Tổng thống Joe Biden lên đường đến châu Âu ngày 9/7 (giờ địa phương), bắt đầu chuyến đi kéo dài 5 ngày với 3 nước gồm Anh, Litva và Phần Lan. 

Theo Reuters, ông Biden có mặt tại thủ đô Luân Đôn của Anh vào đêm 9/7 và sẽ gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng như vua Charles III vào thứ Hai ngày 10/7. Cuộc chiến ở Ukraina và biến đổi khí hậu dự kiến sẽ là chủ đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ.

Tiếp theo là tâm điểm của chuyến đi, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Litva. Các nhà lãnh đạo liên minh sẽ thảo luận về cuộc chiến ở Ukraina và sửa đổi các kế hoạch đối phó với sự gây hấn của Nga. 

Điểm dừng cuối là ở Helsinki, ông Biden sẽ đến thủ đô Phần Lan vào thứ Năm, Phần Lan vừa trở thành thành viên mới nhất của NATO hồi tháng Tư. 

Phần Lan và Thụy Điển đã cùng đệ đơn gia nhập NATO vào năm ngoái, từ bỏ vị thế trung lập lâu năm vì những lo ngại về an ninh sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraina.

Vào thứ Hai tại Lâu đài Windsor, nơi trú ngụ của Hoàng gia Anh bên ngoài thủ đô Luân Đôn, vị tổng thống 80 tuổi và vị vua 74 tuổi sẽ thảo luận về cách giúp thúc đẩy đầu tư tư nhân để ứng phó với biến đổi khí hậu, một mối đe dọa mà cả hai nhà lãnh đạo đều cho là hiện hữu.

Ông Biden cũng sẽ đến Dinh thủ tướng Anh ở 10 phố Downing cho cuộc họp riêng với Thủ tướng Rishi Sunak, cuộc gặp thứ năm của họ trong nhiều tháng. Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết, chuyến thăm là sự tiếp nối của một cuộc đối thoại kéo dài hơn là một cuộc họp chính thức, đánh dấu lần đầu tiên ông Biden tới Phố Downing trên cương vị tổng thống Mỹ.

Trước chuyến đi, Tổng thống Biden kêu gọi nên thận trọng vào lúc này về nỗ lực gia nhập NATO của Ukraina, nói rằng liên minh có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến với Nga do hiệp ước phòng thủ chung của NATO.

Ông Biden nói với CNN trong cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm Chủ nhật: “Tôi không nghĩ rằng có sự nhất trí trong NATO về việc có nên đưa Ukraina vào gia đình NATO hay không, vào thời điểm này, giữa một cuộc chiến”.

Chuyến đi của Tổng thống Mỹ diễn ra vài ngày sau khi ông công bố kế hoạch gửi bom chùm cho Ukraina. Hơn 120 quốc gia đã ký vào công ước cấm sản xuất, sử dụng, vận chuyển hoặc tàng trữ vũ khí này. Tuy nhiên, Mỹ, Nga và Ukraina đều chưa ký kết.