Uống rượu bia không có gì phạm pháp, nhưng sẽ rất tiêu cực đối với cơ thể nếu chúng ta lạm dụng chúng quá nhiều.
Vào các dịp lễ Tết hay đơn giản là chỉ là ngày cuối tuần buồn chán với cả đống suy nghĩ về công việc, gia đình; bạn quyết định rủ mấy đứa bạn ra quán nhậu làm mấy chai nhằm xua đi nỗi buồn của bản thân. Đi cùng những tiếng cười là những tiếng chạm cốc, những tiếng “1, 2, 3 Dzô” rộn ràng khiến bạn xua đi hết những muộn phiền, đầu óc nhẹ tênh, bay bổng.
Ban đầu rất sảng khoái nhưng đến chai thứ 7, 8 thì hết cảm giác phấn khích và thay vào đó là cảm giác đau đầu, choáng voáng, buồn nôn, đi đứng loạng choạng và bạn không thể kiểm soát bản thân mình được nữa. Đây là hiện tượng bạn bị say và là dấu hiệu cuộc vui đã tàn vì bạn chẳng còn biết chuyện gì sau đó nữa.
Vậy hiện tượng say rượu, bia là gì? Tại sao khi say chúng ta lại có cảm giác đau đầu?
Đây là “bản chất” của rượu, bia. Hay nói chính xác hơn là etanol – thành phần chính có trong bia rượu. Trong rượu, bia luôn có một nồng độ cồn (etanol) nhất định, tùy vào lượng cồn trong đó mà người ta phân loại nặng, nhẹ khác nhau. Và Etanol chính là tác nhân đem bạn đi từ hết cảm giác này sang cảm giác khác, từ lâng lâng vui vẻ sang say mèm thiếu kiểm soát.
Giai đoạn khởi đầu, etanol hòa tan với nước có trong rượu, bia bắt đầu cuộc hành trình dạo quanh cơ thể bạn. Với lượng etanol bạn vừa cho vào cơ thể, 20% ở lại dạ dày, ngấm qua màng tế bào theo máu đi khắp cơ thể và qua cả trái tim bạn nữa nhưng nó sẽ không động chạm gì đến trái tim của bạn đâu. Lượng còn lại sẽ đi vào ruột non và được hấp thu cùng những chất dinh dưỡng khác, một lượng nhỏ sẽ được bài tiết qua mồ hôi, nước bọt, nước tiểu và hơi thở.
Nhưng vấn đề thật sự xuất hiện khi etanol đi vào hệ thần kinh trung ương vì đây là trung tâm điều khiển các hoạt động của cơ thể và các nơron thần kinh cực kì nhạy cảm với chất độc, nên ngay khi etanol len lỏi vào hệ thần kinh trung ương, bạn sẽ có những cảm giác rất khác thường.
Khi đi vào trong não bộ, etanol giải phóng các Dopamine ở vỏ não gây cảm giác dễ chịu, lâng lâng và sau đó nó liên kết với các cơ quản thụ cảm thần kinh. Trong các cơ quan thụ cảm này có Glutamate, etanol ức chế các hoạt động của Glutamate; sự ức chế này khiến các liên kết nơron không ổn định làm cho não chậm đáp ứng với các kích thích nên bạn thấy cơ thể mình phản ứng chậm với tác động xung quanh nếu thiếu tập trung.
Ngoài ra, etanol còn liên kết với GABA (axit gamma aminobutyric) nhưng trái với sự ức chế Glutamate, etanol kích hoạt các thụ thể GABA. Và chính GABA là chất khiến chúng ta khi say lại cảm thấy “nhẹ như bay”, bao nhiêu muộn phiền tiêu tan, khiến bạn thấy bình tĩnh hơn kèm theo cảm giác buồn ngủ, chao đảo nhè nhẹ, phiêu phiêu.
Đây là nguyên nhân tại sao chúng ta lại say mỗi khi uống quá nhiều rượu bia như vậy. Thế còn tình trạng đau đầu thì sao nào?
Sau khi lòng vòng trong cơ thể bạn, etanol theo máu về gan – cơ quan có chức năng phân hóa etanol và chúng sẽ được đào thải và loại bỏ thông qua quá trình oxy hóa. Trong gan, etanol được enzim phân hóa thành etanal, sau đó etanal lại tiếp tục bị phân hóa thành axit axetic và được các tế bào trên khắp cơ thể phân hủy thành năng lượng và CO2.
Thủ phạm chính gây đau đầu ở đây chính là etanal. Việc đưa một lượng lớn cồn vào trong người khiến các tế bào gan không kịp xử lý, etanal tích tụ về sau và nếu để lâu không những chỉ đau đầu mà còn có hại cho các cơ quan khác trong cơ thể.
Nói tóm lại, hiện tượng say là khi cồn ngấm qua màng tế bào ở dạ dày, theo máu đi lên hệ thần kinh trung ương và tại đó nó ức chế, kích thích hoạt động của một số chất dẫn truyền thần kinh tạo ra cảm giác khác thường.
Một cách đơn giản nhưng hữu hiệu để chống say là trước mỗi bữa nhậu là bạn nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột như cơm, bánh mỳ với sữa chua. Chúng sẽ giúp dạ dày có một lớp bảo vệ và giảm thiểu lượng etanal ngấm lên màng tế bào cùng một lúc. Vì nó chỉ có thể làm giảm lượng etanal chứ không ngăn cản hoàn toàn nên cách tốt nhất là bạn hãy uống rượu bia có chừng mực, không nên ham hố lao vào những cuộc vui và nên biết điểm dừng của mình ở đâu.
Chú thích:
Dopamine: là chất giúp não bộ kiểm soát chuyển động và phối hợp vận động. Thiếu Dopamine là tác nhân gây ra bệnh Parkinson – run tay chân.
Glutamate: là chất dẫn truyền có tác dụng kích thích các tế bào thần kinh, liên kết các nơron.
GABA (axit gamma aminobutyric): đảm bảo sự hoạt động ổn định của não bộ, ức chế các hoạt động bất thường như căng thẳng, bất an, giúp tăng cường cảm giác thư thái trong hệ thần kinh nên có thể coi GABA là “liều thuốc an thần tự nhiên” do cơ thể tự sản sinh.
Video:
Sơn Tùng