Hứa Du đa mưu túc trí và tài năng hơn người, vì sao lại phải bỏ mạng dưới tay Hứa Chử, một người thân tín của Tào Tháo?

Trận Quan Độ là một kỳ tích của Tào Tháo trong việc lấy yếu thắng mạnh, làm nên chiến thắng ấy không thể không nhắc tới công lao của mưu sĩ Hứa Du.

Hứa Du là bạn thuở thiếu thời của Tào Tháo. Trước khi đầu quân cho họ Tào, Hứa Du từng phục vụ trong quân đội của Viên Thiệu. Lúc ấy, Hứa Du đã đề xuất cho Viên Thiệu kế sách phá quân Tào, nhưng vì Viên Thiệu biết rằng Hứa Du từng ăn chặn quân hưởng và tham ô của công nên đã tỏ thái độ khinh thường nói với Hứa Du rằng: “Đến lúc này mà người vẫn còn mặt dày đến trước ta để hiến kế à?”.

Hứa Du vô cùng tức giận, vội vã rời khỏi đại doanh ngay trong đêm để sang quy phục Tào Tháo. Tào Tháo nghe tin vui mừng khôn xiết, ông đã đi chân đất, quên cả xỏ giày để chạy ra nghênh đón. Việc không đi giày ra đón đã trở thành cách thể hiện sự trọng dụng người tài của các vị vua chúa sau này.

Sau đó, Hứa Du hiến kế cho Tào Tháo tấn công vào kho lương của quân Viên ở Ô Sào do tướng Thuần Vu Quỳnh trấn giữ. Nhờ vào kế sách này mà Tào Tháo giành được chiến thắng trong trận Quan Độ, tạo đà cho việc thống nhất miền bắc về sau. 

Sau này, Hứa Du lại đưa ra một kế sách khác, đó là dẫn nước sông Chương vào Dực Châu, giúp Tào Tháo xoay chuyển cục diện, giành thắng lợi. Nếu không có Hứa Du, Tào Tháo sẽ chẳng thể xâm nhập được vào Dực Châu thành.

Hình ảnh trận đánh cướp lương thực ở Ô Sào, hồi 30 truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa” (Ảnh: Wikipedia).

Khi Tào Tháo đánh Viên Thiệu, vào đúng thời khắc quan trọng Hứa Du đã hiến kế giúp quân Tào giành được lợi thế. Hứa Du quả thực có mưu trí và tài năng hơn người, nhưng vì sao lại phải bỏ mạng dưới tay Hứa Chử, một người thân tín của Tào Tháo?

Hồi 33 truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa kể rằng, sau khi Tào Tháo công chiếm được Dực Châu và đưa quân tiến vào trong thành, Hứa Du đột nhiên thúc ngựa lên trước rồi huênh hoang nói: “Này, A Man! Không có tôi làm sao ông lấy được tòa thành?”. Hứa Du trực tiếp gọi Tào Tháo bằng tên húy “A Man”, Tào Tháo vì lúc đó đang vui vẻ nên chỉ cười lớn, nhưng những tướng lĩnh thân cận thì lại vô cùng bực bội trong lòng.

Một hôm, Hứa Chử cưỡi ngựa vào cửa phía đông, đúng lúc gặp Hứa Du. Hứa Du nói với ông: “Các anh mà không có tôi thì chẳng ra được cửa này”.

Hứa Chử không chỉ nổi tiếng vì sức mạnh phi thường mà còn được biết đến là người vô cùng trung thành và tận tâm với chủ. Là một trung thần, Hứa Chử luôn ở bên Tào Tháo mọi lúc mọi nơi, không chỉ là cánh tay phải của Tào Tháo mà còn được gia tộc Tào Thị kính trọng.

Trước kia ông đã nhẫn nhịn Hứa Du mà không nói gì, hôm nay không kiềm chế được nên đã bực tức nói: “Ta cùng các tướng lĩnh xông pha trận mạc, đổ máu mới chiếm được thành trì, còn ngươi chỉ là một mưu sĩ sao lại khoác lác gớm vậy?”. Hứa Du kiêu ngạo đáp trả: “Các ngươi đều là những kẻ nhát gan, sao đủ lực được!”. Lời nói của Hứa Du quả là quá ngang tàng, coi thường các tướng sĩ chiến đấu trên sa trường, gọi họ là những “kẻ nhát gan”. Hứa Du tự cao tự đại, ngạo mạn kiêu căng, nên sau cùng đã tự rước họa vào thân. 

Hình ảnh Hứa Chử cởi trần đấu mã siêu trong hồi 59, “Tam Quốc Diễn Nghĩa” (ảnh: Wikipedia).

Hứa Chử trong lúc tức giận đã rút kiếm lấy mạng Hứa Du, sau đó đi gặp Tào Tháo để thú tội.

Tào Tháo vô cùng tiếc nuối trước cái chết của Hứa Du, ông đã nghiêm khắc phê bình Hứa Chử: “Hứa Du và ta vốn quen biết từ lâu, vì thế hắn quá lời như vậy cũng chỉ có ý đùa vui, sao ngươi có thể xuống tay giết chết được?”. Sau khi trách cứ Hứa Chử một hồi, Tào Tháo liền cho người an táng Hứa Du chu đáo.

Hứa Du quá ngạo mạn về tài năng của bản thân, việc gọi Tào Tháo bằng tên thân mật cho thấy sự ngạo mạn này đã đi quá giới hạn. Hứa Du hiến kế cướp kho lương thực Ô Sào, nhưng chính các tướng sĩ mới là người vào sinh ra tử để giành được chiến thắng. Nếu không có công sức của cả đội quân, thì kế sách của Hứa Du cũng không thể trở thành hiện thực.

Lão Tử từng giảng:Tự kể công nên không có công, tự khoe mình nên không trường tồn (Nguyên văn: Tự phạt giả vô công, tự căng giả bất trường). Một người đã làm rất nhiều việc, tạo ra rất nhiều công lao, tạo phúc cho người đời, đây là một việc rất tốt. Nhưng nếu người đó không biết khiêm tốn, tự kiêu tự đại thì sẽ thành hỏng việc. Sau mỗi thành công luôn có sự sắp đặt của đạo Trời, người và việc đã được sắp xếp hài hòa, kết hợp với điều kiện khách quan, “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì việc mới thành công.

Khi đó, do Hứa Du quá huyễn hoặc về thành tích của bản thân, vô hình trung đã phủ nhận yếu tố thiên thời, địa lợi, yếu tố con người trong trận chiến, chống lại đạo Trời, đạo làm người. Cái chết của Hứa Du là một bi kịch, nhưng cũng là bài học lưu lại cho muôn đời sau.

Theo Vương Cận, Epoch Times
Quỳnh Chi biên dịch

Video: Con đường hồi sinh của một tâm hồn héo úa

videoinfo__video3.dkn.tv||f21887317__