“Nhị thập tứ Sử” là tên gọi chung của 24 bộ sử sách được ghi chép lại qua các triều đại cổ đại của Trung Quốc, từ “Sử Ký” đến “Minh Sử”, được các triều đại coi là chính thống, nên còn gọi là “Chính Sử”. “Nhị thập tứ Sử” đề cập tới các phương diện như giáo hóa đạo đức, trị quốc an dân, tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ, tuyển chọn hiền tài, đối nhân xử thế.
Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu tới độc giả một số câu tinh hoa, đúc kết trí huệ cổ nhân trong bộ Sử vĩ đại này:
1. Kẻ phú quý tặng người tài sản, bậc nhân đức tặng người lời nói. (Phú quý giả tống nhân dĩ tài, nhân nhân giả tống nhân dĩ ngôn – Sử ký)
2. Người biết làm chưa chắc biết nói, kẻ biết nói chưa chắc biết làm. (Năng hành chi giả vị tất năng ngôn, ngăn ngôn chỉ giả vị tất năng hành – Sử ký)
3. Biết nghe các ý kiến trái ngược gọi là thông minh, biết nhìn vào trong nội tâm tìm vấn đề gọi là sáng suốt, chiến thắng bản thân gọi là mạnh. (Phản thính chi vị thông, nội thi chi vị minh, tự thắng chi vị cường – Sử ký)
4. Lời cay đắng là thuốc, lời ngọt ngào là bệnh. (Khổ ngôn dược dã, cam ngôn tật dã – Sử ký)
5. Người dựa vào đức thì hưng thịnh, kẻ dựa vào sức mạnh thì tiêu vong. (Thị đức giả xương, thị lực giả vong – Sử ký)
6. Kẻ trí nghĩ nghìn điều, ắt có 1 điều sai; kẻ ngu nghĩ nghìn điều, ắt có một điều đúng. (Trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất; ngu giả thiên lự, tất hữu nhất đắc – Sử ký)
7. Kẻ mưu cầu công danh thường khó thành công mà dễ thất bại, kẻ chờ đợi thời cơ thường khó được mà dễ mất. (Công giả nan thành nhi dị bại, thời gia nan đắc nhi dị thất – Sử ký)
8. Kẻ sáng suốt nhìn xa khi việc chưa manh nha, kẻ trí giả tránh nguy hiểm khi chưa hình thành. (Minh giả viễn kiến ư vị manh, trí giả tị nguy ư vô hình – Sử ký)
9. Đạo cao thì càng an toàn, thế cao thì càng nguy hiểm. (Đạo cao ích an, thế cao ích nguy – Sử ký)
10. Hành động trước chế phục người, hành động sau bị người chế phục. (Tiên phát chế nhân, hậu phát chế ư nhân – Hán thư).
11. Bậc vương giả coi dân như Trời, mà dân coi miếng ăn như Trời. (Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên – Hán thư)
12. Vì quốc gia thì phải quên gia đình, vì công thì phải quên cá nhân. (Quốc nhĩ vong gia, công nghĩ vong tư – Hán thư)
13. Thần trí dùng nhiều quá sẽ suy kiệt, thể xác dùng nhiều quá sẽ mệt mỏi, thể xác và thần trí rời nhau thì chết. Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có đồ đệ (Thần đại dụng tắc kiệt, hình đại lao tắc tệ, hình thần ly tắc tử. Thủy chí thanh tắc vô ngư, nhân chí sát tắc vô đồ – Hán thư)
14. Biết đủ thì không bị nhục, biết dừng thì không nguy hiểm. (Tri túc bất nhục, chi chỉ bất đãi – Hán thư)
15. Trăm dặm không cùng phong thái, nghìn dặm không cùng tục lệ. (Bách lý bất đồng phong, thiên lý bất đồng tục – Hán thư)
16. Không sốt sắng bởi phú quý, không lo lắng bởi nghèo hèn. (Bất cấp cấp ư phú quý, bất thích thích ư bần tiện – Hán thư)
17. Việc làm chưa thỏa đáng thì cố tranh luận bàn bạc cho ra biện pháp, phòng họa hoạn từ khi nó chưa manh nha. (Sự bất đương thời cố tranh, phòng họa ư vị nhiên – Hán thư)
18. Người có chí việc ắt thành. (Hữu chí giả sự cánh thành – Hậu Hán thư)
19. Liêm khiết, tiết kiệm, cẩn thận, nghiêm khắc bản thân, phụng sự việc công. (Liêm ước tiểu tâm, khắc kỷ phụng công – Hậu Hán thư)
20. Bậc trượng phu có chí, khi khốn cùng chí càng kiên định, khi già cả chí càng mạnh mẽ. (Trượng phu hữu chí, cùng đương ích kiên, lão đương ích tráng – Hậu Hán thư)
21. Bạn tri giao khi nghèo hèn không được quên, vợ tấm cám. (khi nghèo khổ) không được hắt hủi. (Bần tiện chi tri bất khả vong, tào khang chi thê bất hạ đường – Hậu Hán thư)
22. Kẻ độc đoán thì đơn độc, kẻ chặn lời can gián thì bế tắc. (Chuyên kỷ giả cô, cự gián giả tắc – Hậu Hán thư)
23. Đừng để người thân, bạn bè của mình đau lòng, đừng để kẻ thù của mình khoái trá. (Vô vi thân hậu giả sở thống, nhi vô vi thù giả sở khoái – Hậu Hán thư)
24. Thành kính thì sắt đá cũng tan. (Tinh thành sở gia, kim thạch sở khai – Hậu Hán thư)
25. Không vào hang hổ, sao bắt được hổ con. (Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử – Hậu Hán thư).
26. Yêu thì không thấy được cái sai của người ta, ghét thì không thấy được cái tốt của người ta. (Ái chi tắc bất giác kỳ quá, ố chi tắc bất giác kỳ thiện – Hậu Hán thư)
27. Không lo địa vị không cao, mà lo đức không cao; không xấu hổ vì bổng lộc không nhiều, mà buồn vì trí tuệ không rộng. (Bất hoạn vị chi bất tôn, nhi hoạn đức chi bất sùng; Bất sỉ lộc chi bất đa, nhi ưu trí chi bất bác – Hậu Hán thư)
28. Múc nước nóng để dừng nước sôi chi bằng dập lửa rút củi. (Dương thang chỉ phí bất như diệt hỏa khứ tân – Tam Quốc chí)
29. Mê mà biết quay lại, sai lệch Đạo không xa; Sai mà biết sửa, gọi là không sai.. (Mê nhi tri phản, thất Đạo bất viễn; Quá nhi năng cải, vị tri bất quá – Tam Quốc chí)
30. Tướng giỏi không sợ chết để tạm sống, kẻ sỹ không hủy khí tiết để cầu sống. ( Lương tướng bất khiếp tử dĩ cẩu miễn, liệt sỹ bất hủy tiết dĩ cầu sinh – Tam Quốc chí)
31. Nói quá sự thực, không thể trọng dụng. (Ngôn quá kỳ thực, bất khả đại dụng – Tam Quốc chí)
32. Kẻ sỹ cách biệt ba ngày, thì nhìn nhau bằng con mắt khác. (Sỹ biệt tam nhật, tức tiện quát mục tương khán – Tam Quốc chí)
33. Người đi vạn dặm, không giữa đường dừng bước; Kẻ mưu đồ bốn biển, không ôm cái nhỏ để hại cái lớn (Hành vạn lý giả, bất trung đạo nhi xuyết túc; Đồ tứ hải giả, phỉ hoài tế dĩ hại đại – Tam Quốc chí)
Còn tiếp…
Nam Phương