Ngày hôm qua (23/10), Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại nước này, Hoàng Khê Liên, trong bối cảnh căng thẳng leo thang do hai vụ va chạm giữa tàu Philippines và Trung Quốc trên biển Đông. Philippines đã gọi hành động này là “nguy hiểm, vô trách nhiệm và bất hợp pháp” ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza cho biết trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi đang tận dụng tối đa các quy trình ngoại giao và đang thực hiện mọi hành động có thể có, bao gồm cả việc triệu tập đại sứ Trung Quốc vào sáng nay”.
Trước đó, hôm Chủ nhật, Philippines cáo buộc hai tàu Trung Quốc va chạm với một tàu bảo vệ bờ biển Philippines, và cố gắng chặn một tàu tiếp tế khi tàu này đang chuẩn bị tiếp tế cho một đơn vị đồn trú quân sự ở vùng biển gần bãi cạn tranh chấp giữa hai nước.
Vụ việc xảy ra chỉ một tuần sau khi quân đội Philippines kêu gọi Bắc Kinh ngừng “các hành động nguy hiểm và tấn công” ở Biển Đông sau một sự cố tương tự trước đó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines nói thêm: “Trung Quốc với tư cách là một cường quốc phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn trong việc đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Phản ứng lại lệnh triệu tập, Trung Quốc sau đó đã nộp đơn khiếu nại chính thức với Philippines về việc “xâm phạm” vùng biển của Trung Quốc và kêu gọi chính quyền nước này ngừng “gây rắc rối và khiêu khích trên biển”.
Trong một tuyên bố, đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines bày tỏ “sự bất bình và kiên quyết phản đối” hành động xâm nhập của tàu Philippines vào vùng biển gần Bãi Cỏ Mây. Trung Quốc vốn dĩ xem Bãi Cỏ Mây là một phần của cái mà họ gọi là Quần đảo Nam Sa thuộc chủ quyền của họ. Trong khi đó Việt Nam gọi đây là quần đảo Trường Sa.
Chính quyền Bắc Kinh cũng yêu cầu Philippines nhanh chóng kéo các tàu chiến hỏng nằm mắc cạn bất hợp pháp tại khu vực này càng sớm càng tốt.
Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố thêm rằng: Philippines nên “tránh phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như gây nguy hiểm cho lợi ích chung của các nước trong khu vực”.
Các nội dung tuyên bố của Bắc Kinh đều xem hầu hết tất cả các đảo ở Biển Đông là của riêng mình, và họ ngang nhiên đưa ra một yêu sách chồng chéo lên các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia như Philippines, Việt Nam hay Malaysia.