Đời người có ba tầng cảnh giới, chính là: Nhìn núi thấy là núi, nhìn sông thấy là sông. Nhìn núi không còn là núi, nhìn sông không còn là sông. Nhìn núi vẫn thấy là núi, nhìn sông vẫn thấy là sông.

Cảnh giới thứ nhất: Nhìn núi thấy là núi, nhìn sông thấy là sông

Đây chính là bản tính thuần khiết lúc ban sơ của con người. Lúc mới đầu nhận biết thế giới, trong con mắt trẻ thơ hết thảy đều rất mới mẻ, mắt nhìn thấy thứ gì thì chính là thứ đó. Nếu có người bảo anh ta rằng đây là núi, anh ta liền nhận thức đây chính là núi. Còn như nói với anh ta đó là sông, anh ta liền nhận thức đó chính là sông.

Cảnh giới thứ hai: Nhìn núi không còn là núi, nhìn sông không còn là sông

Thuận theo năm tháng trôi qua, trải nghiệm sự đời mỗi lúc một nhiều hơn, con người ta càng bị giả tướng của cõi hồng trần phong bế, mất đi bản tính thuần khiết thơ ngây lúc ban đầu. Lúc này ta thấy sự đời ngày càng phức tạp, cuộc đời ngày càng rối ren, kẻ tranh người đoạt, kẻ lừa người dối, thiện-ác, đúng-sai đảo lộn hoàn toàn. Con người ta không còn dễ dàng tin theo điều gì nữa.

Lúc này, người ta nhìn núi cũng cảm khái, nhìn sông cũng thở than, mượn tích xưa ngẫm cười thời nay, chỉ gà mắng chó, chỉ vượn than hươu. Lúc này, núi tự nhiên đã không còn đơn thuần là núi, sông tự nhiên cũng không còn đơn thuần là sông. Hết thảy đều là đánh giá dựa trên ý chí chủ quan của con người, ấy gọi là ‘mượn nhờ sức gió đưa ta lên tận trời xanh’. 

Con người ở trong giai đoạn này quả thật là rất thống khổ. Họ thường đứng núi này trông núi nọ, không ngừng so đo, tranh cường hiếu thắng, vắt kiệt trí óc, dùng hết tâm cơ, không có một ngày nào thấy thỏa mãn. Thế giới này vốn dĩ chính là hình tròn, núi cao vẫn còn núi khác cao hơn, người giỏi vẫn có người giỏi hơn, tuần hoàn lặp lại như nước biếc chảy không ngừng. Mà sinh mệnh đời người là ngắn ngủi có hạn, sao lại có thể so đo với cõi vĩnh hằng vô hạn được đây? 

(Ảnh: lovepik.com)

Cảnh giới thứ ba: Nhìn núi vẫn thấy là núi, nhìn sông vẫn thấy là sông

Rất nhiều người đến tầng cảnh giới thứ hai thì đã đến điểm tận cùng của cuộc đời. Những truy cầu của cả một đời, biết bao bộn bề toan tính, tâm cao khí ngạo cả một đời, đến cuối cùng chỉ là hư vô. 

Nhưng có những người thông qua tu luyện, cuối cùng thăng hoa bản thân đến tầng cảnh giới thứ ba của đời người: “Nhìn núi vẫn thấy là núi, nhìn sông vẫn thấy là sông”. 

Lúc này, bóng tối âm u đột nhiên mở ra, đưa họ quay về với bản tính tiên thiên ban đầu. Con người ta sẽ chuyên tâm làm những gì bản thân mình nên làm, không còn so đo với những người xung quanh nữa. Mặc cho thế gian hồng trần cuồn cuộn, tự ta, ta có trăng trong gió mát. Đối diện với những chuyện tạp nham của thế gian, chỉ mỉm cười một cái là mọi thứ đều tan biến không còn đọng lại trong tâm trí. Lúc này con người ta nhìn núi lại là núi, nhìn sông thì lại thấy là sông.

Ấy chính là: Con người nguyên vốn là người, vậy nên không cần phải gượng ép bản thân làm người. Sự đời nguyên vốn là sự đời, không cần phải quá chi li tính toán trong việc đối nhân xử thế. 

Một đời làm người, làm sao được coi là người tốt? 

Một đời xử thế, làm sao được coi là thành công? 

Chi bằng hãy mở rộng cõi lòng, thuận theo tự nhiên, bao dung hết thảy… 

Thuận An
Theo Văn Chương Duyệt Độc

Bạn đang đọc bài viết: “Ba tầng cảnh giới của đời người” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||407e4b412__