Ngày 24/8, Triều Tiên cho biết, nỗ lực phóng vệ tinh do thám lần thứ 2 đã thất bại nhưng nước này tuyên bố sẽ thực hiện một nỗ lực khác vào tháng 10 tới.

Hành động này nhằm thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận những thất bại để mang lại tài sản quân sự quan trọng, mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un khao khát.

Sự thất bại trong việc phóng vệ tinh đã khiến cho Nhật Bản đưa “cảnh báo J” (J-alert ), yêu cầu một số cư dân di tản đến nơi an toàn khi tên lửa của Triều Tiên bay qua các hòn đảo cực nam của Okinawa tới Thái Bình Dương.

Cơ quan vũ trụ Triều Tiên cho biết, họ đã sử dụng tên lửa đẩy loại mới mang tên Chollima-1 để đưa vệ tinh trinh sát Malligyong-1 vào quỹ đạo.

Các chuyến bay ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của tên lửa diễn ra bình thường, nhưng vụ phóng cuối cùng đã thất bại do “lỗi trong hệ thống kích nổ khẩn cấp trong chuyến bay ở giai đoạn 3”.

Bình Nhưỡng cho biết, họ sẽ thực hiện lần phóng thứ 3 vào tháng 10 tới sau khi nghiên cứu vấn đề trục trặc trong vụ phóng ngày 24/8 vừa rồi.

Soo Kim, cựu nhà phân tích của CIA nói rằng, sau thất bại lần thứ 2 này, có thể ông Kim Jong-un đã chịu tổn thương, nhưng ông ấy đã “lấy lại tinh thần và tiến lên”.

Trong những trường hợp trước đây khi Bắc Triều Tiên thất bại trong một cuộc trình diễn vũ khí, ông Soo Kim chưa bao giờ thấy Bình Nhưỡng từ bỏ mà ngược lại nước này còn tỏ ra kiên trì hơn vì những tham vọng lâu dài của họ. 

Ngày 24/8, Quân đội Hàn Quốc cho biết vụ phóng tên lửa đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc cấm bất kỳ vụ phóng nào của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. 

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno gọi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “mối đe dọa đối với sự hòa bình và ổn định”.

Theo các quan chức Mỹ, những hành động khiêu khích liên tục của Triều Tiên sẽ chỉ dẫn đến việc tăng cường hợp tác giữa Washington-Tokyo-và Seoul.

Kể từ năm 2017, Triều Tiên đã thực hiện một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhằm thể hiện khả năng phóng tên lửa đến bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Triều Tiên vẫn còn một số rào cản công nghệ cần giải quyết trước khi có được tên lửa hạt nhân hoạt động được.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thể áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với hàng loạt vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên, vì các thành viên có quyền phủ quyết thường trực là Nga và Trung Quốc đã phản đối các lệnh trừng phạt này.

Điều này nhấn mạnh một sự chia rẽ đã ngày càng sâu sắc về cuộc chiến của Nga tại Ukraina.