“Văn dĩ tải Đạo”, người xưa viết văn là để gửi vào đó những đạo lý cao thâm. Tây Du Ký kể về quá trình tu luyện của một người trên con đường viên mãn đắc Đạo, do đó cũng mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm. Thậm chí một cái tên, một địa danh, hay một tình tiết nhỏ trong truyện đều là ngụ ý của tác giả. Về nội hàm và ý nghĩa của “Tây Du Ký” luôn có nhiều cách nói khác nhau, không đồng nhất. Vậy nên trong loạt bài cảm ngộ này, người viết chỉ mạn phép đưa ra một số lý giải về Tây Du Ký từ góc độ tu luyện, mong được cùng độc giả gần xa góp ý, thảo luận.
- Trọn bộ Cảm Ngộ Tây Du
Nhân chuyện kể về thân thế Kim Thiền Tử của Đường Tăng, tiện đây chúng ta hãy cùng đến với tên gọi đại đồ đệ của ngài, đó là: Ngộ Không. Pháp danh này đã được bàn luận khá chi tiết trong kỳ 2 của Tây Du cảm ngộ, nay không nhắc lại nữa, mà chỉ gợi mở từ một góc độ khác…
Trong muôn ngàn đệ tử của Đức Phật Thích Ca, chỉ có mười vị được Ngài coi là ưu tú nhất, xuất sắc nhất, gọi là “Thập đại đệ tử”. Họ vẫn thường được nhắc đến trong các kinh điển Phật giáo, nhiều người trong số họ thậm chí đã trở thành huyền thoại.
Ví dụ như Mục Kiền Liên đệ nhất về thần thông, có thể lên Thiên giới xuống địa phủ, lại có thể hàng phục yêu ma. Hay như Đại Ca Diếp được Phật trao y bát, ông gắn liền với truyền thuyết Ca Diếp nhập định chờ Di Lặc hạ sanh. Hoặc một cái tên quen thuộc khác là A Nan Đà “đa văn đệ nhất”, là vị đệ tử có trí nhớ siêu phàm, người có công lưu lại lời Phật giảng thành các cuốn kinh sách mà chúng ta biết ngày nay. Cũng không thể không nhắc đến Xá Lợi Phất với trí huệ xuất chúng, được Phật giao trọng trách thống lĩnh tăng đoàn.
Và trong số thập đại đệ tử ấy, có một vị là Tu Bồ Đề. Không giống như biết bao đồng môn khác, ông gần như chẳng có gì đặc biệt. Ông không sôi nổi, cũng không có tài năng nào đáng nói, mà chỉ trầm tĩnh, lặng lẽ, rất ít người biết về ông.
Nhưng khi chư thiên trải hoa cúng dường, từng đoá từng đoá hoa trời bay lất phất, thì mưa hoa không chọn ai cả, mà chỉ chọn riêng Tu Bồ Đề.
Cơn mưa hoa cúng dường ấy, ngoại trừ Đức Phật, thì chỉ tôn giả Tu Bồ Đề mới có được vinh dự ấy. Điều ấy nói lên rằng, Tu Bồ Đề bề ngoài chẳng có gì đặc biệt, nhưng kỳ thực lại vô cùng đặc biệt!
Chuyện về tôn giả Tu Bồ Đề
Tương truyền, Tu Bồ Đề sinh ra trong một gia đình giàu sang phú quý. Nhưng đúng vào ngày ông chào đời thì toàn bộ mọi tài sản và bảo vật trong nhà đột nhiên biến mất, sau vài ngày tất cả mới trở lại bình thường. Đến khi lớn lên, Tu Bồ Đề lại tỏ ra là một cậu bé kỳ lạ, có bao nhiêu tiền bạc đều đem cho người nghèo, thậm chí gặp kẻ hành khất không có áo mặc, cậu cũng cởi chiếc áo ra cho.
Đến khi gia nhập tăng đoàn, trở thành một Phật tử chân chính, Tu Bồ Đề sớm đã đạt đến cảnh giới ly dục, ly ái, không tranh hơn thua với đời, cũng không mong cầu thứ gì ở thế gian.
Tương truyền, một ngày Tu Bồ Đề ngồi vá áo trong động Kỳ Xà trên núi Linh Thứu, quán thấy Đức Phật du hoá phương xa đang trên đường trở về, ngài bèn buông áo định xuống núi nghênh đón. Nhưng như lời Phật đã dạy: “Nếu dùng sắc thấy Ta, dùng âm thanh cầu Ta, là người hành tà đạo, chẳng thể thấy Như Lai”, Tu Bồ Đề chợt nghĩ, Phật là bậc vô ngã, đã đạt đến cảnh giới của “Không”, vậy hà tất phải xuống núi mới là đi đón Phật? Nghĩ vậy, ngài lại ngồi xuống bình thản vá áo.
Lúc ấy, vị tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc nhờ có thần thông mà biết được Phật sắp về, nên đã nhanh chân xuống núi trước. Liên Hoa Sắc đang hoan hỷ tự hào rằng mình là người đầu tiên đón Phật. Nhưng Đức Phật chỉ mỉm cười và nói: Này Liên Hoa Sắc, người nghênh đón ta trước tiên chẳng phải là ngươi, mà chính là Tu Bồ Đề. Hiện giờ tại động Kỳ Xà, Tu Bồ Đề đang chiếu quán tính ‘Không’ của các pháp. Người thấy pháp mới là người thứ nhất thấy Phật, người đệ nhất nghênh tiếp Phật.
Một lần khác, Đức Phật cùng chúng đệ tử đang ở tu viện Kỳ Thọ Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ, tôn giả Tu Bồ Đề đã đã đứng dậy chắp tay cung kính rằng: “Bạch Thế Tôn, đối với các thiện nam tín nữ khi phát tâm bồ đề thì làm thế nào mới có thể an trụ tâm được? Và khi họ bị các vọng niệm quấy phá thì làm thế nào mới có thể hàng phục tâm được?”.
Đức Phật đã thuyết Kinh Kim Cương, giảng rằng muốn tâm thanh tịnh thì “chẳng nên trụ nơi hình sắc sinh tâm, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng sinh tâm. Nên ở nơi không chỗ trụ mà sinh tâm”. Cuối cùng Đức Phật kết thúc bằng bài kệ:
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán”
Tạm dịch:
“Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng ảo, bọt nước,
Như sương sa, điện chớp.
Nên quán sát như vậy”
Pháp hữu vi như mộng ảo, bọt nước, chỉ có thanh tịnh vô vi mới là cảnh giới tối cao của người tu hành. Lời Phật giảng khiến tôn giả Tu Bồ Đề bừng ngộ, ông cảm động đến rơi lệ: “Bạch Thế Tôn, con từ khi đạt được nhãn huệ cho đến nay chưa từng nghe kinh nào như thế này”. Từ đó ông khai ngộ, minh tỏ cảnh giới “Không”, được Đức Phật gọi là “Giải Không đệ nhất” trong tăng đoàn.
Đạo gia gọi đó là “Vô Vi”, còn Phật gia gọi là “Không”. “Không” không phải là trống rỗng không có gì cả, mà là vô cầu, vô dục, vô chấp trước. Chỉ khi người tu luyện trừ dứt hết thảy mọi dục vọng, truy cầu, buông bỏ mọi chấp trước, xả tận mọi nhân tâm, hoàn toàn không còn chấp vào âm thanh, hình sắc, mùi vị, hay cảm xúc, thì mới không bị mê hoặc giữa nhân gian. Đó cũng chính là cảnh giới của một người Giác Ngộ.
Như vậy, Tu Bồ Đề chứng đắc quả vị của mình không phải thông qua thần thông, tiểu năng, tiểu thuật, cũng không phải vì có trí tuệ siêu phàm, mà chính là nhờ thấu triệt cái lẽ “Không”. Trong hàng ngàn đệ tử của Phật Thích Ca, ngoài Tu Bồ Đề thì chưa có ai thật sự làm được điều này.
Vậy vì sao chúng ta lại nhắc đến Tu Bồ Đề trong bài viết này?
Đó là bởi, ở đây có một sự trùng hợp khá thú vị: Tên gọi của tôn giả Tu Bồ Đề vừa hay lại giống với tên gọi sư phụ của Ngộ Không — Tu Bồ Đề Tổ sư, hay Bồ Đề Tổ sư. Ông được mệnh danh là “Giải Không đệ nhất”, chứng ngộ về lẽ “Không“, trong khi Bồ Đề Tổ sư cũng lấy chữ “Không” để đặt tên cho Hành giả: Tôn Ngộ Không.
Liệu Bồ Đề Tổ sư có thực sự là tôn giả Tu Bồ Đề, hay chỉ là một cái tên mang ý nghĩa biểu tượng? Tây Du Ký có tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm, vậy nên câu hỏi này hãy coi như một lời mở ngỏ. Nhưng một điều đáng chú ý là, Ngộ Không là vị đệ tử mở đường của Tam Tạng, luôn đi đầu trong các cuộc trảm yêu trừ quái. Phải chăng điều ấy nói với chúng ta rằng, muốn ngộ về “Không”, đạt đến cảnh giới vô dục vô cầu vô nhân tâm, thì người tu hành luôn phải chủ động trảm yêu trừ quái trong tâm mình, cũng chính là: Tự bản thân phải chủ động hàng phục ma tâm của chính mình!
Hồi thứ nhất của Tây Du Ký kết thúc bằng hai câu thơ dưới đây, quả thật khiến người ta suy ngẫm:
“Hỗn mang mới mở vốn không họ,
Phá hết mịt mờ: Phải Ngộ Không!”
Hồng Liên