Mokèlé-mbèmbé là tên gọi của một loài sinh vật được cho là trú ngụ ở thượng nguồn lưu vực sông Congo, bao gồm các quốc gia như Congo, Zambia và Cameroon, cũng như trong hồ Tele (thuộc Cộng hòa Congo) và các khu vực lân cận.
Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Lingala, và thường được phiên dịch là ‘kẻ chặn đứng dòng chảy của con sông’, được cho là để ám chỉ thiên hướng thích ẩn náu tại những chỗ uốn khúc của dòng sông của loài sinh vật này. Mokèlé-mbèmbé còn được cho là từ để chỉ ‘cầu vồng’, cũng như ‘sự bí ẩn’, theo Paul Ohlin, một nhà truyền giáo đã dành hơn một thập kỷ sinh sống với tộc người lùn Pích-mi Bayaka tại Congo và Cộng hòa Trung Phi.
Những miêu tả về con thuỷ quái
Qua nhiều năm, vô số các miêu tả về hình dạng của Mokèlé-mbèmbé đã được đưa ra. Nhìn chung, các miêu tả khác nhau đều nhìn nhận rằng loài sinh vật này có một kích cỡ khổng lồ, và có một cái cổ dài cùng một cái đầu nhỏ, cũng như một cái đuôi dài.
Theo một số miêu tả, Mokèlé-mbèmbé còn được cho là một sinh vật ăn cỏ sinh sống trong các hang động gần khu vực sông Congo, nơi nó có thể tìm thấy món ăn ưa thích của mình – một giống dây leo nào đó. Tuy có một chế độ thực phẩm chỉ toàn ‘rau dưa’, nhưng người ta cho rằng Mokèlé-mbèmbé sẽ phản kháng rất hung dữ khi bị con người tiếp cận. Trong một miêu tả, người ta nói rằng loài thủy quái này có một chiếc sừng đơn, có lẽ giống một con tê giác, mà nó sẽ sử dụng để giết voi. Thậm chí còn có tuyên bố cho rằng Mokèlé-mbèmbé là một sinh vật linh thiêng, chứ không phải là một con động vật có thực.
Ảnh minh họa một con Mokèlé-mbèmbé. (Ảnh: Wikipedia)
Những vụ chứng kiến Mokèlé-mbèmbé
Báo cáo đầu tiên của phương Tây về Mokèlé-mbèmbé là vào năm 1776, được cho là của Liévin-Bonaventure Proyart, một nhà truyền giáo người Pháp tại khu vực sông Congo. Vị giáo sĩ này báo cáo rằng ông đã nhìn thấy những dấu chân khổng lồ (có đường kính khoảng 1 m với các vệt móng vuốt) của một loài động vật nào đó trong khu vực. Tuy nhiên, chưa ai nhìn thấy loài sinh vật này. Không có thêm báo cáo nào về Mokèlé-mbèmbé cho đến tận đầu thế kỷ 20.
Quang cảnh nhìn từ trên cao của con sông Congo gần thành phố Kisangani. (Ảnh: Wikipedia)
Năm 1909, một nhà thám hiểm với tên gọi Trung úy Paul Gratz đã miêu tả về một sinh vật tương tự như Mokèlé-mbèmbé, nhưng được gọi là ‘Nsanga’. Sinh vật này đã được đề cập đến trong các truyền thuyết của các cư dân bản địa sinh sống tại khu vực ngày nay là Zambia, và được đồn thổi là đang cư trú trong khu vực hồ Bangweulu. Báo cáo của Trung úy Gratz là khá quan trọng, vì đây là tư liệu đầu tiên miêu tả sinh vật này giống với loài khủng long. Kể từ đó, Mokèlé-mbèmbé đã dần được công nhận một cách rộng rãi là một chủng loài khủng long thời tiền sử.
Trong cùng khoảng thời gian đó, Carl Hagenbeck, một thợ săn thú lớn lừng danh người Đức, đã tuyên bố rằng ông cũng đã nghe kể về con quái thú này. Trong cuốn tự truyện của mình, Beasts and Men (tạm dịch: Quái thú và Con người), ông Hagenbeck nói rằng ông đã được nghe kể về “một con quái vật khổng lồ, nửa voi, nửa rồng” sinh sống “sâu bên dưới các đầm lầy lớn” trong khu vực Rhodesia (một quốc gia không được công nhận trong lịch sử, từng chiếm đóng vùng lãnh thổ ngày nay là Zimbabwe). Ngoài ra ông Hagenbeck còn viết:
“Tôi gần như bị thuyết phục rằng một số loài bò sát như vậy chắc hẳn vẫn còn tồn tại [cho đến ngày nay]. Do vậy, tôi đã tốn rất nhiều chi phí để tổ chức một đoàn thám hiểm đi tìm con quái vật này, nhưng thật đáng tiếc khi họ đã bị buộc phải trở về trong khi chưa chứng minh được bất cứ điều gì”.
Một con khủng long ăn cỏ Diplodocus đang chồm lên trong tác phẩm của họa sĩ Charles Knight. (Ảnh: Wikipedia)
Tranh luận xoay quanh sự tồn tại của thủy quái Mokèlé-mbèmbé
Ông Hagenbeck có thể là người phương Tây đầu tiên đã dẫn đầu một đoàn thám hiểm đi tìm Mokèlé-mbèmbé, nhưng ông chắc chắn không phải người cuối cùng. Tính đến năm 2011, hơn 50 cuộc thám hiểm đã được tiến hành để tìm kiếm loài sinh vật này. Ngoài các dấu chân, các bức ảnh chụp lờ mờ, và hàng tá các báo cáo chất đống từ những nhân chứng (bao gồm cả báo cáo trong đó một nhà truyền giáo tuyên bố có quen biết một số người lùn Pích-mi đã từng giết một con Mokèlé-mbèmbé vào những năm 1960), thì vẫn còn thiếu các bằng chứng xác thực để chứng minh cho sự tồn tại của con thủy quái này.
Ngoài việc thiếu vắng các bằng chứng xác thực, sự tồn tại của Mokèlé-mbèmbé cũng bị hoài nghi dựa trên một vài yếu tố. Lấy ví dụ, có lập luận cho rằng, nếu Mokèlé-mbèmbé là một con khủng long từ thời tiền sử, như nhiều người tuyên bố, thì sẽ rất khó có khả năng chỉ có một con động vật riêng lẻ, hay một vài cá thể duy nhất. Nếu Mokèlé-mbèmbé đã sinh tồn trong lưu vực sông Congo trong vòng 65 triệu năm qua, thì hẳn phải có một quần thể khá lớn tại đây. Khi đó, khá nhiều bằng chứng hữu hình (ví như di thể xương sọ hay phân) chắc hẳn đã được sinh vật này lưu lại, và đã nên phải được tìm thấy ngày nay.
Tác giả: Wu Mingren, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch
Xem thêm: