Sự phẫn nộ của công chúng về vụ sát hại một cậu bé 10 tuổi người Nhật ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào ngày 18/9 vẫn chưa lắng xuống. Mới đây, phó huyện trưởng huyện Tân Long, Châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, đã nói trong một nhóm WeChat, “sát hại một đứa trẻ có gì là to tát”, “kỷ luật của chúng tôi là sát hại người Nhật”. 

Phát biểu này một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại rộng rãi trong cộng đồng người Nhật sống tại Trung Quốc.

Theo trang tin iFeng.com hôm 23/9, Internet lan truyền thông tin rằng một quan chức ở Tứ Xuyên đã công khai phát ngôn gây thù hận, thu hút sự chú ý rộng rãi. 

Các ảnh chụp màn hình được lan truyền cho thấy một người tên “Hoàng Như Nhất” trong một nhóm trò chuyện WeChat đã có những ngôn luận chống Nhật như “sát hại một đứa trẻ có gì là to tát”, “kỷ luật của chúng tôi là sát hại người Nhật”. 

Những ngôn luận thù hận của ông Hoàng Như Nhất trên nhóm trò chuyện Wechat. (Ảnh chụp màn hình).

Theo thông tin công khai, có một người đàn ông trùng tên Hoàng Như Nhất, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Năng lượng Nông thôn tỉnh Tứ Xuyên, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Tân Long, và là Phó huyện trưởng huyện Tân Long, Châu Cam Tư. 

Ifeng.com đã gọi điện cho Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Tứ Xuyên về vấn đề này, và nhân viên này xác nhận rằng “Hoàng Như Nhất” trong ảnh chụp màn hình trò chuyện được lan truyền trên mạng chính là ông Hoàng Như Nhất đang giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Năng lượng Nông thôn, tỉnh Tứ Xuyên. 

Nhân viên này cho biết: “Chúng tôi đã nắm được sự việc này, đã báo cáo lên trên, chắc chắn sẽ xử lý.”

Thông tin công khai cho thấy, ông Hoàng Như Nhất sinh năm 1983, học Đại học Trùng Khánh và Đại học Tứ Xuyên, làm việc tại Văn phòng Năng lượng Nông thôn tỉnh Tứ Xuyên năm 2004. 

Năm 2021, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Năng lượng Nông thôn tỉnh; cùng năm đó, ông giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Tân Long, và Phó huyện trưởng Tân Long, Châu Cam Tư. Ông Hoàng Như Nhất cũng tham gia viết lịch sử đại chúng.

Chứng nhận Weibo của ông được đăng ký với tư cách là nhà văn và người điều hành Diễn đàn đọc sách Sina, với 22.000 người hâm mộ. Tuy nhiên, một số cư dân mạng phát hiện ra chỉ sau một đêm, sau khi có những “ngôn luận gây sốc”, ông đã thay đổi hình đại diện trên Weibo của mình. Cư dân mạng chế giễu: “Lẽ nào mặc áo vest vào tôi không nhận ra sao?”

Đáp lại những nhận xét chống Nhật của ông Hoàng Như Nhất, cư dân mạng chỉ trích: 

“Thật khó tưởng tượng rằng một người có trình độ học vấn bậc cao, nhưng lại có trình độ nhận thức như thế này”

Có người lên án: “Loại người này vẫn còn nhân tính sao? Dù bất cứ lúc nào thì hành vi phạm tội nhắm vào trẻ em đều là tội ác ghê tởm, dù lập trường như thế nào, hay có lý do chính đáng gì đi nữa?”

Người khác phẫn nộ chất vấn rằng: “Sao người thế này lại có thể làm quan chức được? Đã qua kiểm tra phẩm chất đạo đức chưa? Là ai tiến cử?”

Người khác lên tiếng: 

“Một người có được lợi ích từ thể chế có những ngôn luận thù hận Nhật Bản. Vậy thì ông ta cũng sẽ không thể đối tốt hơn chút nào đối với những người dân tộc Tạng ở Cam Tư!” 

Có người nhận định “Loại người này không phải là sản phẩm của nền giáo dục thù hận sao?” 

“Cho nên giáo dục tẩy não lâu dài của ĐCSTQ đã khiến lòng căm thù Nhật Bản của người dân Trung Quốc ăn sâu..” 

“Quan chức này đã nói ra tiếng lòng thực sự của ĐCSTQ”.