Biển Đông, nơi đang có những cuộc khủng hoảng tiềm ẩn về mặt Địa Chính trị, nhưng cũng là nơi mà môi trường biển đang suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động của con người.
Theo một nghiên cứu mới của CSIS – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trong những thập niên gần đây, việc gia tăng đánh bắt, nạo vét và bồi lấp cùng với việc thu hoạch sò tai tượng – một loài sò khổng lồ, đã gây thiệt hại nặng nề cho hàng nghìn loài sinh vật, khó có thể tìm thấy ở các nơi khác trên trái đất.
Các nhà nghiên cứu từ CSIS cho rằng, để bảo đảm môi trường sống cho thực vật, động vật và con người ở khu vực Biển Đông, chúng ta cần tìm hiểu qua lăng kính sinh thái học, thay vì chỉ đơn thuần là lăng kính địa chính trị.
Theo nghiên cứu của CSIS, Biển Đông là một trong những khu vực có những mức độ đa dạng sinh học biển cao nhất trên thế giới.
Nơi đây tự hào có hơn 6.500 loài sinh vật biển, mỗi loài đều có vai trò quan trọng trong liên kết của hệ sinh thái khổng lồ này.
Trong các hệ sinh thái biển, rạn san hô đóng vai trò hỗ trợ cho gần 25% các loài sinh vật biển toàn cầu. Trong số 1.683 loài san hô hình thành rạn san hô trên thế giới, có 571 loài được tìm thấy ở Biển Đông.
Các rạn san hô được coi là một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất ở Biển Đông, nó là nơi cung cấp thức ăn và chỗ trú ẩn cho hàng nghìn loài sống xung quanh.
Chúng cũng là một trong những hệ sinh thái bị đe dọa nhất trong khu vực. Cứ mỗi thập niên, độ che phủ san hô lại suy giảm khoảng 16%.
Biển Đông cũng là một trong những ngư trường đánh bắt thủy sản quan trọng trên toàn thế giới.
Khoảng 22% loài cá trên thế giới được tìm thấy ở Biển Đông. Riêng các rạn san hô hỗ trợ tổng cộng 3.790 loài cá. Các loài cá nổi như cá ngừ cũng đi qua các rạn san hô này.
Sự đa dạng đặc biệt của các loài cá ở Biển Đông khiến nơi đây trở thành trung tâm đánh bắt cá thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Biển Đông được xếp hạng là một trong năm ngư trường đánh bắt cá hàng đầu trên thế giới.
Biển Đông cũng là nơi sinh sống của 8 trong số 10 loài nhuyễn thể khổng lồ trên toàn cầu. Trong số này có loài sò tai tượng khổng lồ (Tridacna gigas), loài động vật có vỏ lớn nhất thế giới.
Sò tai tượng khổng lồ rất quan trọng đối với sức khỏe của hệ sinh thái rạn san hô. Chúng đóng vai trò là thức ăn và nơi trú ẩn cho các loài động vật khác, đồng thời đóng vai trò là người xây dựng và tạo hình rạn san hô. Chúng cũng chống lại hiện tượng phú dưỡng thông qua quá trình lọc nước.
Biển Đông cũng là vùng biển có nhiều loài cá lớn như cá mập, cá đuối và động vật có vú ở biển như cá heo và cá voi.
Ngoài ra, còn có vô số sinh vật biển khác sống dọc theo đáy đại dương. Ngay cả những loài không có giá trị thương mại cũng đóng vai trò sinh thái quan trọng trong việc duy trì môi trường sống của biển, cho phép tất cả các loài cùng phát triển.
Biển Đông là nguồn cung cấp lương thực và sinh kế quan trọng cho các quốc gia xung quanh, nơi sinh sống của khoảng 1,87 tỷ cư dân.
Theo CSIS, trong khi một số cộng đồng thực hành các phương pháp đánh bắt bền vững, thì có một sự gia tăng đáng kể của đánh bắt công nghiệp quy mô lớn gây nguy hiểm cho đời sống ở nhiều khu vực rộng lớn.
Cạnh tranh địa chính trị và quản lý tài nguyên kém đã khiến hệ sinh thái sôi động này bị đe dọa, bắt đầu từ chính nền móng của nó, là các rạn san hô.
Sự phá hủy rạn san hô ở Biển Đông đến từ hai hoạt động chính, thứ nhất là nạo vét và san lấp mặt bằng, thứ hai là thu hoạch nghêu khổng lồ.
Để xây dựng các tiền đồn nhằm hỗ trợ các yêu sách cạnh tranh trên Biển Đông, các bên yêu sách đã tham gia nạo vét và bồi lấp trên khắp khu vực. Điều này đã phá hủy các khu vực rộng lớn của hệ sinh thái rạn san hô ở Biển Đông trong 10 năm qua.
Hoạt động nạo vét bao gồm loại bỏ phù sa, trầm tích và các vật liệu khác khỏi đáy biển, thường được thực hiện ở Biển Đông, nhằm mục đích tạo kênh, bến cảng hoặc thu thập vật liệu để bồi lấp và tạo ra vùng đất nhân tạo mới.
Các chuyên gia lo ngại rằng hoạt động nạo vét có thể loại bỏ hoàn toàn cấu trúc rạn san hô thiết yếu, gây ra những thay đổi lâu dài và không thể khắc phục được đối với cấu trúc tổng thể và tình trạng của các rạn san hô.
Từ cuối năm 2013 đến năm 2017, Trung Quốc sử dụng nạo vét để xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Máy cắt, nạo vét và hút của Trung Quốc sẽ cắt vào rạn san hô, bơm trầm tích qua các đường ống nổi đến các khu vực nông để bồi lấp. Quy trình này làm xáo trộn đáy biển, phá vỡ các rạn san hô, tạo ra những đám mây phù sa, làm ảnh hưởng tới đời sống của vô số các sinh vật biển gần đó, cũng như lấn át khả năng tự phục hồi của các rạn san hô.
Nạo vét luôn gây tổn hại đến môi trường xung quanh, nhưng so với Trung Quốc, các bên tranh chấp khác có lịch sử sử dụng các phương pháp nạo vét ít mang tính hủy diệt hơn.
Cho đến gần đây, Việt Nam chủ yếu sử dụng máy nạo vét vỏ sò để xúc các phần của rạn san hô nông và lắng đọng trầm tích để bồi đắp. Phương pháp này chậm hơn và gây ra ít thiệt hại hơn cho các khu vực xung quanh so với việc nạo vét bằng máy cắt và hút mà Trung Quốc đã sử dụng để xây dựng các đảo nhân tạo.
Tuy nhiên, theo CSIS, gần đây Việt Nam đã chuyển sang sử dụng máy hút bùn dạng cắt như của Trung Quốc. Các chuyên gia lo ngại, việc mở rộng quy mô các tiền đồn của Việt Nam ở Biển Đông vẫn đang tiếp diễn và có thể sẽ gây ra những hậu quả lớn cho môi trường biển xung quanh.
Phân tích hình ảnh vệ tinh thương mại do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS thực hiện vào tháng 12/2023 đã tiết lộ một con số tương đối tổng diện tích các rạn san hô bị Trung Quốc và các bên tranh chấp trong khu vực phá hủy.
Kết quả cho thấy Trung Quốc là nước phá hủy rạn san hô nhiều nhất thông qua việc nạo vét và bồi lấp, chôn vùi khoảng 4.648 mẫu Anh (tương đương 18,8 km2) rạn san hô. Số lượng rạn san hô thực tế bị phá hủy bởi các hoạt động này gần như chắc chắn lớn hơn những ước tính này, do không thể tính đến thiệt hại ở các khu vực sâu hơn.
Thật không may, việc nạo vét và bồi lấp đảo nhân tạo chỉ là một nửa câu chuyện về sự phá hủy rạn san hô ở Biển Đông.
Các học giả nghiên cứu tác động môi trường của việc nạo vét và bồi lấp lên các rạn san hô, phát hiện ra một hiện tượng hủy diệt khác: các khu vực rộng lớn của rạn san hô bị hư hại do thu hoạch sò khổng lồ.
Việc thu hoạch sò tai tượng để lấy lớp vỏ đặc biệt của chúng đã trở nên phổ biến trong những thập niên gần đây vì chúng giống với ngà voi. Chúng được dùng để thay thế vì ngà voi hiện cực kỳ khó khai thác hoặc việc khai thác là bất hợp pháp.
Vỏ sò thường được chế tác thành đồ trang sức hoặc làm tượng và được bán với giá cao ở Trung Quốc. Thậm chí, có những chiếc vỏ được chạm khắc có mức giá lên tới 106.000 USD.
Hoạt động thu hoạch sò tai tượng khổng lồ đặc biệt phổ biến trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2015 đối với ngư dân ở cảng Đàm Môn trên đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Sự gia tăng này trùng hợp với những nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động hàng hải ở Biển Đông. Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Đàm Môn vào năm 2013, cam kết hỗ trợ ngư dân, và kêu gọi họ “đánh bắt nhiều cá hơn”.
Mặc dù chính quyền địa phương ở Hải Nam đã cố gắng ngăn chặn hoạt động buôn bán sò tai tượng vào năm 2017, nhưng hình ảnh vệ tinh từ năm 2019 cho thấy hoạt động thu hoạch ở Biển Đông vẫn diễn ra. Sản phẩm sò khổng lồ vẫn tiếp tục được bày bán ở thị trường chợ đen Trung Quốc.
Sự gia tăng khai thác này đã khiến loài sò khổng lồ được xếp vào nhóm dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, phương pháp mà ngư dân Trung Quốc sử dụng để đánh bắt những sinh vật này thậm chí còn gây tổn hại hơn nhiều, làm ảnh hưởng đến những rạn san hô rộng lớn.
Trong hình ảnh vệ tinh của Biển Đông, nhiều rạn san hô có những vết sẹo hình vòng cung, được tạo ra khi ngư dân đào lên bề mặt rạn san hô bằng cách kéo qua kéo lại các chân vịt bằng đồng, được chế tạo đặc biệt theo hình bán nguyệt, neo ở phía trước thuyền của họ, cho đến khi các vỏ sò tai tượng lộ ra. Cách khai thác này cho phép họ dễ dàng thu hoạch cả sò tai tượng sống và vỏ sò chết bám cứng trên rạn san hô. Mặc dù ngư dân Philippines và Việt Nam cũng đánh bắt sò tai tượng, nhưng chỉ có ngư dân Trung Quốc mới sử dụng phương pháp này.
Theo một phân tích của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), dựa trên hình ảnh vệ tinh thương mại, trong tổng số 181 thực thể bị chiếm đóng và không bị chiếm đóng ở Biển Đông, ước tính khoảng 16.535 mẫu Anh (tương đương 66,9 km2) rạn san hô đã bị hư hại do hoạt động thu hoạch sò khổng lồ của Trung Quốc. Bằng chứng gần đây từ Philippines tiết lộ việc Trung Quốc sử dụng các phương pháp thu hoạch sò khổng lồ khác.
Vào năm 2019, gần bãi cạn Scarborough (mà Việt Nam gọi là bãi cạn Hoàng Nham), đội tàu Trung Quốc đã tràn xuống Biển Đông bắt sò tai tượng. Lần này họ sử dụng hệ thống hút áp suất cao để hút nhanh trầm tích dưới đáy biển, cho phép khai thác những con sò khổng lồ dễ dàng hơn từ những rặng san hô nằm sâu dưới mặt nước so với phương pháp truyền thống, quá trình này đồng thời phá hủy đáy biển và đẩy trầm tích mài mòn trôi qua các khu vực lân cận.
Phương pháp thu hoạch sò khổng lồ này có thể đã được áp dụng ngoài bãi cạn Scarborough.
Vào tháng 9 năm 2023, Lực lượng Vũ trang của Bộ Tư lệnh miền Tây Philippines (WESCOM) đã công bố một báo cáo cho thấy thiệt hại nghiêm trọng về môi trường tại Rạn san hô Iroquois (hay còn gọi là Đá Khúc Giác) và Bãi cạn Sabina (hay còn gọi là bãi cạn Chóp Mao), họ cho rằng đó là do lực lượng dân quân biển Trung Quốc gây ra.
Hiện nay, Đá Khúc Giác và bãi cạn Chóp Mao là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippine và Trung Quốc.
Hình ảnh vệ tinh về các thực thể này cho thấy không có vết sẹo trên bề mặt rạn san hô nông, do đó thiệt hại do Lực lượng Vũ trang Philippines chụp ảnh có thể xảy ra ở các đầm phá sâu hơn. Nguyên nhân gây ra thiệt hại như vậy có thể là do phương pháp thu hoạch sò khổng lồ bằng cách bơm nước, như đã được sử dụng tại bãi Scarborough vào năm 2019.
Các đầm phá tại Bãi cạn Sabina, Rạn san hô Iroquois và Bãi cạn Scarborough chiếm khoảng 41.354 mẫu Anh (tương đương 167,4 km2) rạn san hô. Toàn bộ mức độ thiệt hại ở các đầm phá này vẫn đang được các chuyên gia hàng hải đánh giá. Nếu thiệt hại được phát hiện là trên diện rộng, nó có thể nâng tổng diện tích rạn san hô bị hư hại do hoạt động thu hoạch sò khổng lồ của Trung Quốc lên tới 57.889 mẫu Anh, tương đương 234,3 km2.
Theo ước tính của CSIS, hơn 20% các thực thể ở Biển Đông đã bị thiệt hại do hoạt động thu hoạch sò khổng lồ. Do việc thu hoạch sò ở các cấu trúc rạn san hô sâu hơn không thể được giám sát được bằng vệ tinh, nên khó xác định có bao nhiêu đầm phá đã bị hư hại theo cách tương tự. Chỉ có cuộc điều tra bổ sung tại chỗ mới có thể tiết lộ có bao nhiêu trong số 2.159.000 mẫu Anh rạn san hô không có người ở còn lại ở Biển Đông đã bị ảnh hưởng như thế nào.
Việc thu hoạch sò khổng lồ quá mức vừa làm loài này bị đe dọa, vừa là một nguyên nhân quan trọng trong việc phá hủy các rạn san hô ở Biển Đông. Tuy nhiên chúng không phải là loài duy nhất bị đe dọa. Các chuyên gia đang báo động về tình trạng đánh bắt cá quá mức ở Biển Đông.
Chúng ta biết rằng, 12% lượng đánh bắt cá toàn cầu đến từ Biển Đông. Đánh bắt cá mang lại sinh kế cho ít nhất 3,7 triệu người trong khu vực, với 55% số tàu đánh bắt cá toàn cầu có mặt ở đây.
Quy mô của sự phụ thuộc về mặt kinh tế này đã khiến nghề cá ở Biển Đông bị khai thác lên đến mức báo động. Những nỗ lực quản lý một cách có trách nhiệm đã bị cản trở bởi căng thẳng địa chính trị và các yêu sách hàng hải cạnh tranh trong nhiều năm.
Việc thiếu một thẩm quyền hàng hải rõ ràng trong khu vực, khiến việc xác định thế nào là đánh bắt trái phép trở nên khó khăn. Kết quả là, một phần đáng kể hoạt động đánh bắt cá ở Biển Đông không được kiểm soát hoặc không được báo cáo.
Để bù đắp cho việc thiếu dữ liệu đáng tin cậy về hoạt động đánh bắt cá, dự án Sea Around Us ( Biển Quanh ta) của Đại học British Columbia đã phát triển một phương pháp ước tính cường độ đánh bắt cá.
Bằng cách kết hợp những hiểu biết từ số liệu đánh bắt cá được báo cáo, với nghiên cứu về hoạt động đánh bắt cá địa phương và hồ sơ lưu trữ, Sea Around Us có thể ước tính quy mô đánh bắt cá không được báo cáo. Mô hình này cũng xây dựng lại dữ liệu chi tiết hơn về sản lượng đánh bắt cá theo địa điểm, quốc gia, loài và phương pháp đánh bắt.
Dữ liệu từ Sea Around Us về sản lượng đánh bắt cá ở Biển Đông cho thấy: sản lượng liên tục tăng kể từ những năm 1950, rồi chững lại từ giữa những năm 1990. Nhìn chung, dữ liệu cho thấy trữ lượng cá đang bị khai thác quá mức.
Cùng với sự gia tăng nỗ lực đánh bắt cá nói chung, hầu hết cách đánh bắt cá ở Biển Đông đã thay đổi theo thời gian.
Nghề cá có thể được chia thành bốn loại: thủ công, công nghiệp, giải trí và sinh kế.
Đánh bắt cá công nghiệp đã phát triển đáng kể, kéo theo đó là nghề lưới kéo đáy, vốn là phương pháp đánh bắt phổ biến ở Biển Đông kể từ những năm 1980.
Những người đánh cá dưới đáy kéo những tấm lưới lớn và nặng dọc theo đáy biển, đánh bắt mọi thứ trên đường đi của họ, bao gồm cá, động vật có vú ở biển, thực vật và rùa. Những sợi dây và trọng lượng kéo dọc theo đáy đại dương sẽ phá hủy hệ sinh thái đáy biển bằng cách xé toạc san hô, bọt biển và khuấy động trầm tích.
Theo biểu đồ của CSIS, đánh bắt cá hàng năm bằng lưới kéo đáy ở Biển Đông, giai đoạn (1950–2019), cho thấy Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản lượng đánh bắt. Các bên còn lại gồm Indonesia, Philippines, Malaysia, Đài Loan, Brunei ở mức thấp.
Tương lai của Biển Đông sẽ như thế nào?
Theo khuyến nghị từ CSIS, trong khi các chính phủ nỗ lực giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và hàng hải, họ cần phải dành sự quan tâm nhất định đến môi trường biển đang bị suy giảm ở Biển Đông.
Thiệt hại do hoạt động của con người được các quốc gia ven biển cho phép, hỗ trợ và khởi xướng trực tiếp gây ra. Do đó, các quốc gia ven biển sẽ là trung tâm của nỗ lực ngăn chặn các hoạt động hủy diệt và bảo vệ hệ sinh thái biển trước khi quá muộn.
Trung Quốc đóng vai trò lớn nhất, phá hủy hoặc gây tổn hại nghiêm trọng ít nhất tới 21.183 mẫu rạn san hô – và có thể còn nhiều hơn thế nữa – thông qua việc mở rộng đảo và thu hoạch sò khổng lồ. Trung Quốc cũng góp phần chính vào hoạt động đánh bắt quá mức kiểu công nghiệp, làm hủy hoại nguồn cá ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng góp một phần khá lớn vào việc phá hủy các rạn san hô, cũng như tình trạng đánh bắt quá mức. Mặc dù các nước ven biển khác đóng vai trò nhỏ hơn, nhưng tất cả họ đều chia sẻ trách nhiệm duy trì một trong những môi trường biển đa dạng nhất thế giới.
Theo các chuyên gia, để cứu được Biển Đông, thực tiễn này cần phải sớm thay đổi. Cần có những nỗ lực khẩn cấp trong mỗi nước và giữa các chính quyền khu vực, của các nhà nghiên cứu và tổ chức môi trường để quản lý các vùng biển này một cách có trách nhiệm, nhằm duy trì, bảo đảm cuộc sống của tất cả những người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của Biển Đông.