Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, một tác phẩm điện ảnh từng rơi vào quên lãng nay lại thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Đó là bộ phim “Bệnh truyền nhiễm” (Contagion) của đạo diễn tài năng Steven Soderbergh, được công chiếu vào năm 2011.
Bộ phim “Bệnh truyền nhiễm” được công chiếu vào năm 2011, vốn không phải là một tác phẩm ăn khách, cũng chưa từng gây sốt phòng vé, nhưng sau ngày 20/1/2020, tên gọi bộ phim đã trở thành từ khóa nóng hổi được tìm kiếm trên Google với tỷ lệ lên tới 89%. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 (còn gọi là viêm phổi Vũ Hán) nhanh chóng lây lan khắp toàn cầu, chỉ trong một thời gian ngắn, “Bệnh truyền nhiễm” đã thành một chủ đề được nhiều người bàn tán.
Câu chuyện kể rằng, nữ nhân vật Beth vừa kết thúc chuyến công tác ở Hồng Kông và trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình tại Minnesota, Hoa Kỳ. Mitch, chồng cô ban đầu nghĩ rằng sức khỏe Beth suy giảm là do thay đổi múi giờ, nhưng thực tế thì căn bệnh đang tiến triển rất nhanh, như sẵn sàng cướp đi sinh mạng của cô. Beth là bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ trở thành nạn nhân của viêm màng não chủng mới MEV-1, căn bệnh này sau đó cũng nhanh chóng lan ra toàn thế giới.
Một sĩ quan tình báo dịch tễ học và một quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ nỗ lực tìm cách kiểm soát sự lây lan của MEV-1, nhưng họ không nhận được sự đồng tình của các quan chức địa phương nơi dịch bệnh đang bùng phát. Các thế lực âm mưu thù địch bắt đầu truyền bá nhiều video có ý đồ xấu lên mạng xã hội, lợi dụng lòng tin để kích động dân chúng, trong khi các nhà dịch tễ học gặp khó khăn khi muốn tìm ra nguồn gốc lây lan của virus và truy tìm dấu vết của nó. Mitch – chồng của bệnh nhân số 0 (Patient Zero) dường như miễn nhiễm với MEV-1, nhưng anh phải đối mặt với những nỗi đau và khủng hoảng của gia đình.
Bộ phim không chỉ đề cập đến việc truy tìm nguồn gốc của một căn bệnh, mà quan trọng hơn, nó đã cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống dân chúng trong thời buổi dịch bệnh hoành hành. Các nhân vật trong phim, mỗi người một suy nghĩ, nhưng tất cả đều đồng tâm muốn đẩy lùi căn bệnh quái ác này.
Trong phim có một đoạn lời thoại: “Mọi người thông thường sẽ sờ lên mặt 3-5 lần mỗi phút, trong khi trước đó tay họ đã sờ vào rất nhiều đồ vật khác như tay nắm cửa, vòi nước, hoặc bắt tay người khác”. Đoạn thoại này đặc biệt phù hợp với tình trạng dịch bệnh hiện nay.
Có thể phần lớn khán giả đều chưa từng được trang bị kiến thức về dịch tễ học, nhưng qua bộ phim này họ sẽ có thêm một góc nhìn sống động về dịch bệnh, đồng thời để lại nhiều liên tưởng tới thực trạng đang diễn ra hiện nay. Năm 2011, không ai trong chúng ta nghĩ rằng vấn đề ấy sẽ trở thành mối quan tâm toàn cầu, cũng không phải là thách thức mà chính phủ các quốc gia phải đau đầu nghĩ cách đối phó. Vì thế, mặc dù MEV-1 chỉ là một loại virus hư cấu, nhưng nó đã làm đảo lộn cả thế giới, thậm chí gây ra các mâu thuẫn kịch liệt giữa các tổ chức và tầng lớp trong xã hội, làm người xem cảm giác như đang chứng kiến cuộc đời thực của chính mình.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng mức cảnh báo dịch viêm phổi Vũ Hán từ mức cao lên mức nguy hiểm, điều này làm cho bộ phim càng trở lên hấp dẫn với người xem. Nội dung trên phim ảnh vừa giống như ngoài đời thực, vừa vượt quá sức tưởng tượng của con người. Trong phim, số người chết vì dịch MEV-1 đã vượt quá 20 triệu người, nền kinh tế thế giới vì thế cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến nay, chúng ta khó có thể biết được liệu COVID-19 có giống như MEV-1 không, hay nó thậm chí còn kinh khủng hơn những gì ta có thể tưởng tượng.
Trên mạng, một khán giả đã để lại lời bình luận rằng: “Một loại virus mà làm cho cả thế giới phải lo lắng! Dịch bệnh này rất giống nội dung một bộ phim đã được công chiếu nhiều năm trước đây, không lẽ đây chính là một lời tiên đoán?”.
Với những ai đã từng sống qua những năm dịch SARS, thì sẽ nhận thấy viêm phổi Vũ Hán 2020 chính là phiên bản hiện thực của bộ phim này, giống như cuộc sống đang dựng lại những gì trên phim ảnh…
Theo Điền Cát Cát, Sound Of Hope
Quỳnh Chi biên dịch