Kusanagi-no-Tsurugi (草薙剑, thảo thế kiếm) là một thanh kiếm huyền thoại của Nhật Bản. Vũ khí này, thường được gọi đơn giản là kiếm Kusanagi, là một trong Tam Chủng Thần Khí (ba báu vật thần thánh) của Nhật Bản, và được cho là biểu tượng cho đức tính dũng cảm.
Hai báu vật khác là chiếc gương Yata-no-Kagami (八咫镜, bát chỉ kính) biểu tượng cho trí khôn và viên ngọc Yasakani no Magatama (八尺瓊曲玉, Bát xích quỳnh khúc ngọc) biểu tượng cho lòng nhân từ. Do tính chất hoàng tộc của nó, kiếm Kusanagi thỉnh thoảng đã được so sánh với thanh kiếm huyền thoại Excalibur của vua Arthur. Tuy nhiên, khác biệt với “người đồng cấp” của mình, vị trí cất giữ thanh kiếm Kusanagi đã được biết rõ. Dù vậy, dường như không ai còn sống ngày nay từng nhìn thấy thanh kiếm này, từ đó làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự tồn tại của nó.
Xem thêm:
Yamata-no-Orochi, con rắn 8 đầu
Thanh kiếm Kusanagi lúc ban đầu được gọi là Ame-no-Murakumo-no-Tsurugi (nghĩa là Thiên Tùng Vân Kiếm) và nguồn gốc của nó có liên hệ với một con rắn 8 đầu trong huyền thoại. Con rắn này, được gọi là Yamata-no-Orochi (八岐の大蛇, Bát Kỳ Đại Xà), đã quấy nhiễu một gia đình giàu có ở tỉnh Izumo. Qua nhiều năm, con rắn đã ăn thịt bảy trong số tám người con gái của gia đình này. Do đó, vị trưởng gia đình đã quyết định tới cầu xin sự giúp đỡ của Susanoo, vị thần biển và gió bão trong Shinto giáo. Vị Thần này đã ngay lập tức tấn công con rắn, tuy rằng ông đã không thể đánh bại nó, và buộc phải rút lui.
Thần Susanoo sau đó đã nghĩ ra một kế sách để đánh bại con rắn. Trong một phiên bản của truyền thuyết này, thần Susanoo đã được hứa gả cô con gái cuối cùng trong gia đình nếu ông kết liễu thành công con quái vật này. Trong một phiên bản khác, vị thần này là người đã hỏi cưới cô gái kia, và lời đề nghị đã được cha cô chấp thuận. Tuy nhiên, trong tất cả các phiên bản, kế sách của thần Susanoo đều là khiến cả 8 cái đầu của con rắn Orochi say rượu, sau đó ông sẽ tấn công nó. Do đó, vị thần này đã chuẩn bị 8 bát rượu sake khổng lồ (một loại rượu gạo của Nhật Bản), và đặt chúng ở một địa điểm con quái vật thường đi ngang qua.
Con rắn Orochi đã sập bẫy, và trong khi nó đang bị say mèm và ngủ li bì, thần Susanoo đã nắm lấy cơ hội này để tấn công. Vị thần đã chặt từng cái đầu của con rắn, rồi cắt thân thể của nó [từ đầu] cho đến tận đuôi. Bên trong đuôi con quái vật, vị thần đã tìm thấy thanh kiếm Kusanagi. Thần Susanoo đã không giữ thanh kiếm bên mình lâu dài. Tuy rằng là một vị thần, nhưng Susanoo đã bị trục xuất khỏi thiên đình một thời gian rất lâu trước đó. Truyền thuyết Nhật Bản cũng nói rằng có một sự ganh đua giữa thần Susanoo và em gái ông, nữ thần Amaterasu. Do đó, thần Susanoo đã quyết định đưa thanh kiếm Kusanagi cho cô, để tạo mối quan hệ tốt đẹp với cô và cũng là để chấm dứt tình cảnh tha hương của mình.
Sự tích về Yamato Takeru
Thanh kiếm Kusanagi đã được nữ thần Amaterasu ban cho Yamato Takeru, con trai của Thiên hoàng Keiko (Hoàng đế Nhật Bản, hay Nhật hoàng). Chính trong khoảng thời gian này thanh kiếm Kusanagi đã được đặt cho cái tên như hiện nay. Theo một sự tích, vị hoàng tử đang trong một chuyến đi săn thì một kẻ địch đã phóng hỏa thiêu đốt lớp cỏ khô xung quanh ông. Sử dụng thanh kiếm được nữ thần Amaterasu ban cho, Yamato Takeru đã cắt bỏ đám cỏ đang bốc cháy, rồi hướng ngọn lửa về phía kẻ địch của ông. Do đó, cái tên Kusanagi (Thảo thế kiếm) đã được đặt cho thanh kiếm này.
Có một số sự tích xoay quanh thanh kiếm Kusanagi sau khi nó lọt vào tay Yamato Takeru. Lấy ví dụ, theo tác phẩm Bình Gia vật ngữ (truyện Heike) từ thế kỷ 14, kiếm Kusanagi được cho là đã bị thất lạc sau một trận hải chiến. Tuy nhiên, sự tích này cũng khá đáng ngờ vì thiên sử thi này là một bộ sưu tập các câu chuyện truyền miệng được biên soạn vào khoảng 200 năm sau khi các sự kiện có thực đã xảy ra. Các bản sao đã được chế tạo, ăn trộm và bị thất lạc khi các thành viên đối địch trong hoàng tộc tranh giành ngôi báu.
Hình dạng bí ẩn của thanh kiếm Kusanagi
Ngày nay, kiếm Kusanagi được cho là đang được lưu trữ trong đền Atsuta, một đền thờ Shinto giáo ở thành phố Nagoya. Tuy nhiên, sự hiện hữu của nó không thể được xác nhận, vì dường như không ai còn sống ngày nay từng nhìn thấy thanh kiếm. Thậm chí bản thân đương kim Nhật hoàng được cho là cũng chưa từng nhìn thấy thanh kiếm này. Thanh kiếm này được sử dụng trong các buổi lễ đăng quang của các Thiên hoàng Nhật Bản, và lần cuối cùng điều này xảy ra là vào năm 1989. Nhật hoàng Akihito đã nhận được thanh kiếm này, tuy rằng nó đã được bọc bên trong lớp vải.
Có lẽ có một lý do khá tốt để giữ thanh kiếm Kusanagi khỏi sự chú ý của dư luận. Vào thời kỳ Edo, một tu sĩ được cho là đã được mục kích thanh kiếm này, và viết một miêu tả về nó. Cái chết của ông được cho là đã bị gây ra bởi lời nguyền trên thanh kiếm. Ngoài ra, thanh kiếm được cho là đã từng được cất giữ trong Hoàng cung Tokyo. Vào thế kỷ 7 TCN, thanh kiếm này đã bị đổ lỗi cho việc gây ra sức khỏe yếu kém cho một vị Nhật hoàng, và cái chết sau này của ông. Do đó, thanh kiếm Kusanagi đã được chuyển tới Điện Atsuta để được canh gác và bảo vệ.
Tác giả: Wu Mingren, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Xem thêm: