Được hậu thế phong làm “Á Thánh”, chỉ đứng sau Khổng Tử trong Nho gia, Mạnh Tử để lại cho đời rất nhiều tinh hoa trí tuệ. Trong những lời giảng của Mạnh Tử, từ cách tu thân, tề gia đến đối nhân xử thế, ở đâu người ta cũng có được thu hoạch.
Mạnh Tử (khoảng 372 – 289 TCN), là một học giả lỗi lạc thời Chiến Quốc ở Trung Hoa. Thời đại của ông chứng kiến sự nở rộ của các tư tưởng triết học với hàng loạt trường phái và những đại biểu xuất sắc. Đó chính là thời đại “bách gia tranh minh” (trăm nhà đua tiếng) nổi tiếng trong lịch sử.
Cả đời Mạnh Tử theo đuổi lý tưởng về thiện tính của con người, cho rằng “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (người ta sinh ra tính vốn thiện). Ông giỏi lập luận, có tài hùng biện. Những châm ngôn của Mạnh Tử, sau hàng nghìn năm vẫn có sức truyền cảm hứng lớn.
Xem thêm: Phần 1
11. Người hiểu ta thì ta vui vẻ. Người không hiểu ta, ta cũng cứ vui vẻ.
Nguyên văn: “Nhân tri chi, diệc hiêu hiêu. Nhân bất tri, diệc hiêu hiêu“.
Trong đời vui nhất là tìm được một người hiểu mình, biết mình. Chính là ngàn vàng dễ kiếm, tri kỷ khó tìm. Khi tìm được kẻ tri âm, bạn sẽ cảm thấy thực sự an nhiên, không dục vọng, thong dong chẳng mong cầu. Ai cũng mong tìm được cho mình một người như thế trong đời. Lắm người cả một đời thất vọng, u hoài vì không tìm đâu được “một người hiểu ta”. Điều đó liệu có nên chăng?
12. Phàm người tự khinh bỉ mình, sau mới bị kẻ khác khinh bỉ. Nhà tự hủy hoại mình, sau mới bị kẻ khác hủy hoại. Quốc gia tự đả thương mình, sau mới bị kẻ khác chinh phạt.
Nguyên văn: “Phù, nhân tất tự vũ, nhiên hậu nhân vũ chi. Gia ắt tự hủy, nhi hậu nhân hủy chi. Quốc ắt tự phạt, nhi hậu nhân phạt chi”.
Con người tự mình chuốc lấy điều sỉ nhục vào thân thì người khác mới làm nhục họ được. Trong nhà ắt phải có nhân tố tự hủy hoại thì người khác mới có thể hủy hoại nó. Quốc gia ắt phải có nguyên nhân gây họa loạn thì nước khác mới có thể tấn công. Ấy chính là nói về việc tự mình chuốc lấy tai họa.
Cổ nhân nói: “Trời ra tai vạ còn có thể tránh, tự mình gây họa không thể sống nổi“. Đó là cái lý nhân quả. Làm chuyện thất đức, trái đạo lý luân thường thì phải chịu nhận quả báo, tai ương. Mà thứ tai ương ấy thường là bất ngờ ập đến trong giây phút tưởng chừng yên bình nhất, trong lúc người ta ít đề phòng nhất. Thế nên nó càng khó tránh.
13. Giàu sang không phóng đãng, nghèo hèn không đổi lòng, vũ lực không khuất phục, thế mới gọi là đại trượng phu.
Nguyên văn: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu”.
Người quân tử chính là mang trong mình những phẩm chất hơn người như thế. Tiền bạc và địa vị không thể khiến bản thân bị mê mờ, tha hóa. Dẫu nghèo khổ bần hàn, thân phận thấp kém cũng không thay đổi chí hướng bản thân. Quyền thế vũ lực không thể khiến họ khuất phục, thay đổi khí chất. Đây mới gọi là bậc đại trượng phu chân chính.
14. Kẻ tự hại mình, không thể cùng nói chuyện. Kẻ tự vứt bỏ mình, không thể cùng làm việc
Nguyên văn: “Tự bạo giả, bất khả dữ hữu ngôn dã. Tự khí giả, bất khả dữ hữu vi dã“.
Người tự gây tổn thương cho mình ấy là không biết trân quý bản thân. Phàm những kẻ không trân quý bản thân thì cũng không trân quý người khác. Cùng họ bàn chuyện thực là vô ích. Người tự vứt bỏ bản thân, không có trách nhiệm với cuộc đời mình thì càng không nên hợp tác, hành sự. Ngay đến bản thân còn vứt bỏ, trông chờ họ quý trọng điều gì đây?
15. Chớ cậy lớn, chớ cậy sang, chớ cậy anh em gần gũi. Bạn bè kết giao vì đức hạnh, không phải vì nhờ cậy điều gì vậy.
Nguyên văn: “Bất hiệp trưởng, bất hiệp quý, bất hiệp huynh đệ nhi hữu. Hữu dã giả, hữu kỳ đức dã, bất khả dĩ hữu hiệp dã“.
Bằng hữu đến với nhau bằng tấm chân tình, bằng việc vun trồng đức hạnh chứ không phải bởi những thứ vật chất tầm thường. Nếu kết bạn vì lòng ngưỡng mộ địa vị, tiền tài thì tình bạn đó chẳng bền lâu vậy.
16. Bậc đại nhân, lời nói không nhất thiết phải giữ chữ tín, hành động không nhất thiết phải có kết quả, chỉ coi trọng điều nghĩa thôi.
Nguyên văn: “Đại nhân giả, ngôn bất tất tín, hành bất tất quả, duy nghĩa sở tại”.
Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý. Nhưng cổ nhân cho rằng người nói một là một, hai là hai chưa hẳn đã là quân tử. Khổng Tử từng nhắc đến ba hạng người, cho hạng người xếp cuối cùng là: “Ngôn tất tín, hành tất quả. Khanh khanh nhiên tiểu nhân tai” (lời nói có chữ tín, làm việc có kết quả thì cũng chỉ là kẻ tiểu nhân thôi).
Lý do là bởi thời thế biến hóa khôn lường, một điều hôm nay là đúng, là hợp lẽ thì ngày mai rất có thể không còn chuẩn xác nữa. Bậc quân tử đương nhiên giữ chữ tín nhưng không quá câu nệ, cố chấp đến mức ngu muội, bảo thủ. Quân tử coi việc “nghĩa” quan trọng hơn lời nói “tín”. Nghĩa chính là hợp với thời thế, là nghĩ cho người khác. Bỏ qua điều “tín” nhỏ để giữ được điều “nghĩa” lớn mới thực là đại trượng phu.
17. Người nhân thì yêu người, người có lễ thì kính trọng kẻ khác. Yêu người thì người hằng yêu lại. Kính người thì người hằng kính lại.
Nguyên văn: “Nhân giả ái nhân, hữu lễ giả kính nhân. Ái nhân giả, nhân hằng ái chi. Kính nhân giả, nhân hằng kính chi“.
Trao gửi yêu thương thì nhận về yêu thương, đối đãi với người bằng sự chân thành, tôn kính thì cũng sẽ nhận được bằng ấy tôn kính, chân thành. Kẻ biết nghĩ cho người khác trước thì chẳng bao giờ lo chịu thiệt, cuối cùng vẫn sẽ được đáp đền xứng đáng.
18. Bần cùng giữ được mình, thành đạt thì tạo phúc cho thiên hạ.
Nguyên văn: “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm tể thiên hạ“.
Trong cảnh nghèo hèn, bần cùng, bất đắc chí, điều quan trọng nhất chính là giữ được mình trong sạch, tu dưỡng đạo đức. Nhờ vậy, sau này khi đã thành đạt, vinh hiển thì có thể tạo phúc cho thiên hạ. Như vậy, năng lực “bình thiên hạ” của người quân tử chính là bắt nguồn từ việc tu dưỡng thật tốt bản thân.
19. Không dùng khuôn thước thì không thành được vuông tròn
Nguyên văn: “Bất dĩ quy củ, bất năng thành phương viên“.
Không dùng thước góc thì không thể vẽ ra được hình vuông, hình tròn. Cũng như vậy, người ta nếu không được giáo dục một cách quy củ, lễ nghi thì chẳng nên người, chẳng làm nên điều gì trong đời.
20. Đạo ở gần lại cầu nơi xa, việc vốn dễ lại tìm cái khó. Nếu ai ai cũng yêu thương người thân, tôn kính trưởng bối, thì thiên hạ thái bình.
Nguyên văn: “Đạo tại nhĩ nhi cầu chư viễn. Sự tại dịch nhi cầu chư nan. Nhân nhân thân kỳ thân, trưởng kỳ trưởng, nhi thiên hạ bình“.
Đạo ở gần mà lại đi tìm nơi xa, ấy chính là bỏ đường lớn mà tìm đường vòng. Việc vốn dễ mà lại làm cho phức tạp, chính là bỏ dễ mà cầu khó. Ở đời, đôi khi chỉ cần làm tốt những việc đơn giản, đối đãi thành thực, lương thiện với những người gần gũi xung quanh thì chính là đã tạo phúc cho thiên hạ vậy.
Nhã Văn – Văn Nhược