Thời Đường có một Đạo sĩ từng ẩn cư ở ngọn Ngọc Tiêu núi Thiên Thai tên là Tư Mã Thừa Trinh, tự Tử Vi, hiệu là Bạch Vân Tử. Ông một đời chuyên cần tu luyện, đến khi đắc Đạo trở thành Tiên nhân, ông đã được hai vị Thanh Đồng Quân và Đông Hoa Quân hạ trần đón rước.

Đạo vô vi: tu thân và trị quốc

Thời trẻ Tư Mã Thừa Trinh là một Nho sĩ có học vấn uyên bác, rất giỏi văn chương, lại có tài thư pháp chuyên sâu về chữ triện, có thể tạo phong cách và thể chữ riêng, gọi là “kim tiễn đao thư”. Nhưng về sau này ông theo Đạo sĩ Phan Sư Chính học phép tu Tiên, đã từng ngao du khắp các danh sơn, sau lại tới ẩn cư trên ngọn Ngọc Tiêu núi Thiên Thai.

Tư Mã Thừa Trinh có thuật uống linh đan dưỡng sinh nên được các bậc hoàng đế vô cùng ngưỡng mộ. Võ Tắc Thiên đã nhiều lần vời ông vào cung làm quan nhưng ông đều không đến. Đường Duệ Tông vốn sùng kính Đạo giáo, cũng nhiều lần biệt đãi ông nên ông mới nhận lời mời đến kinh đô. Duệ Tông hỏi Tư Mã Thừa Trinh về đạo lý của thuật âm dương, Tư Mã Thừa Trinh trả lời rằng: “Trong kinh thư Lão Tử có nói: ‘Trời đất bỏ đi cái hoa mỹ hư giả cho đến khi thuận ứng theo tự nhiên thì đạt đến cảnh giới vô vi’. Hơn nữa tạp niệm của con người cho dù không ngừng tiêu trừ thì vẫn không thể trừ hết. Vậy sao lại đi nghiên cứu học thuật khác nữa để mà tăng thêm suy nghĩ?”.

Duệ Tông nói: “Tu dưỡng tự thân cho đến khi thuận ứng với tự nhiên, đạt đến cảnh giới vô vi, đó là cảnh giới rất thanh cao. Vậy thì quản lý trị vì quốc gia cũng thuận ứng với tự nhiên, không cầu có thành tựu thì làm như thế nào?”.

Tư Mã Thừa Trinh trả lời rằng: “Trị quốc như tu thân. Lão Tử nói: ‘Điềm đạm vô dục, thanh tĩnh vô vi, thuận ứng sự phát triển tự nhiên của sự vật, đó là vô tư, thì thiên hạ sẽ thịnh trị’. Kinh Dịch cũng nói: ‘Thánh nhân là khiến đức hạnh của mình phù hợp với trời đất’. Đây chính là biết Trời tuy không nói nhưng thành thực đáng tin, tuy thuận ứng với tự nhiên, không tạo tác, nhưng lại có thể thành công. Do đó ý nghĩa cốt yếu của vô vi cũng là nguyên tắc trị quốc”.

Duệ Tông nghe xong vô cùng tán thưởng, muốn giữ Tư Mã Thừa Trinh ở lại, đồng thời ngỏ ý gia phong chức vị cao nhưng ông kiên quyết từ chối. Không lâu sau Tư Mã Thừa Trinh xin được trở về núi Thiên Thai. Trước khi đi, Duệ Tông ban cho ông cây đàn quý và chiếc áo khoác thêu hoa. Các công khanh đại phu đa phần đều làm thơ phú tặng tống biệt. Thường thị Từ Ngạn Bá đã chọn ra trên 30 bài thơ hay nhất trong đó và biên soạn thành tập thơ, hơn nữa còn tự viết lời tựa và lấy tên là “Bạch vân ký”, hiện vẫn được lưu truyền ở thế gian.

Khi đó có một người tên là Lư Tàng Dụng thời trẻ từng ẩn cư ở núi Chung Nam, nhưng sau này vào triều làm quan to. Ông thấy Tư Mã Thừa Trinh muốn trở về núi Thiên Thai bèn chỉ núi Chung Nam và nói với Tư Mã Thừa Trinh rằng: “Ngọn núi này có rất nhiều cảnh đẹp, sao ngài cứ nhất quyết về Thiên Thai làm gì?”.

Tư Mã Thừa Trinh thong dong trả lời rằng: “Tôi thấy núi Chung Nam chẳng qua là con đường tắt của quan lộ mà thôi”.

Lư Tàng Dụng nghe xong xấu hổ vô cùng.

(Ảnh minh họa: nouahsark.com)

Sau khi lên ngôi, Đường Huyền Tông đặc biệt yêu thích Đạo thuật, ông phải nhiều lần chiêu mời mới mời được Tư Mã Thừa Trinh đến kinh sư. Huyền Tông hỏi Tư Mã Thừa Trinh về phương pháp thoát ly hiện thế, trường sinh bất lão. Tư Mã Thừa Trinh đã bí mật tiết lộ một số điều, nhờ đó mà Huyền Tông sống rất thọ, đã tại vị trên 40 năm. Cho dù loạn An Lộc Sơn xảy ra, Huyền Tông phải chạy trốn đến đất Thục rồi lên làm Thái thượng hoàng, đến sau này trở lại Trường An ông vẫn sống thêm 7 năm nữa rồi mới qua đời. Thọ mệnh là ý Trời, nhưng cũng có sức mạnh của Đạo tương trợ trong đó.

Ban đầu Đường Huyền Tông lên núi Thái Nhạc tế Trời, khi trở về ông hỏi Tư Mã Thừa Trinh rằng: “Ngũ Nhạc do vị Thần nào quản lý?”.

Tư Mã Thừa Trinh trả lời rằng: “Ngũ Nhạc là núi lớn nhất trong các dãy núi, có thể sinh mây giáng mưa, trong núi đều có Thần Tiên cư trú. Tế lễ Vọng (ngày rằm) của quốc gia chính là chuyên thờ tế núi sông. Nhưng Thần của núi rừng cũng có Tiên quan đến cai quản”.

Đường Huyền Tông bèn ra lệnh xây dựng đền Tiên Quan trên đỉnh mỗi ngọn núi trong Ngũ Nhạc. Việc này chính là khởi đầu từ Tư Mã Thừa Trinh.

Tìm Tiên cầu Đạo: Sư phụ ở cõi người

Đất Thục có một nữ Đạo sĩ tên là Tạ Tự Nhiên. Cô vượt biển đến Bồng Lai tìm thầy. Nhưng con thuyền nhỏ trôi theo gió đến một hòn đảo xa lạ, trên đó một vị Đạo nhân chỉ dẫn cho cô: “Tư Mã Thừa Trinh núi Thiên Thai, tên ở Đan Đài, người ở Xích Thành, đây là bậc lương sư chân chính. Bồng Lai cách dòng Nhược Thủy 30 vạn dặm không thể đi thuyền, đi thuyền không thể đến được. Không phải là Tiên bay thì không cách nào đến được”.

Thế là Tạ Tự Nhiên bèn trở về bái Tư Mã Thừa Trinh làm thầy. Sau này cô quả nhiên đắc Đạo thành Tiên, cùng với sư phụ bạch nhật phi thăng bay lên trời.

Tư Mã Thừa Trinh ẩn cư ở núi Thiên Thai cần khổ tu hành. Khi trên 100 tuổi nét mặt ông vẫn như thiếu niên, động tác nhanh nhẹn, giống như người khoảng 30 tuổi. Ông có tất cả trên 70 đệ tử. Một hôm Tư Mã Thừa Trinh nói với các đệ tử rằng: “Ta ở ngọn Ngọc Tiêu, nhìn ra Bồng Lai phía đông thường thấy có chân Tiên giáng lâm. Giờ đây hai vị Thanh Đồng Quân và Đông Hoa Quân ở Đông hải triệu mời ta, ta phải rời thế gian”. Chỉ một lát sau ông ngừng thở, giống như ve sầu thoát xác, thoát thân bay đi mất, các đệ tử chỉ an táng y phục và mũ của ông mà thôi.

Bậc chân tu như Tư Mã Thừa Trinh và Tạ Tự Nhiên đều có thể bạch nhật phi thăng bay đi. Còn những người tên là Lư Tàng Dụng, thuở trẻ ẩn cư ở núi Chung Nam, sau này vào triều đình làm quan to, mưu cầu quyền, mưu cầu lợi. Người như thế vĩnh viễn không thể nào bạch nhật phi thăng được.

(Nguồn: “Đại Đường tân ngữ”)

Theo Secretchina
Nam Phương biên dịch

Xem thêm:

Từ Khóa: