“Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác sững sờ khi nhìn thấy bức ảnh đầu tiên chụp chân trời sao Hỏa của tàu thăm dò. Đây không phải là một thế giới xa lạ, tôi nghĩ. Tôi biết những nơi như vậy tại Colorado, Arizona và Nevada. Có các tảng đá và bụi cát và một gò đất phía xa, tự nhiên và vô thức như bất kỳ phong cảnh nào trên Trái Đất. Sao Hỏa là một nơi như vậy.”
– Carl Sagan trong tập “Màu xanh cho hành tinh đỏ” trong seri phim “Cosmos” (Vũ trụ)
Carl Sagan (1934-1996) nhà thiên văn học, vũ trụ học, vật lý học thiên thể người Mỹ nổi tiếng với những cống hiến to lớn cho ngành Khoa học Nghiên cứu sự sống ngoài Trái Đất
Trong nhiều thế kỷ các nhà khoa học vẫn không ngừng thảo luận xem liệu con người có khả năng sinh sống trên sao Hỏa hay không, khi xét đến các yếu tố bề mặt địa chất, các nguồn nước dự trữ cũng như các trở ngại khác cần khắc phục. Bất chấp những lo ngại này, nhiều người vẫn tin rằng người bạn băng giá (sao Hỏa) của Trái Đất sẽ là một biên giới mới của nhân loại. Nhưng khi ý tưởng này được xem xét, nó đã làm dấy lên nhiều câu hỏi ly kỳ. Liệu chúng ta có thực sự sẵn sàng trong việc đổ bộ lên sao Hỏa hay không?
Khi cân nhắc những ứng cử viên hành tinh có thể định cư trong tương lai, sao Hỏa là một nơi đầy hứa hẹn. Hành tinh này tương đối gần và dễ tiếp cận – một sự chào đón nhiệt tình hơn so với hàng chục hệ hành tinh xa xôi còn lại. So với các đối thủ khác, sao Hỏa vẫn là một ứng cử viên sáng giá hơn Mặt trăng, theo Robert Zubrin, nguyên chủ tịch Hiệp hội Không gian Quốc tế (National Space Society). Có lẽ do từ lâu nhân loại đã có thể ngắm nhìn hành tinh đỏ trên bầu trời đêm, nên một số người cho rằng đây chính là ngôi nhà thứ hai mà số phận đã ưu ái cấp cho nhân loại.
Tuy nhiên, hành tinh đỏ vẫn nằm cách Trái Đất một khoảng cách nhất định, và trình độ khoa học công nghệ hiện đại vẫn chưa có khả năng đưa con người lên đến đó. Kết quả là một loại rào cản ngăn cách chúng ta với người hàng xóm, dù có vẻ rất gần gũi nhưng chưa từng trở thành một người bạn thực sự.
Dữ liệu chúng ta thu thập được cho thấy bề mặt sao Hỏa bị đóng băng và bầu khí quyển hiện tại quá khắc nghiệt không thể sinh sống, nhưng trong quá khứ trạng thái của nó không luôn như vậy. Qua các thí nghiệm được tiến hành trên bề mặt sao Hỏa và hàng nghìn những bức ảnh và hình chụp cộng hưởng gửi về từ các vệ tinh quỹ đạo, chúng ta có thể chắc chắn gần như tuyệt đối rằng sao Hỏa đã từng có nước lỏng.
Có bằng chứng cho thấy trong quá khứ sao Hỏa đã từng có mưa, sông ngòi, ao hồ và thậm chí cả một đại dương nhỏ. Sao Hỏa cũng chứa nhiều các-bon, ni-tơ, hidro và ôxi – các nguyên tố cơ bản của sự sống. Đây là những đặc điểm làm nổi bật sao Hỏa như một ứng cử viên chắc chắn cho việc định cư trong tương lai.
Cảnh tượng trên sao Hỏa (Ảnh: NASA)
Tuy bầu khí quyển sao Hỏa cho thấy một số triển vọng, nhưng với mức nhiệt -50℃ và môi trường bức xạ tử ngoại trong bầu khí quyển, ngay cả một chuyến viếng thăm ngắn cũng trở nên không hề dễ chịu. Một số người đề xuất ý kiến làm tan chảy các mỏm băng và các mạch nước ngầm bên dưới lớp bề mặt bụi bặm của sao Hỏa để tạo điều kiện cư trú tốt hơn trên hành tinh này. Nhưng ngay cả như vậy, nước không phải là bí ẩn duy nhất được ẩn chứa bên trong sao Hỏa. Vẫn có rất nhiều điều cần được làm sáng tỏ về người hàng xóm màu đỏ này, mặc dù câu trả lời thường vuột khỏi tầm mắt chúng ta.
Từ những năm 1960, sao Hỏa đã được nhiều vệ tinh quỹ đạo, tàu đổ bộ và cả các vị khách khác từ Trái Đất viếng thăm, nhưng hầu hết đều đã thất bại với các mức độ khác nhau. Một số người đã hài hước đổ lỗi cho “Galactic Ghoul” (Tạm dịch: Quái vật Ngân hà) – một dạng quái vật trong tưởng tượng sinh tồn bằng cách gặm nhấm các vệ tinh thăm dò nhằm ngăn cản công cuộc khám phá hành tinh đỏ.
Từng tồn tại nền văn minh cổ xưa?
Một bí ẩn khác cần được cân nhắc chính là quá khứ xa xăm của sao Hỏa, khi một số người tin rằng có thể những nền văn minh đã từng tồn tại ở đó. Ngoài những vật thể trông giống như kim tự tháp và các kiến trúc khác được phát hiện tại một khu vực của hành tinh tên là Cydonia, rất nhiều người đã rất ấn tượng với một vật thể trông giống một khuôn mặt khổng lồ trên bề mặt sao Hỏa. Tuy Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (Euuropean Space Agency) khẳng định rằng “khuôn mặt” nhìn thấy trong bức ảnh chụp trong chuyến thám hiểm của tàu Viking vào năm 1976 chỉ đơn giản là kết quả của kỹ thuật chỉnh sửa ảnh; nhưng ông Richard C. Hoagland, nguyên quản lý Khoa học Thiên văn & Vũ trụ tại Bảo tàng Khoa học Springfield ỏ bang Massachusetts, Mỹ, lại không nghĩ vậy.
Richard C. Hoagland, tác giả người Mỹ, nhận định rằng đã từng tồn tại sự sống và cả các nền văn minh trên Mặt trăng, sao Hỏa.
Vật thể trông giống khuôn mặt người được chụp trên bề mặt sao Hỏa (Ảnh: Wikimedia Commons)
“Từ rất lâu trước khi con người ngắm nhìn sao Hỏa và ước mong một ngày nào đó có thể đặt chân lên đó; có thể đã có ai đó đã ngắm nhìn ngược lại Trái Đất và quan sát thấy nó mọc trên bầu trời, xanh lam và lóe sáng, trước khi bình minh ló dạng trên sao Hỏa.
Chúng ta đã thấy những bằng chứng – một bộ sưu tập những tạo tác bí ẩn nằm trong lớp cát đỏ trên sao Hỏa – và nó khiến người ta phải kinh ngạc: những phế tích tiềm tàng của một thành phố, đổ nát qua tất cả những năm tháng trong bầu không khí lộng gió trên hành tinh thứ tư trong hệ Mặt Trời”. Ông Hoagland viết trong lời mở đầu cuốn sách xuất bản năm 2002 của ông: “Các tượng đài trên sao Hỏa: Một thành phố bên bờ vực trường tồn”.
Trước khi chúng ta ngắm nhìn sao Hỏa và ao ước được đặt chân lên đó, rất có thể đã từng tồn tại những cư dân sao Hỏa ao ước được đặt chân lên hành tinh xanh của chúng ta. (Ảnh: Getty Images)
Các cuộc thám hiểm chuyên sâu hơn
Liệu sao Hỏa đã từng có một nền văn minh trong quá khứ, đây là một câu hỏi vẫn đang được thảo luận, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng để hiện thực hóa việc định cư trên sao Hỏa trong tương lai, chúng ta sẽ cần tiến hành thêm các cuộc nghiên cứu và thám hiểu sâu rộng. Trong những năm cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Bush đã đề xuất triển khai một chuyến thám hiểm không gian có người lái tới hành tinh đỏ, nhưng chi phí cho một dự án như vậy là rất lớn.
Cho đến cuối đời, nhà thiên văn học Carl Sagan vẫn rất thẳng thắn ủng hộ việc tiến hành một chuyến thám hiểm không gian có người lái lên sao Hỏa. Ông không nao núng trước khoản chi phí khổng lồ, khi lập luận rằng các quan chức chính phủ đã mất một lượng tiền lớn tương đương trong vụ khủng khoảng tín dụng Hoa Kỳ [trong nửa cuối thập niên 1980]. Tuy nhiên ông cũng rất thực tế khi cân nhắc các mục đích cao cả hơn: “Trái Đất là hành tinh duy nhất có tồn tại sự sống được biết đến hiện nay . Không có một nơi nào khác, ít nhất trong tương lai gần, để giống nòi chúng ta có thể di cư. Viếng thăm, có thể. Định cư, chưa thể. Dù muốn hay không, hiện nay Trái Đất là nơi chúng ta bám trụ trong vũ trụ này”. Saga viết trong cuốn sách xuất bản năm 2004 của ông, “Cái chấm xanh mờ nhạt: Viễn cảnh của Nhân loại trong Vũ trụ”.
Có lẽ một ngày nào đó giấc mơ cư trú trên sao Hỏa của con người sẽ trở thành hiện thực – một giải pháp cho sự nan giải của tình trạng bùng nổ dân số đang thắt chặt lấy nhân loại hiện nay. Nhưng tại thời điểm hiện tại, những điều chúng ta biết về hành tinh đỏ này vẫn là quá ít để có thể biến nó thành một người bạn đáng tin cậy. Ngoài vấn đề thực sự tới được đó, những vấn đề căn bản khác như tìm kiếm nguồn thức ăn và nguồn năng lượng cũng sẽ là một rào cản đáng kể cần vượt qua. Thật ra ngay cả trên ngôi nhà nhỏ màu xanh mang tên Trái Đất, chúng ta vẫn đang phải vật lộn với những vấn đề như vậy.
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Tác giả: Leonardo Vintini, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây
Thạch Khành biên dịch
Xem thêm: