Khi một người đã thành công, họ có còn khiêm tốn, cẩn trọng lễ nghĩa, tuân thủ quy tắc hay không? Khi một người đã giàu có, họ có còn tiết kiệm hay không?

Trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên có ghi lại một câu chuyện thế này:

Ngụy Văn Hầu muốn tìm một vị Tướng Quốc tài giỏi. Trước mắt trong lòng Ngài có hai lựa chọn đều không tồi, một là Ngụy Thành Tử, hai là Địch Hoàng. Ngài do dự không biết nên chọn vị nào thì tốt nhất.

Bởi vì không thể đưa ra sự lựa chọn, Ngụy Văn Hầu quyết định tìm đến mưu sĩ Lý Khôi, nói với ông ta rằng:

“Tục ngữ có câu “Gia bần tư lương thê, quốc loạn tư lương Tướng” (Trong nhà khó khăn thì muốn lấy một người vợ tốt, đất nước loạn lạc thì muốn có một người tài giỏi). Hiện nay, nước Ngụy chúng ta đang trong tình trạng loạn lạc, ta cấp thiết cần một vị Tướng Quốc vừa bản lĩnh, vừa hiền lương để giúp đỡ ta. Ngụy Thành Tử và Địch Hoàng đều không tệ, ta nhất thời không biết phải lựa chọn như thế nào. Ngài nói xem, hai người họ ai mạnh hơn?”.

Lý Khôi không trực tiếp trả lời câu hỏi của Ngụy Văn Hầu mà chỉ nói: “Đại Vương, Ngài không thể đưa ra được quyết định là bởi vì lúc bình thường Ngài chưa khảo sát bọn họ đủ”.

Ngụy Văn Hầu khó hiểu hỏi: “Phải khảo sát như thế nào? Có tiêu chuẩn gì không?”

Trong nhà khó khăn thì muốn lấy một người vợ tốt, đất nước loạn lạc thì muốn có một người tài giỏi. (Ảnh: Youtube)

Lý Khôi đáp: “Đương nhiên có, Thần cho rằng tiêu chuẩn để khảo sát một người chính là:

1. Thông, quan kỳ sở lễ

Khi một người đã thành công, họ có còn khiêm tốn, cẩn trọng lễ nghĩa, tuân thủ quy tắc hay không?

2. Quý, quan kỳ sở tiến

Khi một người có địa vị cao, phải xem họ tiến cử người như thế nào. Họ tiến cử người như thế nào thì họ cũng chính là người như vậy.

3. Phú, quan kỳ sở dưỡng

Khi một người đã có tiền tài, phải xem họ dùng tiền như thế nào, cho ai dùng, dùng vào việc gì. Khi nghèo khó người ta sẽ không lãng phí tiền bạc, tiết kiệm là vì tình thế bắt buộc. Tuy nhiên, khi người ta giàu có mà vẫn còn giữ được bản tính tiết kiệm mới phản ánh được phẩm hạnh tốt đẹp của họ.

4. Cư, quan kỳ sở thân

Quan sát một người bình thường ở cùng ai; Nếu như người đó thường ở cùng với những người tài năng đức hạnh thì nên trọng dụng. Nếu người đó thường ở cùng những kẻ tiểu nhân, độc ác thì phải đề phòng cẩn thận.

5. Thính, quan kỳ sở hành

Sau khi nghe xong lời nói của một người phải nhìn xem họ có thực sự đi làm đúng theo lời nói của họ hay không. Chỉ sợ nói được mà làm không được.

6. Chỉ, quan kỳ sở hảo

Thông qua sở thích có thể biết được bản chất của một người.

7. Tập, quan kỳ sở ngôn

Lần đầu tiên gặp một người, những lời mà người đó nói không tính là gì. Đợi khi đã tiếp xúc lâu, hãy nghe xem những gì họ nói có giống như lúc đầu hay không. Nếu lời nói của họ trước sau có sự bất đồng càng lớn thì nhân phẩm càng kém.

Dụng người, ắt phải am hiểu tính cách của người đó. (Ảnh: Youtube)

8. Cùng, quan kỳ sở bất thụ

Người nghèo cũng không sao, nhưng nghèo mà không tham lam, không lợi dụng người khác thì mới là bản chất tốt.

9. Tiện, quan kỳ sở bất vi

Con người có địa vị thấp không sao, không tự ti, duy trì tôn nghiêm của bản thân mới là bản chất tốt.

Sau khi Ngụy Văn Hầu nghe xong các tiêu chuẩn trên bèn nói: “Được rồi, Ngài nghỉ ngơi đi, ta hiểu phải làm như thế nào rồi”.

Lý Khôi rời khỏi đúng lúc gặp được Địch Hoàng, Địch Hoàng hỏi: “Nghe nói Ngụy Văn Hầu tìm Ngài thương lượng việc ai lên làm Tướng Quốc, quyết định rồi chưa?”

Lý Khôi đáp: “Quyết định rồi, Ngụy Thành Tử sẽ là Tướng Quốc”.

Địch Hoàng không phục, tức giận chất vấn: “Ta chỗ nào không sánh bằng Ngụy Thành Tử? Đại Vương thiếu một Thái Thú Tây Hà, ta đề cử Tây Môn Báo cho Ngài. Đại Vương muốn công đánh vùng đất Trung Sơn, ta tiến cử Nhạc Dương. Con trai của Đại Vương chưa có Sư Phó, ta tiến cử Khuất Hầu Phụ cho Ngài. Kết quả, Tây Hà được cai trị tốt, công phá thành công Trung Sơn, phẩm đức của Vương Thế Tử cũng ngày càng nâng cao, tại sao ta không được làm Tướng Quốc?”

Lý Khôi nói: “Ngài làm sao có thể so với Ngụy Thành Tử? Chín phần bổng lộc của Ngụy Thành Tử đều dùng để tìm kiếm nhân tài. Cho nên ba người Bốc Hạ Tử, Dụng Ô Phương, Đoạn Thiên Bổn, đều được chiêu mộ từ bên ngoài. Ngài ấy tiến cử họ cho Đại Vương, Đại Vương dùng lễ như Sư Phó mà đối đãi. Mà những người Ngài tiến cử vốn dĩ đều là bầy tôi của Đại Vương. Sao có thể so sánh được với Ngụy Thành Tử?”

Địch Hoàng suy nghĩ nửa ngày, sau đó xấu hổ thừa nhận: “Ngài nói đúng, ta không thể sánh bằng Ngụy Thành Tử”.

Lý Khắc tiếp kiến chọn hiền tài. (Ảnh: tinhhoa.net)

Cuối cùng Ngụy Văn Hầu thật sự phong Ngụy Thành Tử làm Tướng Quốc.

Từ ba nhân vật này có thể học được một số đạo lý:

Từ Lý Khôi, chúng ta học được phương pháp khảo sát nhân tài đầy khoa học.

Từ Ngụy Thành Tử, chúng ta học được mặc dù được hưởng bổng lộc ngàn vạn, nhưng hơn chín phần đều dùng để chiêu hiền, vì tổ quốc tìm kiếm người tài.

Từ Địch Hoàng, chúng ta học được tự hiểu rõ bản thân, hiểu được cách phán đoán tầm quan trọng của sự việc.

“Sử Ký” có thể nói là sử học kinh điển vĩnh viễn được lưu truyền trong mọi thời đại, cũng là kho báu về mưu lược quân sự của thế giới!

Khải Phong