Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của “Tây Du Ký” luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.
- Trọn bộ Cảm Ngộ Tây Du
Sẽ là thiếu sót nếu như chỉ nói đến cái chấp mê bất ngộ của Đường Tăng trong ma nạn Bạch Cốt Tinh, mà quên mất rằng, vẫn còn đó một Ngộ Không nuốt lệ, cúi đầu, nén chặt thương đau chẳng nỡ xa rời.
Bởi vậy, để tiếp nối câu chuyện Bạch Cốt Tinh trong kỳ 8, chúng ta hãy nán lại đôi lời để lắng nghe tiếng lòng của chính người trong cuộc:
“Nuốt nước mắt giã từ sư phụ,
Nén đau thương nhắn nhủ Sa Tăng
Sườn non rẽ cỏ băng băng,
Hai chân đi khắp xa gần đó đây.
Khắp trời đất vần xoay mọi nhẽ,
Vượt bể non tài nghệ nhất đời,
Phút giây bóng dáng xa vời,
Lối xưa nẻo cũ về rồi, từ nay…”
Phút cuối chia ly không lời nhưng đã nói lên rất nhiều. Cái tâm tình sâu lắng của Ngộ Không khi đặt bên cạnh sự thờ ơ lạnh nhạt của Đường Tăng, phải chăng cũng nhắn nhủ điều gì với chúng ta hôm nay?
Cái tình của Đường Tăng: Hồ đồ, mê muội, cố chấp
Trong 81 nạn trên đường thỉnh kinh, chẳng có cái nạn nào như cái nạn này: Yêu quái chỉ dùng một kịch bản (gia đình cô thôn nữ), sử dụng cùng một kế (miệng lưỡi + biến hoá), trên cùng một bối cảnh (nơi núi thẳm rừng sâu, trước chẳng có bản sau chẳng có làng), mà vẫn khiến Tam Tạng ba lần mắc mưu, lại là liên tiếp trong thời gian ngắn ngủi. Vì sao lại như vậy?
Ấy là bởi một chữ: “Tình”.
Là con người, sinh ra đã ở trong tình, cả đời sống vì tình, vui buồn vì tình, hạnh phúc vì tình, đau khổ vì tình, bi luỵ vì tình, yêu ghét vì tình, mà tuyệt tình tuyệt nghĩa thì vẫn chỉ là cái tình ấy thôi. Do đó, đeo đẳng nhất là tình, mà khó bỏ nhất cũng là tình. Yêu quái vì nhắm trúng vào điểm yếu này của con người nên Tam Tạng mới dễ dàng mắc mưu đến vậy.
Lần thứ nhất, biến thành cô thôn nữ xinh đẹp ngọc ngà, ấy là khơi dậy sắc tâm, đại diện cho chấp trước vào tình nam nữ — tức là “Dục“.
Lần thứ hai, biến thành bà cụ tìm con, ấy là khơi dậy tình mẫu tử, “cốt nhục khó phân ly”, đại diện cho chấp trước vào tình thân quyến — tức là “Ái“.
Lần thứ ba, biến thành ông lão nhân từ, tay lần lần tràng hạt, miệng tụng niệm nam mô, chống gậy lê từng bước đi tìm vợ con, ấy là nghĩa phu thê, là tình phụ tử, là thiện cảm khi nhìn thấy bậc lão niên thiện lương đáng kính, đại diện cho cái tình nói chung giữa người với người — tức là “Tình“.
“Tâm sinh, chủng chủng ma sinh”, bởi ma quái trên đường thỉnh kinh là biến hoá từ tâm chấp trước của Đường Tăng, nên từ khía cạnh tình mà nói, Bạch Cốt Tinh là tượng trưng cho Dục – Ái – Tình, cũng chính là sợi dây trói buộc con người mạnh mẽ nhất. Vì đâu Phật tử, tăng ni phải vào chùa quy y, và vì đâu các đạo sĩ xưa nay phải ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc, vào trong hang động, ẩn nơi núi sâu để một mình thanh tĩnh độc tu? Người thường khó mà hiểu cho được, cứ mỉa mai rằng: “Tu luyện kiểu gì mà lại dứt bỏ tình thân, sao chẳng chịu nhận mặt cha mẹ vợ con thế này?”. Ấy là bởi, không đoạn dứt tình duyên thì không thể tu luyện, không buông bỏ cái tình này, thì có tu cũng chẳng thể tu thành!
Với người bình thường, “tình” là điều gì đó rất đẹp đẽ, rất thiêng liêng, vừa là điểm tựa tinh thần, vừa là điểm yếu nhưng cũng là sức mạnh. Nhưng tình ấy, dẫu sao vẫn chỉ là con người: Có yêu thì có hận, có thương thì có ghét, có ấm áp thì có lạnh lùng, có nhiệt huyết thì cũng có lãnh đạm vô tình… Thậm chí, ngay cả khi yêu thì người ta cũng lựa chọn để mà yêu, chỉ yêu những người thân thiết, nào ai đủ rộng rãi bao la để yêu thương hết thảy muôn người cho được? Do đó, tình dẫu cao cả đẹp đẽ đến đâu, thì suy cho cùng vẫn chỉ là cái tình vị tư, cái tình ích kỷ của con người.
Nhưng đã là người tu luyện thì phải vượt qua con người để đạt đến cảnh giới siêu thường của bậc Giác Giả, lúc này cái tình kia không còn nữa, mà đã thăng hoa lên trở thành “từ bi”. Chỉ có từ bi, người ta mới có thể yêu thương mà không cần lựa chọn, không cần điều kiện, cũng không cần phân biệt ai với ai. Cho nên, tình chỉ là trạng thái của người phàm, còn từ bi mới thực sự là cảnh giới siêu phàm của các bậc Giác Giả.
Đường Tăng vì vẫn còn cái tình nên mới bị tình dẫn động, đến mức mê muội, hồ đồ. Kỳ 8 đã bàn về cái mê muội hồ đồ này rồi, nay không nhắc lại nữa. Nhưng hãy thử nghĩ xem: Đường Tăng một mặt thương xót cho người, mặt khác lại cạn tình cạn nghĩa, một mặt nhân từ độ lượng với người, mặt khác lại băng giá vô tình, đó chẳng phải rất mâu thuẫn sao?
Cái tình của Ngộ Không: Bao la quảng đại, vì đại nghĩa quên mình
Khi kiên quyết đuổi Ngộ Không về, Đường Tăng đã tỏ ra lạnh lùng sắt đá. Nhưng sư phụ dù có sắt đá đến mấy, lạnh lẽo vô tình đến mấy, thì Ngộ Không vẫn không đổi dạ thay lòng. Tình thâm nghĩa nặng của Hành Giả khi đứng trước cái tuyệt tình tuyệt nghĩa của Tam Tạng đã tạo nên hai hình ảnh tương phản:
Một người quay lưng, một mực cắt đứt tình thầy trò từ đây – một người canh cánh trong lòng khôn nguôi: Quên ơn chẳng phải là quân tử, ơn nghĩa sư phụ bao giờ mới có thể đáp đền?
Một người quyết không tha thứ cho lỗi lầm của đối phương – một người vì lo lắng cho người mà day dứt trong lòng không yên: Gặp nơi ma thiêng nước độc, ta đi rồi, ai sẽ bảo vệ sư phụ, ai sẽ diệt quái trừ yêu?
Một người nhất quyết ruồng rẫy – một người níu kéo, ngậm ngùi bịn rịn chẳng muốn xa rời.
Một người lạnh lùng quay lưng mà đoạn tuyệt ân tình – một người chan chứa lệ rơi mà vẫn phải đành lòng chia xa…
Trong cái buồn vô tận tưởng như không bao giờ có thể nguôi ngoai ấy, ta thấy một Ngộ Không thật cao cả phi thường: Chịu nỗi hàm oan nhưng không uất hận, mà chỉ lo nghĩ cho thầy, cũng không oán trách, không tủi phận mình, mà chỉ e “giữa đường dang dở, công quả chẳng thành”. Tâm tư ấy của Ngộ Không so với Đường Tăng dù chỉ cách nhau ở một niệm (một bên là vị kỷ – một bên là vị tha; một bên hành xử theo nhân tâm – một bên hành xử theo Pháp lý), nhưng lại là sự khác biệt giữa “tình” và “từ bi”, cũng là khoảng cách giữa hai cảnh giới, hai tầng trời!
Có thể có người nghĩ: Phải chăng người viết đã quá ‘thiên vị’ Ngộ Không mà ‘hạ thấp’ Tam Tạng? Đường Tăng dẫu có phần đáng trách, nhưng vẫn chỉ là người trần mắt thịt, bị dẫn động bởi cái tình thì cũng là dễ hiểu – làm sao có thể so sánh với Ngộ Không mắt lửa ngươi vàng cho được?
Thực ra không phải vậy. Nếu như Đường Tăng và Ngộ Không chỉ là hai khía cạnh của cùng một cá nhân, thì đó không phải là hạ thấp một người để nâng cao một người. Ngược lại, ấy là nói: Trong mỗi người đều có tình và từ bi. “Từ bi” là thiên tính mà ai cũng có từ khi sinh ra, là phần thánh khiết không ô nhiễm bụi trần; còn “tình” không phải là bản tính, mà là hình thành qua tháng năm đằng đẵng chìm trong “thùng thuốc nhuộm” của xã hội này.
Điều ấy có ý nghĩa như thế nào?
Cả Phật gia và Đạo gia đều giảng rằng, con người có cả phần “Thần” và phần “Người”, phần Thần mang theo Phật tính, còn phần Người thì mang theo nhân tính. Nếu như nhân tính (có “tình”) khiến người ta mê muội, hồ đồ, để cho dục vọng làm chủ bản thân, thì Phật tính (có “từ bi”) lại giúp con người đề cao đạo đức, thăng hoa tầng thứ, trở thành bậc Thánh nhân quân tử. Do đó, chỉ gìn giữ Phật tính, buông bỏ nhân tâm mới khiến con người trở nên thuần khiết, thanh cao.
Trở lại với nỗi lòng của Ngộ Không, ta thấy một nỗi buồn mênh mang, sâu thẳm, có bi mà không luỵ, có sầu mà không thảm, có cúi đầu mà không hạ thấp bản thân mình. Nỗi buồn ấy, buồn thật, nhưng lại nâng người ta lên một cảnh giới vô cùng thánh khiết, vô cùng thanh cao – đó là từ bi.
Nhưng có dùng cạn lời thì ngòi bút cũng trở nên bất lực, vậy nên người viết mạn phép mượn lời bài hát trong tập phim “Tam đả Bạch Cốt Tinh” để thay cho lời kết. Đây là một bài hát vô cùng đặc biệt, tác giả ca khúc chỉ qua vài dòng ngắn ngủi mà dường như đã thấu tỏ hết thảy tâm tư thầm kín của Ngộ Không. Bài hát xoay quanh một chữ “sầu”, và cũng vấn vương mãi một chữ “sầu”. Chữ “sầu” (愁) ấy là chữ “thu” (秋) đè lên trái tim (心), và cả bài hát lẫn bối cảnh tập phim đều diễn ra vào mùa thu, do đó đã tạo nên sự đồng điệu và thấu hiểu với tâm hồn người trong cuộc…
Bài hát: Thổi không tan được nỗi sầu này
Chia tay bất ngờ đến như vậy
Một đi không quay đầu như thế
Sắp ra đi mới biết tình sâu nặng
Bao nhiêu hồi ức vẫn trong lòng
Ah… non vời vợi, nước vời vợi
Một làn gió thu trên đường
Thổi không tan chút nỗi sầu này
Ah… chút nỗi sầu này…
Hồng Liên