Bộ xương hóa thạch với chiều dài 12 m niên đại 150 triệu năm lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Cực có vẻ ngoài giống hệt quái vật hồ LochNess trong truyền thuyết.
Tờ International Business Times hôm 23/12 đưa tin, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bộ xương quái vật biển 150 triệu năm tuổi từ kỷ Jura ở Nam Cực, nó vẫn còn khá nguyên vẹn nhờ vào thời tiết khắc nghiệt và lạnh giá nơi đây.
Sau khi kiểm nghiệm bộ xương, các nhà nghiên cứu xác định sinh vật này thuộc loài thằn lằn cổ dài hay còn gọi là xà đầu long (plesiosaur) trông rất giống quái vật hồ LochNess. Nó từng thống trị đại dương trong hơn một trăm triệu năm, trước khi biến mất cùng thời điểm loài khủng long tuyệt chủng.
Con quái vật biển 4 vây có thân hình khổng lồ dùng để di chuyển trong nước và chiếc cổ dài uốn cong. Loài thằn lằn cổ dài từng sinh sống phổ biến trong các đại dương trên Trái Đất ở thời kỳ Nam Cực vẫn còn là một phần của lục địa Gondwana.
Các nhà nghiên cứu phải mất 2 tiếng đồng hồ bằng máy bay trực thăng để di chuyển từ trạm Marambio ở Argentina đến Nam Cực để di chuyển đến rìa lục địa đóng băng, nơi mà họ phát hiện ra bộ xương hóa thạch. Phát hiện này cũng được chú ý vì đây là bằng chứng thiết thực cho thấy có sự sống tồn tại ở Nam Cực sớm hơn hàng chục triệu năm so với những dự đoán từ trước.
Nhà cổ sinh vật học José Patricio O’Gorman, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Đây là hóa thạch Plesiosaur sớm hơn 80 triệu năm so với những gì chúng tôi từng biết. Nơi này thật thú vị vì trong suốt nhiều năm qua chưa có ai đặt chân tới đây.”
Soledad Cavalli, nhà cổ sinh vật học ở Hội đồng nghiên cứu kỹ thuật và khoa học quốc gia Argentina nói: “Phát hiện nay vô cùng đặc biệt vì tôi nghĩ môi trường nơi đây khó có thể bảo quản xương cốt. Tại khu vực khai quật, chúng tôi còn tìm thấy nhiều sinh vật đa dạng như cá, vỏ ốc hóa đá, động vật hai mảnh vỏ nên việc tìm thấy một con thằn lằn cổ đại thì đây là ngoài sức tưởng tượng.”
Theo Cavalli, điều làm các nhà nghiên cứu kinh ngạc là việc mẫu vật được bảo quản tốt tới mức gần như nguyên vẹn dưới đáy biển – nơi gần như không có oxy giúp các sinh vật cũng như tổ chức sống tồn tại. Chính điều kiện này giúp mẫu vật khỏi bị phá hủy bởi động vật biển, đồng thời đảm bảo quá trình thối rữa không xảy ra.
Việc mẫu hóa thạch này trông rất giống với quái vật hồ LochNess làm dấy lên một câu hỏi rằng: “Liệu loài thằn lằn này có thật sự đã tuyệt chủng và có khả năng quái vật hồ LochNess chính là một số ít những con Plesiosaur còn tồn tại đến ngày nay?”
Những mẫu hóa thạch đầu tiên của thằn lằn cổ dài được phát hiện từ thế kỷ 18 và rất thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học thời kỳ đó.
Video: Các nhà khoa học khai quật bộ xương thằn lằn cổ dài ở Nam Cực. (Video: YouTube)
Sơn Tùng