi hiền lành, lại nhẫn nhịn nên cuộc sống cứ trôi qua như vậy. Ban ngày khi mọi người làm việc thì chúng tôi nằm ngủ ngoài nhà xe, hay gần nhà bảo vệ. Buổi tối chúng tôi cùng chạy lùng sục quanh xưởng bắt chuột và trông nhà cho ông chủ mới.
Hết nạn nọ tới nạn kia và sự chăm sóc tận tình của anh béo mập
Một hôm tôi nghe thấy có tiếng bước chân của rất nhiều người. Có một anh mập mập kéo vali vào văn phòng. Khuôn mặt anh tròn tròn, nhìn trẻ măng, nghe mấy người nói anh từ Đài Loan qua đây làm việc và sẽ ở lại xưởng luôn. Kỳ lạ là, anh mới đến nhưng lại rất thân thiện. Anh huýt sáo gọi chúng tôi tới, nhìn tôi, nhìn cô bé Đen và những bạn chó khác rất âu yếm. Anh vuốt đầu tôi và ôm tôi vào lòng. Ôi chao, trong đời mình, lần đầu tiên lại có người bày tỏ tình yêu thương với tôi như vậy. Tôi hạnh phúc quá, con tim cứ rộn ràng. Mỗi lần anh bước ra khỏi văn phòng, chỉ cần nghe thấy bước chân của anh là chúng tôi thi nhau chạy ra, vẫy vẫy đuôi chào đón anh. Nhìn thấy anh tôi mừng quýnh, chỉ muốn anh ở nhà với chúng tôi cả ngày.
Tôi cứ ngỡ cuộc sống của mình cứ trôi đi yên bình như vậy. Cho đến một ngày… Tối hôm ấy trời se se lạnh, tôi chui xuống gầm xe và thiu thiu ngủ. Bất giác tôi nghe thấy tiếng xe hơi nổ máy ngay bên tai và chợt nhận ra chân trái của mình đau điếng, như bị một vật nặng đè nghiến chặt lấy cái chân tôi. Tôi kêu lên một tiếng thảm thiết và nằm một chỗ không thể nhúc nhích. Hình như chân trái của tôi bị gãy. Tôi đau đớn cố lết người ra chỗ khác nhưng cảm thấy toàn thân rã rời, chỉ có thể nằm bẹp ngay tại chỗ.
Nghe tiếng kêu thất thanh của tôi, ông chủ hốt hoảng tắt máy, chạy xuống ngó vào gầm xe. Lúc đó tôi chỉ thấy đầu óc choáng váng, chỉ mơ màng nhớ được hình như anh mập chạy ra, xốc nách tôi bế vào một góc trong xưởng. Anh suýt xoa nhìn vào cái chân của tôi, đôi mắt ươn ướt.
Sau đó tôi phải nằm ở góc xưởng cả tháng. Lúc đó cũng chớm đông, trời se lạnh. Sáng sáng anh mập lại ra trải đệm, quét dọn phân và nước tiểu cho tôi. Ngày ba bữa đều như vắt chanh anh mang cơm ăn và nước uống tới tận nơi cho tôi. Mỗi lần nhìn thấy anh tôi lại mừng quýnh, chỉ biết vẫy vẫy cái đuôi cảm ơn anh. Khi anh ở bên cạnh vuốt ve và trò chuyện với tôi, tôi cố cắn răng để cơn đau không thể hiện trên khuôn mặt. Khi bóng anh đi khuất tôi lại ứa nước mắt trước sự săn sóc ân cần của anh. Khoảng thời gian ấy buồn vui xen lẫn, tuy chỉ có thể lê lết ở một góc nhưng tôi thực sự thấy thật hạnh phúc. Đúng là trong họa lại có phúc. Dẫu sao cũng cảm ơn ông trời đã an bài cho anh tới giúp tôi vượt qua cơn hoạn nạn này.
Một tháng sau cái chân của tôi cũng liền xương, nhưng khổ nỗi tôi lại không thể đi được. Hễ bước được vài bước là tôi lại loạng choạng, chỉ trực ngã xuống đất. Thế là anh lại dìu tôi đi từng bước như mẹ hiền dìu dắt con thơ. Lúc ấy chân tôi nặng tựa nghìn cân, tôi thấy nản và nhiều khi chỉ nằm bẹp một chỗ, thở phì phò. Anh lại chạy ra cách tôi một quãng ngắn, ngồi xuống, huýt sáo, vẫy vẫy hai tay như gọi mời, mỉm cười nhìn tôi như muốn nói rằng: “Vàng, lại đây nào!”. Tôi lại cố gắng ngóc cổ dậy, bước thêm từng bước một, rồi lại ngã đánh oạch một cái, ngã rồi lại đứng lên, đứng lên rồi lại ngã.
Trời cũng chẳng phụ lòng tôi, một thời gian sau tôi đã có thể bước đi tập tễnh. Sau này khi chân đã lành hẳn, nhiều khi muốn làm nũng với anh mập tôi vẫn giả vờ chạy lò cò để được anh vỗ về, suýt xoa.
Được nửa năm sau, một buổi tối khi tôi đang đi tuần quanh xưởng, thì đột nhiên có người quăng một lưỡi hái về phía tôi. Tôi quay đi thì bị vướng vào đó, chân tôi bị xẻ mất cả một tảng thịt. Hóa ra đó là những kẻ trộm chó! Họ muốn bắt tôi đây mà! Tôi rùng mình kinh hãi, lấy hết sức bình sinh bước thấp bước cao chạy về công ty và chui xuống gầm xe, âm thầm chịu đựng cơn đau. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết.
Anh mập đi chơi tối về cứ gọi “Vàng, Vàng!” đến cả chục lần. Tôi quá đau đớn, mắt nhắm nghiền và nằm im. Các bạn chó khác vây quanh anh mập, vẫn đuôi mừng mừng và sủa về phía tôi, như đang muốn nói với anh mập: “Vàng ở đây này anh!”.
Khi phát hiện ra tôi nằm giữa vũng máu anh ôm chầm lấy tôi và nước mắt chảy quanh. Hôm sau bác sỹ tới khám cho tôi và dặn anh phải xịt thứ thuốc màu xanh cho thịt tôi chóng lành. Thế là cả tháng ấy hễ trông thấy anh là tôi lại nhìn thấy cái bình xịt màu xanh. Mọi người nhìn thấy tôi đều cười như nắc nẻ, trông tôi giống như con ma lem vậy. Cũng chừng một tháng sau chân tôi mới tạm ổn. Mấy cô, mấy chị trên văn phòng thương tôi, cứ suýt xoa: “Khổ thân con Vàng, hết nạn nọ rồi lại đến nạn kia!”. Riêng bản thân tôi, tôi vẫn thấy mình thật may mắn. Bởi lẽ mỗi khi gặp nạn tôi đều gặp được quý nhân trợ giúp!
Ngày tôi vượt cạn anh mập cũng ở bên chăm sóc hết lòng cho mẹ con tôi
Đôi khi tôi có cảm giác cuộc sống luôn muốn thử thách sức nhẫn nại của tôi. Chuyện sinh nở là chuyện quá đỗi bình thường với bao nàng chó khác. Thế mà lần đầu tiên làm mẹ lại là lần mẹ con tôi phải vượt qua cửa tử một cách gian nan.
Ngày ấy tôi vác cái bụng như cái thúng cái lủng lẳng, bước đi khệ nệ. Chỉ thấy bọn nhóc cứ xoay đi xoay lại trong bụng tôi, thi thoảng còn nói chuyện lầm rầm. Mấy đứa nhóc này đáng yêu quá!
Tối hôm ấy tôi bắt đầu trở dạ. Tôi còn nhớ đó là một đêm trăng sáng vằng vặc, tôi khệ nệ vác cái bụng to đùng đi đi lại lại. Đôi khi gan ruột đau quặn lên tôi lại chui vào trong chuồng nằm vật vã. Tôi cứ đi ra đi vào như thế từ lúc tờ mờ tối tới tận đêm khuya với cơn đau khi âm ỉ khi dữ dội. Mấy người ở văn phòng thi thoảng cũng chạy ra ngó xem tôi đã sinh chưa. Tối hôm ấy chị Viên ra canh tôi đẻ. Chị ngồi bên cạnh tôi, vuốt ve, trò chuyện và cầu trời khấn đất cho mẹ con tôi được bình an. Đến tận nửa đêm mà chẳng thấy dấu hiệu gì chị mới lên phòng nghỉ ngơi.
Cả đêm hôm đó tôi trằn trọc không sao chợp mắt. Tôi không thể đi thẳng người nữa, cứ lụ khụ như một bà cụ vậy. Mọi người cũng lo lắng cho tôi. Rồi tôi nhìn thấy chú bác sỹ thú y to cao đi xe vào trong cổng, chắc có người mời chú đến khám cho tôi. Chú tiêm cho tôi một mũi, nghe mọi người nói đó là thuốc kích đẻ. Nhưng bọn nhóc chẳng đứa nào chịu chui ra cả. Ngày hôm sau cũng vậy, chú bác sỹ lại tới và tiêm cho tôi một mũi nữa. Chú bảo đây là mũi kích đẻ dành cho lợn, nếu lần này mà không được thì chú cũng phải bó tay chào thua. Nhưng tình hình cũng không khả quan hơn. Anh mập, chị Viên nhìn bộ dạng khổ sở của tôi thì vô cùng lo lắng. Mọi người bàn tán xôn xao chỉ lo mẹ con tôi không thể vượt cạn.
Chiều hôm ấy mấy chị trong văn phòng lo lắng gọi điện thoại tới các trung tâm thú y trên thành phố. Một lúc sau anh mập chạy ra xưởng tìm tôi và bế mẹ con tôi lên một chiếc xe con 7 chỗ. Vì anh không biết nói tiếng Việt nên có một chị phiên dịch nữa đi cùng chúng tôi. Phải mất một tiếng chúng tôi mới đến được trung tâm thú y. Anh lại bế mẹ con tôi vào trong một ngõ nhỏ chừng vài chục mét. Tôi biết anh phải vất vả lắm mới đỡ mẹ con tôi vào trong trung tâm đó.
Đến nơi các bác sỹ rối rít đỡ tôi lên bàn đẻ tiến hành phẫu thuật cho tôi. Anh cũng phải vào để giữ chân tôi cho các bác sỹ phẫu thuật được an toàn. Mắt tôi nhắm nghiền, tôi thấy mình thật yếu ớt, chỉ cảm thấy một chút ấm áp trong lòng. Tôi thầm cầu mong ông trời thương xót giúp những đứa con thân yêu của tôi cũng được sinh ra trên cõi thế gian này. Các bác sỹ tiêm cho tôi một liều thuốc mê, đầu óc tôi mơ màng, tôi chẳng còn biết chuyện gì đang xảy ra. Thôi đành phó mặc mọi việc cho ông Trời vậy!
Phải một lúc lâu sau tôi mới tỉnh dậy thì chỉ thấy một mình mình mà không thấy bọn trẻ đâu cả. Tôi lo lắng nhìn quanh. Anh mập như hiểu tâm ý của người mẹ đã mau chóng bê đàn con vào cho tôi nhìn và xoa xoa đầu tôi. Tôi hiểu anh muốn nói rằng: “Mẹ Vàng giỏi lắm!”. Tôi nghe thấy các bác sỹ nói chuyện với nhau: “Tội nghiệp, để đến ngày mai là chết cả mẹ lẫn con. Một con bị chết nghẹt mắc ở cửa mình không ra được. Còn con gần đó cũng bị ngạt, không biết sống nổi được mấy hôm”. Tôi nghe thấy mà ứa nước mắt!
Sau đó chúng tôi về nhà, trên đường anh mập cứ vỗ vỗ liên tục vào người một nàng công chúa của tôi chỉ mong nó không bị chết ngạt. Về đến nhà, anh mập lại trải cho mẹ con tôi một góc nhỏ trong xưởng. Ngoài thời gian ngủ ra hầu như anh đều bế cái giỏ có bé con của tôi, cầu mong sinh mệnh yếu ớt có thêm sức mạnh. Nhưng mấy ngày sau thì con bé từ giã cõi đời, bỏ lại tôi và các anh chị mình. Tôi lặng nhìn 5 đứa con đỏ hỏn! Thật tội, có 7 anh chị em mà giờ 2 đứa đã vội vã bỏ chúng tôi mà đi.
Sau này những đứa con của tôi lớn lên, đứa nào đứa nấy cao lớn phổng phao. Đứa thì được đưa về nhà chủ mới, đứa thì chưa kịp về nhà mới đã phát bệnh lạ rồi mất đi chỉ trong sớm chiều. Có nỗi buồn nào như nỗi buồn của người mẹ phải tiễn biệt con mình về nơi chín suối? Âu cũng là duyên phận, tôi có thể làm được gì đây! Anh mập dường như hiểu nỗi lòng của tôi, những lúc ấy anh lại chạy đến gọi tôi lại và ôm tôi vào lòng thật lâu. Mắt anh đỏ hoe, anh mếu máo nói với tôi bằng tiếng Đài Loan: “Vàng ơi, Vàng đừng buồn! Mấy đứa đi đầu thai kiếp khác để được hạnh phúc hơn thôi mà!”. Tôi im lặng chẳng biết nói gì, chỉ thấy trong lòng trống vắng với một nỗi buồn cô liêu.
Điều khiến tôi buồn hơn là anh mập chuyển công tác đi nước khác, tôi nghe các anh chị trên văn phòng bàn tán vậy. Nghe nói anh đến công trình mới, ở xa lắm, sẽ ở đó chẳng biết khi nào mới có thể về thăm chúng tôi. Lòng tôi như có một sự đổ vỡ, tôi chỉ muốn òa khóc, nhưng cổ họng tôi nghẹn lại, không ai có thể nghe thấu tiếng lòng tôi. Ngày đi xa, anh mập gọi tất cả anh chị em nhà chó chúng tôi lại ôm ghì từng đứa vào lòng thật chặt. Anh mập đến trước mặt tôi, nhấc hai chân trước của tôi đặt lên vai anh, dụi đầu mình vào đầu tôi nói: “Vàng ở nhà ngoan nhé! Thi thoảng anh sẽ về thăm các em! Mạnh mẽ lên cô bé!”. Tôi cứ ngóng mãi theo bóng anh. Mỗi khi đêm về tôi vẫn như nghe thấy tiếng anh cười nói văng vẳng đâu đây. Tôi nhớ cái mùi mồ hôi nồng nồng trên vai anh…
Tắm dầu giữa mùa đông giá lạnh và bước ngoặt đổi đời
Gần tết năm ấy tôi và cô bé Đen cùng một vài bạn chó khác đang lùng sục đuổi theo mấy tên chuột trong xưởng. Tôi phóng như bay, đang đà phi lên đống đồ đuổi theo lão chuột thì trượt chân đánh oạch một cái, nằm gọn trong thùng dầu thải đặt ở góc xưởng. Người tôi bê bết, dầu dính đầy lông. Gió lạnh cứ lùa từng cơn xối thẳng vào da thịt tôi. Đám dầu nhớp nháp túm những sợi lông của tôi dựng đứng khiến bộ lông ấm áp bỗng chốc không còn chút tác dụng chống rét nào hết. Tối hôm ấy trời thật lạnh, tôi cứ run lên bần bật, chỉ mong trời sáng mau mau.
Sáng sớm hôm sau, tôi nghe thấy tiếng xe máy chị Viên chạy vào trong xưởng. Ngoài anh mập ra thì chị Viên cũng rất mực yêu thương và lo lắng cho tôi. Lần nào tôi gặp nạn chị cũng đều có mặt và hỗ trợ anh mập chăm sóc tôi. Tôi vội vàng lết ra từng bước, hy vọng chị ấy có thể nhìn thấy và cứu tôi khỏi lớp dầu thải kia. Nhìn thấy tôi chị kêu lên: “Ôi, Vàng! Em làm sao thế này?”, rồi chị lôi tôi vào phòng, tắm cho tôi bằng nước nóng. Tôi giũ giũ bộ lông làm bốn bức tường trắng lốm đốm đầy vết đen. Chị ấy vật lộn với tôi cả tiếng đồng hồ, loay hoay mãi cũng không thể gột sạch đám dầu thải trên người tôi. Sau đó chị dắt tôi ra chuồng nằm và đắp cho tôi mấy tầng chăn, mà tôi vẫn run lên cầm cập. Suốt mấy ngày hôm đó, thi thoảng chị lại chạy ra ngó xem tôi thế nào và mang cơm ăn nước uống tới tận chuồng của tôi.
Đợt ấy cũng gần tết, mọi người nô nức về quê đoàn viên cùng gia đình. Chị nhìn tôi lẩm nhẩm: “Mọi người về hết thì ai chăm Vàng đây, cứ để thế này chị sợ em chết mất!”. Tôi thở dài, ngẫm nghĩ về những gì đã qua trong cuộc đời mình, hết nạn nhỏ rồi đến nạn lớn, biết bao giờ mới được bình yên đây? Mấy ngày sau, tôi lại thấy vị bác sỹ thường khám bệnh cho tôi xuất hiện, tôi sợ hãi tìm nơi chạy trốn. Tôi sợ lại bị tiêm như bao lần trước. Mỗi lần nhìn thấy tôi chú ấy thường khen nức nở: “Con chó này dáng đẹp thật, đúng là chó lai đặc chủng!”. Chị Viên ở văn phòng gọi tôi ra, tôi ba chân bốn cẳng chạy biệt tăm biệt tích. Chị lại vào tận chuồng lôi tôi ra và đẩy tôi về phía bác sỹ. Chị xoa xoa đầu tôi và nói: “Anh mập không có ở đây, tết chị cũng phải về quê ăn tết. Chị không yên tâm để Vàng ở một mình trong cảnh trời rét thế này. Vàng về với chú bác sỹ nhé. Nhà chú ấy sẽ yêu quý và chăm sóc cho Vàng”. Chú bác sỹ vui mừng đón lấy tôi, còn tôi thì run rẩy sợ hãi. Chị quay sang nói với chú: “Thi thoảng chú chụp ảnh Vàng gửi qua Zalo cho cháu xem với. Cả đời nó khổ lắm rồi, hy vọng là về nhà chú, chú chăm sóc cho nó!”. Chú bác sỹ nhìn tôi mỉm cười mãn nguyện: “Cháu yên tâm đi! Cả nhà chú ai cũng quý Vàng mà! Vàng về nhà chú là nhất rồi!”.
Tuần đầu về nhà mới, tôi hốt hoảng giữa căn phòng xa lạ. Tôi nép mình nghe theo lời chú bác sỹ. Chú nói quả thực không sai. Mọi người trong gia đình chú thi nhau tắm rửa cho tôi, mong sớm có thể gột rửa hết lớp dầu thải dính bê bết trên người tôi. Lúc ấy tôi gầy lắm, xương hông nhọn hoắt như mũi kiếm. Về nhà chú, chú mua rất nhiều đồ ăn và dỗ dành tôi. Tôi không dám tin rằng cuộc đời mình lại được lật sang trang khác tươi đẹp như thế này. Tôi sợ, sợ đây chỉ là một giấc mơ đẹp ngắn ngủi mà thôi! Ở đây tôi không bị cô bé Đen bắt nạt nữa, tôi không phải chờ ăn sau, tôi không sợ bị quát mắng, tôi không phải sợ hãi nữa. Chao ôi, đây lẽ nào là sự thực sao? Phải chăng khổ tận đã đến ngày “cam lai”?
Giờ đây sáng sáng tôi lại chạy theo chú bác sỹ ra ngoài chạy thể dục vài vòng quanh hồ. Tôi bắt đầu có da, có thịt. Tôi đã có gia đình nhỏ của riêng mình. Nhưng dù đi đâu về đâu, thì những vị ân nhân của tôi, đặc biệt là anh mập và chị Viên tôi sẽ chẳng bao giờ quên. Tôi chỉ muốn anh chị yên lòng và không phải lo lắng cho tôi nữa. Nếu có kiếp sau, dẫu chuyển sinh thành động vật hay con người thì ân tình này nhất định tôi sẽ báo đáp.
Hiểu Mai