Thí nghiệm “5 con khỉ” đã lan truyền trên mạng từ năm 2011, qua đó phản ánh đời sống con người dưới ảnh hưởng của đám đông. Hôm nay chúng ta sẽ đào sâu một chút về thí nghiệm này.
Câu chuyện của thí nghiệm như sau:
Các nhà khoa học đưa 5 chú khỉ vào chung một chuồng, ở giữa có một chiếc thang, trên đỉnh chiếc thang đặt một vài quả chuối.
Mỗi khi có một chú khỉ muốn leo lên chiếc thang, các nhà khoa học liền dội nước lạnh lên những chú khỉ khác.
Ngay sau đó, mỗi khi có một chú khỉ leo lên thang, những chú khỉ khác sẽ đánh nó.
Tiếp theo, cho dù những quả chuối có hấp dẫn đến mấy, không có chú khỉ nào dám leo lên chiếc thang.
Các nhà khoa học thay thế một chú khỉ trong số đó, chú khỉ mới được đưa vào chuồng liền leo lên chiếc thang, nhưng chú khỉ mới này bị những chú khỉ khác đánh ngay lập tức. Sau khi bị đánh một vài lần, chú khỉ mới biết rằng không được leo lên chiếc thang, mặc dù nó cũng không hiểu vì sao lại như vậy.
Khi chú khỉ thứ hai được thay thế, tình huống tương tự đã xảy ra. Ngay cả chú khỉ được thay thế thứ nhất cũng đánh chú khỉ được thay thế thứ hai. Tình huống vẫn tiếp diễn sau khi thay thế chú khỉ thứ ba. Đến khi thay thế chú khỉ thứ tư, tình huống vẫn lặp lại. Cuối cùng, chú khỉ thứ năm được thay thế.
Còn lại 5 con khỉ, ngay cả khi chúng không bị dội nước lạnh, nhưng nếu có chú khỉ nào còn có ý định leo lên cầu thang thì vẫn sẽ bị đánh.
Nếu bạn có hỏi vì sao leo lên cầu thang lại bị đánh, câu trả lời có lẽ là “Tôi không biết, mọi người đều như vậy mà”.
Câu này, nghe có vẻ khá quen thuộc?
Thí nghiệm này cho biết chúng ta dễ dàng bị ảnh hưởng bởi số đông như thế nào. Tuy nhiên, đối với những điều vô lý, chúng ta phải biết đưa ra nghi vấn để tìm hiểu bản chất của vấn đề, thay vì nhắm mắt làm theo phản ứng của người khác. Rõ ràng là những quả chuối rất ngon, tại sao muốn ăn liền bị đánh? Vấn đề ở đây là, không ai biết được vì sao không được phép leo lên cầu thang, nhưng ai liều lĩnh leo lên đều sẽ trở thành tội phạm.
Sau khi câu chuyện trên lan truyền trên mạng, một số nhà tâm lý học và linh trưởng học đã bày tỏ sự hoài nghi. Quan điểm của họ là, thí nghiệm này quá phức tạp, bao gồm quá nhiều yếu tố về tâm lý, hành vi, động vật học…
Vậy thí nghiệm này có thật hay không?
Một blogger đầu tiên đăng tải câu chuyện về thí nghiệm này cho biết, thí nghiệm là dựa trên nghiên cứu của G.R. Stephenson năm 1967. Trong nghiên cứu, Stephenson đã huấn luyện những con khỉ nâu đực và cái, không cho phép chúng đụng vào 1 đồ vật, nếu không sẽ bị trừng phạt.
Sau đó ông cho một con khỉ mới có cùng độ tuổi và giới tính ở chung chuồng với con khỉ đã được huấn luyện, và có cả đồ vật mà chúng “không được phép đụng vào”. Trong 1 trường hợp, một con đực được huấn luyện thực sự đã kéo con khỉ “ngây thơ” tránh xa đồ vật. Trong trường hợp khác, hai con khỉ đã được huấn luyện chỉ “làm mặt đe doạ và ra vẻ sợ hãi” khi con khỉ “ngây thơ” tiến lại gần đồ vật. Khi được nhốt một mình cùng đồ vật, con khỉ “ngây thơ” (đã từng tiếp cận với những con được huấn luyện) tỏ ra ít quan tâm tới đồ vật hơn nhiều so với bình thường.
Tuy nhiên, thí nghiệm năm 1967 có một số lỗ hổng về huấn luyện và kiểm tra, nên chưa thể khẳng định bản chất của thông tin được truyền tải giữa những con khỉ. Nhưng dù sao đây cũng là thí nghiệm rất thú vị.
Như vậy, câu chuyện 5 chú khỉ hay ho ở trên không hề dựa trên thí nghiệm có thực. Nghiên cứu năm 1967 đơn giản hơn nhiều so với phiên bản “5 chú khỉ và quả chuối” ở trên. Nói cách khác, câu chuyện về thí nghiệm với 5 chú khỉ hay ho nói trên chỉ là… sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú mà thôi. Hẳn ai đó đã phải bỏ nhiều chất xám và tư duy để viết ra được câu chuyện thú vị đến vậy.
Theo Meirihaowen
Thanh Hoa biên dịch
Xem thêm: