Hàng tỷ tấn nhựa này không tự phân hủy và sẽ tồn tại cùng con người trong hàng ngàn năm.

Các nhà khoa học đã tính toán được rằng, con người đã tạo ra 8,3 tỷ tấn nhựa trên thế giới từ năm 1950 đến nay. Để so sánh, số lượng nhựa được sản xuất trong 65 năm qua nặng tương đương với 1 tỷ con voi và 138 triệu xe tăng.

Theo các nhà nghiên cữu Mỹ, phần lớn trong số đó, 6,3 tỷ tấn, đang là rác thải ở các vùng quê, trên đại dương hoặc chôn trong các bãi rác.

Đặc biệt, tốc độ sản xuất nhựa tăng theo thời gian. Một nửa trong số sản phẩm nhựa trên đã được sản xuất chỉ trong 13 năm gần đây.

Các nhà khoa học nói rằng nếu xu hướng này tiếp tục, thế giới sẽ có 12 tỷ tấn rác thải nhựa vào năm 2050.

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sỹ Jenna Jambeck của Đại học Georgia, nói: “Phần lớn sản phẩm nhựa không tự hủy hoại, vì vậy rác thải nhựa sẽ tồn tại cùng chúng ta trong hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn năm”, theo Sky News.

Hiện nay chỉ ít hơn 10% rác thải nhựa được tái chế.

Vấn nạn này xảy ra khi thế giới chuyển từ thói quen sử dụng sản phẩm nhiều lần sang các sản phẩm sử dụng một lần, như các loại chai nhựa.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy tuổi thọ trung bình của một sản phẩm nhựa chỉ là 11 phút. Sau đó chúng biến thành rác thải.

Trong khi đó, 12% rác thải nhựa được thiêu hủy, nhưng điều này lại tăng hệ quả biến đổi khí hậu và cũng tạo ra hiệu ứng xấu cho sức khỏe con người.

Các nước đang sản xuất nhiều sản phẩm nhựa nhất là: Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Không như các vật liệu khác, nhựa có thể tồn tại trong môi trường hàng ngàn năm.

Thanh Long

Xem thêm:

Từ Khóa: