Có người cho rằng bạn không thể gấp đôi một tờ giấy lên đến 7 lần. Nhưng liệu điều này có đúng không?Trong một video đăng tải gần đây, kênh YouTube nổi tiếng Hydraulic Press đã đi tìm lời giải cho bí ẩn này.

Trong video, một tờ giấy A3 được gấp đôi liên tục trong 7 lần. Công việc này đòi hỏi phải dùng đến máy nén thủy lực, đặc biệt trong các lần gấp về sau, vì sẽ rất khó nếu chỉ đơn thuần dựa vào sức mạnh bàn tay. Tuy nhiên, sau khi máy nén thủy lực đè xuống để tiến hành gấp lần thứ bảy, tờ giấy dường như phát nổ, và các mảnh vụn thu được vừa giòn vừa cứng.

Xem video thí nghiệm:

Vậy tại sao tờ giấy phát nổ? Câu trả lời không nằm ở tờ giấy, mà chính ở phương pháp gấp tờ giấy này.

Khi một tờ giấy được gấp đôi, nó sẽ gia tăng gấp đôi độ dày. Gấp lần nữa, độ dày sẽ tăng lên gấp 4. Cho đến lần gấp thứ 7, tờ giấy sẽ dày gấp 128 lần kích thước ban đầu. Điều này được gọi là cấp số nhân, và nó giải thích tại sao một mảnh giấy thông thường nếu được gấp đến 23 lần sẽ dày đến một kilomet.

giấy42 lần gấp đôi liên tiếp và tờ giấy sẽ vươn tới mặt trăng. (Ảnh: Internet)

Và chỉ sau 103 lần gấp nó sẽ vượt qua phạm vi vũ trụ nhìn thấy được, với khoảng cách xa nhất từ đầu này đến đầu kia là 93 tỷ năm ánh sáng.

Cùng lúc, với mỗi lần gấp bổ sung chúng ta sẽ cần đến nhiều áp lực hơn để ép nén tờ giấy với độ dày không ngừng gia tăng theo cấp số nhân. Đến lần gập thứ bảy, máy nén thủy lực phải dùng đến áp lực cực mạnh để đạt được mục đích. Khi cú gấp phá vỡ mảnh giấy, đầu máy nén được thể lao về phía trước, tạo nên tiếng nổ trong video.

Vài năm trước, Mythbuster (một chương trình khoa học giải trí của Mỹ) đã gập thành công một tờ giấy có kích thước lớn ngang sân bóng được tổng cộng 11 lần với sự hỗ trợ của xe lu – và trong thí nghiệm đó không ghi nhận được bất kỳ tiếng nổ nào. Điều này gợi ý tác nhân đằng sau tiếng nổ trong video bên trên là chiếc máy nén.

Tuy nhiên, một giả thuyết khác đã được đưa ra bởi Thomas Amidon, giáo sư ngành kỹ thuật giấy và quy trình sinh học tại ĐH SUNY (Mỹ). Theo ông, nguyên nhân “vụ nổ” nằm ở các tinh thể Canxi cacbonat (CaCO3), một khoáng chất tạo nên thành phần căn bản của đá san hô và một số loại đá vôi. GS Amidon cho rằng rất có thể áp lực khủng khiếp đè ép xuống tờ giấy vào lần gấp thứ 7 đã khiến các tinh thể cứng CaCO3 này đột ngột vỡ vụn, rồi nổ tung.

“Nó sụp đổ y hệt cột xi măng vậy”, GS Amidon nói.

Video gấp tờ giấy rộng bằng sân bóng lên đến 11 lần nhờ sự hỗ trợ của xe lu:

Quý Khải (theo Ifl Science)

Xem thêm: