Khi Giang Trạch Dân đương quyền hoặc làm “thái thượng hoàng”, đã đề bạt trọng dụng lượng lớn các phần tử tham nhũng hủ bại nghiêm trọng, dung túng cho con trai Giang Miên Thành vừa thăng quan vừa phát tài, dẫn đến cơn lũ tham hủ từ Trung Nam Hải, từ gia tộc Giang lan tràn đến mọi ngóc ngách của Trung Quốc.

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng quý vị đến với chuyên mục Trăm Năm Chân Tướng“.

Trong 21 năm từ 2001 đến 2022, bốn Sở trưởng Công an tỉnh Liêu Ninh, TQ – Lý Phong, Lý Văn Hỉ, Tiết Hằng và Vương Đại Vĩ toàn bộ đều ngã ngựa. Hôm nay, chúng tôi sẽ nói với quý vị rốt cuộc đó là chuyện gì.

Bốn sở trưởng công an liên tiếp sa lưới 

Trước tiên hãy nói về bốn sở trưởng công an này là ai.

Đầu tiên là Lý Phong: Từ năm 2001 đến năm 2002, ông ta giữ chức vụ Sở trưởng công an Liêu Ninh. Sau đó, ông ta đảm nhiệm chức bí thư Ủy ban chính pháp Liêu Ninh, năm 2011, ông ta được chuyển sang làm bí thư Tổ đảng Đại hội Đại biểu Nhân dân Liêu Ninh. Năm 2016, Lý Phong bị cách chức điều tra về án nhận hối lộ với tư cách là đại biểu Quốc hội tỉnh Liêu Ninh.

Thứ hai là Lý Văn Hỉ: Từ tháng 5/2002 đến tháng 3/2011, ông ta kế nhiệm Lý Phong làm Sở trưởng Công an tỉnh Liêu Ninh. Sau đó, được điều động làm phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Liêu Ninh. Vào ngày 25/1/2021, Lý Văn Hỉ bị điều tra.

Thứ ba là Tiết Hằng: Từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2013, ông ta kế nhiệm Lý Văn Hỉ làm Sở trưởng công an tỉnh Liêu Ninh. Sau đó, giữ chức Phó Tỉnh trưởng Liêu Ninh, Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị tỉnh. Vào ngày 23/8/2021, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ tuyên bố rằng Tiết Hằng “chủ động tự thú” và đang tiếp thụ điều tra.

Thứ tư là Vương Đại Vĩ: Từ tháng 3/2013 đến đầu năm 2022, ông ta kế nhiệm Tiết Hằng làm Sở trưởng Công an tỉnh Liêu Ninh, nhậm chức trong 9 năm. Vào ngày 1/3/2022, Vương Đại Vĩ bị sa thải.

Vai trò đầu tàu của bốn sở trưởng

Đối với ngoại giới, kiểu ngã ngựa tiếp sức này có vẻ khó tin, nhưng nếu bạn hiểu rằng ĐCSTQ là một tổ chức tham nhũng hủ bại có tính thể chế, thì vấn đề này không có gì đáng ngạc nhiên.

Cũng giống như ở tỉnh Liêu Ninh, bốn sở trưởng công an, tức là bốn đầu tàu của sở công an tỉnh đều bất chính, thì toàn bộ các quan viên của hệ thống công an tỉnh Liêu Ninh có thể ngay chính được không? Tuyệt đối không thể ngay chính nổi.

Chúng ta hãy lấy Đại Liên, thành phố quan trọng nhất của tỉnh Liêu Ninh, làm ví dụ. Chỉ trong mấy năm gần đây, ba cục trưởng Công an thành phố Đại Liên đã liên tiếp bị điều tra.

Dương Diệu Uy, nguyên cục trưởng công an Đại Liên, bị điều tra vào tháng 3/2022. Dương Diệu Uy giữ chức cục trưởng Công an Đại Liên từ năm 2017 và bị miễn nhiệm vào tháng 8/2021.

Người tiền nhiệm của Dương Diệu Uy, Lưu Lạc Quốc, bị điều tra vào tháng 5/2022. Lưu Lạc Quốc từng là cục trưởng công an Đại Liên từ năm 2013 đến năm 2017.

Người tiền nhiệm của Lưu Lạc Quốc, Vương Lập Khoa, bị điều tra vào tháng 10/2020 với tư cách là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Giang Tô và Bí thư Ủy ban Chính pháp tỉnh. Vương Lập Khoa từng là Cục trưởng Công an Đại Liên từ năm 2009 đến năm 2012.

Sau khi ba nhiệm kỳ Cục trưởng công an Đại Liên liên tiếp bị điều tra, ngày 7/6/2022, Vương Vĩ, ủy viên đảng ủy Cục Công an Đại Liên và Phó cục trưởng phụ trách công tác thường nhật, đã bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng; Vào cùng ngày, Mã Đan Liên, nguyên ủy viên đảng ủy Cục công an Đại Liên, chủ nhiệm chính trị, người sau đó được chuyển sang làm phó cục trưởng Cục cựu chiến binh Đại Liên cũng bị điều tra vì vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng.

Như câu nói, “xà trên không chính, xà dưới ắt trật”, điều này đã được minh họa đầy đủ trong thể chế của ĐCSTQ.

Tại sao 4 sở trưởng công an sa lưới?

Nguyên nhân trực tiếp, theo cách nói thông thường của ĐCSTQ, là “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”.

Vấn đề nằm ở chỗ, cả 4 sở trưởng đều “vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”, chính là điều bất thường. Vậy rốt cuộc điều gì đang xảy ra ở đây?

Tiến sĩ Vương Hữu Quần, tuyển cảo nhân của Uất Kiện Hành, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, tin rằng thấu qua vẻ ngoài phức tạp, chúng ta có thể thấy rằng có ít nhất ba nguyên nhân sâu xa:

Thứ nhất, nó liên quan trực tiếp đến việc Giang Trạch Dân dùng “tham hủ trị quốc”.

Khi Giang Trạch Dân đương quyền hoặc làm “thái thượng hoàng”, ông ta đã đề bạt trọng dụng một lượng lớn các phần tử tham nhũng hủ bại nghiêm trọng, đồng thời dung túng cho con trai mình là Giang Miên Thành vừa thăng quan vừa phát tài, dẫn đến cơn lũ tham nhũng hủ bại từ Trung Nam Hải, từ gia tộc Giang Trạch Dân lan tràn đến mọi ngóc ngách của Trung Quốc.

Lý Long chính là vào thời kỳ Giang Trạch Dân nắm quyền, năm 2001, được đề bạt trọng dụng làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Liêu Ninh, Sở trưởng Công an tỉnh, sau đó lại kiêm thêm chức Bí thư Tỉnh ủy Ủy ban chính pháp tỉnh.

Theo Cao Tân, một phụ trách chuyên mục của Đài Á Châu Tự Do, Lý Phong đã cấu kết với các băng đảng xã hội đen, thành lập sòng bạc lớn nhất ở ba tỉnh đông bắc trong thời gian giữ chức Sở trưởng Công an Liêu Ninh và Bí thư Ủy ban chính pháp. Hắn không chỉ bao mại dâm, cờ bạc, ma túy mà còn bí mật cung cấp súng của cảnh sát cho vệ sĩ trong các cơ sở kinh doanh sử dụng, thu vô số tiền đen. Sòng bạc từng lập kỷ lục kiếm 10 triệu mỗi ngày trong những năm 1990.

Lý Văn Hỉ cũng được đề bạt trọng dụng làm Sở trưởng công an tỉnh Liêu Ninh vào tháng 5/2002 khi Giang Trạch Dân đương quyền.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho rằng Lý Văn Hỉ “vừa muốn làm quan vừa muốn phát tài, tham gia vào các hoạt động kiếm lời vi phạm quy định, thu lợi nhuận lớn từ khoáng sản; chấp pháp vi pháp, lợi dụng quyền chấp pháp tư pháp mưu đoạt tư lợi, tham gia giao dịch quyền – tiền với những thương nhân vi phạm pháp luật, liều lĩnh không e sợ thu liễm tiền tài; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong phương diện kinh doanh và các phương diện khác mưu lợi cho người khác v.v. nhận hối lộ tài vật khổng lồ phi pháp.” Theo cáo trạng của Viện kiểm sát thành phố Thái An, từ năm 2004 đến năm 2021, Lý Văn Hỉ đã nhận hối lộ tổng cộng hơn 546 triệu nhân dân tệ.

Tiết Hằng được đề bạt trọng dụng làm Sở trưởng công an Liêu Ninh khi Chu Vĩnh Khang, một thân tín của Giang Trạch Dân, là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương. Theo cáo trạng của viện kiểm sát, khi Tiết Hằng còn nắm quyền, ông đã nhận hối lộ “số tiền đặc biệt khổng lồ”. Sau khi rời chức, vẫn lợi dụng ảnh hưởng chức vụ cũ để nhận hối lộ “số tiền khổng lồ”.

Vương Đại Vĩ được đề bạt trọng dụng làm Sở trưởng công an Liêu Ninh khi Mạnh Kiến Trụ, một thân tín của Giang Trạch Dân, làm Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ và bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương. Vào tháng 6/2022, một số cổng thông tin điện tử của Trung Quốc đã loan tin rằng các nhà chức trách liên quan đã thu giữ 41 thùng tiền mặt tại nhà của tình nhân của Vương Đại Vĩ, với tổng trị giá 190 triệu nhân dân tệ.

Nguyên nhân sâu xa thứ hai của việc bốn Sở trưởng công an tỉnh Liêu Ninh sa lưới có quan hệ trực tiếp đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân.

Vào ngày 20/7/1999, sau khi Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, từ Bộ trưởng Công an đến các cục trưởng công an ở nhiều nơi, đều là lực lượng trọng yếu nhất mà Giang Trạch Dân dựa dẫm vào.

Tỉnh Liêu Ninh là một trong những địa khu mà Pháp Luân Công bị đàn áp nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc. Rất nhiều học viên Pháp Luân Công bị bức hại tới thương tật, tàn tật, phát điên hoặc bị bức tới chết, vợ con ly tán, gia phá nhân vong, thậm chí bị mổ cướp nội tạng.

Bốn sở trưởng công an Liêu Ninh đều là thành viên quan trọng của “Băng đảng nợ máu” của ĐCSTQ do Giang Trạch Dân đứng đầu để đàn áp Pháp Luân Công.

Vào đầu tháng 4/2013, tạp chí “Thị giác” thuộc Truyền thông Tài Kinh của Trung Quốc đã công bố một báo cáo điều tra dài hai vạn chữ “Ra khỏi ‘Mã Tam Gia’”, trong đó vạch trần việc cưỡng bức lao động nữ tại Trại lao động cưỡng bức nữ Mã Tam Gia tỉnh Liêu Ninh, với nhiều kiểu tra tấn khốc hình khác nhau, bao gồm ngồi trên ghế cọp, quan tiểu hào, treo lên xà, điện giật bằng dùi cui điện, trói vào giường người chết. Nhiều chi tiết được tiết lộ trong báo cáo này đã gây chấn động Trung Quốc và thế giới.

Đương thời, Tào Bảo Ấn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Truyền thông “Tân Kinh Báo”, sau khi đọc bài báo đã giận dữ nói rằng, trại lao động cưỡng bức nữ Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh “là một địa ngục mười tám tầng, mà trong địa ngục này, những người bị giày vò chính là mẹ, là tỉ muội, là con cháu của chúng ta”, những nhân viên quản giáo của trại lao động đã tra tấn họ điên cuồng như dã thú, “ngay cả dã thú cũng không làm điều này với đồng loại của chúng”.

Các hình thức tra tấn khác nhau được đề cập trong báo cáo này lần đầu tiên được áp dụng lên thân của các học viên Pháp Luân Công. Hơn nữa, những màn tra tấn này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Liêu Ninh đã phải chịu đựng trong 23 năm qua.

Vào ngày 19/4/2001, chín học viên Pháp Luân Công, bao gồm Trâu Quế Vinh, Tô Cúc Trân, Duẫn Lệ Bình, Chu Mẫn, Vương Lệ, Chu Diễm Ba, Nhậm Đông Mai, Triệu Tố Hoàn, những người bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại lao động cưỡng bức nữ Mã Tam Gia, đã bất ngờ bị các quan chức ĐCSTQ hạ lệnh chuyển đến Trại lao động cưỡng bức nam giới Triệu Trung, nơi họ bị các nhân viên quản giáo nam tại đây cưỡng hiếp hủy hoại.

Vào ngày 13/4/2016, Duẫn Lệ Bình, người đã trốn ra nước ngoài, đã kể lại thảm họa vô nhân tính này tại một phiên điều trần ở Hạ viện Hoa Kỳ. Cô ấy nói: 

“Giữa chúng tôi đã từng giao ước với nhau: trong chúng tôi bất kỳ ai còn sống để ra ngoài, sẽ nói với toàn thế giới về cuộc bức hại vô nhân tính này, hôm nay, tôi cửu tử nhất sinh đến đây để nói ra những lời mà họ không cách nào có thể nói được.”

Theo Minghui.com, trong nhiệm kỳ của Vương Đại Vĩ làm Sở trưởng Công an tỉnh Liêu Ninh, ít nhất 177 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, xếp hạng đứng đầu toàn quốc.

Tiến sĩ Vương Hữu Quần tin rằng nguyên nhân sâu xa thứ ba dẫn đến việc các bốn sở trưởng công an tỉnh Liêu Ninh liên tiếp sa lưới có quan hệ trực tiếp đến Thiên lý “ác hữu ác báo”.

Bốn sở trưởng công an Liêu Ninh đều là cán bộ cấp thứ trưởng cấp tỉnh, cấp bộ, khi còn quyền lực có lẽ chưa bao giờ nghĩ bản thân chúng tới một ngày kia sẽ gặp ác báo, nếu không thì chúng đã không dám hành động vô pháp vô thiên như vậy.

Thiên lý thiện ác hữu báo chế ước mỗi cá nhân trên thế gian, vô luận là quan chức hiển quý hay bách tính bình dân, đều như vậy.

Từng có thời gian, Lý Phong đã có một sự nghiệp hanh thông, từ Sở trưởng Công an tỉnh Liêu Ninh, Bí thư Ủy ban Chính Pháp luật tỉnh, Bí thư Đảng đoàn Đại hội đại biểu Nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, năm 2016, khi đang là Bí thư Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, hắn đã bị lật tẩy do liên quan đến hối lộ bầu cử, bị bãi miễn tất cả các chức vụ, kể từ đây, dường như đã “bốc hơi khỏi thế giới”.

Lý Văn Hỉ bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương “cách ly thẩm tra” sau nhiều năm nghỉ hưu. Sau đó, ông bị khai trừ khỏi đảng, đãi ngộ hưu trí bị thủ tiêu, thu nhập bất hợp pháp bị tịch thu, và trở thành tù nhân ở tuổi 71.

Tiết Hằng, giống như Lý Văn Hỉ, cũng bị thẩm tra sau khi nghỉ hưu, bị khai trừ đảng tịch, đãi ngộ hưu trí bị thủ tiêu, đồng thời bị tịch thu tài sản bất hợp pháp chuyển cho viện kiểm sát để xem xét khởi tố. Vào tháng 5/2022, Tiết Hằng bị nghi ngờ nhận hối lộ và lợi dụng ảnh hưởng để nhận hối lộ. Viện kiểm sát thành phố Ba Ngạn Náo Nhĩ, Nội Mông, đã đệ đơn truy tố công khai lên Tòa án trung cấp thành phố Ba Ngạn Náo Nhĩ.

Về phần Vương Đại Vĩ, người sa lưới vào ngày 1/3/2022, “Sing Tao Nhật báo” dẫn các nguồn tin cho biết, không thể loại trừ việc này có liên quan đến Tôn Lực Quân, cựu thứ trưởng Bộ Công an.

Theo báo cáo, Vương Đại Vĩ có thể đã được thăng chức lên Phó tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh sau khi vận động hậu trường thông qua Tôn Lực Quân, kẻ cũng từng là sở trưởng công an tỉnh. Nếu đúng như vậy, Vương Đại Vĩ cũng có thể là thành viên của “băng đảng chính trị Tôn Lực Quân”, và hình phạt cuối cùng khẳng định sẽ không hề nhẹ.

Ôn cố tri tân, nhìn lại quá khứ để biết tương lai. Từ xưa đến nay, thiện ác hữu báo, Thiên lý sao có thể dung tha kẻ thủ ác?

Mời quý vị xem video gốc tại đây.

Theo Epoch Time
Mộc Lan biên dịch