Đáng ngạc nhiên thay, những công dân ở một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lại rất thản nhiên suy nghĩ về một điều mà đa số chúng ta đều trốn tránh. Liệu đó có phải là chìa khóa tìm đến hạnh phúc?
Trong chuyến du lịch đến Thimphu, thủ đô của Bhutan, khi ngồi đối diện và chuyện trò với một người tên Karma Ura, tôi đã trút hết nỗi niềm của mình với người đàn ông lạ mặt ấy. Không biết có phải vì tên anh ấy là Karma (Nghiệp), hay là vì bầu không khí loãng, hoặc do chuyến du lịch xa nhà đã làm tôi mất đi tâm lý đề phòng và quyết định giãi bày một chuyện rất riêng tư. Không lâu trước đó, tôi đã có những triệu chứng đáng lo ngại: khó thở, chóng mặt, tê liệt ở hai bàn tay và chân. Lúc đầu, tôi sợ là tôi đang lên cơn đau tim, hay là động kinh, hoặc có thể là cả hai. Vì thế tôi đi khám bác sĩ, tiến hành một loạt các xét nghiệm và chẩn đoán là…
“Không có bị sao cả,” Ura nói. Thậm chí trước khi tôi hoàn thành câu nói của mình, anh ấy đã biết rằng những nỗi sợ của tôi là vô căn cứ. Không phải là tôi sắp chết, hay ít nhất là không nhanh như tôi nghĩ. Lúc đó tôi chỉ là đang hoảng loạn tột độ mà thôi.
Điều mà tôi muốn biết là: Tại sao lại là bây giờ – cuộc sống của tôi lúc này rất tốt – và tôi có thể làm gì?
“Anh phải nghĩ về cái chết hơn năm phút mỗi ngày” Ura trả lời. “Việc này sẽ chữa lành cho anh.”
“Như thế nào cơ?” tôi hỏi một cách kinh ngạc.
Chính là thứ này, nỗi sợ hãi cái chết, sợ phải chết trước lúc ta đạt được những thứ chúng ta muốn hay được nhìn thấy con cháu lớn lên. Đây là thứ đang làm anh phiền muộn.
“Nhưng tại sao tôi lại nên nghĩ về một điều buồn rầu như vậy?” – tôi hỏi lại Ura.
“Những người giàu có ở Tây Phương, họ sợ phải tiếp xúc với xác chết, những vết thương rỉ máu, hay những thứ thối rữa. Đó là vấn đề. Vì cái chết cũng là một trạng thái hoàn toàn tự nhiên của con người. Chúng ta đều phải chuẩn bị cho giây phút chúng ta không còn tồn tại nữa.” – Ura nói.
Khi chúng ta có thể mở lòng mình với những điều mới lạ và không suy xét chúng bằng những định kiến cố hữu của mình, thì mỗi vùng đất hay mỗi con người đều có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Vương quốc trên ngọn núi Himalaya này nổi tiếng với chính sách tiên tiến Tổng Hạnh Phúc Quốc Gia, và nơi đây là vùng đất mà sự mãn nguyện ngự trị và nỗi muộn phiền bị “cấm cửa.” Bhutan quả là một quốc gia đặc thù (và Ura, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Bhutan, cũng là một người rất đặc biệt), nhưng sự đặc thù của Bhutan thành thực mà nói thì lại không tươi sáng như một Shangri-la thơ mộng mà chúng ta tưởng tượng.
Thực ra, khi anh Ura khuyên tôi về việc nghĩ đến cái chết mỗi ngày một lần, anh ấy đã nói giảm nói tránh lắm rồi. Trong văn hóa Bhutan, một người đáng lẽ là phải nghĩ về cái chết đến năm lần một ngày. Điều đó vốn là quá đỗi phi thường đối với bất kỳ quốc gia nào, huống chi là với một đất nước được xem là tượng trưng của sự hạnh phúc như Bhutan. Chẳng lẽ nơi đây lại là một vùng đất của sự tối tăm và tuyệt vọng đến mức con người phải thường xuyên nghĩ tới cái chết như vậy?
Không phải vậy. Một số nghiên cứu gần đây phát hiện rằng, bằng cách nghĩ về cái chết nhiều lần, những người dân Bhutan có thể là đang đi đúng đường. Trong một nghiên cứu năm 2007, hai nhà tâm lý học Nathan DeWall và Roy Baumesiter thuộc trường Đại Học Kentucky ở Mỹ đã chia vài chục học sinh thành hai nhóm. Một nhóm được hướng dẫn là phải nghĩ về một lần nhổ răng đau đớn ở nha sĩ, còn nhóm kia thì phải suy ngẫm về cái chết của mình. Cả hai nhóm sau đó được yêu cầu phải hoàn thiện một vài từ (từ những từ cho sẵn), như “jo_”. Nhóm thứ hai – nhóm được bảo phải suy ngẫm về cái chết – đã hoàn thiện từ gốc thành những từ mang hàm nghĩa tích cực hơn so với những từ của nhóm thứ nhất, như “joy” (sự vui mừng). Việc này đã giúp các nhà nghiên cứu kết luận rằng “cái chết là một thực tế đe dọa con người về mặt tâm lý, nhưng khi họ suy ngẫm nhiều về nó, thì bản năng của họ tự động tìm kiếm những suy nghĩ tích cực.”
Tôi chắc rằng những nghiên cứu này sẽ không làm ông Ura hay bất kỳ người Bhutan nào ngạc nhiên cả. Họ đã biết rằng cái chết là một phần của cuộc sống, dù chúng ta có thích nó hay không, và phớt lờ một thực tế cơ bản như vậy sẽ đem lại những hậu quả tâm lý khó lường.
Linda Leaming, tác giả một cuốn sách tuyệt vời tên A Field Guide to Happiness: What I Learned in Bhutan About Living, Loving and Waking Up, (Cẩm nang tìm đến hạnh phúc: Điều tôi học được ở Bhutan về cuộc sống, tình yêu thương, và sự giác ngộ) cũng biết được điều này. “Tôi nhận ra rằng việc nghĩ về cái chết không làm tôi buồn. Nó thôi thúc tôi nắm lấy từng khoảnh khắc và chứng kiến được những cảnh tượng tôi bình thường không nhìn thấy,” cô ấy viết. “Lời khuyên tốt nhất của tôi là: hãy đến nơi ấy. Nghĩ về điều không tưởng, điều mà làm bạn sợ hãi khi suy nghĩ về nó nhiều hơn một lần mỗi ngày.”
Không giống như đại đa số người phương Tây, những người Bhutan không né tránh cái chết. Cái chết – và những phác họa về nó – có mặt ở tất cả mọi nơi, đặc biệt ở những biểu tượng của Đạo Phật. Ở đây bạn sẽ thấy những hình minh họa đầy màu sắc nhưng cũng rất ghê rợn về cái chết, địa ngục, các nẻo luân hồi. Không một ai, kể cả trẻ em, có thể né tránh những hình ảnh hay các điệu múa dân tộc tái diễn lại cái chết.
Tập tục truyền thống thường cung cấp cho con người một khoảng lặng để họ vượt qua những nỗi đau buồn và mất mát, và ở Bhutan thì khoảng lặng ấy mang tính cộng đồng và bao phủ mọi nơi. Sau khi một cá nhân qua đời, một nghi thức tang lễ 49 ngày được tiến hành một cách trang trọng. “Cách thức này hiệu quả hơn hết thảy các liều thuốc an thần,” Tshewang Dendup, một diễn viên người Bhutan, nói với tôi. Trong khoảng thời gian này, bề ngoài thì trông như những người Bhutan này mang một vẻ rất tách biệt và có phần cô lập. Nhưng sự thật là không phải vậy. Họ đang vượt qua nỗi đau mất mát người thân qua nghi lễ.
Tuy nhiên, tại sao họ lại có một cái nhìn khác biệt đến vậy về cái chết? Người dân quốc gia này mang đức tin đối với Đạo Phật, đặc biệt là với khái niệm luân hồi chuyển kiếp. Nếu bạn biết là bạn sẽ có một cơ hội sống lần nữa, bạn sẽ không sợ kết thúc kiếp sống này. Như những Phật tử hay nói:
Bạn không nên sợ cái chết, nó cũng không khác gì so với việc bạn cởi bỏ bộ quần áo cũ của mình.
Hiển nhiên là tôi không có ý nói rằng người dân Bhutan không cảm thấy sợ hãi, hay buồn phiền. Đương nhiên là họ có. Nhưng Leaming nói với tôi rằng họ không trốn tránh những cảm xúc này. “Chúng ta bên Tây Phương muốn giải quyết vấn đề nếu chúng ta có phiền muộn,” cô ấy nói.
Chúng ta sợ hãi nỗi buồn. Nó như là một thứ chúng ta cần phải vượt qua, chữa lành. Ở Bhutan thì họ chấp nhận nó. Sự buồn phiền là một phần của cuộc sống.
Đến bây giờ thì tôi vẫn nghe theo lời khuyên của ông Ura. Tôi bắt mình phải nghĩ về cái chết một lần mỗi ngày. Trừ khi tôi thấy mình đặc biệt căng thẳng, hay bị nhúng sâu vào những việc không đâu, thì tôi phải nghĩ về cái chết hai lần một ngày.
Đó là câu chuyện của Eric Weiner, một người lữ hành kiêm triết gia, ông cũng đang hồi phục từ những sự bất mãn trong cuộc sống.
Cách đây mới hơn một năm, CEO tài ba của Apple, Steve Jobs cũng đã làm cả thế giới phải suy ngẫm lại một cách nghiêm túc về cái chết khi ông phải đối diện với án tử hình của căn bệnh ung thư nhưng vẫn lạc quan và để lại những lời cuối cùng gây chấn động, trong đó có câu: “Luôn nghĩ rằng mình sẽ sớm chết là công cụ quan trọng nhất giúp tôi tạo ra những quyết định lớn trong đời. Vì gần như mọi thứ, từ hy vọng, niềm tự hào, nỗi sợ hãi, tủi hộ hay thất bại, sẽ biến mất khi bạn phải đối mặt với cái chết, chỉ còn lại điều thực sự quan trọng với bạn. Nghĩ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi tránh rơi vào cái bẫy rằng tôi sẽ mất đi thứ gì đó. Khi không còn gì nữa, chẳng có lý gì bạn không nghe theo lời mách bảo của con tim.”
Mai Chi biên dịch
Xem thêm:
- Bhutan: đất nước miễn phí y tế nhưng không mấy ai dùng, còn bác sĩ thì ‘thất nghiệp’
- Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới lựa chọn đứng ngoài thế giới “văn minh”
- Bhutan – Quốc gia đầu tiên trên thế giới nói không với thuốc lá