Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.

Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5.000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.

Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.

Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục Kim Dung dài kỳ để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên

Nghĩa là:

Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh

Thành kính tri ân văn hào Kim Dung!

Kỳ 12: Kiều Phong hay Tiêu Phong? Nạn nhân của mối thù sắc tộc kẻ Hán người Hồ (3)

Lòng đã chết, sống là vì người

Tiêu Phong ngộ sát A Châu mà trong lòng đau khổ, ôm xác A Châu chạy như điên đến lúc không còn biết gì nữa. Sau lại muốn đến gặp Đoàn Chính Thuần để y ra tay giết mình trả thù cho con gái, mới tình cờ phát hiện ra Đoàn Chính Thuần không phải thủ lĩnh đại ca. Cuối cùng phát hiện Mã phu nhân Khang Mẫn đã lừa mình.

Tiêu Phong ngộ sát A Châu. (Ảnh từ youtube)

Nhưng A Châu trước lúc lâm chung đã gửi gắm em gái sinh đôi A Tử cho Tiêu Phong trông nom. Ý chừng ngược lại mới đúng, nàng muốn theo cách của Thúy Kiều nhờ Thúy Vân thay mình chăm sóc cho Kim Trọng hay chăng? Nhưng không may, A Tử không nền nã thùy mị như Thúy Vân, cũng chẳng tốt bụng được như chị. Ngược lại cô ta là một kẻ độc ác quái dị, một phần do tập nhiễm tính xấu khi từ nhỏ sống trong môn phái của Tinh Túc Lão Quái Đinh Xuân Thu. Sống một mình đã hết sức đau lòng, giờ lại phải đeo thêm một của nợ phiền toái, sức chịu đựng, tính “Nhẫn” của Tiêu Phong quả là đáng nể.

Những thủ đoạn tà độc của A Tử đã dẫn đến vết thương chí mạng cho chính cô ta do Tiêu Phong vô tình gây ra trong lúc phản ứng cấp thời. Thế là, Tiêu Phong lại một lần nữa trở thành bác sĩ, cha, anh, vú em… một lúc kiêm mấy vai bất đắc dĩ với A Tử. Và một lần nữa, sự tận tụy và quảng đại của Tiêu Phong lại khiến A Tử vô cùng cảm động giống như chị cô đã từng xúc động và đem lòng yêu mến con người bên ngoài thô hào mà bên trong tinh tế này.

Tới đâu vẫn là người nghĩa khí can vân

Hình như bên ngoài quan ải khí trời lạnh lẽo mà lòng người lại ấm áp hơn. Tiêu Phong ở với những người Nữ Chân – một địch thủ của người Khất Đan, lại được quý mến hơn so với ở Đại Tống, dù họ biết ông là người Khất Đan. Tiêu Phong coi nhẹ danh lợi, coi trọng nghĩa khí nên tự nhiên gây được tình cảm quý mến của bằng hữu khắp nơi. Thậm chí tình cảm tự nhiên ấy trong lúc bồng bột ở các bằng hữu Cái Bang đã chiến thắng nghĩa vụ phải căm ghét kẻ dị chủng như ông. Rồi tình cờ một lần ra tay nghĩa hiệp nữa đã khiến ông kết nghĩa huynh đệ với hoàng đế nước Liêu là Gia Luật Hồng Cơ.

Khi Liêu đế định phong quan chức cho ông, Tiêu Phong đã định đang đêm bỏ đi cho đỡ vướng bận. A Châu chết rồi, đường về Đại Tống đã cắt đứt, huynh đệ thân thiết ở Đại Tống cũng đã tuyệt giao, Tiêu Phong không còn ham muốn điều gì ở cuộc đời. Nhưng nghĩa huynh gặp lúc nguy nan, phải giúp anh ta mới trọn tình huynh đệ. Tiêu Phong nói:

Nếu đã thế thì tiểu đệ nguyện cùng với ca ca, ngày mai một trận tử chiến với bọn phản khấu. Ca ca và đệ nghĩa kết kim lan, ca ca là hoàng đế cũng vậy, là dân thường cũng vậy, đối với Tiêu mỗ cũng đều là nghĩa huynh. Huynh trưởng có nạn thì người em này nguyện cùng anh đồng sinh cộng tử chứ lẽ nào lại bỏ chạy bao giờ? Gia Luật Hồng Cơ nước mắt rưng rưng, nắm chặt hai tay ông nói: Hảo huynh đệ, cảm ơn em.”(1). Tiêu Phong chính là con người như thế.

Thân ở Bắc mà lòng vẫn ở Nam

Vì kỳ công lập được trong trận chiến với quân phản loạn, Tiêu Phong được Gia Luật Hồng Cơ phong chức Nam Viện Đại Vương, tước Sở Vương, chức danh cao quý nhất chỉ kém ngôi vị hoàng đế. Tuy nhiên tâm tình ông ra sao? “Tiêu Phong đưa mắt nhìn về hướng nam thấy nơi đất trời giao tiếp ở xa xa núi non trùng điệp nghĩ bụng: “Qua khỏi dãy núi kia là Trung Nguyên.” Ông tuy là người Khất Đan nhưng từ nhỏ lớn lên tại phương nam, trong lòng quả là yêu Đại Tống rất nhiều mà yêu Đại Liêu chẳng bao nhiêu, nếu như Cái Bang cho ông làm một bang chúng vô danh không chức phận, không túi nào, e rằng còn sung sướng hơn là chức Nam Viện Đại Vương.”(2)

Vì kỳ công lập được, Tiêu Phong được Gia Luật Hồng Cơ phong chức Nam Viện Đại Vương. (Ảnh minh họa từ youtube)

Ở Nhạn Môn Quan cao vút Tiêu Phong từng ước mơ được giống như bầy nhạn tự do bay vượt núi để qua lại hai miền nam bắc. Con người kia sao tự do được như chim nhạn? Vượt qua Nhạn Môn Quan, ông đã là người nước Liêu, mãi mãi không còn cơ hội quay về với Đại Tống, nơi ông được nuôi lớn. Và dù sau này mảnh đất ấy chối bỏ ông, ông cũng không bao giờ nguôi thương nhớ về những kỷ niệm ấu thơ với cha mẹ nuôi, ân sư Huyền Khổ và Uông Kiếm Thông… và thời thanh niên sôi nổi với anh em chí thiết trong Cái Bang và các bằng hữu Hán tộc. Nơi ấy còn chôn giấu kỷ niệm đau lòng với mối tình đầu, với người con gái duy nhất mà ông thương yêu. Thành ra cái tên Nhạn Môn Quan đọc lên sao nghe bi thiết, vì nó không chỉ là ranh giới địa lý, mà còn là ranh giới phân chia của lòng người, mãi mãi phân chia kẻ Hán người Hồ.

Tiêu Phong mới cay đắng nghĩ thầm: “Ôi, ở Trung Nguyên ta hết sức làm điều tốt, vậy mà người ta lại thù oán sàm báng biết bao nhiêu, thành kẻ đệ nhất đại gian đại ác trên giang hồ. Qua đến Bắc quốc, vô ý lại thành cứu tinh của muôn dân. Thị phi thiện ác quả là khó nói.”(3)

Ông từ bàng hoàng nhục nhã khi biết mình là người Khất Đan, đến cam lòng nhẫn nhục, đến nhớ tiếc Đại Tống, giờ đây đã nhận ra Tống hay Liêu đều là người, sao phải phân biệt?

Nếu như không có người tiết lộ thân thế thì đến giờ này ta vẫn nghĩ mình là dân Đại Tống. Ta cùng bọn người này nói chung một thứ tiếng, ăn cùng một thứ cơm, có khác gì đâu? Vì sao ai cũng là người, lại phải gượng gạo chia ra nào là Khất Đan, Đại Tống, Nữ Chân, Cao Ly làm chi? Ngươi sang đất ta ngươi “gặt lúa”, ta sang đất ngươi ta đốt nhà? Ngươi chửi ta là chó Liêu, ta mắng ngươi là lợn Tống?” Trong nhất thời, lòng ông cảm khái dạt dào như sóng biển”.(4)

Con người đứng giữa hai phía hận thù, mâu thuẫn không giải quyết nổi đành tự tận

Một bên là lòng yêu thương Đại Tống, một bên là nghĩa vụ thần dân với Liêu đế, với Đại Liêu, Tiêu Phong không biết cư xử thế nào cho phải. Khi Liêu đế ra lệnh cho ông tấn công Đại Tống, ông kháng chỉ bất chấp việc bị tống ngục. Nhưng sau khi được bằng hữu võ lâm Đại Tống cứu ra, ông vẫn băn khoăn không biết đứng về phe nào, đánh ai, cứu ai? Chiếc khăn trắng mà bằng hữu Cái Bang và võ lâm Đại Tống bảo ông buộc lên cổ cho dễ phân biệt địch ta để chiến đấu với người Khất Đan… cũng khiến con người quyết đoán như ông phải lập cập mãi mà không sao làm được.

Nỗi băn khoăn ấy, Kim Dung đã để Tiêu Phong chất vấn với Huyền Độ, cao tăng chùa Thiếu Lâm, có thể coi như đại diện của Đại Tống:

Đại sư là người Hán thì nói Hán là sáng, Khất Đan là tối. Thế nhưng người Khất Đan chúng tôi thì lại bảo Đại Liêu là sáng, Đại Tống là tối. Nghĩ đến tổ tông người Liêu chúng tôi bị người Yết tàn sát, bị người Tiên Ti hiếp đáp, chạy đông chạy tây, khổ không kể đâu cho hết. Thời nhà Đại Đường, võ công người Hán các ông cực thịnh, giết không biết bao nhiêu dũng sĩ Khất Đan, bắt bao nhiêu đàn bà con gái Khất Đan. Đến bây giờ người Hán võ công không được như cũ thì người Khất Đan lại quay trở lại tấn công người Hán. Cứ như thế giết qua giết lại không biết đến bao giờ mới thôi?”.

“…Huyền Độ thở dài một tiếng nói: Chỉ khi nào tất cả vua chúa tướng lãnh trong thiên hạ đều sùng tín Phật Pháp, giữ lòng từ bi thì lúc đó mới hết được cái thảm cảnh chiến tranh. Tiêu Phong đáp: Không biết đến năm nào tháng nào mới có được một thế giới thái bình như thế”.(5)

Vì người Tống, Tiêu Phong lại một lần nữa bức bách vua của mình, anh kết nghĩa của mình phải dùng tính mạng thề độc không được xâm phạm cương giới Tống – Liêu. Và đó là việc làm xả thân cuối cùng của Tiêu Phong. Một mặt ông giữ được tính mạng của bao nhiêu quân dân hai nước Tống Liêu, ấy là việc đại nghĩa to lớn nhất. Việc nhân nghĩa có gì hơn được yên dân đây? Mặt khác, ông lại thấy mình là kẻ đứng ở trong trời đất mà bất trung bất nghĩa. Bất trung với vua của mình là đại nghịch vô đạo, bất nghĩa với nghĩa huynh cũng là một nỗi ô nhục. Mâu thuẫn này không thể giải nổi, đành kết liễu bằng tính mạng mình.

Mâu thuẫn không giải nổi, Tiêu Phong đành kết liễu bằng tính mạng mình. (Ảnh từ youtube)

Rốt cuộc, ông phải làm Kiều Phong hay Tiêu Phong? Trong thế giới điên đảo đầy thù hận và chia rẽ này, hình như không tồn tại một nơi ông có thể sống cuộc đời ung dung săn chồn đuổi thỏ một cách yên bình với những người ông yêu thương nhất.

Tiêu Phong tự cắm mũi tên vào giữa tim chết ngay lập tức. Người ta bàn tán mà không mấy ai lý giải được nguyên nhân cái chết ấy. Có người thì bảo ông đại nhân đại nghĩa vì học được ở người Hán. Người thì không hiểu một đại công thần hòa giải chiến tranh như Tiêu Phong thì vinh hoa phú quý đang chờ, sao phải chết? Người thì bảo ông sợ mắc tội với Đại Liêu nên chọn cái chết để tránh khổ. Đến nghĩa huynh Liêu đế của ông cũng lắc đầu chẳng hiểu được. Ôi, người đời xưa nay vẫn là người đời, vẫn mang tấc lòng mình đo lường kẻ khác.

Trên trời, một đàn hồng nhạn kêu quác quác, bay trên đầu đoàn quân, vượt qua Nhạn Môn Quan như mang theo linh hồn Tiêu Phong về với phương nam yêu dấu. Nghe trong gió như còn văng vẳng tiếng ngâm nga buồn bã của nghĩa đệ Đoàn Dự:

“…Lửa hồng kia chửa tắt,
Chinh chiến hẳn chưa nguôi.
Tráng sĩ giờ đây đã thác rồi,
Ngửng đầu tiếng ngựa hí bi ai.

Sĩ tốt phơi thây ngọn cỏ,
Tướng quân trơ trọi một người.
Kên kên rỉa xác nơi đồng nội,
Cành khô vất vưởng ruột tanh hôi.

Than ôi!
Xưa nay binh lửa là hung khí,
Thánh nhân chẳng đặng mới dùng thôi.”(6)

(HẾT)

Bình Nguyên

  • (1)  – (5): trích Thiên Long Bát Bộ, bản dịch của Nguyễn Duy Chính
  • (6): Trích bài thơ “Chiến Thành Nam” của Lý Bạch, Nguyễn Duy Chính dịch.
Từ Khóa: