Lâm Tắc Từ là một vị quan và vị tướng nhà Thanh. Ông từng nói: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”, ý nói rằng biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì không mang dục vọng mới có thể giữ mình cương trực. Đây cũng là nói đến trí huệ của lòng bao dung.
Sở dĩ biển rộng mênh mông không bờ không bến, không có giới hạn là bởi vì nó không cự tuyệt bất kỳ một giọt nước nào. Núi sở dĩ có thể đứng cao sừng sững vạn trượng là bởi vì nó không cự tuyệt bất luận một hòn đá nhỏ nào.
Lẽ trời cũng là lẽ của con người, chính bởi vì có thể bao dung mới có thể thành tựu được biển rộng, núi cao, cũng cải thiện được mối quan hệ giữa con người và con người, thành tựu được sự nghiệp to lớn lưu mãi ngàn đời của các bậc anh hùng, hào kiệt xưa nay.
Bao dung là một loại khí phách, cũng là một loại trí huệ. Cổ ngữ có câu: “Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, bụng của Tể Tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Ý nói, một người có tấm lòng quảng đại, rộng lớn bao nhiêu thì sự nghiệp sẽ to lớn bấy nhiêu.
Trong lịch sử Trung Quốc, có rất nhiều bậc anh tài, tướng tài vì bao dung mà làm thành được việc lớn. Bào Thúc Nha biết rõ và quý trọng nhân tài, không so đo tính toán hiềm khích cũ mà bao dung tiến cử Quản Trọng. Lận Tương Như hiểu được tầm quan trọng của sự hợp tác, nên ba lần bảy lượt né tránh và bao dung cho sự khiêu khích ngang nhiên của Liêm Pha. Gia Cát Lượng khéo dùng sách lược thuyết phục mà “bảy lần bắt, bảy lần tha” Mạnh Hoạch – người một mực không phục ông. Lý Thế Dân bao dung hết thảy những khuyên ngăn thẳng thắn của Ngụy Trưng… Chính bao dung đã thành tựu cho sự huy hoàng của họ, càng thúc đẩy sự phát triển của lịch sử loài người.
Bao dung là một loại tu dưỡng và cũng là một loại cảnh giới. Nhà văn Lâm Thanh Huyền của Đài Loan từng kể một câu chuyện về lòng bao dung của người xưa như sau:
Thời xưa, có một vị hòa thượng tu hành ở một ngôi chùa nằm trên ngọn núi. Một đêm, ông đi tản bộ trong rừng. Dưới ánh trăng, ông đột nhiên ngộ ra một điều gì đó nên trong lòng rất vui sướng. Ông liền hân hoan trở về chùa. Nhưng vừa về đến chùa thì ông phát hiện một tên trộm đến chùa trộm đồ.
Tên trộm sau một hồi tìm kiếm, đã không tìm được vật gì để lấy cả. Anh ta vừa quay trở ra thì gặp vị hòa thượng. Vốn dĩ, vị hòa thượng đã đứng im lặng chờ ở ngoài cửa được một lúc mà không vào vì ông sợ làm kinh động đến tên trộm kia. Ông đã sớm biết rằng tên trộm kia sẽ không thể tìm được thứ gì để mà lấy đi, cho nên ông đã cởi sẵn chiếc áo khoác và cầm trên tay.
Tên trộm vừa ra cửa thì kinh ngạc nhìn thấy vị hòa thượng, hòa thượng nói: “Ngươi đã phải đi từ xa đến đây thăm ta, dù sao thì cũng không thể để ngươi tay không mà ra về được. Đêm đang lạnh, ngươi hãy mặc chiếc áo này vào mà đi!”
Nói xong, hòa thượng liền khoác chiếc áo của mình cho tên trộm. Tên trộm bất giác không biết làm sao liền cúi đầu đi vội.
Thiền sư nhìn thấy bóng dáng của tên trộm đi dưới trăng rồi biến mất vào trong rừng, không khỏi cảm khái mà thốt lên rằng: “Thật đáng thương! Chỉ mong ta có thể tặng cho hắn một vầng trăng sáng!” Hòa thượng nhìn tên trộm đi khuất liền vào trong phòng, để trần như vậy mà tọa thiền.
Ngày hôm sau, vị hòa thượng thấy chiếc áo khoác của mình được để ở ngoài cửa một cách ngay ngắn, chỉnh tề, trong lòng không khỏi bùi ngùi xúc động. Ông mừng rỡ tự nói: “Cuối cùng thì ta cũng đã tặng được cho hắn một vầng trăng sáng”.
Một nhà thơ nổi tiếng từng nói: “Một con người vĩ đại có hai trái tim: Một trái tim chảy máu và một trái tim bao dung”. Khổng Tử cũng nói: “Khoan dung thì được lòng mọi người”. Trong kinh Phật cũng nói: “Chỉ một ý niệm cũng khiến hoàn cảnh thay đổi”. Cho nên, chỉ một câu nói, một hành động nhỏ hay chỉ một nụ cười thôi đã đủ để khiến cho người xấu quay đầu hướng thiện.
Tục ngữ nói: “Vàng không thuần khiết, người không ai hoàn mỹ”. Khi đối mặt với sai lầm của người khác, nếu như canh cánh để ở trong lòng và đòi đáp trả thì sẽ chỉ khiến cho tâm linh của bản thân thêm nặng, thêm trầm trọng mà thôi.
Thay vì để cho thù hận gặm nhấm tâm linh, chịu đựng thống khổ chi bằng bao dung hết thảy, chẳng phải sẽ được thản nhiên và tự tại sao?
Tuy nhiên, bao dung không phải là bao che cho sai lầm của người khác, không phải là dung túng để người khác phạm sai lầm mà là để tạo cơ hội tốt cho người khác sửa sai. Có những lúc, bao dung đem lại kết quả tốt đẹp hơn gấp ngàn lần sự trừng phạt. Đây cũng là lời khuyên răn và cách giáo dục của bậc thánh hiền xưa.
Nhà văn Victor Hugo của Pháp từng nói: “Trên thế giới thứ rộng lớn nhất là đại dương, nhưng thứ rộng lớn hơn đại dương lại là bầu trời. Mà thứ rộng lớn hơn cả bầu trời lại chính là lòng người.”
Biển rộng nguyện ý dung nạp những giọt nước thanh khiết nhất, và cũng nguyện ý dung nạp những giọt nước dơ bẩn nhất. Vì thế mà nó mới trở nên rộng lớn, không bờ không bến. Trăng sáng có thể chiếu rọi cho những nơi sông núi mịt mờ, cũng có thể chiếu rọi lên khắp mặt đất, không chê một ai. Làm người, vừa phải bao dung được những thứ tốt và không tốt, còn phải bao dung chính mình, bao dung người khác và bao dung vạn vật trên thế giới thì mới thành tựu được một cuộc đời mỹ mãn.
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch