Nếu như người Việt dùng câu “máu ghen Hoạn Thư” thì người Trung Hoa lại có cách nói “uống giấm” để chỉ sự ghen ghét và đố kị trong tình yêu. Ghen tuông thì có liên quan gì tới giấm? Đằng sau đó là một câu chuyện cổ về ân nghĩa vợ chồng.

Trong lịch sử có một nhân vật rất đặc biệt, đường đường là tể tướng khai quốc, là bậc hiền quan nổi danh bậc nhất thời nhà Đường nhưng lại sợ vợ. Đó là Phòng Huyền Linh.

Phu nhân của Phòng Huyền Linh tên là Lư Thị, là người phụ nữ tính cách cương liệt, mạnh mẽ, và đặc biệt là rất hay ghen. Bà một mực không cho phép chồng nạp thiếp, hình ảnh của bà được coi là tiêu biểu cho câu “Thê quản nghiêm” trong truyền thuyết. Phòng Huyền Linh đối với mỗi lời vợ nói ra thì đều nghe theo răm rắp, không dám trái nửa lời.

Phòng Huyền Linh từng lập chiến công hiển hách nên được Đường Thái Tông ban thưởng mỹ nữ. Ông dập đầu tạ ơn hoàng đế nhưng từ chối không nhận, điều này khiến Đường Thái Tông lấy làm kỳ lạ lắm.

Lúc ấy tướng Ngụy Trưng đứng bên cạnh đã kể cho hoàng thượng về câu chuyện “thê quản nghiêm” và “sợ vợ” của gia đình Phòng Huyền Linh. Đường Thái Tông không tin nên hạ lệnh đưa mỹ nữ đến nhà tể tướng, rồi lại phái người đi nghe ngóng tình hình. Quả nhiên, phu nhân Lư Thị thấy mỹ nữ vua ban thì nổi giận đùng đùng khiến phủ tể tướng cả đêm “gà chó không yên”.

Ngày thứ hai lên triều, Phòng Huyền Linh xuất hiện với khuôn mặt đầy vết thương, triều phục nhăn nhúm không chỉnh tề. Thái Tông nhìn thấy mà vừa bực mình, vừa buồn cười: Tức giận bởi sự ghen tuông của Lư Thị – có đại thần nào mà không “tam thê tứ thiếp”? Lại buồn cười trước nỗi sợ vợ của Phòng Huyền Linh, đường đường là tể tướng một vương triều mà sao lại sợ vợ như chuột sợ mèo như vậy được?

Thái Tông quyết định sẽ tự mình chỉnh đốn cái thói xấu này của Lư Thị. Ông hạ lệnh ban cho Phòng Huyền Linh mười hai thê thiếp, sau lại đích thân hạ giá đến phủ tể tướng và cho triệu kiến Lư Thị. Đường Thái Tông giọng điệu ôn hòa nhưng vẫn uy nghiêm, khuyên Lư Thị nên thông cảm cho sự vất vả của trượng phu mà chấp nhận lễ vua ban.

Thái Tông thầm nghĩ: “Ta đường đường là hoàng đế một nước, hạ mình giải quyết chút chuyện nhỏ này thì quá dễ dàng”. Người bình thường chỉ nhìn thấy vua từ xa mà đã nơm nớp lo sợ, nhưng Lư Thị thì khác, bà hoàn toàn không chịu thua. Bà bình tĩnh trả lời nhưng vẫn khiến người khác cảm nhận được sự kiên quyết và không chút dao động của mình: “Bẩm hoàng thượng, tiện thiếp không nguyện ý”.

Thái Tông nghe vậy, cảm thấy vô cùng tức giận. Người đàn bà chua ngoa, to gan này lại dám bêu xấu vua trước mặt bao nhiêu người, thật là không biết điều! Nếu không cứng rắn thì sẽ không đè ép được cái khẩu khí lớn này của chị ta nữa.

Thái Tông liền hạ lệnh: “Người đâu, bưng ly rượu độc lên đây”.

Sau đó ngài vừa chỉ vào ly rượu độc vừa nói với Lư Thị: “Hôm nay nếu ngươi chấp thuận thì mọi chuyện sẽ cho qua. Còn nếu không, ngươi sẽ phải nhận ly rượu độc này. Sống hay chết, đều do ngươi tự mình quyết”.

Lư Thị quả quyết: “Thiếp thà ghen mà chết, còn hơn sống mà nhìn chồng năm thê bảy thiếp”.

Phòng Huyền Linh theo tranh vẽ của họa sĩ người Nhật Kikuchi Yosai.

Phòng Huyền Linh đứng bên cạnh rùng mình khiếp sợ, liên tục đưa mắt nhìn phu nhân, chỉ mong nàng có thể nói lời dễ nghe hơn một chút để hạ cơn tức giận của hoàng thượng. Không ngờ, Lư Thị gặp hiểm không kinh, gặp nguy không sợ, bà không chút do dự mà bình tĩnh nâng ly rượu độc, một hơi cạn sạch.

Thái Tông trông thấy vậy liền kinh sợ, trong tâm vô cùng bội phục: Người đàn bà này tính tình cương liệt, mạnh mẽ, không sợ quyền thế, lại một lòng một dạ với trượng phu, dẫu có chết cũng quyết không chia sẻ trượng phu của mình với người khác. Loại khí phách ấy thật khiến người ta kính nể không thôi.

Thái Tông nở nụ cười, hướng tới Phòng Huyền Linh và nói: “Phu nhân của khanh quả nhiên lợi hại, ngay cả ta cũng phải kính sợ, huống chi là khanh. Thôi được rồi, mười hai tỳ thiếp kia ta sẽ thu hồi lại, việc riêng nhà khanh ta không quản nữa. Nhà ngươi yên tâm, rượu kia không phải rượu độc gì cả, chỉ là giấm mà thôi”.

Cả phòng cười rộ lên. Từ đó, hai chữ “吃醋” (uống giấm) được dùng để chỉ thói ghen tuông trong tình yêu.

***

Đọc đến đây, hẳn sẽ có nhiều người thắc mắc: “Đây là thời phong kiến, thời kỳ xã hội nam quyền, phụ nữ có địa vị rất thấp. Bậc danh tướng và quyền thế như Phòng Huyền Linh hoàn toàn có thể nạp thêm thê thiếp, sao lại để cái danh ‘sợ vợ’ làm mất uy phong bản thân kia chứ?”.

Thật ra, cái danh “sợ vợ” không phải xuất phát từ sự chanh chua của Lư Thị, cũng không phải từ nỗi sợ thật sự của Phòng Huyền Linh, mà là phát ra từ tình yêu thương và kính trọng thê tử của mình.

Khi xưa, Phòng Huyền Linh “có tài nhưng không gặp thời”, ông không chỉ nghèo khó mà còn mắc một căn bệnh nặng, tưởng chừng sẽ không thể qua khỏi. Ông liền nói với thê tử của mình rằng: “Nàng vẫn còn trẻ, sau khi ta chết nàng đừng ở vậy mà hãy tìm một người tốt hơn mà nương tựa”.

Lư Thị nghe vậy cảm thấy rất buồn, bà chẳng nói chẳng rằng liền trốn vào trong phòng tự làm mù một bên mắt của mình. Bà đã thể hiện tấm chân tình với trượng phu, thề cả đời thủ tiết, quyết không tái giá. Phòng Huyền Linh thấy vậy, trong lòng cảm động vạn phần, từ đó ngày càng kính trọng phu nhân hơn. Ông đã lập lời thề: Cả đời này dù vinh hay nhục cũng quyết sẽ không lập thiếp. Đó là bởi tấm chân tình mà vợ dành cho ông đã vượt qua cả sự sinh tử.

Cổ nhân đạo đức cao thượng, quyết không phản bội và làm trái lời thề. Vì thế kể cả sau này, khi Phòng Huyền Linh thanh danh hiển hách, công trạng lẫy lừng, quyền thế chỉ dưới một người mà trên muôn vạn người, ông cũng không quên đi ân đức của thê tử và lời hẹn thề mình lập ra năm nào. Cả đời ông chỉ chung tình với một người duy nhất, không lấy thêm ai cả. Ông quả thực là bậc trượng phu quân tử, lưu danh sử sách.

Kỳ thực, trong lịch sử những điển cố tương tự còn nhiều lắm. Thời Xuân Thu có bậc hiền tướng tên là Yến Anh, từng từ chối khi Cảnh Công muốn gả con gái của mình cho ông. Ông đã kiên quyết không ruồng bỏ người vợ gắn bó thuở hàn vi của mình. Từ đó, ta có thể nhìn ra cách cổ nhân đối đãi với hôn nhân như thế nào.

Tình nghĩa vợ chồng ngoài chữ “tình”, chữ “nghĩa” thì còn có cái “ân”. Có câu: “Một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa”.

Chúng ta vẫn luôn nói rằng duyên phận là do trời định trước, “tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Cổ nhân tín Thần, kính trời, khi kết hôn thì vái thứ nhất là bái Thiên Địa để trời đất chứng giám, vái thứ hai là bái phụ mẫu, và vái thứ ba mới là bái phu thê. Vì thế, cổ nhân đối với hôn nhân luôn đặt ân nghĩa, duyên phận, và lễ nghĩa ở phía trước, sau cùng mới là cái tình.

Vì vậy, ngay từ điển cố ‘ghen’ đã cho thấy đại trí huệ của cổ nhân, quả là điều đáng để chúng ta cùng suy ngẫm…

Trâm Anh
Theo Epochtimes