Chỉ 4 lời đầy trí huệ của nhà Phật giảng cũng đủ mang lại hạnh phúc cho mỗi chúng ta suốt cuộc đời. Hãy cùng đọc, cùng ngẫm về những câu nói đầy trí huệ về kiếp nhân sinh ấy.

Lời trí huệ thứ nhất: Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe

Dẫu rằng câu này ai cũng biết, nhưng muốn thực sự lĩnh ngộ được nội hàm đó lại không phải chuyện đơn giản. Từ xưa đến nay, khắp cõi Đông Tây, người thì bị mê hoặc bởi cái Danh, kẻ lại bị dẫn động bởi cái Lợi, người bươn chải vì quan tước, kẻ lại đau khổ vì tình yêu. Họ đều coi Danh, Lợi, Tình là mục tiêu theo đuổi cao nhất trong đời mình, nhưng lại không biết rằng tài sản lớn nhất của đời người lại là sức khỏe của chính họ.

Ngày nay nhịp sống của chúng ta dường như quay nhanh, hơi thở cũng gấp gáp hơn. Đặc biệt là ở những thành phố lớn con người cứ mải miết chạy theo danh lợi, tiền tài và tình ái mà lao mình như thiêu thân trên các bàn tiệc hay những quán bar, những nơi giải trí thâu đêm suốt sáng. Nhiều người chúng ta khi còn trẻ đều không biết quý tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng đánh đổi sức khỏe của mình lấy Danh Lợi Tình hay chút hư vinh trong kiếp người. Đến khi mắc phải bệnh nọ tật kia mới hốt hoảng tìm các loại thuốc thang đặc chủng để trị liệu. Ngẫm một chút cũng thấy rằng khi con người già đi thì vốn liếng quan trọng nhất chính là sức khỏe. Dẫu bạc vàng đầy két, gia sản khắp nơi thì cũng chẳng ích gì. Dẫu có điều kiện ngao du sơn thủy, ngắm nhìn thế giới mà không có sức khỏe thì những điều đó cũng chỉ là một giấc mơ xa xỉ mà thôi.

Ngẫm một chút ta thấy rằng khi con người già đi thì vốn liếng quan trọng nhất chính là sức khỏe. Ảnh dẫn theo dantri.com.vn

Còn nhớ một cuốn tiểu thuyết viết về một người yêu tiền bạc như mạng sống đi lạc vào trong một ngọn núi bằng vàng ròng. Khắp ngọn núi đều là vàng bạc châu báu lấp lánh lóa mắt. Người đàn ông vui sướng quay cuồng cười lớn hả hê giữa ánh vàng kim lóng lánh. Vì lòng tham vô đáy ông cứ đi sâu mãi vào bên trong ngọn núi vàng này tới nỗi mê lạc, không thể tìm được đường ra. Tới khi đói khát ông cũng chỉ có thể chịu đựng trong sự quằn quại mà không thể dùng bạc vàng đổi lấy cơm ăn và nước uống. Vậy là người đàn ông đã phải bỏ lại nắm xương khô nơi núi vàng. Điều này chẳng đáng buồn lắm sao?

Từ đó có thể thấy rằng, sức khỏe là điều đáng quý nhất, cũng là tài sản lớn nhất trong đời người. Nếu một người có thể suy nghĩ thông suốt điểm này thì những ý niệm về Danh Lợi, những ham muốn vượt quá khả năng của bản thân đều sẽ biến thành hư vô.

Lời trí huệ thứ 2: Điều đáng thương nhất trong đời người là lòng đố kỵ

Đố kỵ là điều thường thấy trong kiếp người. Nhẹ thì sẽ chạnh lòng khi nhìn thấy hạnh phúc và thành công của người khác, mà tự cảm thương và than thân trách phận cho bản thân mình. Nặng thì có thể vì lòng đố kỵ sai khiến mà mưu mô hãm hại người khác, gây đau khổ cho người khác và gieo họa hại cho chính mình.

Lý Tư vì đố kỵ với tài năng của người bạn học là Hàn Phi mà đã dâng lời sàm tấu lên Tần Vương, đẩy Hàn Phi vào bước đường phải chết trong nhà ngục.

Bàng Quyên vì đố kỵ với học thức của Tôn Tẫn vượt xa bản thân mình mà dùng mưu kế sâu độc, nham hiểm hãm hại Tôn Tẫn, khiến Tôn Tẫn trở thành kẻ tàn phế.

Nếu dùng lời trí huệ của nhà Phật thì Lý Tư và Bàng Quyên đều là những người vô cùng đáng thương. Âm mưu của họ nhất thời được như ý nhưng cuối cùng chẳng ai có được một kết cục có hậu vào những năm tháng cuối đời.

Đố kỵ là một kiểu bệnh, người mắc bệnh đố kỵ cả đời chẳng được yên vui.

Hôm nay họ lo lắng, sợ hãi người khác sẽ vượt trội hơn mình, ngày mai lại lo lắng người khác xếp trước họ. Cả ngày họ sống trong một trạng thái mắc bệnh rất đáng thương, tự dằn vặt và làm khổ chính mình.

Ngược lại, những người thực sự có thành tựu, công thành danh toại trong lịch sử đều coi đố kỵ là điều đáng xấu hổ.

Lòng đố kỵ có thể hủy hoại đi những giá trị tốt đẹp vốn có của con người. Ảnh dẫn theo stepstone.be

Âu Dương Tu là lãnh tụ văn đàn thời Bắc Tống. Năm đó ông đã tiến cử kẻ hậu sinh là Tô Đông Pha. Có người nói với Âu Dương Tu rằng: “Cả tài và tình của Tô Đông Pha đều vô cùng phong phú. Nếu ông đề bạt người này, chỉ e 10 năm sau người trong thiên hạ chỉ biết tới Tô Đông Pha mà không biết tới Âu Dương Tu”. Nhưng Âu Dương Tu chỉ mỉm cười bỏ qua và tiếp tục tiến cử Tô Đông Pha. Chính vì điều này mà người đời sau lại càng sùng kính Âu Dương Tu hơn.

Sau khi Tô Đông Pha có thành tựu nổi trội, niềm cảm kích trong lòng đã khiến ông viết ra bài điếu văn cảm động thiên cổ dành cho Âu Dương Tu.

Lời trí huệ thứ 3: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình

Lời này lại càng quan trọng hơn. Cuộc đời của một người sẽ gặp phải một vài kẻ xấu, những kẻ mặt người dạ thú như côn đồ, lưu manh, kẻ vô lại, tiểu nhân vô cùng độc ác. Nhưng nhìn thấu thì họ cũng không phải là những người đáng sợ nhất. Kẻ thù lớn nhất của đời người vẫn là chính bản thân mình. Một người có thể chiến thắng bản thân mình thì sẽ bách chiến bách thắng.

Kỳ thực trong mỗi người đều tồn tại hai nửa tốt xấu, Phật tính cũng có mà ma tính cũng còn. Muốn tu tâm dưỡng tính cần phải khắc chế những ma tính của bản thân và ngày càng mở rộng hơn phía Phật tính, ví như sự chân thật, lương thiện và nhẫn nại. Nhưng chế ước những tính xấu đâu phải chuyện dễ dàng. Con người nuông chiều, phóng túng bản thân thì dễ. Khi phải chịu thiệt thòi, thống khổ, khi bị kích động tới tâm can thì thường khó kiềm chế bản thân và không biết lo nghĩ cho người khác, không muốn bao dung và tha thứ cho những người đã làm tổn thương tới mình. Vậy nên mới nói kẻ thù của bản thân là chính mình.

Điều đáng sợ là bản thân mình mắc bệnh nhưng lại không biết, tự đánh giá bản thân quá cao mà trở nên cao ngạo, hoặc quá sùng bái người khác mà thành người tự ti. Hễ chiến thắng bản thân thì trong tư tưởng sẽ có một sự đột phá mạnh mẽ, đời người sẽ được sang một trang mới. Bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh vô thường và niềm an vui bất tận trong sâu thẳm tâm hồn mình.

Lời trí huệ thứ 4: Hạnh phúc thực sự là buông bỏ

Một người khi xử thế thì dám nắm giữ thể hiện dũng khí, buông bỏ lại thể hiện sự độ lượng, lòng bao dung.

Những bó hoa tươi, những tràng vỗ tay, những giây phút huy hoàng trên con đường nhân sinh cũng chỉ là chút hư vinh nhất thời mà thôi. Chúng đến và đi rất nhanh, nhưng thường để lại trong lòng người nhiều sự tiếc nuối. Kỳ thực lúc này chúng ta cần học cách buông bỏ để tâm mình được nghỉ ngơi, tĩnh lặng. Những người có kinh nghiệm xử thế hay những người đã từng nhiều lần trải qua mưa gió, nóng lạnh trên đường đời lại càng thấu hiểu điều này hơn. Chúng ta có thể tập trung tâm sức vào những việc có ý nghĩa hơn cho chính mình và cho mọi người đang chờ đợi phía trước.

Cuộc sống như những con sóng, lúc ầm ào, cuồn cuộn, khi lại bình yên, phẳng lặng, khi thăng lúc trầm. Cuộc sống luôn có những giây phút hạnh phúc rạng ngời, cũng sẽ có những giọt nước mắt thê lương. Thành công và thất bại cũng giao hòa, đan xen khiến tâm trạng và cảm xúc của con người lúc lên lúc xuống, khi buồn khi vui như vầng trăng kia khi tròn khi khuyết, khi đầy khi vơi.

Cần học cách buông bỏ để tâm mình được nghỉ ngơi, tĩnh lặng. Ảnh dẫn theo iini.net

Vậy nên học được cách buông bỏ, thuận theo an bài của tạo hóa, thấu hiểu ý nghĩa chân chính cõi nhân sinh mới có thể bình tâm đối mặt với những trắc trở và bùn lầy trên chặng đường đời. Có thể không động tâm trước những gập ghềnh sóng gió dữ dội và những kiếp nạn lớn, bạn sẽ có thể thản nhiên đối mặt và chấp nhận chúng. Những trải nghiệm này sẽ dần dần mở rộng tấm lòng độ lượng của bạn. Phật gia coi lòng bao dung, sự độ lượng là một nguồn sức mạnh to lớn, bao trùm khắp thiên hạ. Con người chỉ có thể làm được điều này khi tâm thái họ đạt tới một cảnh giới cao hơn.

Chuyện gì cần đến cứ đến, cần đi cứ đi. Đến hay đi thì lòng mình vẫn cứ bình thản, âu cũng là một sự siêu thoát trong tâm hồn. Nhưng sự siêu thoát này phải qua nhiều năm tôi luyện mới có thể dưỡng thành. Có thể nắm giữ, có được giàu sang, phú quý là điều đáng trân trọng. Nhưng có thể buông bỏ mới là ý nghĩa xử thế chân thực của kiếp người.

Chỉ 4 lời đầy trí huệ trên của Phật gia cũng đủ mang lại hạnh phúc cho mỗi người chúng ta suốt cuộc đời.

Một người có sức khỏe, có thể vứt bỏ lòng đố kỵ, chiến thắng bản thân, và luôn bằng lòng với hiện thực thì sẽ không thấy phiền muộn, cũng chẳng thể nuôi dưỡng bệnh nọ tật kia. Một trái tim bình yên và mạnh mẽ, có thể tiếp nhận và thích ứng với mọi nghịch cảnh. Những lời trí huệ, chân thành này đã gợi ý biết bao điều đáng quý cho những người phàm trần chúng ta.

Chúng ta không thể thay đổi được hoàn cảnh nhưng lại có thể suy xét vấn đề từ một góc độ khác. Chỉ cần thay đổi góc nhìn bạn sẽ thấy một chân trời khác luôn trải rộng trước mắt. Bạn cũng phát hiện ra rằng kỳ thực những gian truân, trắc trở đang tôi luyện bạn trở nên ngày càng hoàn thiện hơn.

Theo Soundofhope
Minh Nguyệt biên dịch