Sự phổ biến của trò chơi điện tử đã mang đến một vấn đề to lớn khác cho các chuyên gia sức khỏe tâm thần – chứng nghiện trò chơi điện tử. Trong một nghiên cứu được thực hiện trên hơn 3.000 trẻ em và thanh thiếu niên, người ta thấy rằng gần 72% hộ gia đình Mỹ chơi trò chơi điện tử, với thời lượng chơi game trung bình là 20 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, khoảng 4% người chơi bị phát hiện nghiện game, khi dành gần 50 giờ mỗi tuần dán mắt vào màn hình máy tính.
Nghiện game
Căn bệnh nghiện trò chơi điện tử có thể hủy hoại cuộc sống một người. Đã có trường hợp người chơi dành 10 đến 12 giờ mỗi ngày để chơi game, và kết cục là không có một công việc hoặc một mối liên hệ bình thường với xã hội. Năm 2005, một game thủ ở Hàn Quốc đã chết sau khi chơi game liên tục trong vòng 50 giờ, theo BBC. Và vào năm 2012, một người đàn ông từ Đài Loan được tìm thấy đã chết trên ghế chơi game, theo tờ Telegraph. Ông đã chết do lên cơn đau tim. Vậy rốt cục tại sao mọi người lại nghiện chơi game? Để hiểu điều này, trước hết chúng ta phải nắm bắt được một chức năng khá thú vị của bộ não – cơ chế khen thưởng của não bộ.
“Về cơ bản, cơ chế khen thưởng là một hệ thống chi phối cảm giác của bộ não khi chúng ta làm một việc gì đó – việc nhà, công việc cơ quan, hay bất cứ thứ gì – dẫn đến kết quả là một phần thưởng trong ít nhất một vài trường hợp. Nếu chúng ta tiếp tục nhận được phần thưởng cho cùng một nhiệm vụ, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được một mối quan hệ tích cực giữa hai thứ đó và bộ não của chúng ta sẽ bắt đầu xây dựng các mối liên kết phù hợp. Điều đó có nghĩa là lần tới khi chúng ta có cơ hội thực hiện nhiệm vụ tương tự, chúng ta sẽ cho rằng chúng ta sẽ có khả năng, dù ít dù nhiều, nhận được một món quà nào đó”, theo tờ The Week .
Đối với các game thủ, phần thưởng là cảm giác phấn khích khi hoàn thành một nhiệm vụ, hay “phá đảo”. Sau một vài trải nghiệm với cảm giác này, người chơi sẽ phải tiếp tục chơi tiếp và hoàn thành các nhiệm vụ tiếp theo để khơi lại cảm giác này hết lần này đến lần khác. Người chơi này giờ đã trở nên nghiện trò chơi đó.
Các triệu chứng nghiện game
Triệu chứng số 1 của chứng nghiện game là sự mất kiểm soát hoàn toàn đối với cuộc sống cá nhân. “Một người nào đó dám đánh đổi các khía cạnh khác trong cuộc sống của mình để chơi game sẽ rất dễ phát triển chứng nghiện loại hoạt động này. Tại thời điểm này, các game thủ sẽ mất kiểm soát khi không thể ngừng chơi bất chấp các vấn đề gia tăng sẽ xuất hiện nếu tiếp tục chơi như vậy, theo trang addictions.com .
Nghiện trò chơi điện tử cũng có thể được gây ra do một vấn đề tâm lý trước đó. Lấy ví dụ, những người bị trầm cảm hoặc cảm thấy cô đơn sẽ dễ bị nghiện game hơn, vì đó có lẽ sẽ là cách duy nhất giúp họ cảm thấy phấn khích trong cuộc sống. Những người hướng nội không có một cuộc sống xã hội sôi động cũng dễ bị nghiện trò chơi điện tử.
Ở Trung Quốc đã có lệnh cấm game
Nghiện video game đã trở thành một vấn đề lớn đến nỗi nhiều quốc gia bắt đầu ban hành các đạo luật nghiêm ngặt hơn để kiểm soát ngành công nghiệp game tại nước họ. Lấy ví dụ, tại Trung Quốc, chính phủ đã bắt đầu có những động thái dữ dội đối với việc chơi game sau khi có nhiều báo cáo cho thấy nhiều trẻ em bắt đầu đeo kính mắt bởi mất thị lực do chơi game liên tục.
Theo chỉ đạo của chính phủ, công ty game lớn nhất Trung Quốc, Tencent, đang giới thiệu một bộ quy tắc mới nhằm nhận diện các game thủ chưa đủ tuổi và hạn chế thời gian chúng chơi game. Trẻ em dưới 12 tuổi sẽ chỉ được phép chơi game online 1 giờ đồng hồ mỗi ngày. Thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13 đến 18 có thể chơi tới 2 giờ mỗi ngày.
Theo Vision Times
Quang Hải biên dịch