Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.

Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5.000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.

Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.

Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu chuyên mục Kim Dung dài kỳ để chia sẻ với độc giả những tâm đắc và chút bình luận khiêm nhường về:

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên

Nghĩa là:

Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh

Kỳ 8: Đi tìm võ trạng nguyên trong truyện Kim Dung – tiếp vòng loại

Chào mừng đến với cuộc thi Võ Trạng Nguyên của chúng tôi! Trước khi đến với các trận đấu nảy lửa kịch tính, mời quý độc giả cùng dạo một vòng quanh khán đài và cùng ban giám khảo chúng tôi bình phẩm:

Kỳ 6: Những quy ước trước cuộc khảo thí
Kỳ 7: Vòng loại lần 1
Kỳ 8: Vòng loại lần 2

Và bây giờ, mời quý khán giả đến với các ứng viên đầy tài năng của chúng ta:

Tuyết Sơn Phi Hồ Phi Hồ Ngoại Truyện

Nhân vật chính của hai truyện là Hồ Phỉ nhưng chàng chưa phải là người có võ công cao nhất. Hồ Phỉ rất thông minh tuy vậy có điểm thiệt thòi là chàng không có người rèn cặp võ nghệ. Môn Hồ Gia Đao Pháp gia truyền là do chàng tự học lấy, thỉnh thoảng có vài “sư phụ qua đường” chỉ bảo cho chàng vài yếu lĩnh võ học một cách không chính thức như Triệu Bán Sơn hay Miêu Nhân Phượng.

Mặt khác, tuổi chàng còn trẻ nên công lực chưa phải là hạng nhất võ lâm. Nên nếu giao đấu lâu dài với các đại cao thủ như Miêu Nhân Phượng thì sẽ thua sút.

Thành ra, thí sinh tiềm năng nhất trong hai bộ truyện này là Miêu Nhân Phượng và Hồ Nhất Đao. Họ là hai kẻ kỳ phùng địch thủ, đã tỷ thí với nhau 3 ngày 3 đêm mà bất phân thắng bại.

Nhưng cao thủ quá chiêu thì chỉ có một sơ hở rất nhỏ cũng bị khai thác. Miêu Nhân Phượng có một sơ hở. Đó là khi xuất chiêu “Phản uyển Dực Ðức xông trướng” thì vai hơi gồ lên, báo hiệu chiêu tiếp theo sẽ là “Đề liêu bạch hạc thư sí”. Như vậy, ông sẽ bị đối thủ nắm được mà chủ động ra chiêu khắc chế. Nhược điểm này của Miêu Nhân Phượng là một thất lợi tâm lý từ ngày nhỏ của ông ta. Vợ của Hồ Nhất Đao đứng ngoài đã phát hiện ra điều này.

Do vậy, có thể nói đó là điểm yếu duy nhất của Miêu Nhân Phượng khiến Hồ Nhất Đao có thể vượt lên và trở thành người có võ công cao nhất của hai bộ truyện này.

Tuyết Sơn Phi Hồ và Phi Hồ Ngoại Truyện
Trong hai bộ truyện này, chúng ta chọn Hồ Nhất Đao là người có võ công cao nhất. (Ảnh: youtube.com)

Liên Thành Quyết

Anh chàng nhà quê Địch Vân dù có tính cách chân chất thật thà rất đáng mến nhưng không phải là người có võ công cao nhất trong truyện. Sở dĩ như vậy vì Địch Vân có căn cơ võ học không phải cao, con người cũng không phải thông minh lắm. Đời chàng lại gặp quá nhiều nghịch cảnh khiến cho thân thể bầm dập. Sau may có cơ duyên xảo hợp mới vươn lên hàng cao thủ hạng nhất.

Mắt thấy lòng người độc ác còn hơn lang sói, cha con, anh em, thầy trò, huynh đệ đồng môn còn tàn sát lẫn nhau để cướp báu vật, bí kíp võ công. Lòng chàng đã sớm chán ngán nên quyết gửi tấm thân vào nơi rừng hoang núi vắng. May là ở đó đã có một hồng nhan đợi chàng: Thủy Sinh. Do vậy, đừng hòng chàng rời đó một bước để đi tranh chức võ trạng, cả kho báu Liên Thành Quyết chàng còn chẳng màng nữa là.

Như vậy, danh hiệu vô địch thiên hạ trong Liên Thành Quyết sẽ là cuộc tranh chấp giữa hai sư phụ bất đắc dĩ của chàng: Đinh Điển và Huyết Đao lão tổ.

Đinh Điển trước khi luyện thành “Thần Chiếu Công” đã lừng danh giang hồ. Sau khi luyện thành thì không cần phải nói, có thể lấy mạng cao thủ trong nháy mắt. Còn Huyết Đao lão tổ là một lão Tạng tăng có môn huyết đao hết sức quái dị. Một mình lão vừa đấu trí vừa đấu lực mà diệt được 3 trong 4 người của Nam Tứ Kỳ “Lạc Hoa Lưu Thủy”, là những hảo thủ võ lâm đứng đầu khu vực phía Nam Trung Nguyên.

Cả Đinh Điển và Huyết Đao lão tổ đều quá dạn dày kinh nghiệm ứng chiến, cùng rất đa nghi và không dễ bị lừa.

Nhưng Đinh Điển vì mang mối tình si với Lăng Sương Hoa mà trúng độc “Kim Ba Tuần Hoa” của Lăng Thoái Tư. Mới hay anh hùng nan quá ải mỹ nhân, dạn dày kinh nghiệm giang hồ như Đinh Điển chỉ vì dính đến chữ ‘tình’ mà có lúc mất cả sáng suốt dẫn đến mất mạng. Một thân võ công cái thế đành ôm hận nghìn thu. Nhưng thôi, có lẽ Đinh Điển cũng chẳng cần danh hiệu võ trạng nguyên, tâm nguyện cuối đời của chàng là được chôn cùng chỗ với người tình tri kỷ Lăng Sương Hoa đã được người em kết nghĩa Địch Vân thành toàn giúp.

Cho nên, ta không làm cách nào được, đành để đại ma đầu Huyết Đao lão tổ đi tiếp vào vòng sau.

Liên Thành Quyết
Huyết Đao lão tổ. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Lộc Đỉnh Ký

Vi Tiểu Bảo là nhân vật chính duy nhất trong các tiểu thuyết của Kim Dung không có võ công cao. Công phu cao nhất của hắn là “đánh giặc miệng” dựa vào đầu óc thông minh tinh quái và miệng lưỡi trơn tru mà bao phen thoát hiểm trong vai trò gián điệp nhị trùng, tam trùng. Chính những sư phụ của hắn mới là những ứng cử viên hạng nặng cho danh hiệu võ trạng.

Sư phụ đầu tiên là Trần Cận Nam, tổng đà chủ Thiên Địa Hội. Trong võ lâm truyền nhau câu nói: “Làm người mà không quen biết Trần Cận Nam thì dù có gọi là anh hùng cũng uổng phí!”. Người thủ lĩnh Thiên Địa Hội này văn có thể trị quốc an thiên hạ, võ có thể xoay chuyển càn khôn, lại rất mực giàu nghĩa khí giang hồ, cho nên anh hùng thiên hạ đều kính ngưỡng.

Nhưng võ công Trần Cận Nam có phải là vô địch thiên hạ không?

Trần Cận Nam ít khi xuất thủ. Nhưng có lần, bốn tay cao thủ danh gia Từ Thiên Xuyên, Phong Tế Trung, Liễu Đại Hồng, Ngô Lập Thân đồng thời dùng phép cầm nã để tóm Lý Tây Hoa mà không được. Y chỉ bị Trần Cận Nam tóm chặt lấy chân như một chiếc vòng thép và ném xuống đất. Đó là công phu “Ngưng huyết thần trảo” của Trần Cận Nam. Ai bị trúng chưởng này, chỉ trong 3 ngày huyết dịch dần đặc lại tựa như hồ mà chết.

Nhưng Trần Cận Nam võ công cao cường như thế mà vẫn chưa phải vô địch thiên hạ vì xét ra bản lãnh của ông cũng không hơn Bán kiếm Hữu Huyết Phùng Tích Phạm và Thi Lang, giang hồ gọi ba người này là Đài Loan Tam Hổ.

Do vậy, ta xét sang người thứ hai: Bạch Y ni hay Cửu Nạn hay Trường Bình công chúa của vua Sùng Trinh nhà Minh.

Ở cuối truyện Bích huyết kiếm, bà được Mộc Tang đạo nhân nhận làm đệ tử rồi sau đó còn gặp cơ duyên để luyện thành võ công tuyệt thế, có phần còn hơn cả Mộc Tang đạo nhân. Mà ta biết bản lãnh của Mộc Tang đạo nhân cũng xuýt xoát Mục Nhân Thanh, sư phụ của Viên Thừa Chí, những người có võ công cao nhất thiên hạ trong Bích Huyết Kiếm.

Màn ra mắt của bà chính là màn biểu diễn xuất sắc nhất. Một mình bà vượt qua 36 nhà sư võ công cao cường nhất chùa Thiếu Lâm, cộng thêm cả một bầy cao thủ đại nội để hành thích Khang Hy trong Đại Hùng Bảo Điện chùa Thanh Lương. Và Khang Hy lẽ ra đã trúng kiếm chết nhưng may có Vi Tiểu Bảo mặc bảo giáp hộ thân nhảy ra che trước mặt nên mới thoát. Nhà sư Trừng Quan có võ công cao nhất chùa Thiếu Lâm mà khi đối chưởng với bà, mắt còn nảy đom đóm, khí huyết nhộn nhạo. Rồi bà bất thần tóm lấy Vi Tiểu Bảo bay vụt đi khiến quần hào ngẩn ngơ không kịp trở tay. Khinh công của bà cũng thật là siêu tuyệt.

Nhưng đáng tiếc, Cửu Nạn đã mất một tay. Vậy muốn tranh chức võ trạng với các siêu cao thủ khác chắc cũng khó.

Vậy chỉ còn một người cuối cùng, Hồng An Thông, giáo chủ của Thần Long giáo.

Tất cả các nhân vật trong bộ truyện này chưa ai có thể tạo được cái áp lực ghê người như Hồng giáo chủ khi xuất thủ. Ủy Tôn giả của Thần Long giáo khi xuất hiện có thể đấu cùng lúc với 8 nhà sư Thiếu Lâm trong Thập Bát La Hán, thật là võ công cao đến ghê người. Thế mà y gặp Hồng giáo chủ thì sợ một phép.

Có lần trên đảo Rắn, Hồng giáo chủ đã bị thuộc hạ làm phản khiến toàn bộ người của phe lão trúng độc, kể cả vợ chồng lão. Vậy mà ngay trước lúc độc dược khiến lão bất động, lão còn bẻ gẫy được chân ghế, ném xuyên người một tay phản đồ có võ công tuyệt cao là Thanh Long sứ Hứa Tuyết Đình. Lão túm lấy Cao Tôn Giả người mập ú như trái banh thịt ném ra còn xa hơn người ta ném ám khí. Lão chỉ thuận tay trái ném ra 4 thanh đoản kiếm mà chém rụng 4 cành cây lớn.

Chúng ta đã từng chứng kiến Cao Tôn Giả, Ủy Tôn Giả hiển lộ công phu ghê người, thế gian khó tìm đối thủ. Thêm 3 người nữa võ công gần xấp xỉ như họ là Trương Đạm Nguyệt, Hứa Tuyết Đình, Vô Căn Đạo Nhân, đều là những nhân vật công phu cao nhất Thần Long giáo và trên giang hồ. Năm người này cầm binh khí vây đánh Hồng An Thông tay không mà đều bị lão hạ sát hết. Diễn biến của trận đánh này thật ghê hồn. Tác giả loạt bài này vốn là thư sinh trói gà không chặt, mỗi lần nhớ lại trận đánh kinh tâm động phách ấy là mặt tái mét không còn chút máu, đầu gối run lập cập đứng không vững, trống ngực đánh hơn trống làng. Vậy đành phải để Hồng giáo chủ đi tiếp vào vòng sau. Chỉ e ở đó lão tiếp tục ra tay tàn độc thì khó ai khống chế nổi.

Lộc Đỉnh Ký
Hồng giáo chủ là người có võ công vượt trội nhất trong bộ truyện này, vậy chúng ta chọn ông tiếp tục đi vào vòng sau. (Ảnh: youtube.com)

Thư Kiếm Ân Cừu Lục

Những cao thủ bậc nhất giang hồ của bộ truyện hình như đều nằm trong Hồng Hoa Hội, nào là Vô Trần đạo nhân với kiếm pháp đi khắp thiên hạ không có người thứ hai. Triệu Bán Sơn với biệt tài phóng ám khí. Rồi Văn Thái Lai, Lục Phi Thanh, Tây Xuyên Song Hiệp. Sau lại xuất hiện thêm Thiên Sơn Song Ưng với công phu ngang ngửa với những người có võ công cao nhất của Hồng Hoa Hội.

Ở trong đám anh tài đông đảo ấy, võ công Trần Gia Lạc không phải là cao cường nhất để có thể áp chế quần hùng. Nhất là sau này khi đã xuất hiện Viên Sĩ Tiêu – sư phụ của Trần Gia Lạc và A Phàm Đề – quái khách người Hồi, hai người có công phu cao hơn hẳn quần hùng một bậc, thì võ công của Trần Gia Lạc càng bị lu mờ.

Chỉ khi Trần Gia Lạc nắm được nguyên lý đánh vào chỗ sơ hở địch thủ ngộ ra từ sách Trang Tử thì chàng mới có thể ung dung chế phục Trương Triệu Trọng, một kẻ võ công rất cao cường và cực kỳ khó đối phó của triều đình Mãn Thanh. Lúc ấy, sư phụ của chàng là Viên Sĩ Tiêu dù kiến văn rất quảng bác, cũng không thể luận giải nguyên lý võ công mới của chàng. Ấy là võ công Trần Gia Lạc đã đột phá lên một cảnh giới cao thâm hơn, có thể làm bối rối cả những nhân sĩ võ lâm quái kiệt nhất.

Có thể ở cuối truyện, Trần Gia Lạc vẫn chưa phải là người có võ công đệ nhất. Nhưng với sở ngộ mới ấy, võ công chàng đã có tiến cảnh vượt bậc, chỉ đợi thời gian là thành tựu. Kết quả ấy đến sau mười mấy năm khi Hồ Phỉ có cơ hội đối chưởng với Trần Gia Lạc trong Phi Hồ Ngoại Truyện và tự nhận là còn thua chàng một bậc. Vậy ta tạm lựa chọn Trần Gia Lạc đi tiếp vào vòng sau. Có điều hơi khó khăn ở chỗ, mỗi lần chàng ra khỏi Hồi Cương thì chỉ là để đi viếng mộ Hương Hương công chúa, còn với cuộc thi này, không biết chàng có hứng thú chăng? Chúng ta cứ thử xem.

Hiệp Khách Hành

Truyện này tương đối dễ tuyển chọn nhân vật có võ công đệ nhất. Nào Ma Thiên Cư Sĩ Tạ Yên Khách, nào chưởng môn phái Tuyết Sơn là Bạch Tự Tại, nào mấy anh em Đinh Bất Tam, Đinh Bất Tứ, Đinh Bất Nhị mà giang hồ nghe thấy là không dám ho he… cho đến hết thảy chưởng môn, bang chủ hay nhân sĩ võ lâm Trung Nguyên nghe đến tên hai sứ giả Thưởng Thiện, Phạt Ác của Long Mộc đảo là sợ mất mật, lần nào giao chiến cũng thua trắng.

Hai sứ giả này lại ở dưới quyền sai khiến của hai đảo chủ Long, Mộc. Hai đảo chủ lại thua dưới tay Thạch Phá Thiên khi chàng phá giải được đồ hình đi kèm bài thơ Hiệp Khách Hành trên đảo Long Mộc, thì dĩ nhiên chàng phải là đệ nhất cao thủ võ lâm của truyện. Mời chàng sớm lên đường phó hội để tham gia vòng chung kết cuộc thi võ trạng, dĩ nhiên không đáng sợ giống như bị hai sứ giả Thưởng Thiện, Phạt Ác đi mời ăn cháo Lạp Bát Cúc ngoài đảo Long Mộc đâu. Nhân sĩ võ lâm trọng nhất thể diện, nên dù Thạch Phá Thiên là ngoại lệ, trên thiếp mời ban giám khảo chúng tôi vẫn cẩn thận ghi tên: “Thạch Phá Thiên – bang chủ bang Trường Lạc”, không dám hồ ngôn loạn ngữ gọi là Cẩu Tạp Chủng.

Hiệp Khách Hành
Thạch Phá Thiên. (Ảnh: youtube.com)

Bích Huyết Kiếm

Trong trận chiến cuối cùng với Ngọc Chân Tử, Viên Thừa Chí đã thay mặt sư phụ Mục Nhân Thanh để xuất chiến. Ngọc Chân Tử là sư đệ của Mộc Tang đạo nhân, võ công của hắn có phần còn nhỉnh hơn sư huynh mình. Mục Nhân Thanh được cho là có võ công tương đương với Mộc Tang đạo nhân dù ông sở trường về quyền cước kiếm thuật. Còn Mộc Tang đạo nhân thì sở trường về khinh công và ném ám khí.

Đã nhiều năm Mục Nhân Thanh không xuất thủ khiến chúng ta cũng không biết bản lãnh thực sự của ông đến đâu. Nhưng Viên Thừa Chí đã dùng kỳ chiêu cuối cùng của Kim Xà Lang Quân để hạ được Ngọc Chân Tử. Dù chàng còn trẻ, hỏa hầu còn kém hơn các cao nhân tiền bối, nhưng ta cứ tạm lựa chọn chàng để đi vào chung kết cuộc thi võ trạng. Có điều việc gửi thiếp mời hơi phiền hà vì chàng đã đi sang sống ở một hòn đảo ngoài khơi gần đất nước Brunei rồi còn đâu. Chưa nói đến chuyện nửa đường chàng đổi ý rẽ sang Tây Tạng để thăm người tình A Cửu (hay Cửu Nạn trong Lộc Đỉnh Ký) thì nhỡ việc của chúng ta mất.

Bích Huyết Kiếm
Viên Thừa Chí. (Ảnh: youtube.com)

Như vậy là các lộ anh hùng đã tề tựu gần như đầy đủ. Chỉ thiếu mấy cao thủ của Uyên Ương Đao, Bạch Mã Khiếu Tây Phong và Việt Nữ Kiếm mà thôi. Cũng tại tác giả kiến văn hạn hẹp, không tài quảng giao nên không có duyên kết giao với các vị anh hùng đó. Vả lại, trên giang hồ xưa nay người ta cũng ít khi bàn tán về võ công của các vị này. Có thể sự xuất hiện của họ quá ngắn ngủi, chưa thể hiện được mấy (Uyên Ương Đao), cũng có thể võ công của họ thuộc về một thời kỳ xa xưa quá, khó mà khảo nghiệm (Việt Nữ Kiếm), có khi họ cũng biết mình khó tranh hơn thua với các cao thủ lừng danh khác. Cho nên tác giả xin phép không gửi thiệp mời đến họ nữa. Mong quý độc giả lượng thứ.

Lúc này thì các thí sinh của chúng ta đã tập trung đông đủ. Vậy ban giám khảo chúng tôi xin phép dừng câu chuyện ở đây để ra tiếp khách kẻo thiếu sót về lễ nghi với các anh hùng thiên hạ. Chúng tôi cũng mong một lần đóng vai như Quách Tĩnh Hoàng Dung trên ải Đại Thắng để làm chủ nhà trong cuộc đại hội Anh hùng lần này.

Qua hai kỳ vòng loại, chúng tôi lên được danh sách các thí sinh lọt vào vòng chung kết như sau:

  • Thiên Long Bát Bộ: Tiêu Phong
  • Anh Hùng Xạ Điêu & Thần Điêu Hiệp Lữ: Quách Tĩnh
  • Ỷ Thiên Đồ Long Ký: Trương Vô Kỵ
  • Tiếu Ngạo Giang Hồ: Phương Chứng đại sư
  • Tuyết Sơn phi Hồ & Phi Hồ Ngoại Truyện: Hồ Nhất Đao
  • Liên Thành Quyết: Huyết Đao Lão tổ
  • Lộc Đỉnh Ký: Hồng An Thông
  • Thư Kiếm Ân Cừu Lục: Trần Gia Lạc
  • Hiệp Khách Hành: Thạch Phá Thiên
  • Bích Huyết Kiếm: Viên Thừa Chí

Vậy xin hẹn quý độc giả tiếp tục theo dõi vòng chung kết kỳ tới để lựa ra được một vị võ trạng nguyên thực sự xứng đáng.

Y Hoàng

Từ Khóa: