Người cổ đại tin rằng một khi bạn dấn thân vào đây thì một đi không trở lại. Rất lâu trước đây, nơi ấy từng có nhà cửa, đền chùa, tất cả giờ đã bị chôn vùi dưới lớp cát của sa mạc rộng lớn Taklamakan.

Những di tích cổ xưa quý báu đang ẩn mình sâu bên dưới “Biển Chết” – hay sa mạc Taklamakan.

Các nhà khảo cổ học đã bắt đầu khám phá được một số bí mật ẩn giấu trong khu vực bí ẩn này. Nhưng dường như chúng ta chỉ mới tiếp cận lớp bề mặt bên ngoài, và chỉ có thời gian mới có thể làm sáng tỏ thêm những kì quan đang trông chờ được khám phá.

Sa mạc Taklamakan là sa mạc rộng lớn nhất Trung Quốc, và là sa mạc lớn thứ 2 trên thế giới bao phủ một vùng diện tích hơn 33.700 km2. Trong tiếng Duy Ngô Nhĩ, Taklamakan hay Takla Makan có nghĩa là ‘một đi không trở lại’ và đó là lý do tại sao người ta gọi sa mạc này là ‘Biển Chết’.

Sa mạc Taklamakan có vai trò rất quan trọng đối với người dân trong khu vực.

Sa mạc Taklamakan nằm ở phía Tây Bắc Trung Quốc.

Những bí mật từ quá khứ ẩn mình dưới lớp cát của sa mạc Taklamakan rộng lớn. (Ảnh: Internet)

Truyền thuyết xưa kể rằng, rất lâu trước đây, một Đấng Siêu nhiên đầy quyền năng nhìn thấy người dân trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nên đã tỏ ý muốn giúp họ. Ông ban cho họ hai trong số những báu vật thần kỳ của mình là chiếc rìu vàng và chiếc chìa khóa vàng.

Ông ban chiếc rìu vàng cho người Cáp Tát Khắc để họ xẻ núi Altai nhằm thông nước từ trên núi cao xuống đồng ruộng.

Đấng Siêu Nhiên định mang tặng chiếc chìa khóa vàng cho người Duy Ngô Nhĩ để họ mở cách cửa vào ngôi nhà kho báu tại lòng chảo Tarim, nhưng tiếc thay người con gái út của ông đã đánh mất chiếc chìa khóa. Điều này khiến ông tức giận đến nỗi bắt giam con gái trong lòng chảo Tarim này, và đây là nguồn gốc hình thành sa mạc Taklamakan.

Các nhà sử học biết rằng vào thời cận đại, sa mạc Taklamakan đóng một vai trò quan trọng trong giao thương buôn bán. Có những ốc đảo nằm trên hai tuyến đường xung quanh sa mạc, đây là những điểm giao thương quan trọng trên Con đường Tơ lụa.

Trong những món hàng quý được vận chuyển qua khu vực, lụa có lẽ là mặt hàng ấn tượng nhất đối với người phương Tây.

Năm 1896, tại thị trấn ốc đảo Dandan Oilik, nằm ở trung tâm Sa mạc Taklamakan, nhà thám hiểm người Thụy Điển Sven Hedin đã có một khám phá sửng sốt.

Vài xác ướp được tìm thấy tại sa mạc Taklamakan (Ảnh: Internet)

Trong cuộc phỏng vấn với tờ English People Daily, Zhang Yuzhong, nguyên phó giám đốc Viện Nghiên cứu Khảo cổ học Tân Cương cho biết:

“Trong quá khứ, các chuyên gia Trung Quốc và nước ngoài đều tin rằng không có vết tích của con người trong sa mạc này.”

Nhưng Sven Hedin lại tìm thấy nhiều di tích nhà ở tại đây. Sau này, Aurel Stein, một nhà thám hiểm khác được biết đến như người tiên phong khai phá con đường tơ lụa, đã lưu lại sa mạc trong hai tuần và tìm thấy tàn tích của 18 ngôi nhà khác cùng một vài ngôi đền. Ông cũng tìm thấy một vài tư liệu từ thời nhà Đường và nhà Hán.

Năm 1900, Hedin một lần nữa quay trở lại Taklamakan. Lần này, ông tìm thấy tàn tích của thành cổ Lâu Lan bị chôn vùi dưới lớp cát.

Ông Zhang cho biết:

“Thành cổ Lâu Lan là thủ đô của vương quốc Lâu Lan, có niên đại thậm chí còn lớn hơn thị trấn Dandan Oilik.

Hai khám phá nói trên, Dandan Oilik và Lâu Lan, là những sự kiện khảo cổ có ý nghĩa quan trọng ở Tân Cương”.

Vào năm 1910, tức 10 năm sau khi thành cổ Lâu Lan được phát hiện, một thợ săn địa phương đã tìm thấy một ngôi mộ gần một con lạch (nhánh sông nhỏ), cách Lâu Lan 175 km. Được đặt tên là “mộ lạch”, ngôi mộ được xây với hơn 100 cọc gỗ dựng trên một cồn cát. Nó được coi là một trong những bí ẩn đáng kinh ngạc nhất của nền văn minh châu Á cổ đại.

Theo ông Zhang, “Ngôi mộ này thuộc về đầu thời kì đồ Đồng, ứng với lịch sử Tân Cương vào khoảng 4.000 năm về trước.”

Nửa thế kỷ sau, vào năm 1979, tại Lâu Lan người ta phát hiện một xác ướp phụ nữ có niên đại gần 4.000 năm tuổi. Xác ướp ở trong tình trạng bảo quản tốt và được đặt tên là “Người đẹp Lâu Lan”.

Xác ướp có tên gọi “Người đẹp Lâu Lan”. Bên phải là hình ảnh phục dựng khuôn mặt cô. (Ảnh: Internet)

Năm 1995, tại khu di tích Niya tại phía nam sa mạc, người ta tìm thấy loại vải thêu kim tuyến cổ đại mà theo quan sát đánh giá đã được sản xuất tại tỉnh Tứ Xuyên vào thời nhà Hán. Đây đã trở thành một trong những phát hiện khảo cổ ấn tượng nhất của năm.

Năm 2003, trong một cuộc khai quật nữa tại “mộ lạch”, người ta tìm thấy một xác ướp phụ nữ khác cũng trong tình trạng bảo quản tốt. Ước tính có niên đại khoảng hơn 4.000 năm, xác ướp này vẫn còn lưu giữ được những đường nét đẹp trên khuôn mặt, hàng lông mi dày và một nụ cười hiện rõ. Vẻ đẹp của cô một lần nữa làm thế giới chấn động, 24 năm sau vụ khai quật “người đẹp Lâu Lan”.

Ước tính có niên đại khoảng hơn 4.000 năm, xác ướp này vẫn còn lưu giữ được những đường nét đẹp trên khuôn mặt, hàng lông mi dày và một nụ cười hiện rõ. (Ảnh: Internet)

Ai từng cư ngụ tại sa mạc rộng lớn này và họ có liên hệ gì với lục địa Châu Âu?

Vào cuối thập niên 80 của thế kỉ 20, các nhà khảo cổ tìm thấy thêm một vài xác ướp cũng trong tình trạng bảo quản khá tốt tại sa mạc Taklamakan.

Những xác ướp được bảo quản hoàn hảo ước tính có niên đại ít nhất 3.000 năm. Những xác ướp này có mái tóc màu vàng hung, và các đặc điểm của người Châu Âu mà dường như không phải của tổ tiên người Trung Quốc hiện đại. Các nhà khảo cổ học hiện cho rằng những người này có lẽ là cư dân của một nền văn minh cổ xưa từng tồn tại ở vùng đất giáp ranh giữa Trung Quốc và Châu Âu.

Một người đàn ông Tocharian với mái tóc màu vàng hung, các đặc điểm nhận dạng của người Châu Âu vẫn rõ nét sau gần 3.500 năm ngủ yên trong mộ tại sa mạc Taklamakan. (Ảnh: Internet)

Dường như cả một thế giới cổ đại bí mật vẫn đang ẩn mình dưới lớp cát sa mạc. Các nhà khảo cổ học sẽ có những phát hiện kinh ngạc nào khác tại vùng đất đầy nguy hiểm và bí ẩn này?

Ngự Yên (theo ancientpages)

Xem thêm: