Một nhiếp ảnh gia người Mỹ ghi nhận được hình ảnh hào quang ánh sáng phát ra khi những chiếc trực thăng đáp xuống sa mạc nóng bỏng ở Trung Đông.

Hiệu ứng hào quang từ những chiếc trực thăng trên sa mạc hay còn gọi là hiệu ứng Kopp-Etchells lần đầu tiên được ghi lại trong các hoạt động chiến đấu ở Afghanistan. Nhiếp ảnh gia Michael Yon đã dùng tên gọi của 2 người lính đã hy sinh ở đó để đặt tên cho hiệu ứng kỳ lạ này. Koop là một người lính Hoa Kỳ và Etchells là một người lính Anh, cả hai đều hi sinh trong cuộc chiến tại Afghanistan.

Việc một chiếc trực thăng hạ cánh xuống khu vực chiến sự không tên ảm đạm nào đó đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các cuộc chiến tranh. Cánh máy bay thổi tung lên không trung từng đám cát bụi khổng lồ khiến cho hầu hết những ai đứng gần nó đều phải che mắt lại.

Những chiếc trực thăng hạ cánh làm cho bụi cát bay mù mịt (Ảnh: alwaght.com)

Nhưng tới khi hàng hóa được thả ra từ những chiếc máy bay này, một hiện tượng đặc biệt xảy ra: một quầng sáng kỳ ảo phát ra từ những chiếc cánh của trực thăng. Cắt qua cát và bụi, cánh trực thăng như những con dao sắc đập vào hàng triệu hạt cát bụi nhỏ xíu, mỗi hạt lại tạo ra một tia sáng của riêng nó, góp phần vào việc hình thành các quầng sáng.

Hiện tượng kỳ lạ nhưng không kém phần đẹp mắt này dường như đã mang lại những khoảnh khắc vui vẻ cho những người lính đang chiến đấu tại đây. Trong phút chốc, họ dường như quên đi những nguy hiểm và khó khăn mà họ đang phải đối mặt, thay vào đó là sự tò mò rằng nguyên nhân vật lý nào đứng sau hiện tượng này?

Khi một chiếc trực thăng hạ cánh xuống một môi trường cát, lực đẩy rất lớn từ những chiếc cánh chắc chắn sẽ tạo ra một đám bụi cát lớn. Cánh máy bay trực thăng cắt xuyên qua đám cát này tạo ra quầng sáng.

Nhưng bằng cách nào? Để tránh việc cánh máy bay bị mài mòn, hầu hết những chiếc cánh trực thăng này đều được phủ một lớp chống ăn mòn. Lớp này thường được tạo ra từ kim loại như titan hoặc niken giúp ngăn phần mép ngoài của cánh trực thăng bị mòn quá nhanh do các mối nguy hiểm khác nhau của môi trường xung quanh.

Lớp chống ăn mòn này có thể xử lý rất nhiều khả năng gây mài mòn, nhưng sa mạc là một môi trường khắc nghiệt. Khi những chiếc cánh máy bay cắt qua đám mây cát bụi do trực thăng tạo ra, các hạt này đã va vào những chiếc cánh máy bay và khiến cho những mảnh kim loại nhỏ li ti bay vào không khí. Điều này cho thấy những kim loại tạo nên các lớp mài mòn trên cánh trực thăng khi va chạm với cát có thể tự phát cháy trong không khí.

Hai vòng sáng được tạo ra do cánh trực thăng va chạm với cát sa mạc (Ảnh: sciencebasedlife)

Nhưng tất nhiên điều này không xảy ra trong các điều kiện bình thường. Khi ở môi trường sa mạc, cánh của trực thăng quay với vận tốc lớn tạo ra một đám mây các hạt kim loại cũng giống như đám mây cát. Một khi ở dạng bột, các hạt kim loại có thể bốc cháy và tạo ra cảnh tượng rực rỡ trên.

Điều này nghe có vẻ lạ lẫm khi kim loại lại có thể tự đốt cháy? Phải vậy không? Thật thú vị vì tất cả chúng ta đều quen thuộc với tính gây cháy của kim loại ngay cả khi chúng ta không biết tới nó. Hãy nhớ lại cảnh tượng chiếc xe ô tô bị kéo lê trên đường và bắn ra những tia lửa thường xuất hiện trên phim ảnh, hay đơn giản như thí nghiệm tạo ra tia lửa từ hai hòn đá, đó chính là những hiện tượng tương tự như việc cánh máy bay trực thăng tạo ra những hào quang kỳ ảo.

Nhật Quang