Một em bé 3 tháng tuổi đã chết đói sau khi cha mẹ bỏ mặc em ở nhà một mình để chơi game online thâu đêm suốt sáng. Một thanh niên chết vì kiệt sức sau khi chơi game nhiều giờ ở quán game. Game thủ bị bạn gái đâm chết vì mải mê chơi game… Đó chỉ là vài trong số các câu chuyện có thật về hậu quả đau lòng của trò chơi điện tử.
Rất ít người trong thời hiện đại không chơi game: game trên thiết bị di động, game trên máy tính và nhiều loại game khác nhau khiến cho người ở mọi lứa tuổi đều bị nghiện. Đây có phải là một hiện tượng tốt? Những người nghiện game không thể bình tĩnh và khách quan đánh giá trò chơi điện tử, họ chỉ cảm thấy chơi game vui vẻ và có thể giết thời gian, nhưng họ không thấy rằng trò chơi điện tử thực sự là một loại biến dị của văn hóa, tiêu hao cuộc sống của bản thân một cách không tự giác.
Có thể kể ra 4 tác hại của trò chơi điện tử:
Thứ nhất: Trò chơi điện tử gây tổn thương thân thể và tinh thần
Trò chơi điện tử hiện đại ngày càng phong phú, ngày càng tinh tế, đánh vào thị hiếu của con người khiến càng nhiều người bị nghiện. Cho dù là người lớn hay trẻ em đều không thể chống cự lại sức hấp dẫn của nó. Chúng ta thường thấy những đứa trẻ còn rất nhỏ nhưng lại bị cận thị vì mê chơi game. Còn người lớn lại vì chơi game mà thường ngủ trễ, thức khuya, dẫn đến đảo lộn đồng hồ sinh học, không thể đảm bảo ba bữa ăn bình thường, lâu dần thân thể sẽ bị tổn hại lớn.
Những người có tri thức hoặc giáo dưỡng cao đều biết thân thể của con người và tự nhiên đối ứng với nhau, vì vậy những người chú trọng dưỡng sinh đều sẽ tuân theo quy luật của tự nhiên mà làm việc nghỉ ngơi một cách hợp lý. Tuy nhiên ngày nay con người vì chơi game mà không phân đen trắng, bất chấp đêm ngày, điều này không những phá hoại trao đổi chất của cơ thể mà còn đem đến một số rủi ro khó biết trước cho con người.
Phàm là những người chơi game, không những xảy ra hiện tượng đỏ mắt, run tay, thậm chí tinh thần bất ổn, cảm xúc cũng trở nên thất thường, luôn trong trạng thái không được khỏe mạnh.
Thứ hai: Trò chơi điện tử làm suy yếu khả năng giao tiếp, đánh mất ý chí
Trò chơi điện tử có tính gây nghiện, nếu như chúng ta không biết khống chế “cơn nghiện” này thì nó sẽ biến thành một loại bệnh tâm lý. Người bị nghiện game sẽ giam giữ bản thân trong thế giới game, do đó có xu hướng làm suy yếu hoặc mất khả năng giao tiếp đúng đắn với thế giới bên ngoài (đặc biệt là các thành viên trong gia đình).
Chúng ta thường thấy nhất chính là trẻ em vì nghiện game mà tự bế, không muốn tiếp xúc cùng người nhà; chúng ta cũng thường thấy một người trưởng thành vì nghiện game mà quên mất trách nhiệm đối với gia đình, cuối cùng gây ra mâu thuẫn trong gia đình. Thậm chí nhiều người vì trò chơi ảo mà bỏ ra một số tiền lớn, việc này không khác gì với bản chất của cờ bạc.
Đối với bất kỳ loại hình giải trí nào cũng thế, nếu chơi vừa đủ là vui vẻ, nhưng nếu chơi quá mức thì sẽ tổn hại bản thân. Tuy nhiên, người hiện đại dường như không có cách nào dừng chơi ở mọi lúc mọi nơi, thậm chí tình yêu của họ đối với trò chơi điện tử đã có thể dùng từ “nghiện game đến đánh mất ý chí” để hình dung.
Thứ ba: Trò chơi điện tử ngày càng biến tướng, trở thành biến dị của văn hóa, phá hủy nhân tính của con người
Người ta nói rằng bộ não của con người giống như một cái thùng chứa, khi bạn chứa vào đó thứ gì thì chính là thứ đó. Ngày xưa, cha mẹ thường hay dạy con cái phải đọc nhiều sách thánh hiền, như vậy mới có thể hình thành được một giá trị quan đúng đắn. Nhưng người sa vào trò chơi điện tử thì không còn thì giờ đọc sách nữa, càng không cần nói đến đọc “sách thánh hiền”. Trong trò chơi điện tử ngày nay hầu như đều là bạo lực tranh đấu, thậm chí dung tục phản cảm, một người bị nhiễm những thứ này lâu ngày sẽ dễ trở nên háo thắng, bạo lực, dâm ô, thiếu bao dung, giúp cho tính “ác” trong con người bộc phát.
Trong khi văn hóa truyền thống phương Đông tuyên dương “tính bản thiện”, “thiên nhân hợp nhất”, “thượng thiện nhược thủy”, thì trò chơi điện tử ngày nay từ trong ra ngoài đều không có gì mỹ cảm, ngược lại đầy tính bạo lực, tư sát, truyền dẫn ma tính. Những trò chơi điện tử nổi tiếng ngày nay hầu như đều để người chơi đóng vai yêu ma quỷ quái các loại, ngay cả quảng cáo cũng tuyên truyền “ma quỷ biết cách vui vẻ của nó”. Những tín tức phía sau chúng căn bản không phải là văn hóa mà con người nên có.
Còn nhớ cổ nhân thường hay giáo huấn con cháu của mình rằng: “Không nên đi đêm, mười hai giờ đêm không nên ra ngoài, không nên thức khuya…” Đây là vì người cổ đại đều thông hiểu pháp âm dương, biết ban đêm là khoảng thời gian mà người âm gian hoạt động, cũng chính là “âm khí nặng” mà trong tục ngữ thường nhắc đến. Vì vậy con người nên tránh hoạt động vào thời gian này, đây là sự tôn trọng giữa hai giới âm dương. Mặc dù vậy, người hiện đại thích chơi game vào ban đêm, ngủ vào ban ngày, đây hoàn toàn không hề phù hợp với quy luật làm việc và nghỉ ngơi của con người, ngược lại phù hợp với giờ giấc hoạt động của ma quỷ.
Thứ 4: Trò chơi điện tử lãng phí thời gian và tiêu hao cuộc sống
Chơi game khiến con người bị nghiện, một số game đã chơi thì sẽ chơi trong vài giờ, vừa lãng phí thời gian, cũng lãng phí sinh mệnh của chúng ta. Một chiếc điện thoại hay một cái máy vi tính đã có thể trói chặt chúng ta, khiến cho con người không thể thưởng thức những đều tốt đẹp mà tự nhiên mang lại, cũng không có cách nào tận hưởng sự ấm áp của gia đình.
Cũng có những người chơi game không phải vì vui vẻ mà chỉ cảm thấy bản thân buồn chán, chơi game có thể giết thời gian. Thật ra loại người này là đáng thương nhất, cuộc sống không có mơ ước hoặc mục tiêu rõ ràng đúng đắn, vì vậy họ mới cảm thấy buồn chán và trống rỗng, dựa vào các trò chơi điện tử để làm tê liệt bản thân mình. Khi thời gian cuộc sống gần cạn kiệt, mới phát hiện bản thân không làm được bất cứ chuyện gì. Chỉ có trò chơi điện tử lãng phí hơn nửa đời người của bản thân, đến lúc đó hối hận đã muộn.
Người ta nói Thượng Đế rất công bằng, bởi vì thời gian Ngài ban cho mỗi người trong một ngày đều như nhau, 24 tiếng đồng hồ. Mà mỗi người vận dụng 24 tiếng đồng hồ của mình như thế nào sẽ hình thành ba loại người: người thành công, người bình thường và người thất bại. Mặc dù định nghĩa của thành công có rất nhiều, mỗi người đều không giống nhau, nhưng chúng ta đều nhận thấy rằng những người đã đạt được thành tích trong một số lĩnh vực không có thời gian để cảm thấy chán nản và trống rỗng, và họ không lãng phí thời gian quý báu của họ để chơi game.
Thực tế chứng minh, nghiện game khiến cho người ta mất đi chí hướng, đây là một việc hết sức đáng thương đối với một người thậm chí là một dân tộc. Người ta nói mỗi một sinh mệnh phải luân hồi hàng ngàn năm mới có được thân người, khó khăn lắm chúng ta mới có thể đến được nhân gian làm người, lẽ nào chỉ vì mê đắm trò chơi điện tử mà quên đi chí hướng của bản thân? Như vậy đến với thế giới này chỉ là phí công vô ích.
Theo Secret China
Khải Phong biên dịch