“Ừ nhỉ, sao mình lại không nghĩ rằng khi mình đạt được thành công, có thể sẽ có nhiều người khác thất bại? Khi mình hạnh phúc có thể khiến nhiều người khác thất vọng, bế tắc. Ôi thế thì làm thế nào mọi người mới đều vui vẻ nhỉ?”. Nguyệt thầm nghĩ và đưa đôi mắt trong veo nhìn sư cô.
Nhìn những em bé nhỏ xíu đã mang trên vai chiếc cặp sách to đùng, trĩu nặng hai vai, Nguyệt cảm thấy thương thay cho chúng. Khi nghe kể đến lịch học sáng, học chiều, học chính, học thêm của tụi trẻ, Nguyệt cũng thấy sa sẩm mặt mày, không hiểu tụi trẻ con học gì mà nhiều vậy. Gần đây nghe nói tới vụ nam sinh lớp 10 tự tử vì áp lực học hành quá nặng nề, Nguyệt lại càng giật mình. Phải chăng cậu bé ấy học hành kém quá nên mới thấy căng thẳng. Nhưng kỳ lạ là không phải như vậy, điểm trung bình kỳ I của em là 8.9/10, một thành tích đáng nể.
Nhưng điều gì lại khiến em phải tìm nơi cao nhất trên chính mái trường của mình, vừa khóc vừa cười và gieo mình về với đất mẹ? Trước khi tìm đến “cửa âm tào” cậu bé đã để lại hai bức thư. Giữa những dòng chữ ấy Nguyệt có thể cảm nhận được nỗi xót xa và áp lực của em. Chẳng như Nguyệt ngày xưa, vừa học vừa chơi, vừa chơi vừa học, không chỉ đơn thuần là học kiến thức, mà sâu xa hơn là học cách làm người. Có lẽ vì vậy nên chẳng mấy khi Nguyệt cảm thấy bị áp lực bởi chuyện học hành.
Bên những trang sách, tuổi ấu thơ vừa học vừa chơi giúp Nguyệt hiểu về tình yêu quê hương, tình người, tình bạn và nhiều hơn thế…
Nhớ lại ngày thơ bé còn học mẫu giáo, cứ mỗi buổi sáng tan ca, tụi trẻ con lại túm tụm hai bên, bám chặt lấy tay cô giáo để cô đưa sang đường quốc lộ. Vừa buông tay và cất tiếng chào cô là Nguyệt và Lâm, cậu bé hàng xóm cùng tuổi, lại chạy thục mạng luồn qua cái khe tắt để thi xem ai về nhà sớm hơn.
Buổi chiều Nguyệt nhảy nhót sang chơi “đồ hàng” với hai chị họ. Cô bé nhặt những chiếc nắp chai bia, rồi cặm cụi đập đập tán tán thành từng chiếc bát ô tô hay cái đĩa nhỏ xíu xinh xắn. Nhặt thêm vài hạt nhãn và ngắt nắm lá Thì Bi, thêm vài quả mồng tơi là mấy chị em đã có một mẹt hàng hấp dẫn. Chơi chán, mấy cô bé lại đưa mắt ngắm bầu trời xanh thăm thẳm, chỉ vào những đám mây trắng trôi bồng bềnh. Mấy chị em tưởng tượng ra đủ loại hình thù và thi nhau reo lên: “A! con voi kìa!” “Nguyệt ơi, trông giống cô tiên không kìa!”, “Hihi, đám mây kia trông cứ như vua Thủy Tề cầm cây đinh ba ý nhỉ.”
Con đường đưa Nguyệt tới trường cũng là con đê ngăn lũ của làng. Mỗi ngày đi học về Nguyệt lại mơ màng ngắm những tia nắng vàng lung linh nhảy nhót trên mặt đầm nước trong veo. Mùa hè nắng vàng rực, hoa Súng, hoa Trang nở kín đầm. Tụi trẻ con xắn quần cao tới tận đầu gối, lội bì bõm ngắt cả ôm hoa về chia cho nhau mang về thả bể ngắm chơi. Có khi tụi bạn lại rủ nhau đi xuyên qua cánh đồng để hít căng lồng ngực những làn gió mát. Mùa trăng, Nguyệt cùng tụi trẻ con đi nhặt hạt bưởi xiên thành xâu làm pháo sáng trong đêm rằm. Nếu vụ gặt trúng vào mùa trăng sáng thì tụi nhỏ cả xóm sẽ nhảy tưng tưng trên đống rạ vừa tuốt vẫn còn thơm phức mùi lúa mới. Cả đám trẻ con cùng hò reo chơi dung dăng dung dẻ, chơi đồ hề, thả đỉa ba ba, chơi trốn tìm với nhau. Tiếng cười giòn tan vang vọng dưới ánh trăng dìu dịu treo lơ lửng giữa khung trời lồng lộng.
Hồi cấp 1 học có nửa ngày nên hàng ngày Nguyệt vẫn thường ra bờ ao câu cá săn sắt, cá cờ về nướng cho miu con. Lên cấp 2 có lẽ là thời gian đong đầy kỷ niệm nhất của Nguyệt. Hồi ấy hễ tan học là mấy cô bạn lại nán lại chơi đủ trò, “mùa nào thức nấy”. Mùa tú lơ khơ thì cả tụi ngồi “xòe quạt” say sưa, ai thua thì bị “tẹt mũi” hay bị quét nhọ nồi “râu dê”. Mùa “bóng ngựa” thì mấy cô bạn cứ tưng bừng leo lên leo xuống lưng nhau để truyền đi truyền lại những trái bóng tròn. Tới mùa đá cầu, nhảy dây thì hễ tiếng chuông ra chơi reo lên là cả lớp ùa ra như ong vỡ tổ và nhanh chóng túm năm tụm ba thành từng nhóm và chơi mải miết. Mồ hôi chảy ròng ròng, mặt ai nấy đều đỏ bừng mà sao vui lạ. Tụi con trai thì chụm đầu xem con quay của ai xoay tít hơn, hay cày suông của ai bay xa hơn.
Dường như khi vui chơi thỏa thích, Nguyệt học được cách chung sống với bè bạn và thỏa sức sống với thế giới thần tiên trong trí tưởng tượng bay bổng của mình. Sau này mỗi khi ai đó nhắc đến hai chữ “quê hương”, những ký ức ấy lại ùa về trong tâm hồn Nguyệt. À, hóa ra quê hương lại hiện hình qua những điều nhỏ bé và gần gũi như trong ca khúc “Quê hương là chùm khế ngọt”: “Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là đường đi học. Con về rợp bướm vàng bay…”
Mỗi khi trở lại với bài vở Nguyệt lại thấy vui vui. Cha mẹ cũng chẳng mấy khi hỏi đến chuyện học hành của Nguyệt. Ấy thế mà kỳ nào Nguyệt cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Giờ mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian ấy, Nguyệt đều cảm thấy thật hạnh phúc. Nguyệt thầm nghĩ: “Tuổi trẻ học mà chơi, chơi mà học, cứ sống hợp với đạo tự nhiên thì mọi chuyện đều thông thuận, con người sống cũng hạnh phúc, yên vui. Chẳng phải Lão Tử có một câu rất hay rằng: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự Nhiên” đó sao? Nếu suốt ngày chỉ dán mắt vào học những kiến thức, kỹ năng như trên trường lớp hiện nay, có lẽ tâm hồn Nguyệt sẽ trống rỗng và khiếm khuyết nhiều lắm.”
Niềm tin vào Thần Phật giúp Nguyệt định hướng được mục đích của mình mà không bị áp lực học hành đè nặng
Hồi ấy khi Nguyệt còn bé xíu, cô bé thường sang nhà hàng xóm chơi. Kể cũng lạ, Nguyệt rất thân với bà Nhung. Dáng bà bé nhỏ, bà thường đi chùa tụng kinh niệm Phật. Hồi ấy trưa nào Nguyệt cũng sang đọc kinh với bà rồi lăn ra phản ngủ một giấc ngon lành. Bà thường nói với Nguyệt: “Đời người sống chẳng tày gang, nên phải làm người tốt, không nên làm hại người khác cháu ạ. Nếu không thì khi thác xuống âm ty sẽ bị đọa vào địa ngục, chẳng được đức Phật tiếp dẫn về thế giới Tây Phương Cực Lạc.” Nguyệt chớp chớp đôi mắt ngây thơ nhìn bà và tin luôn những gì bà nói.
Hàng tháng vào ngày rằm hay mồng một, mẹ thường tắm rửa sạch sẽ rồi đi chùa lễ Phật. Lớn lên một chút, mẹ cũng cho Nguyệt đi theo. Nguyệt nhìn hai ông hộ Pháp to bằng cả một gian nhà đứng ngay trước cửa thì sợ run bắn cả người, khẽ nép vào tà áo mẹ. Mẹ cười bảo: “Con đừng sợ, đây là hai ông hộ Pháp: ông Thiện và ông Ác. Ông Ác trông mặt mày dữ tợn vậy thôi, nhưng trong tâm ông lương thiện lắm. Chỉ những kẻ xấu mới sợ bị ông trừng phạt thôi. Người tốt thì không có gì phải sợ cả.” “Thật à mẹ?” “Ừ!” Mẹ nhìn Nguyệt âu yếm vẻ khích lệ. Nguyệt kính cẩn chắp đôi tay nhỏ xíu trước ngực, cúi gập người, miệng lẩm bẩm: “Con lạy ông ạ!”
Sư cô hiền từ nhìn Nguyệt mỉm cười, xoa xoa đầu cô bé nói: “Cháu bé ngoan quá. Sau này nhớ học giỏi để giúp được nhiều người hơn nhé!” “Ơ, thế không phải học giỏi để được đứng đầu lớp, để thi đỗ thủ khoa ạ, thưa sư cô?” Nguyệt hồn nhiên hỏi sư cô. “Con thử nghĩ xem, nếu có 100 bạn đều muốn đỗ thủ khoa mà vị trí ấy chỉ có 1, thì 99 bạn kia sẽ cảm thấy thế nào?”. “Các bạn sẽ rất buồn và thất vọng ạ!” – Nguyệt nhanh nhảu đáp.
“Ừ nhỉ, sao mình lại không nghĩ rằng khi mình đạt được thành công, có thể sẽ có nhiều người khác thất bại? Khi mình hạnh phúc có thể khiến nhiều người khác thất vọng, bế tắc. Ôi thế thì làm thế nào mọi người mới đều vui vẻ nhỉ?” Nguyệt thầm nghĩ và đưa đôi mắt trong veo nhìn sư cô.
Sư cô từ tốn giảng giải cho Nguyệt: “Đúng rồi. Con người có số con ạ. Những bạn đời này học hành đỗ đạt, xin được công việc tốt là nhờ phúc phận của các bạn ấy tích từ kiếp trước. Đâu phải chỉ dựa vào nỗ lực của bản thân hay kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô trong đời này mà có thể tranh giành được. Là học sinh thì con cứ nỗ lực hoàn thành bài vở trong khả năng tốt nhất của mình, nhưng đừng quá bận tâm hay truy cầu kết quả mà tạo thành áp lực không đáng có. Muốn đạt được may mắn phải hành thiện, tích đức con ạ.” “Dạ, con hiểu rồi ạ! Học hành không phải để tranh cao thấp mà là để sống có ích ạ!” Sư cô khẽ gật đầu, mỉm cười hài lòng nhìn Nguyệt: “Con thông minh lắm!”
“Sau này nhớ học giỏi để giúp được nhiều người hơn nhé!”: Lời của sư cô vẫn luôn văng vẳng bên tai Nguyệt
Nguyệt ngẫm nghĩ: Sau này lớn lên mình sẽ làm gì nhỉ? “Hôm trước mình đọc trên báo thấy có cậu bé người nước ngoài bị ung thư. Nhưng cậu vẫn để lại khát khao sống cho người khác bằng cách hiến những phần nội tạng còn khỏe mạnh của mình. Nhờ cậu ấy mà hai người đang cận kề cái chết đã được sống thêm một lần nữa. Mình cũng muốn giống như cậu ấy”.
Nhưng lớn thêm một chút, khi chứng kiến quanh mình có biết bao người thân thể khỏe mạnh đấy, nhưng tâm hồn vẫn ngập tràn khổ đau, Nguyệt lại thầm ước: “Lớn lên mình sẽ làm bác sỹ tâm lý. Mình mong mọi người được sống hạnh phúc, không phải đau khổ, không phải cô đơn, tuyệt vọng, bế tắc mà sớm kết thúc cuộc sống trân quý của mình”.
Đến tuổi trưởng thành Nguyệt nhìn thấy rất nhiều người xinh đẹp, giàu sang, nhà to, xe đẹp… Họ chẳng thiếu gì, nhưng lại chỉ quẩn quanh trong hạnh phúc nhỏ bé, chật hẹp của bản thân và gia đình mình, mà thờ ơ, bàng quan với bất hạnh của mọi người xung quanh. Lúc này Nguyệt lại thầm ước: “Mình muốn làm nhà văn! Mình muốn viết nên những áng văn xúc động lòng người và khuyên nhủ con người hướng thiện, tin vào nhân quả, biết kính ngưỡng Thần Phật. Khi ấy, họ sẽ biết yêu thương và bảo vệ những người kém may mắn hơn mình”.
Khổng Tử có câu rằng: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên”. Nguyệt tin vào điều đó. Con người khi cất tiếng khóc oa oa chào đời chỉ có 2 bàn tay trắng, đến khi lìa khỏi thế gian cũng chỉ có 2 bàn tay trắng. Công danh lợi lộc cũng chẳng thể mang về cõi Tây Phương Cực Lạc, thì cực khổ tranh đấu xuôi ngược một đời vì nó cũng có ích chi? Tài năng và kiến thức chỉ là phương tiện để Nguyệt giúp đỡ được nhiều người sống hạnh phúc hơn, chứ không phải để hưởng chút hư danh như mây khói ấy. Duy chỉ có tích đức hành thiện thì thiện duyên mới theo con người từ đời này sang đời khác, đời này chưa hưởng thì kiếp sau vẫn còn. Giá như cha mẹ, thầy cô của cậu bé lớp 10 ấy cũng hiểu được điều này, thì có lẽ cậu đã không phải chịu đựng sự dày vò trong tâm mà quyên sinh sớm như vậy.
Minh Nguyệt