Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.
Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5.000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.
Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.
Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục Kim Dung dài kỳ để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:
Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên
Nghĩa là:
Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh
- Trọn bộ Bình Kim Dung
Kỳ 6: Đi tìm võ trạng nguyên trong truyện Kim Dung – những quy ước trước cuộc khảo thí
Nói về truyện kiếm hiệp mà không đề cập đến võ công thì quả là điều thiếu sót. Võ thuật là một phương tiện biểu hiện những nội hàm văn hóa thâm sâu của Kim Dung, nhưng nó cũng là một thủ pháp giúp bạn đọc giải trí. Truyện của Kim Dung đầy ắp những cuộc đấu võ công hết sức hấp dẫn, hết sức kỳ ảo. Những nhân sĩ võ lâm cũng muôn màu muôn vẻ, không ai giống ai. Hôm nay, chúng ta thử đóng vai ban giám khảo để bầu chọn ra vị võ trạng nguyên, tức là người có võ công cao nhất trong truyện Kim Dung. Tuy nhiên, trước tiên cần thống nhất một vài điểm sau:
Thứ nhất, đây là đánh giá của tác giả loạt bài theo góc nhìn cá nhân, mặc dù người viết cố gắng khách quan nhưng khó có thể không có sự thiên vị nào đó theo sở thích cá nhân. Mong độc giả rộng lượng.
Thứ hai, độc giả có thể có bình chọn của riêng mình ở phần bình luận dưới bài. Người viết bài hết sức hoan nghênh những đóng góp của quý độc giả.
Thứ ba, vì đây là cuộc bầu chọn võ trạng nên các thí sinh phải là người thường, không phải thần, không phải ma. Đồng thời, những nhân vật dù có võ công siêu phàm nhưng chúng ta chưa từng được chứng kiến họ xuất chiêu mà chỉ qua lời kể lại của những nhân vật khác trong truyện thì cũng không được tham gia cuộc “Hoa Sơn luận kiếm” trên đỉnh Đại Kỷ Nguyên lần này.
Vì thế, cuộc thi võ lần này xin loại ra những thí sinh sau:
Vô danh thần tăng
Không ai biết tên thật của ông là gì, nhưng dù chỉ xuất hiện trong chừng hai chục trang của truyện Thiên Long Bát Bộ, ông đã làm chấn động giới võ lâm trong truyện Kim Dung. Chấn động là vì từ đạo lý ông giảng đến võ công ông sử dụng đều nhất nhất vượt khỏi phàm nhân mặc dù chức phận của ông nhỏ bé, chỉ là một chấp sự tăng làm việc lặt vặt trong Tàng Kinh Các chùa Thiếu Lâm. Bằng hai động tác nhẹ nhàng, hời hợt, ông dễ dàng hạ gục hai đệ nhất cao thủ là Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn. Chưởng lực ghê gớm của Tiêu Phong cũng bị ông ung dung hóa giải. Ông cắp hai cái xác to lớn của Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác bình thản lướt đi mà Tiêu Phong và Mộ Dung Phục giở hết sức bình sinh cũng không đuổi kịp.
Điều này khiến ta nhớ lại sự việc tướng cướp Angulimala chạy bở hơi tai cũng không theo kịp Đức Phật thong thả tản bộ đằng trước. Ấy là vì những bậc đắc Đạo dùng thần thông đi trong một không gian khác mà người thường không thể theo cùng bằng sức mạnh cơ bắp. Sự xuất hiện của vô danh thần tăng để cứu khổ cứu nạn giống như sự xuất hiện của Quan Thế Âm Bồ Tát vậy. Đó là Thần, mà Thần thì không thể mang ra so sánh với con người được, làm vậy là bất kính. Thần cũng đã buông bỏ hết thảy thất tình lục dục, danh hiệu đệ nhất võ lâm nào có ý nghĩa gì với Thần? Do vậy, chúng ta đành cung kính thỉnh ngài lên điện thờ.
Trương Tam Phong
Ở bộ Thần Điêu Hiệp Lữ, ông xuất hiện vào cuối truyện với hình ảnh chú tiểu Trương Quân Bảo học nghệ sư Giác Viễn. Ở Ỷ Thiên Đồ Long Ký, ông đã là một kỳ nhân, là Thái Sơn Bắc Đẩu cao vòi vọi trong võ lâm, người sáng lập phái Võ Đang tề danh với Thiếu Lâm mà cả hai phe Hắc Bạch đều kính ngưỡng. Ông là tổ sư Võ Đang đồng thời là tác giả của những môn võ nổi tiếng được truyền tụng mãi là Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm, là người có công phu Cửu Dương Công cao thâm nhất trong võ lâm.
Võ công của Trương Tam Phong cao đến đâu? Chính Kim Dung trong một lần trả lời phỏng vấn một tờ báo của Hồng Kông đã nói rằng: “Võ công của Trương Chân Nhân cao lắm, cao không thể tả được”. Nghe nói Trương Tam Phong sống đến hai trăm tuổi, có người còn bảo ông chưa bao giờ chết. Người ta gọi ông là Trương Chân Nhân vì trong truyền thống Đạo gia thì Chân Nhân là chỉ những người đã đắc Đạo. Ngoài đời thực, Trương Tam Phong còn có tầm vóc lớn hơn nữa trong văn hóa tu luyện Đạo gia. Đó cũng là một vị Thần. Cũng giống như Đạt Ma sư tổ, người sáng lập ra võ phái Thiếu Lâm cũng là một vị A La Hán. Do vậy, chỗ của ngài cũng không phải chốn phù hoa náo nhiệt. Chúng ta lại xin thỉnh ngài lên chốn điện thờ nghi ngút khói hương.
Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh
Hai người này chưa từng biểu diễn võ công trong truyện Kim Dung, chúng ta chỉ biết đến võ nghệ kinh nhân của họ qua lời kể của người khác.
Vương Trùng Dương là một đạo sĩ, người sáng lập Toàn Chân giáo, một giáo phái Đạo gia mạnh nhất Trung Hoa thời Bắc Tống. Ông được nhắc tới trong Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ như là người có võ công cao nhất thiên hạ, đứng đầu Ngũ Bá. Tuyệt chiêu của ông là Tiên Thiên Công, một công phu dùng chỉ lực tương tự như Nhất Dương Chỉ của Đoàn Nam Đế. Ông còn là người thành thạo Cửu Âm Chân Kinh, một thứ võ công tối thượng của truyện Kim Dung.
Còn Lâm Triều Anh là người bạn, người hàng xóm, người tình si của Vương Trùng Dương. Bà tài sắc vẹn toàn, là tổ sư sáng lập môn phái Cổ Mộ. Bà cũng là người cạnh tranh khiến cho Vương Trùng Dương rèn luyện để vươn tới đỉnh cao nhất của võ học. Trình độ võ nghệ của bà cũng tương đương với Vương Trùng Dương.
Tuy vậy, hai người này mang một mối ưu sầu. Ông thì buồn vì việc nước. Bà thì buồn vì ông. Cho nên, ta không nên làm phiền họ nữa, hãy để họ trầm tư trong chốn Hoạt tử nhân Mộ tịch mịch, nơi người còn sống mà cõi lòng như đã chết.
Độc Cô Cầu Bại
Những sáng tạo nghệ thuật độc đáo và tạo cảm hứng nhất của Kim Dung lại dành cho một ẩn sĩ võ lâm chưa từng động thủ quá chiêu với nhân vật nào trong truyện. Tuy nhiên, di sản của ông chính là triết lý võ công “vô chiêu thắng hữu chiêu” hết sức độc đáo cao thâm. Đó chính là Kiếm ma Độc Cô Cầu Bại. Đó là một danh tự kiêu hùng mang tính “duy ngã độc tôn”. Chúng ta nức lòng với hình ảnh một đại tôn sư võ học chống kiếm giữa chốn giang hồ suốt mấy chục năm cuộc đời mà chưa từng đánh thua một trận nào, chỉ mong có một lần bại trận mà không được. Thậm chí ông chỉ cầu người ta có thể khiến ông lui về thế thủ một chiêu hay nửa thức đã mãn nguyện. Vì kiếm thế biến ảo như ma thuật không đối thủ nào nắm bắt được nên gọi là “Kiếm ma”. Chỉ cầu mong một lần bại trận mà không được nên tâm tình trở nên cô độc tịch mịch, cuối cùng trở thành mối hận ngàn thu khi gửi nắm xương tàn nơi thâm sơn cùng cốc.
Đời ông có 3 truyền nhân mà ông không biết, nhưng thông qua ba đại cao thủ ấy mà võ học của ông danh chấn thiên hạ. Đó là Dương Quá, Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung. Thiếp mời tham dự cuộc thi võ trạng nguyên của chúng tôi dù đã gửi đến tận nơi nhưng không có ai nhận. Chúng ta cũng đành kính cẩn trước nấm mồ của bậc anh hùng võ nghệ trùm đời ấy mà lui gót, để vong linh ông ở lại làm bạn với linh thú Thần Điêu và năm thanh kiếm huyền thoại: Cương kiếm, Tử vi kiếm, Huyền thiết kiếm, Mộc kiếm và Vô kiếm (vô kiếm thắng hữu kiếm).
Đông Phương Bất Bại
Đã có Cầu Bại thì chắc chắn sẽ phải có Bất Bại. Đông Phương Bất Bại là giáo chủ đương nhiệm của Nhật Nguyệt Thần Giáo (bản cũ gọi là Triêu Dương Thần Giáo) trong bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ. Võ công của kẻ này số một thiên hạ, không hề có đối thủ. Nhưng mưu gian của hắn cũng đứng đầu thiên hạ. Hắn khiến cho một kẻ sĩ võ lâm võ nghệ siêu quần và lão mưu thâm toán khác là giáo chủ tiền nhiệm Nhậm Ngã Hành cũng phải cúi đầu bội phục, dù Nhậm Ngã Hành bị hắn hạ bệ và giam cầm suốt nhiều năm trời trong tù ngục dưới đáy Tây Hồ.
Nhưng cũng vì để có võ công tuyệt thế mà hắn phải vung đao tự cung (tự thiến) để luyện Quỳ Hoa Bảo Điển. Rồi cũng từ đó hắn càng lấn sâu vào ma đạo, từ một đại gian hùng đầy hùng tâm tráng chí trở thành một tên lại cái nói giọng eo éo với phong cách âm nhu phiêu hốt chợt mừng chợt giận. Hắn giấu mình nơi khuê phòng để thêu thùa, yêu thích phấn son, nước hoa và đặc biệt gửi gắm tình cảm cho một hán tử râu ria xồm xoàm.
Tuy vậy, hắn chỉ cần dùng một chiếc kim thêu là có thể đả bại 4 đại cao thủ võ công cao nhất cùng hợp công là Nhậm Ngã Hành, Lệnh Hồ Xung, Hướng Vấn Thiên và Nhậm Doanh Doanh. Thân pháp hắn vụt qua vụt lại nhanh như loài quỷ mị, không ai có thể đụng vào được. Đoạn miêu tả trận chiến giữa 4 người kia với Đông Phương Bất Bại cứ như cuộc chiến tuyệt vọng của bốn con người với một con ma. Mà trạng võ thì phải là một con người, không thể là một con ma được. Do vậy, ta hãy để trường hợp này cho Diêm Vương ở âm ty quản lý, có thể dưới đó cũng có cuộc thi võ mà Đông Phương Bất Bại có thể tham dự được.
Và sau khi đã loại trừ những thí sinh ngoại hạng này, thì chúng ta hãy đến với vòng loại cuộc thi võ trạng nguyên trong truyện Kim Dung. Hình như các thí sinh cũng đã sốt ruột lắm rồi.
Kính mời quý độc giả đón xem kỳ sau. Trong khi ấy, xin quý vị tự do bầu chọn trong phần bình luận dưới đây.
Y Hoàng