Khi con người dám thừa nhận thiếu sót và bù đắp thiếu sót thông qua nỗ lực của bản thân, thì chính điều ấy ngược lại lại trở thành nấc thang giúp họ tiến xa hơn.

Trong cuốn Học Ký – Lễ Ký có viết: “Sau khi học mới biết được mình còn thiếu sót”, nghĩa là chỉ khi học tập không ngừng, chúng ta mới có thể thấy được sở đoản của mình. Vậy thì không còn nghi ngờ gì nữa, thiếu sót chính là động lực để con người tiến lên.

Trong Chu Dịch cũng có tư tưởng về “bĩ cực thái lai” (Trong cơn bĩ cực đến hồi thái lai). “Bĩ” mang hàm nghĩa thiếu sót, “Thái” là sự thông đạt, nghĩa là thiếu sót đến giới hạn cực điểm thì lại chính là sự thông đạt.

Vy Trang, một thi nhân đời Đường có câu thơ rằng: “Bĩ khứ thái lai chung khả đãi” (Bĩ cực qua đi, thái bình tới, cuối cùng cũng có thể chờ đợi được), nghĩa là sự thiếu sót có thể mang lại hy vọng cho con người.

Bào Đình Bác, một nhà lưu trữ kinh sách thời nhà Thanh còn đặt tên “Tri bất túc” (Biết thiếu sót) cho phòng học của mình, nhằm thể hiện chí hướng khiêm tốn, cầu học, hiếu học không ngừng.

Trong cuốn Đại Cáo – Thượng Thư cũng viết: “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn”, khiêm tốn sẽ đắc được lợi ích, tự mãn chỉ chiêu mời tổn thất mà thôi. “Khiêm” chính là bảo trì sự thiếu sót, “Mãn” là chỉ thái quá, một bên có lợi, một bên chịu tổn hại, cũng đủ để nói được rằng “thiếu sót” là điều vô cùng tốt.

Trần Hoằng Mưu, một danh thần thời nhà Thanh đã nhắc tới “8 thiếu sót” trong cuốn “Dưỡng Chính Di Quy” như sau:

“Tài bất túc tắc đa mưu, thức bất túc tắc đa lự.
Uy bất túc tắc đa nộ, tín bất túc tắc đa ngôn.
Dũng bất túc tắc đa lao, minh bất túc tắc đa sát.
Lý bất túc tắc đa biện, tình bất túc tắc đa nghi.”

Tạm dịch: Tài không đủ mới đa mưu, nhận thức không đủ thì lo nghĩ nhiều. Uy không đủ mới hay tức giận, tín không đủ mới nhiều lời. Dũng không đủ mới nhọc thân, minh không đủ mới hay quan sát. Lý không đủ mới tranh biện nhiều, tình không đủ mới lắm lễ nghi.

Điều đáng quý của con người chính là có thể nhận thức được sự thiếu sót và nỗ lực sửa chữa, nỗ lực san bằng nó để phát triển thành ưu thế của bản thân, bước tới thành tựu cao hơn trong kiếp nhân sinh.

Tài bất túc tắc đa mưu (Tài không đủ mới đa mưu)
Có thể nhận thức được sự thiếu sót và nỗ lực sửa chữa mới là điều đáng quý của con người. (Ảnh: wukong.com)

1. Tài bất túc tắc đa mưu (Tài không đủ mới đa mưu)

Mỗi khi gặp chuyện gì đó chúng ta thường bận lòng lo nghĩ, mà khó có thể quyết đoán. Ở một chừng mực nào đó, thì đây là biểu hiện rằng tài học của chúng ta chưa đủ. Khi tài học được tích luỹ tới một trình độ nhất định, thì hoàn toàn có thể mượn kinh nghiệm và trí huệ của tiền nhân mà nhanh chóng tìm được phương pháp giải quyết, không bị điều đó làm nhiễu loạn.

Trong xã hội hiện đại, rất nhiều người cảm thấy trí tuệ của mình không đủ để ứng phó, đối diện với các vấn đề trong cuộc sống.

Nhưng hễ có thời gian là họ lại nghỉ ngơi cho thoải mái, hoặc chỉ để tâm tới việc ăn uống vui chơi, hưởng lạc hay ngủ nướng. Họ hoàn toàn không hiểu được việc cần phát triển học thức của bản thân. Vậy nên hễ gặp chuyện là họ trở nên rối loạn, hoang mang.

Trong Thái Căn Đàm có câu: “Khi nhàn rỗi không bỏ bê; lúc bận rộn ắt hữu dụng; trong tĩnh lặng không lạc lõng, chỗ động ắt hữu dụng; lúc tối không làm chuyện mờ ám, chỗ sáng ắt hữu dụng”.

Chỉ khi đọc nhiều sách, nỗ lực vươn lên mới có thể bồi đắp được trí lực, gặp việc mới có thể ứng phó một cách bình ổn.

2. Thức bất túc tắc đa lự (Nhận thức không đủ thì lo nghĩ nhiều)

Pháp sư Hoằng Nhất từng giải thích câu này như sau: “Kiến thức không đủ thì khó có thể phán quyết nên sẽ suy nghĩ quá nhiều, lo lắng đa nghi, mà không có cảm giác an toàn”.

Kiến thức là phẩm chất phát triển bởi tài học và kinh nghiệm của bản thân, đại diện cho tầm nhìn và phán đoán của con người đối với xu thế tương lai. Nghĩ nhiều, là chỉ sự lo lắng về tương lai, không biết con đường trước mắt sẽ đi đâu về đâu. Nếu đủ kiến thức thì chúng ta sẽ biết rằng tương lai chẳng qua chỉ là sự kéo dài của hiện tại, cứ chuyên tâm sống hết mình với hiện tại, thì mọi âu lo, hoài nghi đều sẽ tan biến.

Điều này cũng nói với chúng ta rằng, những âu lo, bất an trong cuộc sống hoàn toàn không phải là tác động từ bên ngoài, mà là do kiến thức của chúng ta còn nông cạn, kiến giải còn lệch lạc gây ra. Muốn thay đổi tình huống này, thì phải làm phong phú trí tuệ của bản thân, mở mang tầm mắt. Như người xưa nói cách tốt nhất là đọc sách tăng học vấn, đọc lịch sử tăng kiến thức, đọc nhiều sách sử, mượn gương trí huệ và kinh nghiệm của tiên tổ. Như vậy khi xảy ra chuyện tự nhiên tâm ý chúng ta cũng sẽ được khai mở, biết cách ứng xử hợp lý, mà không cần lo lắng, phiền muộn.

Thức bất túc tắc đa lự (Nhận thức không đủ thì lo nghĩ nhiều)
Nhìn thấu, nghĩ thấu, tự tâm ta sẽ bớt ưu phiền. (Ảnh: wikipedia.org)

3. Uy bất túc tắc đa nộ (Uy không đủ mới hay tức giận)

Nhiều khi chúng ta nổi giận vì cảm thấy người khác không tôn trọng mình, từ đó mà áp dụng biện pháp cực đoan nhằm thu hút sự chú ý của người khác. Đây chính là biểu hiện rằng uy tín của bản thân không đủ. Nhưng nổi giận như vậy lại càng bộc lộ ra những thiếu sót của chính mình.

“Hậu đức tải vật”, uy vọng đều từ đức mà ra, sức mạnh của đạo đức có thể chinh phục tất cả mọi người. Nếu thực sự có học vấn, thì điều mà người có đạo đức thể hiện ra ắt phải là sự khiêm nhường, cung kính, dung dị, dễ gần. Đâu phải dùng tới sự phẫn nộ để chiêu mời lòng oán hận từ mọi người?

Trên thực tế, những người càng không có tư cách, không có thực lực thì càng dễ tức giận, càng tức giận thì càng khiến người khác phải ngạc nhiên. Đỗ Nguyệt Sinh từng nói: “Người hạ đẳng không có năng lực, lại hay nóng giận”, chính là nói về kiểu người này. Trong những tình huống thông thường, khi một người gặp phải trắc trở họ sẽ rất dễ nổi giận, nổi giận lại khiến con người bị kích động.

Người không có thực lực thì càng dễ gặp trắc trở trong cuộc sống hiện thực. Những kẻ phàm phu tục tử không có thực lực thường sẽ phải sống một cuộc đời đầy đau thương. Họ chỉ có thể nhìn thấy ngọn lửa giận của mình. Bởi lẽ không có bản sự nào khác khiến người khác tôn trọng nên vô tình ngọn lửa giận này lại giống như đang thống hận sự bất lực của chính mình vậy.

Sau đó ngọn lửa giận dữ còn thiêu đốt nội tâm họ, khi làm tổn thương người khác, họ cũng làm đau chính mình. Nếu con người thực sự có thực lực, thì sự tức giận cũng không còn cần thiết nữa.

Khi một người nhận được tôn trọng chân thành, họ đã tu xuất được sự bao dung và hàm dưỡng, thì còn cần gì đến sự tức giận?

4. Tín bất túc tắc đa ngôn (Tín không đủ mới nhiều lời)

Trong Kinh Dịch có câu: “Cát nhân chi từ quả, táo nhân chi từ đa”, nghĩa là, người có đức thì kiệm lời, kẻ khuất tất mới đa ngôn. Người có tu dưỡng thì lời nói mộc mạc, không bình luận bừa bãi. Người có tính cách bộp chộp thì thao thao bất tuyệt, nhưng trong lời nói lại chẳng có thực chất. Người quân tử phải dựng lập uy vọng, ngôn từ thận trọng mới gặp điều may mắn, người lành mới biết nói năng cẩn trọng.

Tăng Quốc Phiên, vị minh thần cuối thời nhà Thanh, cũng chỉ ra rằng người bình thường có hai việc ác và nhược điểm là ngạo mạn và đa ngôn. Xét về một chừng mực nào đó, khi còn trẻ Tăng Quốc Phiên cũng từng phạm phải sai lầm ngạo mạn và đa ngôn (nhiều lời) này. Nhưng sau khi sự việc xảy ra ông biết nghiêm túc phản tỉnh và quy chính nên cuối cùng mới thành tựu được nhân cách của bản thân. Cho nên “Hung đức chí bại giả” (Việc ác sẽ dẫn đến thất bại) mà Tăng Quốc Phiên nói là những lời giáo huấn quý giá mà ông đúc rút ra từ kinh nghiệm trong chính cuộc đời mình.

Việc “giới đa ngôn” (Kỵ kiệm lời) của Tăng Quốc Phiên bắt nguồn từ một việc nhỏ. Lúc đó ông mới dọn tới Viện Hàn lâm không lâu, cũng là khi mọi sự đều như ý. Khi tổ chức sinh nhật cho phụ thân, Trịnh Tiểu San, một vị bằng hữu thân thiết của ông tới chúc thọ. Tăng Quốc Phiên đắc ý nói thao thao bất tuyệt, quên hết cả mọi việc trên đời, khiến Trịnh Tiểu San phản cảm, rũ áo bỏ đi.

Sau đó Tăng Quốc Phiên vô cùng hối hận. Trong nhật ký của mình ông tự phản tỉnh thì nhận ra mình đã mắc 3 sai lầm lớn: Một là tự cho mình là đúng, hai là lời nói không chắc chắn, nghĩ gì nói nấy, ba là rõ ràng nói lời đắc tội với người khác nhưng vẫn biện luận bằng được mới thôi, thậm chí còn tới mức không nể nang gì người khác.

Khi tổng kết được 3 điểm này, Tăng Quốc Phiên nói rằng bản thân là một phần tử trí thức Nho gia tiêu chuẩn, mà ngay cả đạo lý “ác ngôn bất xuất ư khẩu, phẫn ngôn bất phản ư thân” (Lời ác không nói ra miệng, tiếng giận chẳng quay lại mình) trong “Lễ Ký” cũng không hiểu thấu. Ngay cả việc nói sao cho đúng mực ông cũng không thực hiện được thì sao có thể làm được việc lớn đây?

 Tín bất túc tắc đa ngôn (Tín không đủ mới nhiều lời)
Lời nói phản ánh nội tâm, người có tu dưỡng thì lời nói mộc mạc, không bình luận bừa bãi. (Ảnh: wikipedia.org)

5. Dũng bất túc tắc đa lao (Dũng không đủ mới nhọc thân)

Những người chăm chỉ chịu khó, lao tâm lao lực dường như tinh thần rất cao, nhưng có thể trong tâm họ lại không đủ dũng khí. Người không có dũng khí làm việc rất e dè, hay bê trễ, họ chỉ có thể bị sự tình làm cho nhọc sức. Dũng khí chân chính là gì? Dựa vào nội tâm mình mà giữ vững chân khí, hễ khởi sỹ khí là thành đại sự, một lần mà nên chuyện, sức bán công bội.

Tháng năm chẳng để lại dấu vết, nhân sinh ngắn ngủi lại lắm khổ đau. So với cuộc sống bình thường làm nhiều hưởng ít, chi bằng tập trung tinh lực, khơi dậy dũng khí, làm một việc tốt mà có thành tựu vĩ đại còn hơn.

Sự khác biệt giữa người ưu tú và kẻ phàm nhân, chính là người ưu tú khởi được dũng khí và dốc hết tinh sức, sở trường để làm tốt một việc. Còn những người bình thường lại san đều tinh lực của mình cho rất nhiều việc, nhưng kết quả chẳng việc nào làm tốt.

Cổ nhân có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, chính là lời răn dạy chúng ta phải tĩnh tâm xuống, dốc tinh sức vào một việc mà thôi. Đương nhiên điều này rất khó thực hiện. Nhưng người càng ưu tú thường sẽ có dũng khí để chinh phục những việc khó khăn.

Chuyên tâm làm tốt một việc thì vinh dự sẽ tới, những món quà mà số phận nên dành cho bạn chắc chắc sẽ không bị quên lãng.

Chuyên tâm làm tốt một việc cũng giống như hoạch định cuộc đời của mình, dẫu thất bại cũng không hối tiếc.

6. Minh bất túc tắc đa sát (Minh không đủ mới hay quan sát)

Khi làm việc thường có rất nhiều chi tiết, khiến chúng ta sa sẩm mặt mày. Điều này là biểu hiện do “minh bất túc”. “Minh” tức là trí huệ quan sát từ chân tơ kẽ tóc như giữa ban ngày ban mặt.

Cổ nhân có câu: “Núi Thái Sơn không chê đất mỏng nên mới thành cao, sông biển chẳng chê con nước nhỏ nên mới thành sâu”. Sự giáo dưỡng và tôn quý của một người đều thể hiện ở tiểu tiết:

Biến tất cả những gì bạn nói “không đúng” sửa thành “đúng”. Đừng dễ dàng phủ định người khác, hãy khẳng định quan điểm của đối phương và đưa ra những kiến giải khác nhau.

Thi thoảng bạn có thể đùa cợt với bạn bè, nhưng tuyệt đối không được lấy họ ra làm trò cười mua vui cho thiên hạ.

Lần đầu gặp mặt, chắc chắn phải nhớ kỹ tên của người khác. Rất nhiều người nói không thể nhớ nổi tên của họ. Kỳ thực không phải là do bạn không thể nhớ được mà là bạn chưa thực sự để tâm.

Dẫu tức giận tới mức nào, thì cũng không được nói những lời làm tổn thương tới lòng tự tôn của người khác. Với những người càng thân thiết, ngược lại càng cần tìm hiểu sở trường, sở đoản của đối phương, nhưng đừng vì quá quen thân mà làm tổn thương tới người khác.

Nhìn thấu nhưng không được phá vỡ, hãy chừa lại đường lui cho người khác. Dẫu phát hiện đối phương lỡ lời hoặc nói dối cũng đừng vạch mặt họ ngay lúc đó.

Ngay cả hoàng hậu Louis XVI khi phải bước lên đoạn đầu đài, tới trước mặt đao phủ, bất giác bà cũng nói một lời “xin lỗi” đáng tôn quý như vậy. Dẫu rằng sinh mệnh của bà phải cúi đầu chào thua trước lịch sử nhưng bà đã để lại sự tôn quý cho hậu thế ngàn thu.

Minh bất túc tắc đa sát (Minh không đủ mới hay quan sát)
Khi tâm bền chí vững, tự ta có thể che chở bao dung cho người xung quanh. (Ảnh: pinterest.com)

7. Lý bất túc tắc đa biện (Lý không đủ mới tranh biện nhiều)

Khổng Tử nói: “Trời đâu có cất tiếng nói mà bốn mùa vẫn vận hành như thường, trăm vật vẫn sinh trưởng như thường. Trời có nói lời nào đâu?” (Nguyên văn: “Thiên hà ngôn tai? Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai!”).

Người nắm giữ lý của đại đạo thì chẳng cần phải tranh biện, phản bác nhiều, thời gian sẽ chứng minh sự chính xác của họ. Họ chỉ cần âm thầm vỡ đất, nhặt cỏ, chờ đợi ngày hái trái, khiến người đời phải kinh ngạc. Còn bản thân những người vô lý, không có nguyên tắc về giới hạn lại thường giỏi hùng biện che mắt người khác. Kỳ thực họ chỉ đang che đậy bản chất sáo rỗng của mình mà thôi.

Tán dương bản thân một cách mù quáng cũng như thùng rỗng kêu to, chỉ khiến bản thân bị những con hổ thực sự có bản sự nuốt chửng trong giây lát. Những người này thường có tư tâm tạp niệm rất nặng, tư tưởng về danh lợi quá sâu đậm. Nếu sự nghiệp không thành thì có thể thân bại danh liệt.

Nhưng có người lại chọn tài cao ẩn mình, không để vầng hào quang của mình toả sáng. Khi học thức và năng lực của bản thân không tới thì con người chẳng thể dễ dàng truy cầu danh lợi. Chỉ khi âm thầm tích luỹ tri thức để trí huệ ngày một thâm hậu, thì thành công mới vẫy chào bạn.

8. Tình bất túc tắc đa nghi (Tình không đủ mới lắm lễ nghi)

“Nghi” chính là lễ nghi, lễ nghi dùng để quy phạm mối quan hệ trong giao tiếp giữa người với người. Những người càng xa lạ thì càng cần phải đối đãi với nhau bằng lễ nghi. Hai người có tình cảm sâu sắc thì có thể đối đãi chân thành với nhau và bớt đi những phép tắc.

Trong cuốn Tích Vũ Võng Xuyên Trang Tác, Vương Duy viết về tuổi già của mình rằng: “Lão nhân nơi hoang dã tranh chiếu với người, Hải Âu cớ chi phải hoài nghi?”. Khi đối đãi với người khác bằng sự chân thành, ông mới có thể trải nghiệm niềm vui hồn nhiên khi tranh chiếu với người khác.

Khổng Tử có câu: “Lễ giả, kính nhân dã” (Người lễ biết kính người). Lễ tiết không phải là những quy tắc rườm rà nhằm a dua nịnh hót lẫn nhau, mà là thể hiện sự tôn trọng và tôn kính với người khác.

Luận Ngữ có câu: “Nhân vô lễ vô dĩ lập” nghĩa là con người không học lễ thì sẽ không hiểu phải lập thân như thế nào. Luận Ngữ còn nói rằng: “Kính nhân giả, nhân hằng kính chi”, khi tôn trọng người khác, chúng ta cũng sẽ luôn được người khác tôn trọng.

Tình bất túc tắc đa nghi (Tình không đủ mới lắm lễ nghi)
Lễ nghi là thể hiện sự tôn trọng và tôn kính nhưng khi tình cảm sâu sắc thì có thể đối đãi chân thành với nhau và bớt đi những phép tắc. (Ảnh: sohu.com)

Người không hiểu lễ tiết rốt cuộc sẽ phải chịu những thiệt thòi gì?

Họ sẽ chẳng để tâm tới lễ tiết, hoặc coi nó là sự phiền phức màu mè, hoặc họ sẽ chỉ làm trái với lòng mình để lấy lòng người khác, và coi đó là đường tắt để thăng quan tiến chức. Hãy nhớ kỹ, lễ tiết là sự thành kính và kính sợ cơ bản của con người đối với thế giới.

Trong cuốn Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Đạo Trời là bớt chỗ dư thừa để bù chỗ còn thiếu. Đạo con người thì không như thế, bớt chỗ thiếu thốn để dâng chỗ dư thừa”, như kiểu bòn nơi khố rách đãi nơi hồng quần. (Nguyên văn: “Thiên chi đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc; nhân chi đạo, tắc bất nhiên, tổn bất túc dĩ phụng hữu dư”).

Đạo tự nhiên nằm ở chỗ truy cầu sự phát triển bình đẳng, giữ gìn sự cân bằng. Con người nên học theo tự nhiên, vì theo “Lý luận thùng nước”, thì điều then chốt giới hạn sự phát triển của con người thường là sở đoản của họ, chứ không phải là do thiếu sót của họ.

Đối với sự phát triển của con người mà nói, tôn vinh sở trường, tránh né sở đoản có lẽ không phải là chuyện xấu. Nhưng điểm đáng quý của con người lại nằm ở việc có thể nhận thức được sở đoản của mình và nỗ lực thay đổi nó hay không. Biết được thiếu sót của bản thân, con người sẽ biết cách nỗ lực san phẳng và biến nó thành ưu thế, từ đó gặt hái được những thành tựu lớn hơn trong kiếp nhân sinh.

Theo Soundofhope
Nhã Văn biên dịch