Trải qua hai triều đại dốc sức vì nước, Hoàng đế Khang Hy và Ung Chính, nhà Thanh đến thời đại Càn Long đại diện cho đỉnh cao về kinh tế chính trị. Hoàng đế Càn Long – hoàng đế mở ra một Thanh vương triều xa hoa phồn vinh, nghiêng về thẩm mỹ mang tính phô trương.

Kinh tế đầy đủ sung mãn cũng kéo theo sự tiến bộ công nghệ, có kinh phí để cung cấp nhiều nghiên cứu mở rộng. Dưới sự nỗ lực của Viện Hàn Lâm hoàng gia cùng Ngự Diêu phòng, khiến cho công nghệ sản xuất gốm sứ cung đình phát triển như một đại thành lớn trong đời Thanh, trở thành bậc thầy của gốm sứ hoàng gia. Hoàng đế Càn Long không ngần ngại khai thác công nghệ trang trí căn bản của thời kỳ Khang Hy và Ung Chính mà đẩy nó tiến một bước, nghiên cứu ra những công nghệ phức tạp hơn, ông sử dụng sơn nhũ vàng, trang sức bằng vàng bạc hay chất bùn để trang trí lên sản phẩm đất sét. Đặc biệt phải nói đến ấm tử sa, là ấm trà được từ đất nung ở nhiệt độ cao không qua tráng men, sở dĩ được gọi là tử sa vì đất của nó thường có màu tím.

Thời Càn Long có Trần Văn Bách, Trần Văn Cư là hai người chuyên chế tạo các chậu, bồn đất sét để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài ra còn có những nghệ nhân đất sét nổi tiếng như Phạm Chương Ân, Phan Đại Hòa, Cát Tử Hậu, Ngô Nguyệt Đình, Hoa Phượng Tường, Trinh Tường, Quân Đức, Ngô A Côn, Hứa Long Văn v.v.

Dưới đây là một số ấm trà tử sa được dùng trong hoàng cung thời Hoàng đế Càn Long:

(Tiếp theo Phần 1)

Tử sa hắc tất miêu kim cúc hoa hồ (Ấm trà tử sa sơn kim trang trí hoa cúc)

Ấm cao 9cm, đường kính 8cm

Ấm trà tử sa này có miệng thẳng, bụng ấm tròn, vòi ngắn cong, quai hình vòng, đế tròn, nắp của ấm cong, núm của nắp được trang trí giống như bảo châu. Bên trong ấm làm bằng đất sét, bên ngoài được sơn một lớp sơn mài đen, điểm tô là những đóa hoa cúc màu vàng kim. Những bông hoa thi nhau đua nở, lá hoa được điểm tô thêm màu hồng, xanh lục, một con bướm bay lượn trong khóm hoa. Đáy ấm có 6 chữ triện “Đại Thanh Càn Long niên chế” (Chế tạo vào năm Càn Long).

Ấm tử sa này là sự kết hợp của phôi đất sét và kỹ nghệ sơn kim, được sơn đen nhánh óng ánh, trong suốt, đem sơn vàng kim vẽ hình trang trí hoa cúc mỹ lệ. Hình vẽ bằng sơn kim hơi nổi hơn bề mặt của ấm một chút, thời kỳ này các nghệ nhân giải quyết rất tốt việc kết dính giữa sơn kim và đất sét, rất chắc chắn, không dễ bị bong tróc. Hơn nữa việc làm nổi những họa tiết trang trí tạo một cảm giác lập thể sống động. Nghệ thuật kết hợp đất sét và sơn kim này bắt đầu từ thời Ung Chính, đến thời Càn Long mới hoàn toàn thành thục. Ấm trà được chế tạo tinh xảo cho thấy sự tinh hoa công nghệ và nghệ thuật đặc sắc hoàng thất thời bấy giờ.

Tử sa ngự đề thi tùng thụ sơn thạch đồ hồ (Ấm trà tử sa cây tùng núi đá có ngự đề thơ)

Ấm cao 9cm, đường kính 5.6cm

Ấm tùng thụ sơn thạch có thân hình tròn, vòi có đường cong nhỏ, một tay cầm cong, nắp tròn nhô lên dạng trống có núm cầm, đế chân có hai đường viền. Đất sét có mang màu đỏ tím, màu sắc này rất tinh khiết mà mịn màng. Một mặt của ấm được khắc một bức tranh với cây tùng núi đá, mặt đối diện được Càn Long ngự đề bảy câu thơ trong “Vũ trung pha trà phiếm ngọa du thư thất hữu tác”, cùng với đó là con dấu của Càn Long.

Tử sa miêu kim sơn thủy phương hồ (Ấm trà tử sa hình vuông sơn kim sơn thủy)

Ấm cao 9cm, đường kính 4.5cm

Miệng của ấm trà được thiết kế hình vuông, phần vai ấm hình vuông, từ vai hạ xuống 4 góc thành hình lập thể cũng tạo thành bốn chân trụ cho ấm, quai cầm hình long ly (rồng không có sừng). Vật liệu của ấm làm từ đất sét màu tím, toàn thân ấm được trang trí bằng chữ triện vàng kim, một mặt khác được vẽ hoa văn sơn thủy bằng sơn kim. Bài thơ được chọn ngự đề trên ấm nằm trong “Vũ trung lưu dư sơn cư tức cảnh tạp vịnh“:

Ngự chế vũ trung lưu dư sơn cư tức cảnh kính
xuyên linh lung thạch
Diêm quải tranh vanh tuyền
Tiểu Hứa diệc tự giai
Tạc lai long tỉnh biên

(Ngự trong mưa ngắm cảnh núi, xuyên qua những mỏm đá, nguồn suối chảy ngang qua mái hiên nhà cao chót vót, Tiểu Hứa giai nhân, hôm qua đã đến bên trà Long Tỉnh)

Tử sa ngự đề thi pha trà đồ hồ (Ấm pha trà tử sa ngự đề thơ)

Ấm cao 15.4, đường kính 5cm, hình phóng đại các cảnh vật và bài thơ khắc trên ấm.

Ấm có dạng hình trụ, bụng phẳng, vòi ngắn với đường cong nhẹ để lưu chuyển nước, chân tròn, quai hình tai, nắp trống, được làm từ đất sét màu hồng nhạt. Phần thân của ấm một bên được khắc bài thơ theo dạng chữ nhật, bài thơ “Vũ trung phanh trà phiếm ngọa du thư thất hữu tác” với con dấu của Càn Long bằng chữ triện. Mặt đối diện được khắc một bức họa về viện pha trà (Sân nhà giữa núi yên tĩnh, trong gian nhà chính có người chủ nhân cùng cao sĩ tới thăm đàm luận, một lão hoàn dùng tiếng đàn trợ hứng, một người a hoàn ngồi canh ấm trà bếp). Cái tên “Ngọa du thư thất” được đặt cho bức tranh này là gắn với một lần hoàng đế Càn Long đến du lãm Giang Nam.

Trần Ân Thượng khoản tử sa lăng hoa thức hồ (Ấm tử sa hoa lăng được tặng bởi Trần Ân Thượng)

Ấm cao 10cm, đường kính 7cm

Ấm được làm theo đường gân của hoa lăng, vòi dài với đường cong, quai hình tai, nắp được làm theo đường gân tỏa ra 5 bên theo hình hoa lăng, trên có núm bảo châu. Dưới đế có con dấu với 4 chữ lệ “Trần Ân Tượng chế“. Vật liệu của ấm làm từ đất sét nâu hạt dẻ, chất cát cực mịn, màu sắc thuần khiết.

Việc đem phỏng theo hình dáng của sự vật, cây cối để tạo hình cho ấm trà đã được bắt đầu từ thời Khang Hy, cánh hoa lăng chia phân thành các đường gân nhỏ và đưa chính xác vào chiếc ấm theo đúng quy phạm. Hình dáng ấm trà được xây dựng từ hình thức tự nhiên của hoa quả mang đến một vẻ đẹp thanh lịch và gần gũi. Trần Ân Tượng là một bậc thầy của những tác phẩm đất sét màu tím thời nhà Thanh, ông rất tinh thông việc tạo hình dáng cho ấm trà, cùng nhiều dạng đồ chơi văn hóa cung đình. Mô hình vân hoa lăng này rất tinh xảo, đa phần những nghệ nhân tay nghề hạng trung không thể chế tạo ra được.

Tử sa bách quả thi cú nghiễn tích hồ (Ấm tử sa trăm quả)

Ấm cao 5.4cm, đường kính 4.5cm

Ấm có hình dạng như trái lựu, nắp hình nấm, vòi hình ngó sen, tay cầm hình cỏ linh chi, phần vai ấm được trang trí bằng hạt dưa, dưới đế trang trí bằng 3 hạt đào, trái hồng, trái đào. Những hình ảnh quả và hạt trên thân đều được làm đúng theo hình dạng thực tế, nhìn giống như thật. Đất sét của ấm trăm hạt có màu vàng kim, điểm chút màu đỏ nhạt. Bụng ấm được khẩn 7 chữ hành thư “Tiên gia qua quả tứ thì đồng” (trái cây bốn mùa của tiên gia).

Tử sa lục địa miêu kim qua lăng hồ (Ấm tử sa kim qua màu xanh sơn kim)

Ấm cao 11.2cm, đường kính 8cm

Hình ấm dựa theo hình quả bí đỏ, vòi ngắn, nắp ấm cũng theo hình bí đỏ, núm hình viên châu, đế có vành tròn, đất sét nguyên bản màu tím, bên ngoài được sơn màu xanh và được sơn kim hình hoa sen và hình con dơi, toàn bộ phần trang trí lấy màu vàng kim làm chủ, điểm xuyết một chút sắc lam và sắc xanh, thiết kế màu sắc rất diễm lệ, nguy nga lộng lẫy. Dưới đế được khắc 6 chữ triện “Đại Thanh Càn Long niên chế“. Ấm kim qua này được nung đầu tiên tại Nghi Hưng, sau đó khi đưa vào cung đình mới thêm sơn kim, màu sắc và khắc chữ. Thông qua một quá trình cầu kỳ như vậy mới hoàn thành được một tác phẩm hoàn chỉnh.

Theo sohu.com
Ảnh trong bài: sohu.com

Uyển Vân biên dịch