Các nhà khoa học phát hiện sâu bên dưới lớp băng của Nam Cực tồn tại các chủng vi khuẩn đặc biệt sinh tồn bằng cách tiêu thụ khí mê-tan, mở ra triển vọng mới cho việc xử lý vấn đề phát thải khí nhà kính và ấm lên toàn cầu, Iflscience đưa tin ngày 6/8.

Vào năm 2013, sau hơn một thập kỷ lập kế hoạch khảo sát và chuẩn bị hậu cần, một nhóm các nhà khoa học quốc tế và liên ngành đã tiến hành khoan 800 m vào lớp băng Tây Nam Cực, chạm đến khu vực hồ ngầm Whillans.

Họ lấy mẫu nước và các mẫu trầm tích nguyên thủy vốn đã cô lập với bầu khí quyển trong nhiều nghìn năm để phân tích. Kết quả của nghiên cứu này mới được công bố mới đây trên tạp chí Nature Geoscience.

Sâu 800m dưới lớp băng Nam Cực là các chủng vi khuẩn sinh tồn bằng cách tiêu thụ khí mê-tan (Ảnh minh họa)

Nhóm nghiên cứu đã xem xét bộ gen của vi khuẩn và nồng độ mê-tan trong các mẫu. Họ tin rằng có một hồ chứa mê-tan lớn nằm dưới lớp băng ở Tây Nam Cực và vi khuẩn đã sử dụng chúng làm “thức ăn”. Thông qua quá trình oxy hóa mê-tan, những vi khuẩn sống ở hồ Whillans có thể tiêu thụ hơn 99% khí mê-tan.

Điều này mang rất nhiều ý nghĩa, bởi khí mê-tan trong khí quyển ít hơn nhiều carbon dioxide, nhưng gây tác hại mạnh hơn nhiều lần. Trong vòng 20 năm qua, nó đã làm trái đất nóng lên gấp 86 lần so với CO2.

Các vi khuẩn đem lại giải pháp mới cho việc kiểm soát khí nhà kính và khám phá sự sống ngoài trái đất (Ảnh minh họa)

Tác giả chính, Alexander Michaud, Đại học Montana, cho biết: “Điều này không chỉ quan trọng đối với khí hậu toàn cầu mà còn cho thấy oxy hóa mê-tan có thể là một cách thức các sinh vật sử dụng phổ biến dưới lớp băng Tây Nam Cực.”

Sự hiện diện của vi khuẩn của môi trường khắc nghiệt này cũng làm tăng khả năng sự sống tồn tại trên các mặt trăng băng của sao Thổ và sao Mộc hứa hẹn một ngày nào đó con người sẽ tìm ra.

Hoài Anh

Xem thêm: