Một cậu bé ba tuổi nhận ra ngôi mộ tiền kiếp của mình, kể lại câu chuyện luân hồi chưa ai biết. Liệu con người có thể đoán trước được nơi mình sẽ chuyển thế không? Tại sao anh ta lại chuyển sinh vào nhà của người có ân oán với mình? 

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Có một cậu bé tên là Gamini Jayasena ở Sri Lanka, khi cậu chưa đầy ba tuổi, gia đình đã đưa cậu đến một thị trấn tên là Nittambuwa để gặp lại người nhà của cậu ở kiếp trước. Một cậu bé ba tuổi đi gặp người nhà ở kiếp trước, điều này đương nhiên khơi dậy lòng hiếu kỳ không nhỏ của mọi người.

Lúc này, rất đông người thân và bạn bè tập trung trước cửa nhà. Để kiểm tra xem cậu bé có thực sự nhớ kiếp trước của mình hay không, người thân đã yêu cầu cậu đưa quà cho người mẹ tiền kiếp của mình, kết quả cậu dễ dàng nhận ra mẹ, đồng thời cũng nhận ra hai anh trai tiền kiếp của mình trong đám đông.

Vậy tại sao Jayasena lại muốn đến nhận người thân trong tiền kiếp? Câu chuyện bắt đầu từ đây…

Một “tín đồ Cơ đốc” trong gia đình theo Phật giáo

Jayasena sinh vào tháng 11 năm 1962 trong một gia đình theo Phật giáo ở Colombo, thủ đô Sri Lanka. Khi được khoảng 18 tháng tuổi, cậu bé bắt đầu kể về những câu chuyện tiền kiếp của mình, cậu nói rằng mình có một người mẹ thực sự khác, đó là mẹ cậu ở kiếp trước. Cậu bé cũng nói rằng mẹ cậu kiếp trước cao hơn mẹ hiện tại, và có chiếc máy may giống mẹ cậu hiện tại.

Cậu bé cũng nói đến một người tên là Nimore đã từng cắn cậu, và Nimore cũng bị chó cắn. Ngoài ra, ở tiền kiếp, nhà cậu bé còn có một chiếc cặp sách trên ghế đựng sách vở, và một chú voi đồ chơi, cậu bé thường tắm cho chú voi đồ chơi trong giếng.

Lúc đầu, người lớn không coi trọng những từ ngữ của trẻ con. Nhưng khi Jayasena được hai hoặc ba tuổi, cậu bắt đầu thường xuyên nhắc đến kiếp trước của mình hơn, và muốn quay trở lại ngôi nhà của kiếp trước.

Khi đó, gia đình Jayasena rất nghèo, không có đèn điện, nhưng cậu đã biết rằng có thể bật đèn bằng công tắc, điều này khiến gia đình cậu vô cùng ngạc nhiên. Jayasena cũng nói kiếp trước cậu được mặc quần áo đẹp hơn, có chú Charlie, ở nhà chú có ô tô và xe máy. Chú Charlie thường chở cậu đến trường.

Gia đình của Jayasena cũng phát hiện, phương thức cầu nguyện của cậu bé giống như một tín đồ Cơ đốc hơn là một Phật tử. Cậu bé từ chối đến các ngôi chùa Phật giáo, không muốn cúi đầu trước các tăng ni Phật giáo. Nhưng khi nhìn thấy một cây thánh giá bằng gỗ, cậu bé mang nó về nhà và nhờ mẹ treo nó lên tường. Jayasena cũng thích tổ chức lễ Giáng sinh, nói về ông già Noel và mong được nhận quà Giáng sinh. Điều này khiến gia đình Jayasena nghi ngờ rằng kiếp trước cậu là một tín đồ Cơ đốc giáo.

Năm 1965, khi Jayasena được 2 tuổi rưỡi, gia đình đưa cậu đến thành phố Nitambuwa, cách thủ đô Colombo 35km về phía đông bắc, khi người thân đi ô tô đến, cậu chỉ vào con hẻm nơi ở cũ của mình và bảo xe dừng lại. Cậu bé đi vào con hẻm, chỉ vào ngôi nhà mà cậu đã sống ở kiếp trước, rồi đi đến nhà chú Charlie bằng một con đường khác.

Khi đó, gia đình Jayasena không cho cậu vào nhà cũ, vì muốn tìm hiểu rõ ràng rồi mới nói. Vì lý do này, Jayasena đã khóc suốt 10 ngày sau khi trở về nhà, và liên tục đòi trở về ngôi nhà cũ của mình.

Bằng cách này, chúng ta đã thấy cảnh “nhận người thân” vừa rồi. Và câu chuyện tiếp theo còn thú vị hơn.

Cha mẹ kiếp trước của Jayasena có ba người con trai, và gia đình họ là một gia đình Cơ đốc giáo ở Netambuwa. Con trai Palitha Sennewiratne sinh năm 1952 và tương đối thân thiết với mẹ của mình. Mẹ cậu cũng rất thích may vá. Cậu có hai anh em trai, một trong số đó là Nimoer, kém cậu 4 tuổi. Mặc dù cậu và Nimore thường xuyên đánh nhau, và cậu hay bị Nimore cắn, nhưng một lần chính Nimore bị chó cắn, cậu đã rất tức giận với con chó, thậm chí muốn giết con chó.

Sennewiratne cũng rất thích voi. Cậu có một con voi đồ chơi, thường hay tắm cho nó trong giếng nhà mình.

Sennewiratne cũng có một người chú giàu có tên là Charles (họ gọi ông là chú Charlie), sống gần nhà cậu. Gia đình chú Charlie sở hữu nhiều thứ được coi là xa xỉ khi đó, bao gồm ô tô, xe máy và đèn điện trong nhà.

Tất cả những sự thật này đều phù hợp với những gì Jayasena đã nói. Ngoài ra, còn một chi tiết khác khó tin hơn.

Đoán trước cái chết

Vì gia đình theo đạo Cơ đốc, nên Sennewiratne theo học tại một trường tiểu học Cơ đốc giáo trực thuộc trường Cao đẳng Saint Mary. Vì trường cách nhà vài cây số, nên cậu ở ký túc xá gần trường.

Sennewiratne dường như có thể biết trước bản thân mình sắp qua đời. Đó là tháng 7 năm 1960, Sennewiratne đang được nghỉ phép ở nhà vì cảm thấy không khỏe. Thông thường, cậu cất cặp sách và một con voi đồ chơi vào trong tủ, nhưng lần này cậu ấy đặt nó xuống ghế và nói: “Tôi không cần đi học nữa”. Ngay sau đó, tình trạng của Sennewiratne xấu đi, cậu bắt đầu xuất hiện triệu chứng nôn mửa. Cậu được đưa đến bệnh viện để điều trị nhưng đã qua đời vài ngày sau đó. Khi ấy cậu chỉ mới 8 tuổi.

Vào ngày Jayasena đến nhận người thân, cậu phát hiện mái nhà tiền kiếp của mình đã trở nên sáng sủa hơn. Đó là vì nó vừa mới được lắp một mái tôn mới. Jayasena cũng tìm thấy cái giếng nơi cậu tắm cho con voi đồ chơi, và cậu cũng biết ai là chính mình kiếp trước trong bức ảnh.

Mặc dù người cha trước đây của Jayasena và chú Charlie là những người theo đạo Cơ đốc không có khái niệm về luân hồi chuyển thế, nhưng họ tin rằng Jayasena chính là chuyển sinh của Sennewiratne. “Là những người theo đạo Cơ đốc, chúng tôi không tin vào điều không chuẩn tắc này, nhưng cậu ấy đã nhận ra từng người trong chúng tôi, vì vậy tôi nghĩ cậu ấy khẳng định là con trai tôi, Sennewiratne, chuyển sinh”, người cha tiền kiếp của cậu nói.

Câu chuyện này được ghi lại trong cuốn sách “Các trường hợp luân hồi – Tập 2: 10 trường hợp ở Sri Lanka” được viết bởi Ian Stevenson, một học giả nổi tiếng nghiên cứu về luân hồi tại Đại học Virginia Mỹ. Bác sĩ người Mỹ Walter Semkiw, người đang tham gia nghiên cứu về luân hồi, cũng đã chia sẻ trường hợp luân hồi này trên trang web nghiên cứu về luân hồi (Reincarnation Research).

Nếu như câu chuyện tín đồ Cơ đốc chuyển sinh vào gia đình Phật giáo này đã thuyết phục được người cha theo đạo Cơ đốc vốn không có khái niệm luân hồi chuyển thế, thì câu chuyện dưới đây lại khiến người ta phải suy nghĩ, phải chăng hết thảy mọi thứ đều có nhân quả.

Bé trai 3 tuổi nhận ra ngôi mộ tiền kiếp

Vào những năm đầu của Trung Hoa Dân Quốc, ở Hoàng Nê Bá, Bản Kiều Trường, huyện Bồng Khê, Tứ Xuyên, cậu bé ba tuổi Khổng Chiêu Như theo anh trai Khổng Chiêu Lỗ đi chăn gia súc. Khi đến lưng chừng núi, họ nhìn thấy một số ngôi mộ ở đó, đột nhiên Khổng Chiêu Như chỉ vào một ngôi mộ mới và nói: “Anh ơi! Ngôi mộ này là của em”.

Khi người anh cả Khổng Chiêu Lỗ nghe những gì cậu em ba tuổi nói, cậu nghĩ em trai nói loạn, mắng lại: “Vớ vẩn!”

Không ngờ, lúc này Khổng Chiêu Như lại bắn ra những lời khó hiểu như đạn đại bác: “Em là Vương Định Vinh. Em chết và họ chôn em ở đây. Em cũng có một người vợ và một đứa con trai hai tuổi”. Vì để chứng minh mình không hồ đồ, Khổng Chiêu Như cũng nhắc đến tên của vợ và con mình ở kiếp trước.

Khổng Chiêu Lỗ cảm thấy rất quái dị khi nghe những gì đứa em ba tuổi của mình nói, vì vậy khi về nhà, cậu đã kể với cha mình là Khổng Tinh Duy và người nhà chuyện này.

Bằng cách này, truyền thuyết về Khổng Chiêu Như luân hồi chuyển thế kiếp này kiếp trước đã nhanh chóng lan truyền ở địa phương. Câu chuyện truyền từ người này qua người khác, cuối cùng đã đến tai gia đình “Vương Định Vinh” ở Tào Gia Câu, Bản Kiều Trường, huyện Bồng Khê, cách Khổng gia ở Hoàng Nê Bá khoảng hai dặm. Gia đình họ Vương bán tín bán nghi, nhưng cũng ngại đến thăm hỏi họ. Tại sao? Vì có ân oán bất bình giữa nhà họ Vương và nhà họ Khổng, nhà họ Khổng và nhà họ Vương đã cắt đứt liên lạc mấy năm nay.

Ân oán kiếp trước

Cha của Khổng Chiêu Như, Khổng Tinh Duy, từng là tá điền, trong khi cha của Vương Định Vinh, Vương Thăng Tài, có một số ruộng đất. Khổng Tinh Duy là một nông dân tá điền nhỏ, thuê đất thông qua một vị khách hàng của Vương Thăng Tài. Khi thuê đất, gia đình Khổng đã giao cho vị khách hàng kia một nghìn xâu tiền đồng làm tiền đặt cọc. Sau đó, vị khách hàng kia nợ tiền Vương Thăng Tài, nên Vương Thăng Tài bảo ông ta chuyển đi nơi khác. Đồng thời, Vương Thăng Tài cũng lên kế hoạch thu lại ruộng đất của Khổng Tinh Duy. Nhà họ Khổng nhân lực ít hơn nhà họ Vương, không thương thuyết nổi với nhà họ Vương, hai bên vướng mắc kiện cáo nhiều năm. May mắn thay, nhờ quan phủ chủ trì công đạo, nên Khổng Tinh Duy mới lấy lại được một nửa số tiền đặt cọc thuê ruộng, vụ kiện giữa hai gia đình đã được giải quyết, tuy nhiên, gia đình Khổng kể từ đó đã cắt đứt liên lạc với gia đình Vương. Thế thì làm sao mà Vương Định Vinh lại đầu thai vào nhà họ Khổng?

Vương Định Vinh chuyển thế

Gia đình Vương có sáu anh em, Vương Định Vinh là anh cả, cả gia đình kiếm sống bằng nghề nông. Một hôm, Vương Định Vinh đang gánh nước tưới ruộng, phát hiện trong ao có cá nên xuống ao bắt cá, kết quả bị trúng phong hàn. Sau khi trở về nhà, khắp người anh nổi đầy những vết phỏng nước, vô cùng đau đớn và không thể nuốt nổi thức ăn. Vào buổi tối ngày thứ năm sau khi bị bệnh, Vương Định Vinh biết rằng mình sắp chết, không thể đứng dậy, vì vậy anh đã nói lời vĩnh biệt cuối cùng với gia đình trong tiếng rên rỉ.

Khi cả nhà đang khóc, Vương Định Vinh dường như biết trước tương lai của mình, nhỏ giọng nói với cha mẹ và vợ: “Sau khi đi, con sẽ không xa nơi này, sau này hai người vẫn có thể nghe thấy”. Nói xong, anh liền nhắm mắt xuôi tay.

Sau khi chết, anh cảm thấy linh hồn mình vẫn như xưa, tự do vãng lai. Lúc đó, vì cảm thấy đói quá, muốn tìm thức ăn để ăn, đầu tiên anh đến hai gia đình gần nhất, Khổng Quảng Nghiêm và Quảng Vũ ở thôn Tào Gia Câu để xem. Kết quả phát hiện họ đều ăn cháo vào bữa sáng, điều mà Vương Định Vinh không thích. Anh chợt nghĩ, gia cảnh Khổng Tinh Duy khá giả, thức ăn hẳn phải tốt hơn, liền bay đến nhà Khổng Tinh Duy.

Khi đến cổng sân nhà họ Khổng, anh đột nhiên gặp một con chó hung dữ đang sủa ở đó, anh tự hỏi liệu con chó này có thể nhìn thấy hồn ma hay không. Vương Định Vinh sợ con chó, nên đã lánh nạn ở cánh đồng lúa mì bên ngoài sân nhà họ Khổng. Khi đó, cô con gái lớn của Khổng Tinh Duy vừa đi ra ngoài, nhìn thấy một bóng đen trước mặt, cô kêu lên: “Là thứ gì thế này?” rồi nhanh chân chạy trở vào nhà. Linh hồn của Vương Định Vinh cũng đi theo sau lưng cô gái, từ gian phòng bên cạnh đi vào phòng trong.

Thời khắc đó, anh đột nhiên cảm thấy mê man, không cách nào điều khiển chính mình, bản thân như đã biến mất. Đúng lúc này, vợ của Khổng Tinh Duy đang chuyển dạ đã hét lên “Aiyo” và hạ sinh một bé trai, chính là Khổng Chiêu Như.

Hóa giải tranh chấp với gia đình tiền kiếp

Sau khi anh cả Vương Định Vinh qua đời, anh em nhà họ Vương không hòa hợp, thường xuyên cãi vã và chia rẽ, nhưng họ không tìm được giấy tờ sang tên tài sản, nên việc chia tách không thể thực hiện được.

Sổ đỏ nhà đất nguyên là do anh cả Vương Định Vinh giữ, nhưng Vương Định Vinh đột ngột qua đời, sổ đỏ cũng biến mất. Các em trai nghĩ rằng chị dâu Vương Ngải Thị đang giấu đi, không ngừng phàn nàn oán trách chị dâu.

Vương Ngải Thị trong tâm muốn kêu oan, nhưng có miệng mà không thể phản bác, quả là khổ bất kham ngôn. Vì vậy, khi Ngải Thị nghe tin đồn rằng Vương Định Vinh đã chuyển sinh vào nhà họ Khổng, cô nghĩ ra một cách, quyết định úp mặt xuống đi hỏi thử. Theo đó, cô mua một ít kẹo và hoa, đồng thời giả vờ đến nhà họ Khổng chơi, với hy vọng tìm ra câu trả lời về Khổng Chiêu Như, “thân sau” trong truyền thuyết của Vương Định Vinh.

Khổng Chiêu Như nhìn thấy “vợ cũ” đến, trên tay cầm kẹo và hoa, mắt liền bị dính vào cái kẹo, rất muốn ăn. Vương Ngải Thị ngập ngừng nói: “Nếu cậu có thể nói cho tôi biết cậu giấu giấy tờ đất đai ở đâu, tôi sẽ cho cậu kẹo và hoa!” Khổng Chiêu Như lập tức trả lời: “Giấu nó trong tường”.

Sau khi Vương Ngải Thị trở về nhà, cô tìm thấy một gói chứng thư lớn được giấu trong một lỗ tối trên tường, và sổ đỏ chủ quyền nhà đất cũng ở bên trong đó. Cả gia đình vui mừng khôn xiết khi tìm thấy sổ đỏ, cuối cùng cũng tin rằng lời đồn đại về sự chuyển sinh của Vương Định Vinh là có thật.

Người cha hiện tại của Khổng Chiêu Như, Khổng Tinh Duy, là giáo viên tiểu học tại chùa Phật Tử ở địa phương, và Khổng Chiêu Như cũng vào trường tiểu học đó khi cậu lớn lên một chút. Những người hiếu kỳ lần lượt hỏi họ kể lại về chuyện chuyển sinh, tất cả họ đều tin rằng nhân quả luân hồi là chân thực tồn tại. Mọi người có ý kiến ​​khác nhau về việc tại sao người con trai cả của nhà họ Vương lại chuyển sinh vào nhà họ Khổng, người có ân oán với ông ấy. Có người nói, phải chăng nhà họ Vương đã chèn ép tá điền, kết quả phải đền con trai cho nhà người ta? Vậy, bạn nghĩ gì về điều này?

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch