Năm 1977, một con tàu đánh cá của Nhật đã bắt được xác một con vật khổng lồ bí ẩn tại vùng biển ngoài khơi New Zealand. Họ nghi ngờ đây có thể là cá thể sống hiếm hoi của một loài quái ngư nổi tiếng đã tuyệt chủng thời tiền sử.
Mẻ lưới kỳ lạ
Ngày 25/4/1977, một tàu đánh cá của công ty đánh cá Taiyo (Nhật Bản) mang tên Zuiyo-maru khi đang đánh cá cách thành phố biển Christchurch ở New Zealand 45 km thì bất chợt vớt được xác một con động vật khổng lồ trong mẻ lưới tại độ sâu khoảng 300 m.
Khi con vật khổng lồ, với trọng lượng ước chừng gần 2 tấn, được kéo lên boong, phó giám đốc sản xuất Michihiko Yano, một nhà sinh học, một thủy thủ đoàn dày dặn kinh nghiệm đã chạy đến xem, rồi quay lại báo cáo với thuyền trưởng Akira Tanaka:
“Đó là một con cá voi [đã chết], đang phân hủy!”.
Tuy nhiên, sau khi tiến đến gần để quan sát kỹ hơn, Yano bắt đầu do dự với phán đoán ban đầu của mình. Thực tế, 17 thủy thủ đoàn khác trên boong cũng có những nhận định riêng biệt, một số cho đây là một con rùa lớn đã mất mai. Tuy vậy, không ai trên tàu biết chắc nó là gì.
Xác con vật kỳ lạ khi đó gần như đã bị phân hủy toàn bộ, chỉ chừa lại (một phần hoặc toàn bộ) khung xương, thuyền trưởng và các thủy thủ lo ngại nếu giữ trên tàu sẽ làm hỏng mẻ cá thu tươi rói vừa đánh được, nên quyết định thả trở về đại dương. Lúc chuẩn bị hạ thủy, bất chợt cái xác trôi tuột khỏi sợi dây thừng rồi rơi xuống mặt boong. Ông Yano, vốn là một nhà sinh học chuyên nghiệp, từng được đào tạo tại Trường Trung học Hải dương học Yamaguchi, nhận thấy cái xác của con vật vô danh này sẽ có ý nghĩa rất to lớn đối với nghiên cứu khoa học, nên đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để tiến đến xem xét kỹ hơn.
Ông đã đo đạc kích thước, chụp ảnh con vật bằng camera mượn từ một thủy thủ. Ước chừng con vật dài khoảng 10 m, tức dài bằng một chiếc xe tải chở hàng. Yano cũng đã thu thập 42 mảnh “sợi sừng” cứng ở vây trước, hy vọng có thể giúp xác định danh tính con vật. Sau đó, con vật được thả trôi xuống một bên mạn tàu, trở về với đại dương. Hai tháng sau, nhớ lại sự kiện này, Yano đã phác thảo ra giấy hình dạng con thú.
Sự phấn khích
Khi trở về, Yano đã mang bức ảnh ra rửa. Ban lãnh đạo công ty Taiyo đã rất chấn động khi xem chúng, trong ảnh là một con vật kỳ dị với cái đầu nhỏ và cái cổ dài ngoằng ngoẵng. Các nhà khoa học địa phương đã được mời đến, phần đông rằng họ chưa từng nhìn thấy bất kỳ thứ gì tương tự. Một số thậm chí phỏng đoán đây có thể là một loài sinh vật thời tiền sử, như plesiosaur.
Ngày 20/7/1977, khi sự phấn khích và tin đồn xoay quanh phát hiện này bắt đầu lan truyền rộng, ban lãnh đạo công ty Taiyo đã tổ chức một cuộc họp báo để chính thức công bố phát hiện. Cùng ngày, một vài tờ báo đã đăng tải khám phá này lên trang nhất, và sự việc dần xuất hiện trên truyền hình và radio trên khắp nước Nhật.
GS Yoshinori Imaizumi, giám đốc nghiên cứu động vật tại Bảo tàng Khoa học Quốc gia Tokyo nhận định:
“Đây không phải một con cá, một con cá voi, hay bất kỳ loài động vật có vú nào khác… Nó là một loài bò sát, nhìn bức phác họa [của Yano] thì rất giống một con plesiosaur. Đây là một phát hiện quý giá và quan trọng đối với nhân loại. Dường như loài động vật này chưa hề tuyệt chủng”.
Tokio Shikama, nhà cổ sinh vật học từ Đại học Quốc gia Yokohama cũng ủng hộ giả thuyết này. Ông nói:
“Đây hẳn là một con plesiosaurus. Loài động vật này vẫn tung hoành đâu đó ở vùng biển ngoài khơi New Zealand”.
Plesiosaurus, như nhiều người biết, là một loài động vật sống vào thời đầu kỷ Jura, cùng thời với khủng long. Với thân hình cồng kềnh và cư ngụ chủ yếu dưới nước, Plesiosaurus được ví như “khủng long biển”. Khi vụ việc tiểu hành tinh va chạm Trái Đất theo giả thuyết xảy ra, chúng đã cùng khủng long đi đến bến bờ tuyệt chủng, không thể tồn tại cho đến tận ngày nay. Do đó, việc một con plesiosaurus còn sống sót đến thời cận đại, là một phát hiện có tầm cỡ trọng đại, nó đặt dấu hỏi lớn cho lịch sử tiến hóa sinh vật như chúng ta biết ngày nay.
Tin tức về vụ phát hiện nhanh chóng lan sang các nước phương Tây. Một số nhà khoa học ở Mỹ và Châu Âu tỏ ra nghi ngờ giả thuyết này. Lấy ví dụ, nhà cổ sinh vật học Bob Schaeffer từ Bảo tàng Hoa Kỳ ở New York cho biết người ta đã từng tìm thấy xác những con vật ban đầu được cho là khủng long, nhưng sau lại được xác định là cá nhám phơi nắng (một loài cá mập cỡ lớn) hoặc cá voi cận trưởng thành. Hay như theo ý kiến của nhà động vật học Alan Fraser-Brunner từ Vườn thú Edinburgh ở Scotland, Vương quốc Anh, đây là xác một con sư tử biển. George Zug, giám đốc bộ phận bảo tàng của Viện Nghiên cứu Smithsonian, Mỹ, thì lại cho rằng, đây là xác một con rùa da đang phân hủy.
Sự khác biệt trong ý kiến các chuyên gia là do các nhà sinh học và động vật học thường làm việc với các mẫu vật sống, nguyên vẹn thay vì các xác chết đã phân hủy qua thời gian lâu, mà khi đó các cơ quan nội tạng trong và ngoài có thể đã biến dạng rất lớn so với cá thể sống ban đầu.
Sự việc được đẩy lên cao trào vào ngày 25/7/1977, khi Công ty Taiyo công bố báo cáo sơ bộ về kết quả xét nghiệm sinh hóa trên các mẫu sợi sừng mà Yano thu thập được. Báo cáo cho biết các mẫu sừng “có sự tương đồng về bản chất so với sợi sừng của một loài động vật sống”. “Loài động vật sống” được nói đến ở đây là cá mập; tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ điểm này, khiến gia tăng sự hiểu sai của công chúng, và câu chuyện quái vật tiếp tục lan truyền nhanh hơn. Các nhà sản xuất đồ chơi bắt đầu tạo ra các mẫu đồ chơi quái vật phỏng theo hình dáng cái xác, trong khi công ty sản xuất chiếc máy ảnh mà Yano dùng để chụp hình đã phát động một chiến dịch quảng bá rầm rộ xoay quanh những bức ảnh chụp “quái vật biển” kinh hãi. Thậm chí, hàng chục tàu thuyền từ khắp Nhật Bản, Nga, và Hàn Quốc được báo cáo đã vội vàng giương buồm đến vùng biển New Zealand, hy vọng bắt lại được con quái vật mới bị vứt bỏ. Tràn ngập sự phấn khích, một người Nhật thổ lộ, anh từng nghĩ quái vật biển chỉ có trong truyền thuyết, nhưng anh “đã nhảy cẫng lên khi đọc trên báo và biết rằng nó vẫn còn sống!”. Chính phủ Nhật thậm chí còn cho in một loại tem mới (hình dưới) in hình một con plesiosaur. Mọi người như được sống lại cái thời mà con quái vật Godzilla “đột kích” các phòng chiếu bóng ở Nhật Bản và trên toàn cầu.
Việc một con plesiosau còn sống sót đến thời cận đại, là một phát hiện có tầm cỡ trọng đại, nó đặt dấu hỏi lớn cho lịch sử tiến hóa sinh vật như chúng ta biết ngày nay.
Phải chăng tàu Zuiyo-maru đã vô tình bắt được con quái ngư huyền thoại thời tiền sử? Đâu trả lời sẽ có trong phần 2.
(còn tiếp)
Thanh Tước