Giới chức New Zealand đã phải đóng cửa một bãi biển do lo ngại tình trạng xác cá voi mắc cạn phát nổ trong quá trình phân hủy.

Ứng phó với sự cố hơn 650 con cá voi hoa tiêu mắc cạn tại bờ biển New Zealand vào cuối tuần trước, lực lượng cứu hộ nước này đã đưa trở lại biển thành công 17 con cá voi, tái nhập với một đàn lớn gồm hơn 200 con đang hoạt động cách bờ khoảng 6 km.

Nhưng công việc mới chỉ bắt đầu cho lực lượng cứu họ, khi còn tới hàng trăm xác cá đang nằm rải rác dọc bãi biển Farewell Spit, và công chúng hiện đã bị cấm lui tới khu vực này do lo ngại về khả năng xảy ra các vụ phát nổ xác cá thình lình trong quá trình tích tụ khí.

xac ca voi phat no new zealand (4)Bờ biển Farewell Spit la liệt xác cá voi chết sau một đêm. (Ảnh: Internet)

“Những vụ nổ xuất phát từ phần bụng và nếu bạn đứng gần, sẽ chẳng thú vị gì nếu nguyên ‘quả bom’ đó ập vào mặt”, ông Mike Ogle, giám đốc Bộ Bảo tồn New Zealand (DOC), cho biết.

“Chúng tôi chưa bao giờ phải đối phó số lượng xác cá voi lên tới 250 con như vậy, và hầu hết chúng đều nặng hơn một tấn”, ông nói thêm

Đây được coi là một trong những vụ cá voi mắc cạn tập thể tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, khi 416 con cá voi hoa tiêu dạt vào bãi biển Farewell Spit của đảo Nam tối thứ năm tuần trước (9/2), theo sau bởi khoảng 240 con khác bị mắc cạn vào cuối hôm thứ bảy (11/2).

Trong vụ mắc cạn đầu tiên, gần 75% cá voi đã chết khi các nhân viên DOC đến vào sáng thứ sáu (10/2). Tình hình khả quan hơn với nhóm thứ hai, khi hầu hết số cá mắc cạn có thể tự nổi sau khi triều dâng vào đêm chủ nhật (12/2), nên 17 con cá sống sót đang bị mắc cạn đã được giải cứu thành công.

Như vậy, các nhân viên DOC sẽ phải giải quyết khoảng 240 xác cá voi.

xac ca voi phat no new zealand (3)Đội cứu hộ DOC đang giải cứu cá voi mắc cạn tại bờ biển Farewell Spit, phía nam New Zealand, hôm 11/2. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, cái khó không chỉ nằm ở việc dịch chuyển hàng trăm xác cá voi nặng cả tấn đang nhanh chóng phân hủy, mà còn ở việc xác cá sẽ phát nổ sau khi chết, do khí phân hủy tích tụ bên trong dạ dày chúng như một quả bóng bay khổng lồ.

“Chúng sẽ phình lên – có rất nhiều vi khuẩn trong dạ dày của chúng để phân hủy các thứ – và phần ruột thực sự sẽ lòi ra ngoài xác cá trước khi phát nổ”, phát ngôn viên Andrew Lamason của DOC cho biết.

“Những vụ nổ xuất phát từ phần bụng và nếu bạn đứng gần, sẽ chẳng thú vị gì nếu nguyên ‘quả bom’ đó ập vào mặt”.

– Mike Ogle, giám đốc Bộ Bảo tồn New Zealand

Nếu muốn biết xác cá voi nổ tung như thế nào, hãy xem video sau:

 

“Sáng nay, chúng tôi đã cho người xuống đó để tiến hành đục lỗ trên xác cá, nhằm giải phóng khí tích tụ. Hy vọng rằng bằng cách này chúng sẽ không bị trương lên quá nhiều rồi lại bị trôi dạt ra biển”, Andrew cho biết thêm.

Được mô tả giống với trò “chọc bóng bay”, quá trình giải phóng khí nén được tiến hành bằng cách dùng các loại dao khác nhau và một cây kim đặc biệt, dài tới 2 mét dùng đâm dưới da để đâm thủng và làm khí xì ra khỏi xác cá.

DOC cũng đang xem xét việc xây dựng một hàng rào bao xung quanh để ngăn chúng trôi ra biển rồi lại dạt vào các bãi biển lân cận ở Nelson và Kapiti.

Chưa rõ một khi nguy cơ xác cá phát nổ được chặn đứng thì bước tiếp theo sẽ như thế nào, nhưng theo thông tin được DOC công bố ngày 13/2, nhiều khả năng họ sẽ di chuyển chúng lên phía trên bãi biển Farewell Spit, tới khu vực bảo tồn thiên nhiên không mở cửa cho công chúng. Sau đó những cái xác sẽ được mang vào bờ để phân hủy trong cồn cát.

Vụ mắc cạn vào tối hôm thứ năm (9/2) được cho là lớn thứ ba trong lịch sử New Zealand,

Điều đáng lo ngại nhất là chưa ai có thể giải thích nguyên nhân xảy ra vụ việc này, và nó không chỉ xảy ra ở New Zealand, đây là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Lấy ví dụ, vào năm 2015, 337 xác cá voi được phát hiện ngoài khơi bờ biển Patagonia ở miền nam Chile. Năm 2009, 55 cá voi sát thủ bị mắc kẹt tại một bãi biển ở Nam Phi, và vào năm 2016, khoảng 80 con cá voi mắc cạn tại bờ biển vịnh Bengal, Ấn Độ.

xac ca voi phat no new zealand (2)Xác cá voi tại bờ biển Chile. (Ảnh: Internet)

Không chỉ cá coi, hiện tượng trôi dạt và mắc cạn vào bờ còn xảy đến với các loài động vật biển có vú khác như cá heo.

Một số giả thuyết đã được đưa ra nhằm giải thích cho hiện tượng này.

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng lực hút của mặt trăng có thể là một nguyên nhân. Bởi, những cơn bão ven bờ và thủy triều lớn gần thời điểm trăng non và trăng tròn nhiều khả năng đã làm lũ cá mất phương hướng và chẳng may bơi vào các vùng nước nông nguy hiểm. Nhưng chưa có ai có thể chứng minh mối liên hệ của các sự kiện này với các vụ mắc cạn xảy ra gần đây, điều này đã thôi thúc NASA vào cuộc.

Chỉ mới tuần trước, NASA công bố triển khai một cuộc điều tra mới về vai trò của bão mặt trời trong các vụ cá voi mắc cạn số lượng lớn. Bão mặt trời có khả năng gây nhiễu loạn từ trường trái đất, trong khi rất nhiều loài động vật biển có vú sử dụng cảm ứng từ trường để định hướng.

Trong trường hợp này, có thể đơn giản lũ cá đã không may khi di chuyển vào một khu vực rủi ro trong một thời điểm nhạy cảm. Cần nhấn mạnh rằng Farewell Spit là một nơi đặc biệt khó khăn để cá voi định hướng, vì các bờ cát phản xạ rất kém sóng siêu âm do cá voi phát ra.

Nhóm mắc cạn đầu tiên có thể đã vô tình bơi quá gần bờ, sau đó bị mắc kẹt khi thủy triều rút. Nhóm thứ hai có thể đã bị thu hút bởi tiếng gọi của nhóm đầu tiên.

“Chúng tôi không biết lý do tại sao … cả đàn tiến vào. Có thể chúng đã bắt được tín hiệu từ những con cá voi bị mắc kẹt ở đây nên mới tiến vào. Vụ việc này rất bất thường, không phải thứ gì chúng tôi từng thấy trước đây” Daren Grover, giám đốc tổ chức bảo tồn Dự án Jonah cho hay.

Hy vọng rằng, sau khi những cái xác còn lại được lấy mẫu xét nghiệm, chúng ta có thể tìm được thêm nhiều manh mối về vụ mắc cạn bí ẩn này

“Bằng cách lấy mẫu sinh thiết và tiến hành phân tích, chúng tôi có thể phân tách các nguyên nhân đằng sau vụ việc. Nó có thể đơn giản chỉ là do can nhiễu đến hệ thống định vị của chúng, nhưng đây dù sao vẫn chỉ là một giả thuyết” –  phát ngôn viên của DOC,  Herb Christophers chia sẻ.

“Cũng có ý kiến cho rằng do bản chất của toàn bộ vùng bờ biển Farewell Spit là một doi cát rất nông, nên đã gây khó khăn cho việc định vị bằng tiếng vang của những con cá voi khi tìm đường ra khỏi khu vực”.

Tôn Kiên (theo Science alert)

Xem thêm: