Ngày nay, “an phận thủ thường” hay bị hiểu với hàm nghĩa xấu, chỉ những người thiếu ý chí, không có hoài bão ước mơ, sớm đầu hàng thử thách. Tuy nhiên, hàm nghĩa nguyên gốc của cụm từ này không phải như vậy.
“An phận thủ thường” là thành ngữ gốc Hán, nguyên văn là “安分守己” (an phận thủ kỷ), nghĩa là “luôn tuân thủ bổn phận, không có hành động trái pháp luật, trái đạo lý”. Trong tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng”, một trong tứ đại danh tác của Trung Hoa có một đoạn trích sử dụng bốn chữ “an phận thủ kỷ” này.
Tư Kỳ lén lút hẹn hò tình tự với người anh con nhà cô, chẳng may bị Uyên Ương bắt gặp. Hai người sợ hãi phải rời nhau ra, người con trai “rẽ hoa chen liễu theo phía cửa ngách lẻn mất”. Còn Tư Kỳ thì suốt đêm đó “không sao ngủ được, hối hận không kịp”. Phần vì hận người con trai “bạc tình, đã chạy ngay trước rồi”, phần vì sợ Uyên Ương nói ra thì bại hoại thanh danh và bị tội, Tư Kỳ lăn ra phát ốm.
Uyên Ương biết chuyện, không đành lòng, liền sang thăm Tư Kỳ, thề với Tư Kỳ sẽ không mách cho ai, lại dặn dò Tư Kỳ như sau:
“Tòng thử dưỡng hảo liễu, khả yếu an phận thủ kỷ, tái bất hứa hồ hành loạn tác liễu” (Tạm dịch: Từ nay em nên cố gắng chữa chạy cho khỏi, rồi giữ thân giữ phận, đừng có làm bậy nữa).
Như vậy, “an phận thủ kỷ”, hay “an phận thủ thường” vốn có hàm nghĩa tốt, tích cực. Một người biết “an phận thủ thường” là người hiểu rõ thân phận của mình mà hành xử cho đúng đạo lý, không làm điều gì quá phận mình. Ví dụ, một người vợ biết “an phận thủ thường” sẽ không ngoại tình, không dâm loạn, không đành hanh lớn lối, mà tiết hạnh ôn nhu, giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng.
Trong xã hội hiện đại, “an phận thủ thường” bị gán cho hàm nghĩa xấu, như là thiếu ý chí, không có hoài bão ước mơ, sớm đầu hàng thử thách. Ví như một người chồng “an phận thủ thường” thì không chịu nỗ lực vươn lên trong sự nghiệp, một dân tộc “an phận thủ thường” thì vẫn tự hài lòng khi đứng bét bảng về chỉ số phát triển, v.v.
Tuy nhiên, khi đọc những phát ngôn sau đây, chúng ta có thể sẽ suy nghĩ lại:
“Ai là người giàu có? Đó là người biết vui mừng với phần của mình”.
“Sự thỏa mãn khiến người nghèo giàu có; bất mãn khiến người giàu nghèo khổ”.
Tác giả của câu nói này là Benjamin Franklin, một trong những người khai sáng đất nước Hoa Kỳ nổi tiếng nhất. Ông là một chính trị gia, một nhà khoa học, một tác giả, một thợ in, một triết gia, một nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, một nhà ngoại giao hàng đầu.
“Hãy biết ơn vì những gì mình có; rồi bạn sẽ có nhiều hơn. Nếu bạn tập trung vào những gì mình không có, bạn sẽ không bao giờ có đủ”.
Người nói câu này là Oprah Winfrey, nữ hoàng truyền hình Mỹ.
Lão Tử, một nhà hiền triết phương Đông cổ đại cũng nói:
“Biết đủ trong cái đủ của mình thì luôn luôn đủ”.
“Vì mình không tranh, cho nên thiên hạ không ai có thể cùng tranh nổi”.
Nguyễn Công Trứ, một nhà chính trị, nhà quân sự và một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Nguyễn cũng có cùng quan điểm như Lão Tử. Trong bài thơ “Chữ Nhàn”, ông viết:
“Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ.
Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?”
Họ là những danh nhân ở cả phương Đông và phương Tây, từ cổ chí kim, là những người có thành tựu to lớn khiến thế giới ngưỡng mộ, nhưng họ đều khuyên con người hãy biết vui mừng và biết ơn với những gì mình đang có, biết đủ và không tranh giành. Điều này chứng tỏ “an phận thủ thường” thực ra là một cảnh giới cao thâm trí huệ, tuyệt nhiên không phải sự thụ động thoái chí của những kẻ bất tài.
Trong cuộc sống, có một số người rất bảo thủ cố chấp, khi được người khác chỉ ra lỗi sai thì khó chịu bực mình, hoàn toàn không muốn cầu tiến vươn lên trở thành người tốt hơn, nhưng lại rất ham giành giật lợi ích vật chất. Những người này tự cho mình là “mạnh mẽ”, “có tinh thần đấu tranh” và đả kích những ai “an phận thủ thường”.
Bên cạnh đó, lại có những người ngày thường khiêm nhường nhẫn nhịn, cái gì không phải của mình thì không tranh giành, dù sống trong hoàn cảnh vật chất không quá dư dả nhưng họ vẫn vui vẻ, an nhiên, thường giúp đỡ những người xung quanh và tự hoàn thiện bản thân. Họ tự nhận mình là “an phận thủ thường”, nhưng bởi vì họ cứ lương thiện hoà ái như thế, nên ai cũng muốn gần, có quý nhân giúp đỡ, cuối cùng họ tự nhiên có được sự nghiệp hanh thông.
Thực lòng, tôi cũng muốn sống “an phận thủ thường” như thế!
Thanh Ngọc